“Tai vách mạch ”… gì?

10:11 29/04/2024

Có những câu tục ngữ, thành ngữ nghe rất quen. Nhiều người cùng sử dụng, thế nhưng mỗi người nói/ viết mỗi phách. Lại tủm tỉm cười, duyên dáng tệ ắt cho rằng tôi nói vống chứ gì? Thì đây, “Tai vách mạch dừng” hay “Tai vách mạch rừng”? Đâu nguyên bản, đâu “dị bản”? Lâu nay đã có nhiều cuộc tranh luận, hầu như không ai chịu ai. Vì lẽ đó, câu trả lời dứt khoát vẫn còn “lửng lơ con cá vàng”, mỗi người hiểu mỗi phách giữa “rừng” và “dừng”.

1. Có ý kiến cho rằng câu này đã có từ Hán ngữ: “Tường bích hữu nhĩ” (Tường vách có tai) hoặc “Tường hưu phùng, bích hữu nhĩ” (Tường có kẽ, vách có tai) để khẳng định từ “dừng” là chính xác. Thế nào là “dừng”? “Việt Nam từ điển” (1931) giải thích: “Dừng: Cùng nghĩa như chữ dứng: Rút dây động dứng. Dứng: Nan để làm cốt vách. Cũng như là dứng”: Trát vách dứng. Dứng: Đan: Dứng phên”. Tất nhiên dừng/ dứng còn nghĩa khác nữa, nhưng không bàn ở đây. Chỉ bàn “dừng” trong quan hệ có liên quan đến “vách”.

Một số bản “Truyện Kiều” đã in

Do hiểu như thế này, câu thơ trong “Truyện Kiều”, nhiều bản ghi là dừng: “Ở đây tai vách mạch dừng/ Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi”. Theo “Truyện Kiều chú giải” (NXB Diên Hồng - 1959) của Văn Hòe: “Mạch dừng là dừng có kẽ hở. Dừng là những thanh tre dựng vào vách để trát vữa lên. Vách và dừng đều có tai để nghe, nói chỗ nào cũng có người nghe ngóng tình hình, dù nói năng ở nơi chỗ vắng vẻ chỉ có dừng với vách cũng sẽ người nghe biết” (tr.352).

Ngược lại cũng có không ít bản Kiều, lại ghi: “Ở đây tai vách mạch rừng”. Bản của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim (1925) khảo đính, còn dẫn câu “Phương ngôn: Rừng có mạch, vách có tai” như một cách xác định chọn từ “rừng” là đúng. Bản của Đào Duy Anh  cũng chọn “Ở đây tai vách mạch rừng” và giải thích: “Mạch rừng: Khe hở của cái dừng, hay cái rừng, một thứ vách làm bằng nứa đập bẹp” (tr.340). Rõ ràng, ở đây “dừng” cũng đồng nghĩa với “rừng”. Tại sao “dừng” cũng là “rừng”? Hỏi như thế, bởi dừng và rừng hoàn toàn khác nhau. Chỉ có thể chọn 1 chứ không thể “nước đôi”.

Như vậy, căn cứ vào các bản “Truyện Kiều” - sở dĩ, chọn “Truyện Kiều” bởi đây là “thiên thu tuyệt diệu từ” mà đại thi hào Nguyễn Du đã chứng minh sức sống và nội lực phi thường của tiếng Việt, chúng ta vẫn chưa thể xác định Tố Như vận dụng câu tục ngữ “Tai vách mạch dừng” hay “Tai vách mạch rừng”. Do đó, từ bản “Liễu  Văn đường”, bản cổ nhất khắc in năm 1866 đến nay, các bản Kiều không thống nhất chọn giữa “rừng” và “dừng”.

2. Vậy, các nhà làm tự điển đã ghi lại thế nào? “Tai vách mạch rừng” đã xuất hiện trong “Đại Nam quốc âm tự vị” (1895), “Tự điển Việt - Pháp” (1898) của J.F.M Génibrel… Riêng câu “Rừng có mạch, vách có tai” đã có trong “Từ điển Latinh” (1887) của Taberd. Tuy nhiên, “Việt Nam từ điển” (1931) ghi nhận “Tai vách mạch dừng”, về sau “Việt Nam từ điển” (1970) của Lê Văn Đức cũng ghi “dừng”, nhưng “Việt Nam tân tự điển” (1965) của Thanh Nghị, “Từ điển tiếng Việt” (1988) của Hoàng Phê ghi “rừng”, “Đại từ điển tiếng Việt” (1999) của Nguyễn Như Ý lại ghi cả “dừng” lẫn “rừng”... Ta thấy, ngay cả từ điển cũng có sự khác biệt.

Sở dĩ như thế, còn bởi lời ăn tiếng nói của dân tộc Việt thể hiện qua ca dao, tục ngữ, thành ngữ được truyền miệng từ đời này qua đời khác, vì lẽ đó, có “dị bản” là lẽ tất nhiên. Có câu, ta hiểu nội dung nhưng mỗi nơi ghi mỗi phách, giống từ này nhưng lại khác từ kia. Một trong những lý do quan trọng vì trải theo năm tháng, có từ đã phai nghĩa, người ta phải “cập nhật” bằng một từ khác mà họ cảm thấy dễ hiểu, “hợp lý” hơn. Điều này có tính cách phổ biến, chứ không riêng gì câu “Tai vách mạch dừng/ rừng”.

3. Để xác định từ “dừng” hay “rừng”, trước hết cần phải khảo sát về  “quy luật” có tính phổ biến của việc hình thành câu tục ngữ, đó là vế “tiểu đối” trong một câu. Vế đầu và vế kế tiếp cùng có từ liên quan nhau về sự vật/ sự việc để trở thành câu hoàn chỉnh, thí dụ “Giòn cười tươi khóc”, “Chó treo mèo đậy”, “Tay làm hàm nhai”, “Chùa đất Phật vàng”, “Dạ cá lòng chim”, “Tai to mặt lớn”, “Lên thác xuống ghềnh”, “Cạn tàu ráo máng” v.v… Xin nhấn mạnh, từ sử dụng trong hai “vế đối” có liên quan nhau, chứ không phải là một.

Vậy, nhìn từ “Tai vách mạch dừng” ta thấy gì?

“Vách” và “dừng” lại là một, cùng nghĩa: “Vách: Dừng bằng tre bằng nứa, ngoài trát đất để ngăn hay che chung quanh nhà” - theo “Việt Nam tự điển” (1931). Rõ ràng vách/ cái vách cũng là dừng/ cái dừng đó thôi. Vậy, xét ra ở đây không có yếu tố “tiểu đối” giữa “vách” và “dừng”. Muốn đối xứng với “vách” phải là một từ khác, đó chính là từ mà từ ngàn xưa người Việt đã chọn: “rừng”.

Hơn nữa, “Tai vách mạch dừng” chỉ mới phản ánh được một yếu tố là dù ở một nơi kín đáo như trong phòng được che bằng vách/ dừng thì cũng giữ mồm giữ miệng vì bản thân vật dụng đó có tai, ngụ ý câu chuyện đang bàn đó, người ngoài cũng có thể biết đến. Trong khi đó, ta biết câu tục ngữ bao giờ cũng đạt đến sự khái quát, “không chỉ thế này mà còn cả thế kia” nữa, ở đây, khi chọn “Tai vách mạch rừng” còn nhấn mạnh thêm không chỉ nơi kín đáo, mà, ngay nơi vắng vẻ như ở ngoài rừng cũng không “mồm mép tép nhảy” bởi rừng có mạch cũng như vách có tai.

4. Sở dĩ lâu nay, chúng ta phân vân không biết nên chọn “dừng” hay “rừng” vì không giải quyết được từ “mạch” trong “mạch rừng”. Do đó, người ta mới chọn “dừng/ mạch dừng” nhằm giải thích: “dừng có kẽ hở”, “khe hở của cái dừng” nghe ra hết sức có lý, chứ nếu chọn “mạch rừng” thì bó tay bởi rừng làm gì có mạch? Đúng là thế.

“Đại từ điển tiếng Việt” (1999) cho biết “mạch” có cả thẩy 7 nghĩa: 1.Đường ống dẫn máu trong cơ thể: mạch máu…; 2. Đường chảy ngầm dưới đất: giếng mạch; 3. Đường vữa giữa hai lớp gạch khi xây: bắt mạch cho thẳng; 4. Đường lưỡi cưa ăn theo chiều dọc cây gỗ: cưa vài mạch; 5. Hệ thống dây dẫn tiếp nối nhau để cho dòng điện đi qua thông suốt: đóng mạch điện, ngắt mạch; 6. Đường, chuỗi tiếp nối liên tục: mạch than, mạch quặng; 7. Hệ thống ý được phát triển liên tục, không đứt đoạn trong suy nghĩ, diễn đạt: mạch suy nghĩ, mạch văn”.

Với các nghĩa này, từ “mạch” không thể đi chung với “rừng” để trở thành “mạch rừng”; hơn nữa, một khi “tai vách/ vách có tai” (để nghe), ắt “mạch” cũng phải có nghĩa tương tự thì mới “đối xứng” với vế trước trong cấu trúc của một câu tục ngữ.

Vậy mạch/ mạch rừng là gì?

Xin thưa, mạch còn có thêm nghĩa khác nữa, nay đã mất dấu vết, “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) cho biết “Mạch: Chỉ chọc, tỏ vẻ, nói ra”, văn liệu: “Tai vách mạch rừng: Ấy là rừng có mạch, vách có tai, phải cẩn thận lời nói”. Từ “mạch” theo nghĩa này, ta có thể tìm thấy trong “tọc mạch”/ “thóc mách” là “Hay lục lạo rìm kiếm để biết chuyện bí mật của người ta” - theo “Việt Nam tự điển” (1931).

Sự việc đến đây đã rõ ràng như ban ngày, không còn phân vân gì nữa. Rằng, dù nơi hết sức kín đáo hoặc nơi vắng vẻ cũng đều có “tai mắt” của thiên hạ cả đấy, hãy cẩn thận. Từ câu tục ngữ này, tôi nhớ ngay sau ngày thống nhất đất nước (1975), ở Đà Nẵng có mấy câu tuyên truyền của Ủy ban Quân quản thành phố gửi đến từng hộ gia đình và dán tại các nơi công cộng:

Ở đây tai vách mạch rừng

Những chuyện công tác xin đừng nói ra

Cho dù bão táp mưa sa

Khách lạ đến nhà phải báo công an.

5. Trở lại với ý kiến cho rằng, câu “Tai vách mạch rừng” là “phiên bản” của Hán ngữ: “Tường bích hữu nhĩ” (Tường vách có tai) hoặc “Tường hưu phùng, bích hữu nhĩ” (Tường có kẽ, vách có tai), liệu chừng có đúng? Tôi nghĩ cần phải xem lại. Đơn giản, trên trái đất này, dân tộc nào cũng có những câu nói mang tính khái quát, dù cùng nội dung nhưng cách diễn đạt khác nhau tùy theo tính cách, tâm lý dân tộc, do đó, có những câu giống nhau nhưng không thể xác định “bản quyền” thuộc về dân tộc nào. Người trước nhất chứng minh điều này là học giả Nguyễn Văn Tố viết trên tạp chí Tri Tân số 44-7148, ra ngày 28-29 Juin 1944, trong bài “Tục ngữ ta đối với tục ngữ Tàu và tục ngữ Tây”. Qua tập sách “Từ điển tục ngữ, thành ngữ, danh ngôn Anh - Pháp - Việt” (NXB Khoa học Xã hội -2024) của Lê Ngọc Tú, ta còn có thể tìm thấy rất nhiều câu cùng nội dung chỉ khác về cách diễn đạt.

Tất nhiên chúng ta không loại trừ khả năng có lúc dân tộc này vay mượn “nguyên si” câu thành ngữ, tục ngữ của dân tộc kia, nhưng cần phải xét trong trường hợp cụ thể. Cụ thể, “Tai vách mạch rừng” là cách nói của người Việt, dấu vết rõ nét nhất, không thể chối cãi là từ của tiếng Việt cổ đã sử dụng: “mạch/ mạch rừng”.

Vậy có câu hỏi rằng: Văn bản Truyện Kiều cụ Nguyễn Du đã sử dụng từ “dừng” hay “rừng”? Rằng thưa, trước đây các nhà nghiên cứu cho rằng bản Kiều có niên đại cổ nhất còn lưu giữ lại đươc là bản “Liễu Văn đường”, khắc in năm 1871. Thế nhưng, thông tin này đã thay đổi, cụ thể là năm 2004, nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân đã được Bảo tàng Khu lưu niệm Nguyễn Du photocopy tặng cho bản “Liễu Văn đường”, khắc in năm 1866. Như vậy, đến thời điểm này, đây là bản Kiều cổ nhất đã được ông Nguyễn Quảng Tuân phiên âm, khảo dị và chú giải (NXB Văn Học - 2004). Về câu tục ngữ đang xét, theo bản này: “Ở đây tai vách mạch rừng”.

Thêm chứng cứ này, từ bản Kiều cổ nhất, ta thêm yên tâm khi chọn “rừng”. 

Lê Minh Quốc

Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các tòa nhà dân cư tại thành phố Kazan của Nga, cách tiền tuyến hơn 1.000 km, đồng nghĩa với việc Kiev đưa cuộc chiến vào sâu trong lãnh thổ của Nga.

Sáng 21/12, nhận được thông tin bệnh nhân Đào Thị S (SN 1991, trú xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bị băng huyết sau sinh tại Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng cần gấp lượng lớn máu để phục vụ cấp cứu, Ban Chấp hành Chi đoàn Công an huyện Duy Xuyên đã thông báo huy động đoàn viên trong "Ngân hàng máu sống", sau đó Đại úy Trần Duy cùng 2 đoàn viên khác xung phong lên đường ra Đà Nẵng để hiến máu cứu người.

14 trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau bữa tiệc tại quận Long Biên (Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, có 5 bệnh nhân có biểu hiện sốc nhiễm trùng nhiễm độc phải hồi sức tích cực, lọc máu, thậm chí đặt ống nội khí quản, thở máy. 

Ngày 21/12, Công an tỉnh Thanh Hoá thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự vừa triệt xoá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tham gia đầu tư sàn giao dịch chứng khoán. Đây là đường dây do các đối tượng người nước ngoài, câu kết với các đối tượng người Việt Nam thực hiện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, TP ven biển từ Phú Yên đến Cà Mau theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.

Đã gần 10 ngày trôi qua nhưng đến nay, người dân thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) chưa hết bàng hoàng trước cái chết của bà Sử Thu Nga (SN 1954), mà hung thủ là hai thiếu niên 13 tuổi ngụ cùng địa phương với nạn nhân.

Thời điểm kiểm tra, cơ quan Công an bắt quả tang Đặng Thị Ngọc Hiền (SN 1983) có hành vi mua bán số đề cùng với 8 người khác đang đánh bài ăn thua bằng tiền tại nhà lồng chợ ở xã Hòa Bình (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文