Hiệu ứng đội tuyển Việt Nam khi thi đấu tại địa phương
Các trận đấu quốc tế của đội tuyển Việt Nam được tổ chức tại các địa phương đều mang lại những hiệu ứng lớn. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng đáp ứng được cơ sở vật chất đúng tiêu chuẩn.
Năm 2015, Quảng Ninh từng đăng cai trận giao hữu quốc tế của U23 Việt Nam gặp U23 Myanmar. Đây là trận đấu nhằm chuẩn bị cho SEA Games diễn ra cùng năm. Trận đấu đã thu hút sự chú ý của đông đảo các khán giả đến sân Cẩm Phả. Một bầu không khí sôi động được tạo ra từ chính các ngôi sao của đội tuyển U23 Việt Nam được dẫn dắt bởi huấn luyện viên Miura thời điểm đó.
Năm 2016, Cần Thơ từng đăng cai trận giao hữu quốc tế của đội tuyển Việt Nam gặp câu lạc bộ Avispa Fukuoka (Nhật Bản). Đây cũng là trận đấu thu hút sự chú ý lớn của người dân địa phương. Một cơn sốt vé được tạo ra tại Cần Thơ. Người dân đã lấp kín khán đài sân Cần Thơ có sức chứa lên đến hơn 50.000 chỗ ngồi. Sân bóng có sức chứa còn lớn hơn cả sân Mỹ Đình.
Năm 2019, Phú Thọ từng đăng cai trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 Myanmar tại sân Việt Trì. Đây là trận đấu giao hữu nhằm chuẩn bị cho SEA Games diễn ra cùng năm. Trận đấu đã tạo ra một cơn sốt vé ở Phú Thọ. Sân vận động có sức chứa hơn 20.000 chỗ ngồi đã chật kín và bất chấp cơn mưa nặng hạt, các khán giả vẫn ở lại cổ vũ các ngôi sao đến phút cuối cùng.
Cuối năm 2020, đội tuyển Việt Nam đã tổ chức hai trận giao hữu với U22 tại Quảng Ninh và Phú Thọ. Đây là đợt tập trung duy nhất trong năm của thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài trước đó. Đặc biệt, đội tuyển Việt Nam đã tạo ra một cơn sốt bóng đá tại Phú Thọ. Thời điểm đó sân vận động Việt Trì đã không còn chỗ trống. Sân bóng có sức chứa gần 20.000 chỗ ngồi đã không thể đáp ứng nhu cầu của người dân Phú Thọ.
Hiệu ứng mà các cầu thủ tạo ra rất lớn khiến cho giá trị hình ảnh của đội tuyển Việt Nam cũng lên cao. Những trận đấu của đội tuyển quốc gia được đưa về các địa phương đã giúp cho các cầu thủ đến gần với người dân hơn. Đó cũng là việc tạo ra cú hích lớn cho những địa phương chưa có phong trào bóng đá chuyên nghiệp phát triển.
Ông Nguyễn Đắc Thuỷ - Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ sau trận đấu đã nói rằng, sự kiện mang đến nhiều ý nghĩa. Lâu lắm rồi Phú Thọ mới nhận được nhiều sự chú ý đến như vậy chỉ thông qua một trận bóng đá, điều này sẽ càng cổ vũ phong trào bóng đá nơi đây phát triển. Sau đó, Phú Thọ đã xin đăng cai một bảng đấu của môn bóng đá nam tại SEA Games 31 khi Hà Nội rút lui. Để có được quyền đăng cai các trận đấu quốc tế, Phú Thọ đã phải đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe.
Mới đây, thông tin Câu lạc bộ Hải Phòng mong muốn được xin đăng cai các trận đấu của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 nhận được nhiều sự chú ý. Trước đó, VFF đã chọn sân Mỹ Đình làm địa điểm tổ chức các trận đấu sân nhà của đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, chất lượng mặt sân cũng như cơ sở vật chất của sân vận động này đang là chủ đề tranh cãi.
Nhưng giữa việc muốn đăng cai và thực tế có thể được đăng cai tổ chức một trận đấu chính thức của đội tuyển Việt Nam ở giải quốc tế tại địa phương ngoài Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lại là vấn đề phải xem xét dựa trên nhiều yếu tố.
Theo quy định của FIFA và AFC, để đăng cai tổ chức một trận thi đấu quốc tế VFF cần đảm bảo các yếu tố cơ bản: Đầu tiên, địa điểm tổ chức cần có một sân vận động động đủ tiêu chuẩn kỹ thuật. Ngoài mặt cỏ đáp ứng chất lượng được FIFA, AFC kiểm tra thì phải đáp ứng đầy các phòng chức năng đạt tiêu chuẩn: phòng thay đồ, phòng họp kỹ thuật, phòng VAR, khu vực đỗ xe cho các lực lượng làm nhiệm vụ tổ chức trận đấu, hệ thống y tế, phòng cháy chữa cháy…
Ngoài ra, những yếu tố khác cần có là: địa phương tổ chức phải có sân bay quốc tế và thời gian di chuyển từ sân bay đến sân vận động cũng phải nằm trong quy định của ban tổ chức. Bên cạnh đó, các hệ thống khách sạn làm nơi lưu trú cho các đội bóng, thành viên ban tổ chức cũng phải đủ tiêu chuẩn 5 sao, gần địa điểm thi đấu.
Đối với các trận đấu tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á trong thời gian ảnh hưởng dịch COVID-19, các đội bóng quốc tế khi đến các quốc gia khác thi đấu cũng phải có kế hoạch hoạt động căn cứ vào quy định phòng, chống dịch khác nhau ở tuỳ từng địa điểm thi đấu.
Việc các địa phương mong muốn tổ chức các trận đấu của đội tuyển Việt Nam hướng đến phục vụ khán giả là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, bản thân các địa phương cần có phong trào bóng đá chuyên nghiệp phát triển và những điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng.
Đội tuyển Việt Nam cần xác định rõ mục tiêu
VFF xác định mục tiêu World Cup với tuyển Việt Nam là hướng tới năm 2026 khi giải đấu nâng số đội lên con số 48. Và vòng loại cuối World Cup với tuyển Việt Nam là giải đấu tích lũy kinh nghiệm, tiệm cận với những đối thủ hàng đầu châu lục hướng tới mục tiêu trong tương lai.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương nêu quan điểm: “Theo tôi, ông Park Hang-seo và VFF nên ngồi lại với nhau để xác định mục tiêu cụ thể của tuyển Việt Nam tại vòng loại cuối World Cup 2022 là gì. Bởi nhìn vào cái cách ông Park Hang-seo sử dụng các cầu thủ chưa đạt 100% phong độ, hay vẫn còn chấn thương thi đấu là điều khó hiểu. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sự nghiệp các cầu thủ, trong khi đó mục tiêu là không rõ ràng.
Còn nếu xác định chỉ cọ xát, tích lũy kinh nghiệm thì nên trao nhiều cơ hội cho các tân binh, những cầu thủ trẻ. Đây là một lợi thế cho tuyển Việt Nam với mục tiêu dài hơi khi có được lực lượng kế thừa tốt nhất. Nó vừa đảm bảo mục tiêu mà VFF và ông Park hướng tới, vừa trang bị kinh nghiệm cho những lớp cầu thủ kế cận và đảm bảo thể trạng cho những trụ cột đang chấn thương”.
Theo một thống kê mới nhất, 2 trận thua trước Saudi Arabia và Australia khiến cơ hội dự World Cup của đội tuyển Việt Nam chỉ có 0,28%, còn 1,36% cơ hội đá trận play-off và đến 98,36% khả năng bị loại. (H.H)