Chẳng kẻo khong khoen

10:03 14/11/2023

Một khi nói rằng, trong tiếng Việt không có từ "khong" ắt nhiều người đồng ý, bởi bản thân nó không có nghĩa chăng? Trong khi đó, với từ "không" ta lại thấy hàng loạt từ mang nhiều sắc thái khác nhau.

Nguyễn Công Trứ có câu thơ:

Đi không, há lẽ trở về không?

Cái nợ cầm thư phải trả xong.

 "Đi không" ở đây là đi thi, vì thế ta ngầm biết tác giả có đem theo lều chõng, trong đầu có trau giồi chữ nghĩa v.v… nhưng "không/ đi không" là đi với tư thế của người không có danh phận gì trong xã hội. Sau đó, nếu "về không" thì cũng vẫn như cũ, không gì khác trước, do đó, bằng mọi cách phải trả cho xong "cái nợ cầm thư/ nợ bút nghiên" để không "về không".

Tranh vẽ Kiều của họa sĩ Nguyễn Tường Lân (1942).

Trống không là từ đôi cùng có nghĩa, tách ra thành hai vế để tạo ra cách nói ấn tượng nhằm nhấn mạnh hơn nữa. Thí dụ, thời kháng chiến trước đây, có câu kêu gọi toàn dân tản cư theo chủ trương: "Vườn trống nhà không", vậy, ở đó không có nhà cửa gì? Không, trong "nhà không" là vẫn có nhà nhưng trong nhà không có gì để đối phương có thể sử dụng, tận dụng. Còn khi người mẹ bảo con: "Với bậc cha chú, con không được ăn nói trống không", lại hàm ý khi nói phải có sự thưa gửi lễ phép theo vai vế trên dưới.

Một khi bàn về từ "không", có lẽ cần nhắc đến "ăn không", thí dụ, ai đó bảo: "Thằng chả ỷ có quyền thế nên ăn không của người ta". Ăn ở đây là chỉ động tác bỏ vật gì đó vào mồm, nhai rồi nuốt? Có thể lắm, vì tục ngữ cũng có câu "Ăn không ngồi rồi", ta hiểu chỉ có ăn nhưng không có làm.

Thật lạ, khi ta thấy từ "ăn không" lại xuất hiện trong tục ngữ "Ăn không nói có" là ai đó vu khống, dựng chuyện, bịa đặt, chuyện không có lại nói có; tượng tự "Ăn đàng sóng, nói đàng gió" cùng loại với bọn "Ăn gian nói dối"… Cơn cớ làm sao từ "ăn/ ăn không" được sử dụng? Vì nếu nói dễ hiểu, muốn ai cũng hiểu, phải là "Chuyện không nói có" nhưng rồi người Việt lại dùng từ "ăn/ ăn không". Phải chăng, không riêng gì người Việt mà bất kỳ dân tộc nào cũng có cách nói "tróe ngoe", khó có thể phân tích rành mạch theo logic?

Rồi cũng thiệt cắc cớ với câu: "Thằng chả ỷ có quyền thế nên ăn không của người ta" lại hàm ý phê phán, chê cười "thằng chả" bằng thủ đoạn mà chiếm đoạt/ chiếm lấy cái gì đó đáng giá của thiên hạ mà không nhọc công tốn sức, không phải mua bán sòng phẳng - hoàn toàn không liên quan gì với các nghĩa "ăn không" vừa nêu.

Ở không là không có việc gì làm, như trường hợp A hỏi B: "Nay, bạn làm gì?". B đáp: "Ở không". Thế nhưng thằng chả "có quyền thế" là có công ăn việc làm kia mà? Đúng thế, "ở không" ở đây lại là ở một mình, chưa có đũa có đôi, vẫn là "lính phòng không", phòng không chiếc bóng, nói toẹt ra là chưa có người đầu ấp tay gối, vẫn năm canh vò võ một mình.

Có lúc muốn nhấn mạnh nhằm mục đích cãi lại hoặc phân bua, lẽ ra chỉ cần mỗi một từ "không" là đủ, nhưng không đâu, thí dụ: "Không không! Tôi đứng đầu bờ/ Mẹ con cái vạc đổ ngờ cho tôi". Ngờ là nghi ngờ rồi đổ/ trút mọi sự xuống đầu, thế thì oan ức quá, do đó phải hét/ gào lên "không không" thì mới đủ "đô".

Với từ "không", khi nói "không những thế", nếu cần cũng có thể đổi qua "Chẳng: Nghĩa như tiếng 'không' mà có ý quả quyết hơn: Chẳng cày lấy đâu ra thóc, chẳng học lấy đâu biết chữ (tục ngữ)" - theo “Việt Nam tự điển” (1931). Dù "không" và "chẳng" có thể hoán đổi cho nhau nhưng có lúc chưa chắc, thí dụ với cụm từ "cực chẳng đã"/ "cùng chẳng đã", ta hiểu là rơi vào trường hợp ngặt nghèo, bất đắc dĩ, cùng túng, cùng đường quá mức nên đành phải nghiến răng làm điều gì đó mà mình không muốn.

Nếu đã bàn, ắt phải nói thêm câu này nữa, ấy là, dù "chẳng đã" sờ sờ ra đó, nhưng ta hãy thử ghép với từ khác như ăn/ "ăn chẳng đã", "chơi chẳng đã" v.v,.. thì không thể hiểu như "cực chẳng đã" chỉ sự cùng cực tột cùng mà lại hàm nghĩa sự tình / sự việc chưa tới nơi tới chốn, chưa đâu vào đâu, chỉ mới lấp lửng, "lửng lơ con cá vàng"... Ăn/ chơi "chẳng đã" là còn thòm thèm, chưa đã, có khả năng tiếp tục nữa.

Rồi, một khi từ "chẳng" lại đi chung với "kẻo": "chẳng kẻo" mới rắc rối làm sao. Trong “Truyện Kiều” sử dụng cả thẩy 3 lần: "Xem gương trong bấy nhiêu ngày/ Thân con chẳng kẻo mắc tay bợm già"; "Kiếp xưa nay vụng đường tu/ Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi"; ta hãy dừng lại ở khổ thơ:

Nghĩ đi nghĩ lại một mình

Một mình thì chớ, hai tình thì sao?

Sau dầu sinh sự thế nào

Truy nguyên chẳng kẻo lụy vào song thân

Ấy là tâm trạng của nàng Kiều sa vào lầu xanh, "Phần căm nỗi khách, phần dơ nỗi mình", bèn "Cầm dao nàng đã toan bài quyên sinh". Nhưng rồi không thể. Vì rằng, mỗi một mình "thì chớ"/ thì thôi, không cần dù có chết cũng cam lòng nhưng còn "hai tình" là cha với mẹ thì sao? Biết đâu lúc truy tìm, xét đến nguồn gốc lại không khéo dính líu, liên lụy đến song thân. "Chẳng kẻo" là hiểu theo ý này. Sự kết hợp này quá độc đáo bởi "chẳng" cùng nghĩa với "không", còn "kẻo" theo “Việt Nam tự điển” (1931) giải thích: "E, không thế thì: Phải giữ gìn, kẻo nữa mang tiếng".

Từ định nghĩa "không thế thì", ta có thể dễ dàng hiểu rõ từ "kẻo" trong các câu như: "Anh ơi buông áo em ra/ Để em đi chợ kẻo mà chợ trưa", "Anh về trảy đậu hái cà/ Để em đi chợ kẻo mà lỡ phiên"… Từ "kẻo" này, được đặt vào tình huống: nếu không như thế, sợ rằng, e rằng sẽ dẫn đến một tình huống tồi tệ, ngoài ý muốn. Ta nhận ra với từ "kẻo", hàm ý mang tính dự phòng, dự liệu/ dự tính trước điều không hay gì đó vì chuyện kia sẽ kia xảy ra nếu làm chuyện này. Hiểu như thế, ta sẽ lý giải được các từ khác như kẻo nữa, kẻo mà, kẻo phải v.v…

Có điều cần suy nghĩ thêm, tôi nhận ra rằng, từ "kẻo" này, còn có thể hoán đổi qua từ "không". Thí dụ, "Anh ơi buông áo em ra/ Để em đi chợ không mà chợ trưa", thì "không" ở trong những tình huống này là nói tắt của "không khéo".

Vậy, khi "kẻo" kết hợp với "chẳng": "chẳng kẻo" nhằm mục đích gì? Là khẳng định một lần nữa, có tính nhấn mạnh hơn nữa. Có thể lắm, bởi ta có cách nói "thà/ chẳng thà", thử so sánh: "Thà rằng không biết thì thôi/ Biết rồi mỗi đứa mỗi nơi sao đành?"/ "Chẳng thà không biết thì thôi/ Biết rồi mỗi đứa mỗi nơi sao đành?"… Rõ ràng, dù sử dụng "thà" hay "chẳng thà" thì nghĩa vẫn không thay đổi, dù "chẳng thà" nhấn mạnh hơn "thà" cũng như "chẳng kẻo" chỉ mức độ cao hơn "kẻo".

Sự lắt léo khôn lường của tiếng Việt cực kỳ đa dạng, có nhiều cách thể hiện tùy theo cung bậc tình cảm của từng tình huống cụ thể, chứ không hề máy móc mang tính cố định. Trở lại với câu thơ Kiều:

Sau dầu sinh sự thế nào

Truy nguyên chẳng kẻo lụy vào song thân

“Từ điển Truyện Kiều” của Đào Duy Anh, “Truyện Kiều chú giải” của Văn Hạc đều giải thích: "Chẳng kẻo: Chẳng khỏi". Xét từ nghĩa của khổ thơ trên, chúng ta có thể thay đổi "chẳng kẻo" bằng "không khéo" chăng?

"Truy nguyên chẳng kẻo lụy vào song thân", chính là lúc nàng Kiều đã dự phòng điều không hay, nếu mình sử dụng "bài quyên sinh". Ở đây, không quả quyết mà đang trong tâm trạng phân vân tự hỏi, lưỡng lự, lường trước lường sau thể hiện qua các từ "chẳng kẻo"/ "chẳng khỏi". Bởi nếu làm như vậy, "không khéo" biết đâu sẽ bị, e bị… Hơn nữa, trong sự do dự ấy, nàng còn tính gần tính xa, dần dà dẫn đến tâm lý: "Nỗi mình âu cũng giãn dần", đã nguôi ngoai dần, chứ không còn "Giận duyên tủi phận bời bời" như trước đó. Chính vì thế, "bài quyên sinh" mới không diễn ra. Không diễn ra bởi nàng đã suy nghĩ rất chín/ chín chắn thể hiện qua từ "chẳng kẻo".

Còn với từ "khong" như đã nói là bản thân từ này không có nghĩa? Nếu có ắt nó phải "choàng vai bá cổ" với một từ khác, chẳng hạn, "khong khỏng" là cao lêu nghêu, lỏng khỏng. Ta còn thấy qua thơ của Nguyễn Trãi:

Khong khảy thái bình đời thịnh trị,

Nghiệp khai sáng tựa nghiệp trung hưng.

"Khong khảy" nghĩa là "Bộ thanh cảnh, phong lưu" (Đại Nam quấc âm tự vị -1895). Tóm lại, mỗi một từ "khong" là không có nghĩa? Nếu thế, ta hiểu ra làm sao với câu thơ trong áng văn chương cổ điển như: “Kẻ khong thịnh trị, người ca thái bình”(Thiên Nam ngữ lục), "Ngự khong: Này mới thiên duyên/ Ngọc Khanh nay đọ Ngọc Liên chi nhường" (Hoa Tiên)… Khong - chính là vay mượn từ "khoong" của Tày, Nùng nghĩa là "khen", “Từ điển từ cổ” (NXB Đà Nẵng-2001) của Vương Lộc cho biết.

Thêm một điều nữa, từ "khong" ở trong Nam còn hiểu là "khoen" - “Việt Nam tự điển” (1970) ghi nhận:  "Khong/ khoen: Vòng nhỏ kim loại để đeo tay. Vòng sắt để gài hay móc vào tay để nắm. Quầng thâm chung quanh mắt". Xét ra "cái vòng nhỏ đeo tay" ấy, chính là từ vay mượn Hán-Việt là "khuyên", mà cái khoen đó nhập vào tiếng lóng là khoẻn, ngoài ra còn gọi là khâu. Mà, từ khâu này “Từ điển Việt-Bồ-La” (1651) đã ghi nhận và giải thích như nay ta đã hiểu, có điều còn gọi là khêu/ khou.

Lê Minh Quốc

Theo ông Andrii Kovalenko, người đứng đầu Trung tâm chống thông tin sai lệch của Ukraine, quân đội Ukraine đã tấn công các lực lượng Nga theo nhiều hướng ở tỉnh Kursk. Chiến dịch của Ukraine nhắm vào làng Berdin, phía Đông Bắc thị trấn Sudzha, TASS hôm 5/1 đưa tin.

Dù đã liên tục phát đi cảnh báo song càng đến những ngày cuối năm, tình trạng lừa đảo công nghệ cao càng diễn biến phức tạp, cùng với đó số nạn nhân tiếp tục gia tăng ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Những chiêu lừa không mới như tuyển cộng tác viên online, thanh toán đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử hoặc các doanh nghiệp, đầu tư tài chính...

Theo Sở KH&ĐT TP Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn đang có đến 220 dự án tồn đọng, dừng thi công. Trong đó số dự án có vốn đầu tư công lên đến 161; dự án đầu tư bằng vốn tư nhân là 50 và có 9 dự án đầu tư theo hình thức PPP. Dự án đầu tư công chậm tiến độ kéo dài trên không chỉ khiến các công trình bị đội vốn rất lớn do trượt giá, chi phí bồi thường tăng cao, mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công. 

Thế giới đã bước sang năm mới 2025 nhưng vẫn đang đối mặt với nhiều nguy cơ gây mất an ninh, từ xung đột địa chính trị, khủng bố, đến thảm họa tự nhiên và các cuộc tấn công mạng. Những mối đe dọa này không chỉ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia mà còn đe dọa hòa bình và ổn định toàn cầu.

Đường dây do các đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc), cư trú trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh điều hành; hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng và lợi dụng không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người nước ngoài, rửa tiền thông qua mua bán ngoại tệ, tiền ảo, với số tiền đã chiếm đoạt lên đến 84 triệu USD, tương đương 2.000 tỷ đồng.

Thủ đô Hà Nội cùng với các tỉnh thành khác ở miền Bắc sáng sớm có sương mù, ngày nắng, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn, cảm giác hanh khô. Khu vực Nam Bộ thời tiết mưa dông được dự báo về chiều tối và đêm, ngày nắng.

Bộ Công an khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc ủng hộ vai trò trung tâm của Liên hợp quốc (LHQ) trong hệ thống quản trị toàn cầu, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, xây dựng trật tự thế giới dựa trên pháp luật quốc tế và Hiến chương LHQ; đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề toàn cầu, góp phần duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới.

Ngày 5/1, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vũ Thị Thảo (SN 1996, trú tại Lào Cai) và Lin Kai Yuan (SN 1985, quốc tịch Trung Quốc, trú tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc) về tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”; khởi tố bị can đối với Dương Thị Như Hồng (SN 2000, trú tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) về tội “Sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文