Quen sợ dạ, lạ sợ áo

10:16 16/09/2024

“Khôn cho người ta dái, dại cho người ta thương, dở dở ương ương chỉ tổ cho người ta ghét”. Đọc câu tục ngữ này, có lẽ nhiều người… nhăn mặt bởi lọt vào đó từ “dái” chẳng hề thanh tao chút nào cả.

Không hiểu sao, từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, đọc Xuân Diệu, tôi lại ấn tượng với nhân vật “Tốc-xi-măng” sống cùng thời với ông. Trong tập sách  “Lượng thông tin và những kỹ sư tâm hồn ấy” (NXB Tác phẩm mới - 1978), ông kể: “Một nhân vật nữa mà bạn thơ Chế Lan Viên của tôi đã từng ở Quy Nhơn, đến giờ cùng tôi vẫn nhớ, là ông “Tốc-xi-măng”. Ông thích mặc một cái áo ka-ki màu vàng như áo người đưa thư hay áo người ghi xe lửa, mặc quần tây, đi giày rách, cầm một cái ba-toong, đội một cái mũ như mũ thầy ký hỏa xa đi trên tàu; ông “Tốc-xi-măng” thích tự làm những lon (phù hiệu cấp bậc của cai, đội thời Pháp thuộc), những mề đay để đeo; trẻ con cứ chạy theo ông và tưởng ông là cai, đội thật. Nhìn vào đôi mắt lạc trí của ông, tôi đã chờn chờn; nhưng bài hát “huê tình” mà ông đã tay đập nhịp lên đùi, miệng hát cho tôi nghe, đã lưu mãi kỷ niệm của ông trong trí nhớ tôi (tr.163).

Trang phục của người Việt xưa (ảnh tư liệu)

Xét ra ông “Tốc-xi-măng” này, “cùng hội cùng thuyền” với nhân vật Trạch Văn Đoành của nhà văn Nam Cao - là hạng người nghèo, thấp cổ bé miệng bị bọn đàn anh trong làng đe nẹt, thúc ép, buộc sang Pháp theo chiêu bài mị dân “Rồng Nam phun bạc, đánh đuổi Đức tặc". Cha đẻ Chí Phèo mỉa mai: “Năm ấy là năm min-nớp xăng cát-tó”.

Cũng như ông “Tốc-xi-măng”, sau chiến tranh, Trạch Văn Đoành được hồi hương: “Suốt một mùa, hắn chỉ mặc một cái ba-đơ-xuy sắc chó gio. Hắn mua hồi đi lính sang Tây. Có bảy mươi quan. Thế mà bền. Đến nay, tất cả, có đến ngót ba chục năm rồi đấy. Lần lót rách bươm tự bao giờ. Nhưng còn cái lần ngoài. Mặc nguyên nó cũng còn ấm bằng mười áo kép. Hắn mặc suốt ngày suốt đêm, khi ăn, khi ngủ, khi làm, khi chơi. Cái áo ba-đơ-xuy mất hết cúc rồi. Hắn đơm hai cái dải thật to hình cái bơi chèo. Những khi hắn đi cày, hai cái giải được bắt giao nhau để thắt lại ở sau lưng. Chặt chẽ và gọn gàng không kém một cái đai. Những lúc hắn đi chơi hoặc ra đình thì hai dải lại cởi ra buông xuôi cho lẩn vào hai mép áo trong. Hắn lại có vẻ ung dung lắm. Ai dám bảo cái áo ba-đơ-xuy này là cái áo ba-đơ-xuy đi cày? Mà có bảo nữa thì đã sao?”.

Chữ nghĩa làm nên văn chương, vậy khi bàn về chữ nghĩa, việc gì phải xét nét, khó tính không dẫn chứng như những câu văn vừa nêu? Có như thế, mới thấy sinh động hơn, chứ nào phải “xác chữ” vô hồn. Cái sự “dở dở ương ương” không chỉ người ta ghét, mà có khi còn sợ, e dè, không thèm dây vào bởi “Có tính khí không bình thường, khôn ra khôn cũng không hẳn ra dại, hơi gàn dở” - theo “Đại từ điển tiếng Việt Nam” (1999).

Về từ “dái”, một khi chê trách ai, ta bảo: “Già dái non hột” là hiểu theo nghĩa bóng kẻ đó bề ngoài hung hăng, hung tợn cứ như thể chực ăn tươi nuốt sống người khác nhưng thật ra bên trong lại nhút nhát, hèn nhát, sợ sệt. Có cho tiền cho bạc cũng đố dám.

Xưa kia, ông cha ta dặn dò: “Gan thỏ chớ mó dái ngựa”. Nếu không đủ bản lĩnh, “nhát như thỏ” thì chớ dại dột lao vào những trò mạo hiểm, chơi trò nguy hiểm. “Hàm chó vó ngựa” là thế mạnh của chó và ngựa mà bản tính của ngựa là hay ra chiêu đá lui, đá sang một bên bằng chân sau bằng cú cực mạnh.

Thế nhưng dái trong câu tục ngữ “Khôn cho người ta dái…” lại có nghĩa là sợ, kiêng nể bởi thế mới có câu: “Cha kính mẹ dái”. “Thiên Nam ngữ lục” ra đời từ thế kỷ XVII, trong tổng số 8.136 câu thơ lục bát - được xem là tác phẩm văn vần dài nhất trong kho tàng văn học Việt Nam viết bằng chữ Nôm, có câu: “Xa gần mến đức dái uy”. Không những thế, còn có câu nói về uy thế của anh hùng Đinh Bộ Lĩnh: “Bắc Nam mãng tiếng tìm về/ Kinh dền uy sấm, dái he hơi hầm”; hoặc nói về quân nhà Minh khi giao chiến với Giản Định Vương thời Hậu Trần: “Minh nhân bại trận dái he/ Đường Bắc chạy về An Dũng đóng doanh”. Dái he chỉ mức độ cao hơn dái là rất sợ, khiếp hãi lắm.

Nếu tách “he” ra khỏi “dái” thì “he” có nghĩa gì không? Tán tiến sĩ phú của Nguyễn Đình Tố cuối triều Lê có câu:

Thét một tiếng gian tà co cổ, nào ai dám he;

Quát một điều nha dịch cau mày, ai nào dám xược.

“Xược” nghĩa là hỗn láo. Còn “he”, “Việt Nam tự điển” (1931) cho biết: “He: Lên tiếng nói năng gì. Bị kẻ cường hào đàn áp mà không ai dám he”, suy ra, từ “he” này trong chừng mực nào đó cũng tựa như “ho he” hoặc “hó hé”. Ngày này, ta nói “răn đe” hiểu theo nghĩa “Nói cho biết điều tai hại với ý đe dọa để ngăn ngừa, cấm đoán” - theo “Đại từ điển tiếng Việt” (1999) nhưng trước đó người Việt lại dùng từ “răn he” là hiểu theo nghĩa răn dạy, làm cho sợ. “Từ điển Việt-Bồ-La” (1651) ghi nhận: “He, đè he, đè hét: Nổi giận nhiều để gây sự sợ hãi”.

Về từ “dái”, thật ra, trước lúc “Thiên Nam ngữ lục” ra đời, từ thời nhà Lê ở thế kỷ XV, Nguyễn Trãi cũng đã từng viết: “Chuộng thì nên ngõ, nhờn thì dái”. Có thể câu thơ này khó hiểu chăng? Xin giải thích nôm na: Được trọng/ trọng vọng/ quý trọng/ yêu mến (chuộng) thì nên giỏi (ngõ). Ơ hay, “ngõ” là giỏi ư? Thế mới lạ. Còn có thể tìm thấy cũng trong thơ Nguyễn Trãi: “Tài tuy chăng ngõ, trí chăng cao/ Quyền đến trong tay chí mới hào”… Từ Việt cổ “ngõ” còn lưu dấu trong lời ăn tiếng nói trong quá khứ xa xăm: “Dâu hiền rể ngõ”, “Có tài có ngõ thì gõ với nhau”. Thế nhưng do từ “ngõ” đã hoàn toàn mất nghĩa nên câu tục ngữ này, hiện nay đã trở nên phổ biến là “Có tài có mỏ thì gõ với nhau/ Có sừng có mỏ thì gõ với nhau”.

Thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có câu: “Khen thì nên ngộ, chê nên dại/ Mất ắt chẳng âu, được chẳng mừng”. Ngộ là đỉnh ngộ, thông minh tựa như ngõ, lại hàm ý người ta khen thì cho mình sáng dạ nhưng chê thì bảo mình dại cỡ như… “Vợ thằng Đậu”! Về cái ý này, tục ngữ đã có câu tương đồng “Yêu nên tốt, ghét nên xấu”.

Lý giải về câu thơ này của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, có lý quá đi chứ? “Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm” (NXB Văn học - 1983) do Đinh Gia Khánh chủ biên và hiện nay trên Goolge cũng có văn bản: “Khen thì nên ngộ, chê nên dại”.  Từ “ngộ” xuất hiện ở đây không đúng, chính xác phải là “ngõ”, đơn giản, thời đó, từ “ngộ” có nghĩa là “dốt nát, mê muội” - “Từ điển Việt-Bồ-La” (1651) giải thích. 

Như đã biết, dái là sợ, “dái he” dùng để chỉ mức độ cao hơn. Không chỉ có thế, “Từ điển Việt - Bồ - La” (1651) cho biết còn có từ… “kính dái” và giải thích: “Sợ một cách tôn kính như đối với cha mẹ, vua chúa v.v…” - từ điển này cũng ghi nhận dái còn có nghĩa “Hòn dái người”. Trải qua năm tháng, dái theo nghĩa đầu đã mất đi. Chính vì thế, có câu nguyên bản “Quen dái dạ, lạ dái áo” nhưng rồi do không hiểu “dái” là gì nên người ta mới nói: “Quen sợ dạ, lạ sợ áo/ Quen nể dạ, lạ nể áo” như nhiều từ điển đã ghi nhận.

Có một điều ngộ nghĩnh, chẳng hạn, củ nhánh mọc cạnh củ khoai cái gọi là dái khoai; hoặc trái mít con hình thành từ cụm hoa đực của cây mít cũng gọi dái mít. Và lẫm liệt thay, dái mít đã lừng lững, hiên ngang đi vào ca dao miền Nam: “Nước chảy cặc bần run lẩy bẩy/ Gió đưa dái mít giẫy tê tê” - dẫu ai đó khó tính, chỉn chu chữ nghĩa đến cỡ nào đi nữa thì cũng chịu câu này là hay. Thâm trầm và ý vị thừa sức khiến người  đọc/ người nghe phải cười lên một tiếng cho khoái cái sự đời.

Xin hỏi một cách nghiêm túc, từ “dái” theo nghĩa sợ, khiêng nể dần dần đã được hoán đổi qua từ gì? Chỉ có thể là từ “rái”. Vâng, đúng là thế. Giải thích ra làm sao khi từ d (dái) lại biến đổi qua qua r (rái)? Có phải là do cách phát âm của vùng miền chăng? Khi lấy “Việt Nam tự điển” (1931) do Hội Khai trí tiến đức khởi thảo so sánh với từ điển trong Nam, ta thấy có nhiều trường hợp, trong chừng mực nào đó thì d / r đã sự tương đồng. Chẳng hạn, bóng dâm/ bóng râm, hoa dâm bụt/ hoa râm bụt, dòi/ ròi, dọi/ rọi, dởm/ rởm, giỡn (dỡn)/ rỡn, sợ dởn tóc gáy/ sợ rởn tóc gáy, dùn/ rùn, dứt/ rứt v.v…

Cụ thể từ tháng năm nào “dái” hoán đổi qua “rái”? Chịu. Chỉ biết, “Việt- Pháp từ điển” (1898) của J.F.M Génibrel đã ghi nhận “dái”- người Tonkin gọi là “rái”. “Việt Nam tự điển” (1931) ở ngoài Bắc giải thích: “Rái: Sợ, hãi” và dẫn câu: “Yêu nhau như chị em gái, rái nhau như chị em dâu”. Trong khi đó, “Từ điển Việt-Hoa-Pháp” của Gustave Hue (1937) chưa xuất hiện từ “dái”, vẫn là “Yêu nhau như chị em gái, rái nhau như chị em dâu”.

Hiện nay, sự ghi nhận lẫn lộn giữa dái/ rái xuất hiện trong nhiều từ điển, thành ngữ, tục ngữ cũng là điều dễ hiểu.

Lê Minh Quốc

Chiều 11/12, Học viện CSND đã tổ chức Lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư (PGS) ngành Khoa học An ninh năm 2024. Trung tướng, GS. TS Trần Minh Hưởng, Ủy viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học An ninh, Giám đốc Học viện CSND chủ trì buổi lễ.

Chiều 11/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Vũng Tàu đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Thị Bảy (SN 1976, trú phường 7, TP Vũng Tàu) về tội “Hành hạ người khác”. Quyết định khởi tố, bắt tạm giam đã được Viện KSND cùng cấp phê chuẩn.

Bị can Nguyễn Thanh Bình (cựu Chủ tịch UBND tỉnh An Giang) bị đề nghị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Sai phạm của bị can Bình thể hiện qua việc tạo điều kiện cho Công ty Trung Hậu 68 được cấp phép khảo sát, thăm dò mỏ cát theo hình thức chỉ định không thông qua đấu giá; chỉ đạo cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho doanh nghiệp không đúng với chủ trương, mục tiêu ban đầu của dự án...

Sau một thời gian giảm rồi lình xình đi ngang, giá vàng đã tăng giá 3 phiên liên tiếp, thêm tới 2 triệu đồng mỗi lượng.

Bệnh sởi thường gặp ở trẻ em, nhiều người lớn khi sốt, phát ban lại chủ quan không nghĩ mình mắc sởi, tới khi bệnh nặng nhập viện mới biết mình bị sởi biến chứng, có thể gây viêm ruột và các loại nhiễm trùng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文