Nhớ… chuột

09:13 08/03/2025

Năm ấy, rét quắt tai. Nghe Mai Linh ới, vù đến. Đã thấy Nguyễn Duy, Mai Linh và vài gã nữa. Thi sĩ Nguyễn Duy thì ối người rành. Nhà thơ Mai Linh, chuyên viên có cỡ của Bộ Văn hóa, lại là Tổng Biên tập nhiều tờ báo? Những tưởng đến để nghe tiếp việc bàn sự kiện Mai Linh (chẳng hay là mua hay gạ xin Nguyễn Duy bộ thư pháp Thiền?).

Nhưng ngó quanh mà chẳng thấy ấn phẩm thư pháp Thiền? Chỉ thấy Nguyễn Duy, Mai Linh cùng mấy văn nhân nữa đang rượu trắng suông mà cự cãi om cả lên về… châu chấu với cào cào! Thì ra các lão đang bàn đến món… châu chấu.

Cứ theo Nguyễn Duy thì châu chấu dùng cái dậm (xứ Thanh gọi là dặm) vợt ở ngoài ruộng. Mang về nấu nước sôi dội từ từ. Mở hom giỏ ra, nhặt bỏ cánh và râu ria,  rang khô với lá chanh thì mới đúng kiểu. Còn Mai Linh và hai lão nữa thuộc trường phái không dùng nước sôi mà chảo mỡ đặt sẵn khéo tay quẳng vào từng vốc. Thực khách nhón cái thứ hôi hổi ấy lên vừa thổi vừa nhậu với phải kiểu!

Nguyễn Duy không chịu, nói ở quê ngày trước bói đâu ra mỡ?

Nhớ… chuột -0
Nhà thơ Nguyễn Duy.

Mai Linh giọng thất thanh líu cả lưỡi cứ như đã uống nhiều lắm: “hoan hô lá chanh nhưng chỉ hạp với giống chuột đồng!”

Thế là đang khi không, cả bọn ran lên chuyện chuột và món chuột. Nhưng phải là chuột đồng. Nguyễn Duy gục gặc cái đầu.

Cứ như thi sĩ thì không riêng chi xứ Thanh mà nhiều vùng quê đất Bắc, giỗ hay cỗ bàn có to mấy nhưng vắng món thịt chuột là mang tiếng thất thố với họ hàng cùng là thực khách? Và tổ tiên nữa chứ?

Có thể là cái giống chuột tàn phá thóc lúa cùng là mùa màng, kẻ thù truyền kiếp của nhà nông. Món thịt chuột như là thứ tế để cáo, bạch với vong linh tiền nhân rằng con cháu hiện tại vẫn đương siêng năng tẩy trừ nạn chuột? Chả thế mà thời thượng cổ, trong Kinh thi người ta đã căm hận chuột bằng thơ đó thôi?

Mà chuột, chế thế nào các vị nhỉ?

Thi sĩ Nguyễn Duy khoan khoái nhả khói thuốc lào chiếu cái nhìn lờ đờ khắp lượt. Rồi lão nhẩn nha rằng, đã nếm cơm, nếm cỗ chán vạn ở xứ miền Tây Nam Bộ. Xứ ấy chẳng thiếu món thịt chuột. Những chuột ram, nấu cốt dừa, lẩu chuột… Nhưng ngồi mà nếm mà nhậu cứ thấy nhớ quay nhớ quắt cái thứ chuột đồng xứ Thanh các ông ơi…

*  *  *

Cụ Lưu “gù” (anh em đã quen gọi nhà phê bình văn học Nguyễn Văn Lưu một thời là Giám đốc Nhà xuất bản Văn học như thế - mà lão cao to phương phi chứ đâu có… gù?) nãy giờ im thít, cứ mãi động thái quen thuộc là ấp lòng tay lên miệng cái chén Hoa hồng đựng rượu; lão quả quyết rằng, phần đông thiên hạ đều không biết cách uống rượu? Cứ quen cái thói cứ để chén hả toang hoác, hơi rượu bay mất còn chi là tinh túy của ngọc thực(?!) Nhớ lần lão thó đâu ra mấy câu: Tri kỳ vị/ Tri kỳ hương/ Tri kỳ linh tửu (phàm uống rượu, phải biết được vị, được hương và cái… sự linh của rượu!).

Nhà phê bình Văn học Nguyễn Văn Lưu.

Lão đương nhổm hẳn nửa người lên dõng dạc rằng, cái giống chuột đồng ấy mà, phải bắt sống rồi đem cắt tiết. Nấu nước sôi già, nhúng cho tuột da, bày trên giấy bản, cấm rửa bằng nước lã. Xong chặt miếng ngào với tiết chuột cắt ra lúc trước thì chế món gì, thịt nó mới… ngọt!

Nghe vậy thì biết vậy!

Quen cái tính lão hơi bị nhiêu khê. Hệt như cung cách chế bài vở cái ngạch phê bình của lão vậy. Như nào nhỉ? Tỉ mẩn và có chút đanh đá, đành hanh? Hơi bị buồn cười cái kiểu chế món chuột rắc rối dường ấy? Bắt sống với cắt tiết. Lau khô bằng giấy bản (thứ giấy các cụ ngày trước viết chữ Nho ấy mà).

Chợt nhớ giật thột lần cung cúc theo lão. Cái đận chế món gỏi cá mè. Gỏi cá mè, thứ gỏi bình dân từng sâu đậm mồm miệng lẫn tâm trí thì nhiều người! Nhưng với nhà phê bình Nguyễn Văn Lưu, các công đoạn như một thứ hành lễ.

Tôi theo lão ra chợ Hàng Bè, lựa thứ mè trắng còn đương giãy đành đạch, cỡ ba ngón tay. Thứ nạc lạng ra. Lão bày trên giấy bản cho ráo. Đoạn lão rồi vùi trong cám nếp. Nói là để khử sạch tanh. Khoảng ngót hai canh giờ, lão moi ra tỉ mẩn lạng ra từng miếng mỏng, nhỏ… Vừa lạng, lão vừa rủ rỉ rằng, phải dùng vốn từ cổ của người Thanh là “thái khón” mới đúng kiểu!

Khón? Chừ chả ai dùng từ này?

Nói cung cúc theo lão là không có ý chi bịa tạc. Ấy là cái thân ục ịch của mình phải leo lên cây lộc vừng 9 ngọn ở Hồ Hoàn Kiếm mà bứt những lộc non.

Chưa hết. Lại quành về trụ sở Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật ở 51 đường Trần Hưng Đạo. Ở đó, lão thám thính từ trước là góc vườn có… cây sung đương rậm lá lẫn quả.

Lại vẫn chưa hết! Phải phóng xe mãi lên Hồ Tây quãng gần nhà thi sĩ Phùng Quán, có một nhà có… cây vọng cách um tùm! Mà theo lão, món gỏi chả thể thiếu lá vọng cách!

Nói tóm lại gần trọn cả một ngày theo lão với một lộ trình hành lễ như thế! Tạm xuôi các công đoạn. Tầm xẩm chiều mới được xơi món gỏi cá mè lão chế.

Cung cách chế gỏi cá mè của Lưu “gù” cẩn trọng là vậy mà đêm ấy về tôi… đau bụng lử lả mất mấy ngày!

*  *  *

…Kìa, thi sĩ Mai Linh đương chồm hẳn người lên để phản bác lại nhà phê bình Lưu “gù” rằng: “Ông có mà dở hơi. Chuột ngoài đồng làm sao bắt sống? Đập chết hết! Đơn giản nhanh tiện nhất là đốt một đống rơm bỏ vào tuốt da. Đồng ý không dùng nước lã. Chặt miếng, đảo kỹ nhỏ lửa với lá chanh thì “thôi rồi Lượm ơi…”.

Các món chuột.

Thi sĩ Nguyễn Duy chừng như nghễnh ngãng đâu đâu và không coi những đóng góp ấy chả là cái thá gì sất! Lão vớ lấy cái điếu cày, giọng thảng thốt:

- Vứt, vứt hết… Là tại sao tớ nói cứ nhớ quay quắt món chuột đồng xứ mình. Kiểu như Mai Linh thì đúng rồi! Nhưng không rang lá chanh, mà như thế nào các ông có biết không? Là để nguyên con chuột bỏ lòng mề mang xếp vào chõ đất mà đồ lên như các mẹ ta đồ xôi ấy. Đồ xong. Bắc chõ xuống. Gỡ cái thứ chuột còn nóng hổi ấy ra. Bày lên tấm thớt lớn đã lót thứ lá chanh thái chỉ. Lại rắc lên một lượt lá chanh nữa. Lấy tiếp một cái thớt đại (thớt loại lớn, nặng) chồng lên. Chưa hết, phải vần cái cối đá xay bột chứ đừng cối đánh kẹp (đập lúa) mà nát bét. Chận (chồng) lên trên. Chờ cho được vài tiếng, vần cối, hạ thớt xuống rồi mới mang chuột ra chặt… Ôi chao những miếng thịt chuột dịu dàng.

Tất cả bật phì cười. Chuột mà dịu dàng? Phàm giống thi sĩ có thói ngoa ngôn. Nhưng cung cách chế món chuột ép lá chanh như thế nghe hơi bị thuận tai bắt mắt? Và hà cớ chi nó lại không ngon đến mức… dịu dàng?

Tôi mang máng rằng cánh đàn ông xứ Thanh, các khoản khác chả biết thế nào nhưng đa phần nấu ăn nếu không khá thì cũng tàm tạm. Những cuộc quần tụ như thế này chả phải để khoe? Lại càng không phải cái thói “đói tán ăn, no tán phét” (nhà phê bình Nguyễn Văn Lưu từng cắt nghĩa rành rọt rằng, “phét” không phải là nói phét mà là “phết” - động thái giao hoan đực cái). Mà là các lão đương lên cơn nhung nhớ quê nhà. Như những thảng thốt của một quá vãng. Một quá vãng khốn khó cùng những thức quê ngày khó.

*  *  *

Tất nhiên! Nghe ghê quá đi sự nhắc nhở cảnh báo của giới khoa học, những là dịch hạch cùng bi nhiêu các thứ virus chết người này khác? Nhưng chuột như một dấu mốc, một tiêu chí ấm áp của thời khó ấy? Thời khó của tuổi thơ tôi là cánh đồng ngập lụt trắng băng bởi làm chi có mương tiêu cùng hệ thống thủy lợi? Những gò đống loi thoi khô ráo trên nền trắng băng nước lụt.

Con thuyền nan mong manh nhưng chắc chắn gọn nhẹ nhảo qua những gò nổi. Trên lòng thuyền là cái thằng tôi và hai đứa bạn tay lăm lăm cái nỏ hoặc gậy nhắm vào những búi cây lúc lỉu các loại chuột đồng trú lụt. Có phát nỏ xuyên táo vài ba thằng chuột. Cùng cái gậy lợi hại chả mấy chốc mà nặng trịch mấy giỏ chuột đồng. Cả rắn nước nữa.

Đương kề bên các lão đây mà như bừng thức cùng cánh đồng trũng, đồng khô thời xa. Đám bạn nghèo không quần áo ấm, thằng nào cùng phơi ra khuôn mặt cùng cặp chân tím lịm vì rét. Nhưng tất thảy đều hăm hở vào cuộc săn chuột. Săn ấy là lần theo hang hốc ngóc ngách khi thì bờ ruộng khi gò đống. Vạch đếm kỹ những lỗ trổ vào hang lấy rạ nút chặt. Nhen một đống rạ bên lỗ hang chính. Và thay nhau lấy mo cau quạt thật lực. Cả nhà chuột, già, trẻ nhớn bé đều không chịu nổi khói, đành thốc tháo nhoi ra. Con nào khỏe vụt nhanh đều bị hai thằng Vàng Vện, giống chó Mường tinh khôn hốt hết. Ôi cái mùi khói hun chuột tuổi thơ! Nghĩ đến giờ sống mũi vẫn còn cay cay thì phải?

Nguồn đạm bổ sung nếu nói không quá là góp phần nuôi sống chúng tôi xuyên qua thời khó ấy là ốc, cua, cá bươn bả ngoài đồng chiêm. Rồi chuột, thỏa thuê hai mùa khô và lũ.

*  *  *

…Vãn chuyện chuột cùng chuyện gần, chuyện xa. Chai rượu trắng làng Quảng quê của Nguyễn Duy đã tụt đáy lúc nào.

Những ánh nhìn như đã mờ mờ sương khói. Cả lũ thoắt như là nhân ảnh. Như bị văng ra khỏi đời sống với những thường nhật sum suê mặc dầu lão nào cũng có nơi trú ngụ tươm tất cùng là danh phận chả đến nỗi nào?

Cái giống tha hương ngồi với nhau thi thoảng thể nào cũng phát ra chứng lờ đờ ngớ ngẩn ấy?

Những là mây bay nước chảy.

Thi sĩ Mai Linh đã hơn mươi cái giỗ!

Nhà phê bình Lưu “gù” nghe nói đã lánh đến một ngôi chùa tận miền Trung.

Thi sĩ Nguyễn Duy đã mắc cái chứng ngại đi. Lâu nay chỉ quẩn quanh Sài Gòn.

Xuân Ba

Lực lượng chức năng thu giữ gần 7,2 nghìn thành phẩm sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật; khoảng 20 nghìn tem nhãn các loại; gần 1 nghìn chai nhựa; 300 kg nguyên liệu gồm nắp nhựa, màng siu, thùng nhựa chứa dung dịch chất lỏng cùng nhiều máy móc, dụng cụ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật giả.

Các đối tượng trong vụ án còn liều lĩnh phát hành hợp quy “khống” cho các thang máy, thiết bị sàn nâng người của các công trình xây dựng chung cư cao tầng phục vụ dân sinh. Việc làm trên của các đối tượng là hành vi cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ của người lao động, người sử dụng thiết bị máy móc và người dân.

Dù có trụ sở sản xuất tại Hà Nội, nhưng sữa bột giả đã tung ra khắp các tỉnh, thành khi "hệ sinh thái" của Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group (Công ty Hacofood Group) và Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma (Công ty Rance Pharma) mở các chi nhánh ở nhiều địa phương. Tại Hòa Bình, các công ty này đã đăng ký công bố hàng trăm sản phẩm. Sữa giả không chỉ thuê người nổi tiếng quảng cáo, mà còn được đưa vào cơ sở y tế bán cho người bệnh.

PV Báo CAND băng theo lối mòn đã hằn dấu vết chân người, len giữa những thân cây còn vương nhựa mủ bị cứa bởi rìu, nghe mùi đất mới trộn lẫn với mùi xăng dầu hắt lên từ hốc đá. Rừng Vĩnh Ô, nằm ở Tây Vĩnh Linh (Quảng Trị), nơi từng là vành đai phòng hộ của cả một vùng đầu nguồn, giờ thở dốc dưới những mái lán phủ bạt xanh, những hầm hố khoan sâu vào lòng đất như vết thương không bao giờ lành miệng.

Theo đề xuất, giai đoạn 2016 - 2030 xét đến năm 2035, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh sẽ có 46 dự án năng lượng được đưa vào quy hoạch để xây dựng, bổ sung khoảng 14.500MW vào nguồn điện quốc gia. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm kể từ khi dự án điện mặt trời đầu tiên được chấp thuận đầu tư, đến nay trên địa bàn mới chỉ có 2 dự án hoàn thành, đưa vào vận hành thương mại, số còn lại vẫn đang nằm trên giấy.

Vườn Cau Đỏ (nay thuộc Quận 12, TP Hồ Chí Minh) trước đây là vùng chiến khu. 50 năm sau ngày giải phóng, từ vùng ven thuộc Hóc Môn, giờ nơi này đã trở thành đô thị khang trang, hiện đại, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày hôm qua (17/4), ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ đã có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất ngày có nơi trên 35 độ như: Yên Châu (Sơn La) 38,4 độ, Tương Dương (Nghệ An) 37,4 độ, Đông Hà (Quảng Trị) 37,5 độ, Sơn Hòa (Phú Yên) 37,4 độ… Độ ẩm tương đối thấp nhất, phổ biến 55-60%.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.