Nguyễn Ngọc Tư từ góc nhìn văn hóa

08:49 30/10/2024

Năm 2018, Nguyễn Ngọc Tư nhận giải thưởng LiBeraturpreis của Đức tổ chức tại Hội chợ sách Frankfurt. Mới đây, truyện ngắn “Những biển” của chị được trao giải thưởng “Văn học Đông Nam Á xuất sắc nhất năm 2024” do Tạp chí Văn học Điền Trì (Trung Quốc) tuyển chọn. Chị cũng là một trong số ít những nhà văn đương đại Việt Nam được vinh danh tại nước ngoài.

Nguyễn Ngọc Tư với những câu chuyện đậm màu sắc Nam Bộ của mình đã góp phần đưa văn chương Việt Nam bước ra thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang xóa dần những dấu vết văn hóa của các quốc gia, dân tộc để hướng tới những hình ảnh văn hóa chung mang tính toàn cầu, những sáng tác văn chương của Nguyễn Ngọc Tư không chỉ là niềm hoài nhớ về đất và người Tây Nam Bộ, mà còn góp phần giữ lại những đặc trưng văn hóa, tâm hồn có thể đã mai một hoặc sẽ hoàn toàn biến mất trong một tương lai không xa.

Những tiếng “thì thầm” về phận người

Trong diễn từ nhận giải thưởng LiBeraturpreis của Đức, Nguyễn Ngọc Tư chia sẻ: Chị thường nghe thấy rất nhiều những câu chuyện khác nhau, những tiếng thì thầm thôi thúc chị kể chuyện bằng ngòi bút: “Hãy kể câu chuyện này, nó là của bạn. Một khi lời thì thầm cất tiếng, tôi không còn bối rối bởi những ồn ã chung quanh. Những hứa hẹn và dọa dẫm. Tán thưởng và ghét bỏ. Ảo tưởng và mặc cảm. Yêu thương và đố kỵ. Chúng có thể vang động, gây choáng váng vào một vài giây phút nào đó, rồi lời thì thầm kia về lại với tôi, chỉ để nói hãy viết câu chuyện thuộc về tôi. Nó xua sợ hãi, và làm tôi quên mất những cái bóng vĩ đại trên đầu mình. Hãy kể câu chuyện này ra, bởi bạn là nhà văn, đó là việc bạn phải làm, duy nhất. Và đó là thứ duy nhất làm nên một thế đứng kiêu hãnh, cho người viết”.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Thôi thúc nhà văn viết chính là những câu chuyện nhỏ bé về cuộc sống con người trong dòng đời nhiều bão giông và lốc xoáy. Niềm tin mãnh liệt của Nguyễn Ngọc Tư nằm ở chỗ dù viết về những số phận khác nhau, những con người khác nhau nhưng đã là con người thì không thể nào xa lạ với con người. Vì vậy, Nguyễn Ngọc Tư thường kể chuyện về những con người nhỏ bé, đôi khi vô danh như hạt bụi, đặc biệt là những con người miền Tây gắn liền với nơi chị sinh ra và lớn lên. Thông qua truyện ngắn, Nguyễn Ngọc Tư đã hữu hình hóa “những tiếng thì thầm” của những phận người khác nhau vẫn thôi thúc sẻ chia, ám ảnh và “đòi” chị lên tiếng.

“Ngọn đèn không tắt”, tập truyện ngắn đầu tay xuất bản năm 2000 của Nguyễn Ngọc Tư kể về “tiếng thì thầm” của những con người sống trên đất Hòn, hào sảng, tốt bụng, chân tình, một lòng tin tưởng Cách mạng và muốn duy trì ngọn lửa Cách mạng cho thế hệ cháu con. Từ năm 2000 đến nay (2024), Nguyễn Ngọc Tư vẫn miệt mài kể chuyện qua những tập truyện ngắn, tản văn, tạp văn khác nhau mà gần nhất tập tản văn “Hong tay khói lạnh” và tập truyện ngắn “Trôi”. Như vậy, đã hơn 20 năm, Nguyễn Ngọc Tư cúi xuống lắng nghe và miệt mài kể những câu chuyện về thân phận con người, những câu chuyện thuộc về chị, chị cần kể lại từ thôi thúc nội tâm đồng thời cũng là một sứ mệnh tất yếu của người viết.

Ra đời năm 2000, tập truyện ngắn đầu tay “Ngọn đèn không tắt” của Nguyễn Ngọc Tư nhanh chóng giành giải nhất Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi hai mươi do Báo Tiền phong tổ chức. Sau đó, tác phẩm này nhận thêm Tặng thưởng dành cho tác giả trẻ Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội văn học - nghệ thuật Việt Nam, Giải B của Hội Nhà văn Việt Nam. Tập truyện với 12 truyện ngắn giản dị đã mở ra những phác thảo về vùng đất, con người miền Tây Nam Bộ đậm nghĩa, nặng tình, chân thật, hào sảng và gắn bó với cách mạng, với quá khứ đấu tranh anh dũng của thế hệ cha anh.

Niềm tự hào về truyền thống Cách mạng được neo giữ qua những câu chuyện kể, được chuyển tiếp từ hế hệ trước tới thế hệ sau  như hình ảnh “ngọn đèn không tắt” trên đất Hòn trong tác phẩm cùng tên. Thành công của “Ngọn đèn không tắt” cũng cho thấy sở trường của Nguyễn Ngọc Tư là ở thể loại truyện ngắn dù sau này chị còn thử sức ở nhiều thể loại khác nhau. Ở tập truyện đầu tay này, dù giành giải nhất nhưng có thể thấy Nguyễn Ngọc Tư sử dụng những cốt truyện đơn giản, tính cách nhân vật chủ yếu được thể hiện qua hành động, lời nói, thông điệp của mỗi truyện ngắn sáng rõ, dễ nhận diện.

Sau “Ngọn đèn không tắt” là những tập truyện ngắn khẳng định sở trường của Nguyễn Ngọc Tư: “Ông ngoại” (2001), “Giao thừa” (2003), “Biển người mênh mông” (2003), “Cánh đồng bất tận” (2005), “Khói trời lộng lẫy” (2010), “Không ai qua sông” (2016), “Cố định một đám mây” (2018)….

Những tập truyện ngắn đều đặn ra mắt bạn đọc từ năm 2000 đến năm 2018 trong đó có những tập truyện đẹp như những viên ngọc quý như “Cánh đồng bất tận”, “Gió lẻ”, “Khói trời lộng lẫy” đã xác lập vị trí riêng của Nguyễn Ngọc Tư trong dòng chảy văn chương đương đại.

Các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Đưa văn chương Việt ra thế giới

Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư như mạch nước ngầm bền bỉ chinh phục bạn đọc qua “những tiếng thì thầm” về đời sống cá nhân nhỏ nhoi, vô danh nhưng chính là những giọt nước tạo nên biển cả của “Biển người mênh mông” (tên một sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư). Trong số đó, tác phẩm xuất sắc nhất không chỉ khẳng định vị trí của Nguyễn Ngọc Tư trong nước mà còn góp phần đưa văn chương Việt Nam bước ra thế giới là “Cánh đồng bất tận”.

Câu chuyện về cha con người chăn vịt trên những cánh đồng khô cháy, trong lốc xoáy của đời sống đã mở ra trước mắt người đọc nỗi đau không đáy của những phận người nhỏ bé, vô danh đã mang tới cho Nguyễn Ngọc Tư cả tai ương và những giải thưởng danh giá trong cũng như ngoài nước.

“Cánh đồng bất tận” nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2006,  Giải thưởng Văn học Asean 2008 tại Thái Lan. Năm 2010, truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” đã được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình...

Năm 2023, Nguyễn Ngọc Tư xuất bản tập truyện ngắn “Trôi”, đây là sáng tác mới nhất của nhà văn với thể loại truyện ngắn. “Trôi” là tập truyện không dễ đọc, khó nắm bắt bởi mỗi truyện ngắn ghi lại một lát cắt đời sống, một khoảnh khắc nào đó trong cuộc đời mỗi con người.

Truyện ngắn “Trôi” cũng không viết về một số phận cụ thể nào đó mà miêu tả lướt qua những cuộc trôi khác nhau của đủ gương mặt, giới tính, tuổi tác khác nhau của những cư dân trên một cù lao không tên. Chuyện đất sạt lở, sụt lún, cù lao tan rã được kể qua giọng văn tưng tửng, bình thản, xem mỗi cái chết như một cuộc trôi ra biển nước theo những cách khác nhau. Truyện ngắn như một camera hành trình quay lại trung thực cách trôi của trẻ em, người già, đàn ông, đàn bà, bố, mẹ, vợ chồng, con cái… ra biển. Dưới ống kính không cảm xúc ấy, người đọc đối diện với hiện thực khắc nghiệt của biến đổi khí hậu, của môi trường bị tàn phá xâm hại và việc con người phải trả bằng chính mạng sống của mình. Kèm theo cuộc trôi của mỗi người là mái nhà, chái bếp, là muôn nỗi niềm từ đây sẽ lặng tiếng, vắng hình.

Truyện không có mở đầu cũng không có cao trào hay kết thúc, không rõ nhân vật cụ thể, không có thông điệp rõ ràng nào được gửi gắm… Tác phẩm có lẽ là một phá cách, một thử nghiệm mới của Nguyễn Ngọc Tư khi muốn tái hiện sự không thể nắm bắt, luôn vận động trong trạng thái vỡ vụn, thay đổi và biến mất của đời sống đương đại.

Hầu hết các truyện ngắn như “Giữa đây và kia”, “Khởi đầu của gió”, “Giữa vật chất này”, “Đong đưa trong kén”… trong tập “Trôi” đều hướng tới việc trình hiện một hiện thực đương đại liên tục biến thiên và bị phá vỡ, ở đó, con người không biết bám víu vào bất cứ điểm tựa nào và bắt buộc gia nhập cuộc “trôi” miên viễn như một tất yếu không thể khác.

 “Giữa đây và kia” kể chuyện một nhân vật luôn dán mắt vào màn hình điện thoại để theo dõi “bụi lục bình được ông kĩ sư gàn dở buộc một định vị kiêm máy quay hành trình”. Dõi theo bụi lục bình, nhân vật thấy được những cuộc trôi và rơi khác nhau xuống lòng sông. Những hình ảnh máy quay từ bụi lục bình đưa tới cộng hưởng với những hình ảnh “được người ta ghi lại từ những máy quay hành trình hoặc cố định hoặc di động”, cùng với việc chứng kiến “cú rơi của đứa nhỏ mười bốn tuổi” ở trung tâm Anh ngữ mà nhân vật làm bảo vệ đã tái hiện bức tranh toàn cảnh về việc người ta có thể và không thể nắm bất bất cứ điều gì trong tầm tay.

Những thiết bị tối tân có thể ghi lại mọi khoảnh khắc của con người nhưng không thể nào nắm bắt và níu giữ những phận người, đó có lẽ là thông điệp mà Nguyễn Ngọc Tư muốn gửi tới người đọc qua truyện ngắn này. Khó có thể đọc cả tập truyện “Trôi” theo cách đọc truyền thống bởi tác phẩm đã vượt ra khỏi lối viết quen thuộc của Nguyễn Ngọc Tư, hướng tới những ẩn dụ mới, kích thích suy tư, trí tuệ và cảm xúc của bạn đọc đương đại để dấn thân vào cuộc “trôi” cùng khám phá tác phẩm với nhà văn.

Hương Mộc

Ngày 31/12, Công an TP Hải Phòng tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai chương trình công tác năm 2025. Đến dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an; Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cùng đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an và lãnh đạo TP Hải Phòng.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Quảng Nam đã tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT). Trước dự báo tình hình TTATGT trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, lưu lượng phương tiện tăng cao đột biến, Công an tỉnh Quảng Nam đã chủ động triển khai đợt cao điểm bảo đảm TTATGT trên các tuyến giao thông.

Khoảng 14h30 ngày 31/12, tàu Cảnh sát biển 8005, Hải đoàn 32, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã đưa 5 thuyền viên tàu cá CM 46799A gặp nạn trên biển về đến cảng Hải đội 301 (TP Vũng Tàu) an toàn. Sức khỏe của các thuyền viên ổn định và được bàn giao cho cơ quan chức năng theo đúng quy định của pháp luật.

Tham gia vào đường dây ma túy của bà trùm Vũ Hoàng Oanh (tức Oanh “Hà”), các đối tượng đều đã lường trước, đoán định được kết cục nghiệt ngã, nhưng sức mạnh đồng tiền cùng vòng xoáy của “cái chết trắng” như ma lực cuốn hút lấy tâm trí và suy nghĩ khiến họ không buông tay, từ bỏ…

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) sẽ nghiên cứu thành công của 2 concert “Anh trai” – “Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai”, từ đó có những giải pháp thích hợp để phát triển công nghiệp văn hoá trong thời gian tới.

Ngày 31/12, TAND tỉnh An Giang mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với 2 bị cáo: Trương Thái Nguyên (SN 1980) và Trương Văn Liêm (SN 1966, đều trú tại khóm 5, phường Châu Phú A, TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) cùng về tội “Trốn thuế”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文