Nhuận bút của nhà văn

11:26 13/11/2024

Trên thế giới, nhà văn giàu có, thu nhập chủ yếu từ nhuận bút thì Stephen King ước tính giá trị tài sản ròng khoảng 500 triệu USD, còn 800 triệu USD thuộc về nhà văn James Patterson. Nhưng thu nhập từ nhuận bút khủng đứng đầu thuộc về nhà văn Joanne Rowling, chỉ 4 tập đầu của bộ truyện Harry Potter, bà đã hưởng nhuận bút 250 triệu USD...

Đến nay, thương hiệu Harry Potter trị giá 25 tỷ USD, và J.K Rowling là nhà văn tỉ phú USD đầu tiên trong lịch sử thu nhập từ nhuận bút của giới sáng tác trên thế giới. Còn các nhà văn thu nhập cỡ vài chục triệu đến vài trăm triệu USD thì không kể hết. Lần đầu tiên, tiểu thuyết "Bố già" của nhà văn Mario Puzo đã được trả nhuận bút 410.000 USD. Sau này, nhuận bút tăng cao cùng với sự nổi tiếng của ông, một nhà xuất bản đã đặt trước 3 triệu USD cho một quyển sách, mà ông chưa viết được chữ nào…

Nhuận bút là niềm vui, là tự hào cho lao động chân chính của người sáng tạo chữ nghĩa, nhưng quanh câu chuyện nhuận bút của nhà văn cũng lắm chuyện buồn vui.

Năm 1941, nhà văn Tô Hoài từng đi chơi khắp Đông Dương bằng nhuận bút truyện "Dế mèn phiêu lưu ký".

1. Theo Nghị định 21/2015, khoản 1 điều 3: "Nhuận bút là khoản tiền do tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm trả cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả khi tác phẩm được khai thác, sử dụng".

Thời xưa, đã có chuyện hiền sĩ viết văn bia được trả hàng trăm súc vải, hoặc hàng chục nén bạc, hay trong các cuộc xướng họa, thi từ thù đáp, ông vua hay chữ ban thưởng mấy tấm lụa, vài nén bạc cho người ứng khẩu bài thơ, hoặc một vế đối cũng không ít. Trong làng xã, người dân đến nhà anh khóa hỏng thi về làng làm thầy đồ, xin câu đối treo ngày tết, hoặc cậy nhờ viết đơn thưa kiện lên quan huyện, rồi biếu con gà sống, hay chai rượu, đấu gạo nếp cũng không hiếm… Có thể coi những món ban thưởng, đồ biếu tặng đó là nhuận bút cho lao động chữ nghĩa sáng tạo thời xã hội chưa kinh doanh văn hay chữ tốt.

Ở Việt Nam, nhuận bút đúng nghĩa nhất có lẽ bắt đầu từ khi báo chí vào Nam Kỳ, lúc tờ Gia Định Báo ra đời ngày 15/4/1865 tại Sài Gòn. Những năm 20 và 30 của thế kỉ XIX, báo chí và xuất bản in ấn phát hành rầm rộ, người viết báo, viết văn có thể sống bằng cây bút. Chuyện nhuận bút ở một nước thuộc địa nghèo thời ấy cũng lắm chuyện vui mà cũng nhiều chuyện xót xa.

Nhuận bút bài thơ lúc đó rất hẻo, chỉ đủ mua giấy mực. Trong "Hầu giời", nhà thơ Tản Đà đã phải than thở: "Vốn liếng còn một bụng văn đó/ Giấy người, mực người, thuê người in/ Mướn cửa hàng người bán phường phố/ Văn chương hạ giới rẻ như bèo". Còn nhà thơ Xuân Diệu cũng từng xót xa: "Nỗi đời cay cực đang giơ vuốt/ Cơm áo không đùa với khách thơ". Nhà văn Vũ Trọng Phụng lừng danh "Vua phóng sự Bắc Kỳ", và những tiểu thuyết ăn khách nhưng nhuận bút vẫn không làm cho ông thoát cảnh nghèo túng và bệnh tật…

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp nhuận bút rất xông xênh, và tác giả có quyền ra giá với ông chủ xuất bản, ông chủ bút. Theo tác giả Quỳnh Trang thì ông Tế Xuyên - chủ bút tờ Dân Báo ở Sài Gòn ra số Xuân Ất Dậu (1945) muốn có bài thơ in trong dịp Tết nhưng phải là thơ của tác giả nổi tiếng, bèn mời nhà thơ Nguyễn Bính viết. Đặt bài cũng đặt tiền luôn, và sau đó bài thơ "Sao chẳng về đây" của Nguyễn Bính được trả nhuận bút 80 đồng. Thời đó, một ly cà phê giá 1 xu, một bát phở giá 3 xu. Giá như bài thơ nào được in, nhuận bút cũng cao thế thì chả mấy chốc nhà thơ trở thành đại gia. Năm 1941, nhà văn Tô Hoài in "Dế mèn phiêu lưu ký" lĩnh nhuận bút 30 đồng, ông đã dùng số tiền đó… đi chơi khắp Đông Dương.

Theo nhà văn Nguyễn Huy Thắng, trong hồi ức "Những ngày ở Gia Điền" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng thì: bút ký (của Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng) là 200 đồng, truyện ngắn (của Nam Cao, Tô Hoài) là 250 đồng mỗi truyện hoặc mỗi kỳ... tháng 4 đến tháng 12-1948". Khi đó, làm báo ở tòa soạn 100 đồng một tháng thì nhuận bút một truyện ngắn gấp 2,5 lần. Thời 9 năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ gian khổ mà nhuận bút một truyện ngắn như thế cũng là xông xênh.

Nhuận bút mua được nhà phố thì phải kể nhà văn Tô Hoài. Căn nhà ở phố Đoàn Nhữ Hài rộng gần trăm mét vuông được mua bằng tiền nhuận bút ông tích góp, chủ yếu là tiền nhuận bút của tập truyện "Vợ chồng A Phủ". Có thể giá nhà cửa lúc đó không đắt đỏ như bây giờ, nhưng nhuận bút thế là quá cao. Nhà văn Hoàng Minh Tường kể: Năm 1979, Nhà xuất bản Thanh Niên in và phát hành tiểu thuyết "Đồng chiêm" và trả nhuận bút 5.500 đồng cho ông. Thay vì đem số tiền ấy mua được căn nhà ở nội thành Hà Nội thì ông lại đem mua một máy chữ xách tay nhãn hiệu Optima để đánh máy bản thảo và chiếc xe đạp lắp ráp ở Sài Gòn, còn lại gửi tiết kiệm. Thời buổi khó khăn, đồng tiền mất giá, đến năm 1985 lũ lụt khắp miền Bắc, lại đổi tiền nên số tiền gửi tiết kiệm ấy có cũng như không.

Nói chuyện nhuận bút mua được căn nhà, căn hộ, nhà thơ Hữu Việt bảo như thế cũng không hoành tráng bằng nhuận bút của nhà văn mua được cả ngàn mét đất. Ông kể với tôi rằng ông đã đến tận nhà riêng của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn xây trên đất rộng 1.200 m2 ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, bây giờ là một ngôi trường học khang trang do con gái nhà văn quản lý, điều hành. Mảnh đất này nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn mua được từ tiểu thuyết "Ngoại tình" in năm 1989 do Nhà xuất bản Quảng Ninh trả nhuận bút.

Cách đây hai chục năm, bài thơ "Màu tím hoa sim" của thi sĩ Hữu Loan được công ty điện tử Vitek VTB, có một phần công việc phát hành karaoke, mua với giá 100 triệu đồng. Lại nghe nói bài thơ "Lá diêu bông" của thi sĩ Hoàng Cầm được mua với giá 200 triệu đồng và khai thác bản quyền 50 năm. Còn bài thơ "Ở hai đầu nỗi nhớ" của tác giả Trần Hoài Thu (tức Trần Đình Chính) được ông Nguyễn Xuân Hàn - Tổng giám đốc Công ty Maseco Phú Nhuận đã mua bản quyền với giá 300 triệu đồng. Nghe chuyện, nhiều người không tin thơ lại đắt giá đến mức như vậy? Hiện nay, nhuận bút cao, nhuận bút nhiều thì không ai hơn nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Chỉ tính riêng cuốn sách "Cho tôi xin một vé tuổi thơ" in lần đầu năm 2008, đến nay đã tái bản rất nhiều lần, phát hành hàng trăm ngàn bản, thì cũng ước tính được nhuận bút của ông thuộc hàng nhất nước.

2. Lại có chuyện, nhà thơ không mấy mặn mà với nhuận bút, coi giá trị tinh thần tác phẩm không thể trả giá bằng tiền bạc. Không biết giai thoại hay chuyện thật, mà cứ truyền trong giới văn rằng: Năm 1940, báo Tiếng địch in bài thơ "Xây mơ" của Nguyễn Xuân Xanh, nhà thơ Xuân Diệu thông báo, và giục ông đến tòa soạn lĩnh tiền nhuận bút. Ông khóc nức nở. Mọi người ngạc nhiên, nghĩ rằng ông xúc động khi bài thơ ra đời. Hóa ra, ông khóc vì nghĩ mình bị Xuân Diệu "đùa ác", vì lòng tự trọng bị tổn thương. Một bài thơ bao nhiêu công sức và trí tuệ dồn nén cho nó ra đời sao có thể trả bằng đồng tiền? Nguyễn Xuân Sanh bước vào thế giới thơ trong sáng và thánh thiện quá, thơ không thể trao đổi bằng tiền, dù đó là tiền thù lao, tiền nhuận bút.

Hoảng hốt khi nhận tiền nhuận bút là bà mẹ của nhà văn Khuất Quang Thụy. Ông kể với tôi rằng, cuối mùa đông năm 1972 đỏ lửa, máy bay Mỹ ném bom Hà Nội, có mấy vị cán bộ quân đội đi xe U-oát từ Hà Nội lên Sơn Tây đến nhà ông trao một món tiền. Bà mẹ ông khóc toáng lên, rồi cả nhà cùng khóc, vì nghĩ ông đã hi sinh trong chiến trường và các ông cán bộ quân đội mang tiền tuất về cho bố mẹ ông. Hóa ra, Nhà xuất bản Quân đội in bài ký sự "Lửa và thép" của Khuất Quang Thụy vào cuốn sách "Cửa khẩu". Biết ông đang chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên xa xôi và ác liệt, ông Giám đốc Đỗ Gia Hựu cùng mấy biên tập viên của nhà xuất bản đi tìm và mang nhuận bút đến cho gia đình. Bà mẹ ngày đêm lo lắng và mong ngóng con nơi hòn tên mũi đạn, suốt đời chỉ loanh quanh ở làng nên không biết nhuận bút là cái chi, là tiền từ đâu, lại nghĩ là tiền xương máu của con trai ở chiến trường.

Thời bao cấp khó khăn, nhà văn Khuất Quang Thụy từ tòa soạn ở số 4, Lý Nam Đế, Hà Nội vẫn phóng xe máy cọc cạch về quê. Hàng xóm láng giềng ngạc nhiên thấy ông chẳng giúp gì vợ con, lẽ ra phải bổ củi, cuốc đất, trồng rau, nuôi gà giúp vợ, thì lại "khép cửa phòng văn hì hục viết", mà chẳng biết viết có ra gạo ra khoai không. Đánh đùng một cái, vào buổi sáng chủ nhật, người ta thấy có mấy anh bộ đội đánh một xe tải zin ba cầu chở đầy củi và một con lợn 70kg đậu ở đầu làng rồi í ới gọi ông Khuất Quang Thụy. Củi dỡ xuống, chuyền tay nhau bỏ đầy sân nhà ông, con lợn được ngả ra chia phần cho cả họ. Hóa ra, ông viết lịch sử sư đoàn, lãnh đạo đơn vị cảm ơn và trả nhuận bút bằng củi và lợn hơi. Lúc ấy, có ông hàng xóm trợn tròn mắt bảo nhà văn Khuất Quang Thụy: "Ông viết sách vàng hay sao mà thu nhập bằng cả trăm gánh củi tôi đổ mồ hôi, sôi nước mắt lấy lúc mùa lũ sông Hồng?".

Cách đây hơn 25 năm, tôi đã viết phóng sự in ở báo An ninh thế giới và truyện ngắn in ở Tạp chí Văn nghệ Công an thường được trả nhuận bút 700.000 đồng/1 tác phẩm, có lần in được 800.000 đồng. Khi đó, vàng chưa đến 500.000 đồng/1 chỉ. Một phóng sự, một truyện ngắn được trả tiền tương đương 1,5 chỉ vàng (bây giờ khoảng hơn 13 triệu đồng) cũng là cao. Hiện nay, cũng 1 tác phẩm như thế, nhiều tờ báo, tạp chí trả nhuận bút khoảng trên dưới 1 triệu đồng, nhưng mọi thứ đều tăng giá gấp 5, gấp 10 lần rồi. Xem ra, các nhà văn, nhà thơ bây giờ khó sống hơn nếu chỉ trông cậy vào đồng tiền nhuận bút. 

Sương Nguyệt Minh

Hai tân Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương là Thượng tá Bùi Thanh Trực, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ Công an tỉnh Bình Dương và Thượng tá Phan Huy Văn, Trưởng phòng thuộc Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an.

Thông tin Andrea Aybar (người mẫu An Tây), tên tiếng Việt là Nguyễn Thị An, sinh năm 1995, vừa bị Công an TP Hồ Chí Minh bắt tạm giam để điều tra về hai hành vi “Tàng trữ trái phép chất ma túy” và “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” đã gây rúng động làng giải trí những ngày vừa qua.

Ngày 20/11, sau gần 40 tiếng đồng hồ nỗ lực tìm kiếm xuyên đêm, không quản khó khăn, lực lượng cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Phú Thọ và các đơn vị chức năng đã tìm thấy thi thể của 5 nạn nhân trong vụ đuối nước thương tâm xảy ra vào ngày 18/11 tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, nhìn nhận mọi việc ở góc độ lãng phí thì "nhìn đâu cũng thấy", hiện hữu và yêu cầu xác định, nhận diện các nhóm nội dung về phòng, chống lãng phí để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết hiệu quả.

Sáng 20/11, tại Hà Nội, Học viện An ninh nhân dân (ANND) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024). Thiếu tướng, PGS.TS Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Học viện ANND chủ trì buổi lễ. Nhân dịp này, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

Từ ngày 15/11 - 31/12/2024, THACO AUTO triển khai chương trình “Cùng Kia đón Tết tại Hàn Quốc”. Theo đó, khi mua xe Kia K5 hoặc Kia Sorento, khách hàng sẽ có cơ hội tham gia rút thăm trúng thưởng với tổng giá trị giải thưởng lên đến 490 triệu đồng.

Khi tòa tuyên tử hình, bị cáo Mển hối hận và xin được khoan hồng vì còn nuôi 2 con nhỏ. Tuy nhiên với 2 lần vận chuyển hàng chục kg ma túy, sau khi xem xét HĐXX nhận định các tình tiết không đủ làm giảm nhẹ tội cho bị cáo Mển…

Ngày 20/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tổng kết chuyên án A724p chống tội phạm ma túy. Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo 1389 Bộ Quốc phòng dự và chỉ đạo hội nghị.

Ngày 19/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lào Cai đã ra Quyết định khởi tố bị can, thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với 2 bị can để điều tra về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến hành vi vi phạm trong công tác quản lý đất đai tại xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文