Khái Hưng từ vị trí “Nửa chừng xuân”

11:44 04/01/2022

Xã hội hiện đại hôm nay có thể không còn dị nghị lời ra tiếng vào với những phụ nữ quyết định làm “mẹ đơn thân”. Nhưng để có lựa chọn bản lĩnh và chủ động ấy, thật ra, cần một lộ trình dài hơi, không ngừng táo bạo và cởi mở của lịch sử, văn hóa và bối cảnh xã hội.

Văn chương, theo cách riêng của mình, cũng khiến lộ trình này thêm phần kịch tính, thậm chí có khi tạo ra bước ngoặt. Văn sĩ Khái Hưng, nói không quá lời, là người đã tạo ra bước ngoặt đó, người khiến công chúng văn chương và xã hội phải lắng nghe mình, trước tiên và cao trào nhất, nhờ sự kiến tạo kiểu nhân vật “mẹ đơn thân” giữa lúc chẳng mấy ai nghĩ rằng đó sẽ là thực tế không hề hiếm sau gần một trăm năm.

1. “Nửa chừng xuân”, tiểu thuyết của Khái Hưng, xuất hiện lần đầu trên tuần báo Phong Hóa số 36 (ra ngày 3-3-1933), kéo dài đến số 63 (ra ngày 8-9-1933). Cũng trên Phong Hóa, sau khi đăng quảng cáo “Nửa chừng xuân (Đời cô Mai) sẽ bắt đầu bán vào quãng tết” (số 80, 5-1-1934) thì đến số 86 (23-2-1934), Tựa “Nửa chừng xuân” của Nhất Linh đã xuất hiện ngay ở trang hai. Nhắc lại như thế để hình dung rõ hơn về những diễn biến dồn dập, sinh động và đầy hiệu quả liên quan đến tiểu thuyết “Nửa chừng xuân”, và rộng hơn, đến “cặp đôi” Khái Hưng - Nhất Linh trên Phong Hóa, cơ quan ngôn luận của Tự lực văn đoàn mà hai ông là thành viên chủ chốt.

Khái Hưng (1896-1947) điển hình cho thế hệ chuyển đổi từ Nho học sang Tây học, một kiểu trí thức duy tân chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực văn hóa văn chương. Xuất thân trong gia đình quan lại ở Cổ Am (Vĩnh Bảo, Hải Phòng), Khái Hưng được học chữ Hán từ nhỏ nhưng rồi, cùng với những thay đổi mạnh mẽ của thời cuộc, ông chuyển sang học chữ Pháp ở trường Paul Pert. Sau thất bại trong công việc mở đại lý bán dầu hỏa, đầu thập niên 1930, Khái Hưng lên Hà Nội dạy học ở trường Tư thục Thăng Long và trở nên thân thiết với đồng nghiệp Nhất Linh Nguyễn Trường Tam. Từ đây, Khái Hưng - Nhất Linh nhanh chóng tạo thành một sự kết hợp đặc biệt mà nhờ nó, Tự lực văn đoàn ra đời, phát triển thành nhóm văn chương quan trọng nhất của giai đoạn hiện đại hóa văn học Việt Nam.

Khái Hưng có một sự nghiệp văn học lớn, quan trọng mà đến nay, trong hầu hết tất cả các giáo trình, công trình, tài liệu nghiên cứu, viết về ông, bởi nhiều lí do khác nhau, vẫn chưa khái quát, đánh giá, hệ thống hóa một cách đầy đủ nhất. Tạm dừng lại chặng Khái Hưng năng nổ và tựu thành nhất (với sự cổ vũ không hề nhỏ của anh em nhà Nguyễn Tường trong Tự lực văn đoàn), ta có thể nhắc đến các tác phẩm: “Hồn bướm mơ tiên” (1933), “Nửa chừng xuân” (1934), “Anh phải sống” (viết chung với Nhất Linh và Hoàng Đạo, 1934), “Gánh hàng hoa” (viết chung với Nhất Linh, 1934), “Tiêu sơn tráng sĩ” (đăng báo 1934), “Đời mưa gió” (viết chung với Nhất Linh, 1935), “Tiếng suối reo” (tập truyện, 1935), “Dọc đường gió bụi” (tập truyện, 1936), “Trống Mái” (tiểu thuyết, 1936), “Tục lụy” (kịch, 1937), “Gia đình” (tiểu thuyết, 1937), “Thoát ly” (tiểu thuyết, 1938), “Đợi chờ” (tập truyện, 1939), “Hạnh” (tập truyện, 1940), “Thừa tự” (tiểu thuyết, 1940), “Đẹp” (tiểu thuyết, 1941), “Đồng bệnh” (kịch, 1942), “Thanh Đức” (tên gọi phổ biến hơn là “Băn khoăn”, tiểu thuyết, 1943), “Cái ve” (tập truyện, 1944)…

“Nửa chừng xuân” nằm ở điểm khởi động của giai đoạn Khái Hưng bùng nổ. Sau “Hồn bướm mơ tiên”, “Nửa chừng xuân” là cuốn tiểu thuyết gây tiếng vang lớn, một hiện tượng “sách bán chạy” vào thời kì đó. Cuốn sách cũng đi theo mô hình đăng báo rồi sách rất phổ biến của Tự lực văn đoàn. Ngay khi kết thúc đăng nhiều kì trên Phong Hóa, “Nửa chừng xuân” được in ở An Nam xuất bản cục (tiền thân của Nhà xuất bản Đời Nay nổi tiếng về sau). Ngày 25-5-1934, Phong Hóa đăng thông cáo cho biết “Bắt đầu từ nay, Tự  lực văn đoàn đặt giải thưởng hằng năm để tặng những tác phẩm (tiểu thuyết, phóng sự, khảo luận, thi ca, kịch, sử ký…) có giá trị và hợp tôn chỉ của đoàn.

Giải thưởng năm 1935 sẽ tặng riêng tiểu thuyết: Giải nhất: 100 đồng; Giải nhì: 50 đồng. Tiền thưởng này lấy ở tiền lãi cuốn “Nửa chừng xuân” mà ông Khái Hưng đã biếu Tự lực văn đoàn. Nếu bán hết “Nửa chừng xuân” thì đủ tiền đặt giải thưởng trong bốn, năm năm, mỗi năm hai giải thưởng như trên”. Thông cáo này không chỉ là mánh lới quảng cáo ngầm “Nửa chừng xuân” mà còn cho thấy các yếu nhân của Tự lực văn đoàn tin vào thắng lợi tất yếu trên thị trường văn chương của cuốn tiểu thuyết này. Tại sao “Nửa chừng xuân” lại có khả năng đó?

Minh họa "Nửa chừng xuân" trên báo Phong Hóa.

2. Có thể nói “Nửa chừng xuân” đã báo hiệu những tiếng nói dữ dội, dứt khoát hơn trong việc biểu dương cái mới và triệt tiêu cái hủ tục, lạc hậu mà Tự lực văn đoàn đang ngày một quyết liệt cả trong văn chương lẫn những hoạt động thực tế. “Đời cô Mai” tạo tiền lệ cho “Đời cô Loan” (Đoạn tuyệt, 1936) dệt nên một trong những câu chuyện dữ dội, lạ lùng bậc nhất của văn học Việt Nam hiện đại: phụ nữ sẵn sàng chấm dứt những trói buộc hôn nhân môn đăng hộ đối, để tự định đoạt lấy cách hạnh phúc và giá trị của mình. Đây là một cuộc đấu tranh giữa cũ – mới và là cuộc đấu tranh bởi người nữ.

Tình thế người phụ nữ trực tiếp tham gia hoán cải môi trường sống, đương nhiên, sẽ làm mất mặt xã hội đạo đức kiểu Nho giáo và dự báo trước những chông gai, biến cố khó lường. Là hiện thân của “gái mới”, Mai không chỉ biết cách ăn vận “quần trắng áo màu trông có vẻ đẹp lộng lẫy […] ở quê ra tỉnh mới hơn một năm, nàng đã phục sức được hệt một thiếu nữ tân thời” mà đáng kể hơn, Mai còn có học thức, “rất thông minh”, “biết yêu người ở ngoài vòng lễ nghi”, luôn có chủ kiến trong mọi việc. Và đặc biệt, trong và sau cuộc tình với Lộc, Mai không hề nhượng bộ trước đòi hỏi vô lý của lề lối đạo đức cũ. Trên Phong Hóa, Nhất Linh nêu ra một so sánh để khẳng định điểm riêng mới của “Nửa chừng xuân”: “Bọn trẻ, nhất là về phái yếu, đương ở vào thời kì náo nức ham sống, sống một cách hoàn toàn sung sướng, nếu gặp sự cản trở về đường tình ái, tất nhiên là thất vọng, chán nản […] Cô Mai trong “Nửa chừng xuân” cũng thất vọng nhưng cô khẳng khái không chịu khuất phục bằng cách quyên sinh, cũng không chịu khuất phục bằng cách trở về cái cũ - việc mà cô có thể làm được, cô cứ cứng cỏi mà sống yên lặng không than vãn, vui lòng hy sinh hạnh phúc ở đời” (Phong Hóa số 86, ra ngày 23-2-1934). Như vậy, sức hấp dẫn, đắt hàng của “Nửa chừng xuân” là bởi đã đáp ứng rất đích đáng những “đơn hàng” khẩn thiết của số đông đang hướng theo lối sống mới, đoạn tuyệt với đời cũ.

Để đoạn tuyệt với đời cũ, Khái Hưng và Tự lực văn đoàn cũng phải xuất phát từ quy luật vận động tạo lập giá trị mới. Khát khao cách tân văn hóa đồng nghĩa với quá trình khắc phục, chối bỏ những giá trị cũ đã tồn tại đến mức bảo thủ. Để làm được điều này, ít nhất họ phải dựa trên hai nền tảng: Thứ nhất là nhận thức mang tính triết học về vai trò con người cá nhân. Thứ hai là nhu cầu thẩm mỹ, tìm kiếm những cái đẹp mới, trong đó có thẩm mỹ văn chương. Ở điểm thứ hai này, ta nhận ra xu hướng chống lại quan niệm về tiêu chuẩn uyên bác trong văn chương trung đại, hướng tới việc phá vỡ tính chất đăng đối (mà đối ngẫu trong tổ chức văn xuôi là biểu hiện rõ nhất), giải phóng ngôn ngữ ra khỏi tính chất kinh viện.

Một cách thức quảng bá "Nửa chừng xuân" rất đáng để văn đàn hôm nay học theo!

Với Khái Hưng, bởi có năng khiếu hội họa, ông đã chuyển hóa cái nhìn họa sĩ trong từng câu văn miêu tả thiên nhiên lẫn tâm trạng. Trong khi miêu tả tâm trạng, Khái Hưng thường đưa lời bình luận trực tiếp của người kể chuyện. Hệ thống nhân vật trong “Nửa chừng xuân” đi theo trục bổ đôi ngay từ đầu: một tiêu biểu cho lối sống mới, hướng đến tự do hôn nhân, tự lập thân (Mai); một đại diện cho lề thói đạo đức cũ, coi trọng môn đăng hộ đối, ép buộc con cái sống theo khuôn mẫu gia phong lạc hậu, bất nhân (bà án, Lộc).

Thông qua trục đối thoại, xung đột cũ - mới càng hiện lên rõ nét, những khát vọng và sức sống mạnh mẽ của lớp người trẻ như Mai, Huy sẽ được đề cao trong khi nếp nghĩ cũ kĩ, trái khoáy của Lộc, bà án sẽ bị lật mặt giả dối. Trên đà tiến của xã hội đang từng ngày canh tân, toàn bộ “Nửa chừng xuân” là một cuộc đối thoại lớn với thời đại, với thế hệ còn bám víu những luật lệ cũ. Đứng đằng sau chuyển biến đó, như Khái Hưng nhận định, chính là nền giáo dục mới, “một nền giáo dục có thể gọi là lãng mạn”. Chấp nhận trạng thái “nửa chừng xuân” (theo ngôn ngữ hiện nay chính là “mẹ đơn thân”) để tiếp tục sống cảnh tự do, tự trọng và tự lập, Mai là một hình mẫu lý tưởng để những người trẻ đương thời nhận diện và vươn tới. Dĩ nhiên, nó quá khó.

3. Trong số những tiếp nhận đầu tiên về “Nửa chừng xuân”, cũng đã có độc giả tập trung nhận diện lối viết, ngôn từ của Khái Hưng. Độc giả Tế Xuyên cho rằng Khái Hưng chịu ảnh hưởng của J. Rousseau lẫn G. Sand và tỏ ra “thích lối văn giản dị, êm đềm”. Cùng quan điểm, độc giả N. T. Luật nhận định: “Văn ông hơn người ở chỗ bình dị, trôi chảy, không dùng khóe văn vụn vặt, không khoe chữ như các ông văn sĩ khác”.

Những phát hiện tinh tế, chính xác của độc giả đương thời không chỉ đúng với “Nửa chừng xuân” mà dường như cũng khá chuẩn xác với văn chương Khái Hưng. Lối viết nhẹ nhàng nhưng đa dạng góc nhìn tâm lý của Khái Hưng sẽ là sự bổ sung cần thiết cho sự dữ dội, quyết liệt của Nhất Linh. Trong ý nghĩa đó, nhìn lại Tự lực văn đoàn, người xứng đáng với danh hiệu tiểu thuyết gia nhất, người có công xây dựng thể loại tiểu thuyết Việt Nam hiện đại chắc chắn phải là Khái Hưng.

Mai Anh Tuấn

Chiều 8/5, một phụ huynh của Trường Mầm non Việt Úc (đường Trần Việt Châu, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) dẫn con đến Văn phòng Thường trú Báo CAND khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trình bày về việc con mình bị cô giáo chủ nhiệm đánh. Đáng chú ý, sau khi phụ huynh phản ánh vụ việc đến cơ quan chức năng, thì có 2 người đàn ông lạ mặt, xăm trổ tìm đến nhà đề nghị gia đình rút đơn.

Với nghĩa cử cao đẹp “giọt máu cho đi – cuộc đời ở lại”, Thượng úy Biện Thanh Sơn, cán bộ Đội CSGT trật tự Công an TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) góp phần làm đẹp hơn hình ảnh người cán bộ CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

Một trong những yêu cầu mà Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đặt ra đối với các Phòng GD&ĐT là rà soát, kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm nếu có tình trạng định hướng cho một số học sinh lớp 9 có kết quả học tập chưa cao không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025. 

Ngày 8/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang cho biết đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét nơi ở đối với Hoàng Thị Nga (SN 1975, trú khóm Vĩnh Thành, thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Công an phường Gia Hội (TP Huế) đã nhanh chóng xác minh, làm rõ người chuyển nhầm là anh Trần Đức Minh (SN 1991, trú phường Gia Hội). Ngay sau khi xác minh làm rõ, Công an phường Gia Hội đã mời anh Minh đến trụ sở và tiến hành các thủ tục trao trả lại số tiền 160 triệu đồng…

Cửu đỉnh là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp… Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh cũng đã lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.

Hoàng Văn Đức và Hà Thúc Nhật đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 1,578 tỷ đồng, trong đó 6 gói thầu thiệt hại trên 100 triệu đồng với tổng giá trị 1,477 tỷ đồng… Sau khi thanh lý hợp đồng, các nhà thầu trích lại 2-3% giá trị hợp đồng và Đức đã giao Nhật quản lý số tiền trên.

Ngày 8/5, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Chu Vũ Nam (SN 1986, cựu Phó trưởng Phòng vật tư, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Hà Nội) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Nam được xác định đã làm trái quy định gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 1,7 tỷ đồng. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文