Kia
Mobifone

DANAFF và cơ hội là động lực phát triển công nghiệp điện ảnh

Chủ Nhật, 14/07/2024, 19:22

Liên hoan phim Châu Á - Đà Nẵng lần 2 (DANAFF II) mang lại một không khí mới, cởi mở và sáng tạo cho bộ môn nghệ thuật thứ 7 ở Việt Nam. Có 63 bộ phim của các quốc gia tham dự cùng với nhiều sự kiện điện ảnh hấp dẫn. Với nỗ lực kết nối trong nước và quốc tế từ những nhà tổ chức, hy vọng, DANAFF sẽ trở thành một liên hoan phim quan trọng trong khu vực, góp phần phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam.

1. DANAFF II mang đến nhiều bất ngờ ở số lượng và chất lượng phim tham dự cùng dàn giám khảo khách mời danh tiếng của châu Á và Việt Nam. Liên hoan đặc biệt chú trọng đến những tác phẩm điện ảnh xuất sắc, giàu tính nhân văn, có khám phá mới mẻ, nghệ thuật thể hiện độc đáo để khích lệ tài năng.

Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, Giám đốc DANAFF II khẳng định: “DANAFF cố gắng theo những chuẩn mực nhất định của quốc tế nhưng theo điều kiện, hoàn cảnh và phải mang bản sắc của Việt Nam. Qua mỗi kỳ Liên hoan phim, chúng tôi rất mong thông điệp DANAFF - Nhịp cầu châu Á sẽ tiếp tục càng ngày càng lan tỏa,  làm sâu sắc hơn và thực sự gắn với thương hiệu Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng”.

DANAFF II tuyển chọn những phim châu Á, phim Việt Nam dự thi mới mẻ và chất lượng, các phim chiếu trong hạng mục "Điện ảnh Việt Nam hôm nay" đa dạng và phong phú, các chương trình "Tiêu điểm điện ảnh Pháp" (với "Muôn vị nhân gian" của đạo diễn Trần Anh Hùng và phim chọn lọc của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh - "Hà Nội mùa đông 1946") đặc sắc và thú vị. Đặc biệt năm nay, hai bộ phim Việt có dấu ấn quốc tế là "Bên trong vỏ kén vàng" của đạo diễn Phạm Thiên Ân và "Cu li không bao giờ khóc" của Phạm Ngọc Lân đều góp mặt và được công chúng đón nhận. "Bên trong vỏ kén vàng" dành giải Camera vàng tại Liên hoan phim Cannes và "Cu li không bao giờ khóc" đoạt Giải Phim đầu tay hay nhất của Hiệp hội Quản lý bản quyền phim và truyền hình tại Liên hoan phim Berlin.

1.jpg -0
Giám đốc, nhà sản xuất phim Park Kwang Su.

DANAFF II còn có sự tham gia của dàn giám khảo danh tiếng như đạo diễn Đới Tư Kiệt, Quan Cẩm Bằng, nguyên Giám đốc Liên hoan phim quốc tế Berlin Meriette Rissenbeek, nhà sản xuất phim Georges Goldenstern…

Ngoài ra, ở hạng mục "Phim Việt Nam", việc các phim ăn khách thời gian qua như "Mai" (Trấn Thành), "Lật mặt 7: Một điều ước" (Lý Hải)… cùng tranh tài với những phim nghệ thuật khác cũng là điểm nhấn thú vị. Đạo diễn Leon Quang Lê là thành viên ban giám khảo hạng mục "Phim Việt Nam dự thi" (cùng với Chủ tịch Ban giám khảo Quan Cẩm Bằng, và nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, NSND Lê Khanh, Tổng thư ký Liên minh điện ảnh châu Á Lorna Tee) chia sẻ, DANAFF mới ra đời đã có được sự khích lệ và cái bắt tay của các liên hoan phim hàng đầu. Điều này cho thấy uy tín và nỗ lực của những người tổ chức. Còn bà Ngô Phương Lan hy vọng, DANAFF ngày càng phát triển hơn để  mang đến cơ hội để các nhà làm phim Việt Nam, nhất là các bạn trẻ được kết nối, học hỏi và đi ra thế giới. Về lâu dài, DANAFF được kỳ vọng sẽ trở thành một liên hoan quan trọng trong khu vực, thúc đẩy nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển.

2. Làm thế nào để DANAFF trở thành liên hoan phim quốc tế quan trọng trong khu vực? Đó là vấn đề được bàn thảo tại hội nghị bàn tròn "Chia sẻ kinh nghiệm kết nối các liên hoan phim bờ biển, cơ hội cho thành phố Đà Nẵng" trong khuôn khổ DANAFF. Các khách mời đến từ các liên hoan phim quốc tế uy tín - qua thực tiễn tổ chức và hoạt động - đã có những chia sẻ cho TP Đà Nẵng và DANAFF thành một liên hoan phim quốc tế quan trọng của khu vực.

Cựu Chủ tịch Kim Dong Ho - nhà sáng lập Liên hoan phim Busan, người kết nối điện ảnh Hàn Quốc với điện ảnh thế giới và tân Chủ tịch Park Kwang Su của liên hoan phim này; ông Georges Goldenstern - nguyên Giám đốc chương trình Cinefondation của Liên hoan phim Cannes; bà Mariette Rissenbeek - cựu Giám đốc Liên hoan phim Berlin; bà Lorna Tee - nhà sản xuất, Tổng thư ký Mạng lưới điện ảnh Châu Á đã chia sẻ câu chuyện về sự thành công của các liên hoan phim lớn trên thế giới như Busan, Liên hoan phim Cannes.

Thực tế, Liên hoan phim quốc tế Cannes tại Pháp hay Liên hoan phim quốc tế Busan - Hàn Quốc đều có lịch sử hình thành lâu đời và khẳng định được thành công, vị thế trong mạng lưới các Liên hoan phim quốc tế. Mô hình thành công này duy trì ảnh hưởng đối với nền công nghiệp điện ảnh, tạo nên thương hiệu cho địa phương, vùng và quốc gia; làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, thúc đẩy du lịch, kinh tế, giao lưu văn hóa.

Busan là thành phố đông dân thứ hai của Hàn Quốc (sau Seoul). Đây là trung tâm kinh tế, văn hóa và giáo dục của vùng Đông Nam Hàn Quốc, cảng - sầm uất nhất Hàn Quốc, là trung tâm tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao, thương mại và trung tâm khoa học về hải dương. Busan gia nhập các Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO với tư cách là một "thành phố điện ảnh" với liên hoan phim hàng năm nổi tiếng.

bu-i ra m-t chào m-ng liên hoan phim danaffii t-i ðà n-ng.jpg -0
Buổi ra mắt chào mừng Liên hoan phim DANAFF II tại Đà Nẵng.

Chia sẻ kinh nghiệm để xây dựng một "thương hiệu điện ảnh", một "thành phố điện ảnh" với một liên hoan phim còn non trẻ lần thứ hai được tổ chức, đạo diễn Park Kwang Su - Chủ tịch Liên hoan phim quốc tế Busan - cho biết, Liên hoan phim quốc tế Busan bắt đầu  từ năm 1996 với 5 người và phải tổ chức tại hai địa điểm cách xa nhau trong đó có bãi biển Haeundae sầm uất và thu hút đông đảo du khách, khán giả. Sau khi xây dựng được một cụm rạp quy mô thì Liên hoan phim Busan mới dừng chân cố định ở Haeundae. Liên hoan phim Busan đến nay có quy mô kinh phí khoảng 10 triệu USD, với khoảng 200.000 vé được bán ra. Cho tới nay, tại Busan, mỗi năm nhiều liên hoan phim được tổ chức, nhiều trường đào tạo điện ảnh, truyền thông đa phương tiện đã chuyển tới Busan và trở thành một liên hoan lớn nhất trong khu vực châu Á.

Tuy nhiên, các diễn giả nhấn mạnh, để có thành công hôm nay của Liên hoan phim Busan, họ nhận được nhiều sự hỗ trợ và đồng hành từ chính quyền. Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định di dời Học viện Điện ảnh Hàn Quốc đến Busan đồng thời ra quyết sách để xây dựng thương hiệu "Thành phố điện ảnh" cho Busan. Tổng chi phí để tổ chức Liên hoan phim Busan lúc đó khoảng 2,2 triệu USD nhưng ban tổ chức chỉ được chính quyền địa phương hỗ trợ 300.000 USD. Hiện nay, tổng chi phí là 22 triệu USD, chính quyền hỗ trợ 6 triệu USD.

Ông cũng nhấn mạnh, và có lẽ đây cũng là vấn đề mà Việt Nam cần học hỏi đó là Liên hoan phim Busan đã hướng đến việc "tìm kiếm những phim quốc tế hay và hỗ trợ các nhà làm phim trẻ của Hàn Quốc nói riêng và thế giới nói chung". Họ đã tạo ra một thị trường sản phẩm, lập quỹ điện ảnh hỗ trợ các tài năng trẻ. Điều này là lý do quan trọng dẫn đến sự thành công của Liên hoan phim Busan.

Ngoài ra, họ còn chú trọng nâng cao trình độ thưởng thức cho khán giả bởi khán giả là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại của một bộ phim.

Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức một liên hoan phim non trẻ, nhà sản xuất Lorna Tee - Tổng thư ký mạng lưới điện ảnh châu Á (AFAN), đồng sáng lập và điều hành Liên hoan phim quốc tế Macao (Trung Quốc) đánh giá ngành công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển. Và "sự phát triển của liên hoan phim phải phát triển song hành với sự phát triển của ngành công nghiệp phim".

Theo bà Lorna, Liên hoan phim Đà Nẵng nên hướng tới tìm kiếm những tiếng nói mới trong điện ảnh, đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà sản xuất, nhà làm phim; hợp tác với các đại học, khách sạn, ngân hàng… Ngoài ra cũng cần chiến lược đào tạo các tài năng trẻ cũng như đội ngũ khán giả - những việc này đều cần nhiều thời gian và chính sách hỗ trợ của nhà quản lý.

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam - Đà Nẵng đang xây dựng đề án các thành phố sáng tạo của UNSECO, vì vậy "nếu có tầm nhìn dài hạn, Đà Nẵng có thể thành một phiên bản của Busan nhưng mang bản sắc của Đà Nẵng".

Mỹ Trân

.
.