Kia
Mobifone

Tàu điện ngầm và chuyện “ngược đời” ở Đức

Thứ Ba, 30/07/2024, 10:22

Là quốc gia có trình độ phát triển hàng đầu thế giới, nhưng nước Đức cũng có những vấn đề của riêng họ. Bên cạnh việc kiểm soát dòng người nhập cư, hệ thống tàu điện ngầm trì trệ cũng trở thành một trong những nhân tố khiến Đức trở nên "kém sang" dưới góc nhìn của người bản xứ và khách du lịch quốc tế.

Sớm thành muộn

Trong văn hóa làm việc, người Đức từ lâu nổi tiếng nhờ lối sinh hoạt khoa học, kỷ cương. Một trong những tiêu chí cơ bản nhất để định nghĩa một người Đức thuần túy là luôn đến đúng giờ. Tuy nhiên, điều này dường như không còn đúng với Deutsche Bahn, hệ thống tàu điện lâu đời nổi tiếng của Đức.

Tàu điện ngầm và chuyện “ngược đời” ở Đức -0
Tàu điện tại Đức luôn chậm và quá tải ở EURO.

Tiền đạo Niclas Fullkrug của đội tuyển Đức đã làm một điều tréo ngoe ngay trước EURO 2024. Anh được chọn là một trong những gương mặt đại diện hình ảnh cho đội tuyển theo yêu cầu của Liên đoàn Bóng đá Đức. Cơ quan này yêu cầu Fullkrug có mặt tại trụ sở vào sáng thứ Hai để giao lưu, chụp hình quảng bá sản phẩm. Nhưng anh đã đến nơi từ tối Chủ nhật.

Phải chăng Fullkrug là người kỹ tính đến mức có mặt sớm hơn nửa ngày? Hoàn toàn không. Tiền đạo này cho biết, anh buộc phải đi sớm hơn thường lệ vì sợ đến muộn nếu phải đi… tàu điện cao tốc. Điều này nghe qua có vẻ ngược đời, nhưng lại là sự thật. Fullkrug ngồi "tàu cao tốc", nhưng cuối cùng anh vẫn đến nơi "chậm hơn nhiều" so với thời gian dự kiến.

Nhà của Fullkrug nằm cách đại bản doanh đội tuyển Đức khoảng 500 km. Vì một số lý do khách quan, bao gồm đáp ứng quy chuẩn "vì một kỳ EURO xanh và hạn chế phát thải khí nhà kính", anh không đi máy bay hay lái xe. Thay vào đó, tiền đạo này đi tàu điện. Anh ước chừng mình có thể đến nơi vào giữa giờ chiều, nhưng cuối cùng phải dỡ hành lý khi mặt trời đã lặn.

Fullkrug không hề lo xa khi quyết định đi sớm. Trên hành trình dài 500 km, anh liên tục phải nghe thông báo về ga trễ từ loa phóng thanh trên tàu. Với một cầu thủ vốn đã quen với nếp kỷ luật nghiêm chỉnh đến từng phút như Fullkrug, điều đó thật khó chịu. Quan trọng hơn, tình trạng quá tải hành khách không phải nguyên nhân hàng đầu dẫn tới điều đó.

Về hạ tầng giao thông, nước Đức vốn tự hào về AutoBahn, hệ thống đường bộ cao tốc tân tiến bậc nhất thế giới. AutoBahn an toàn tới mức áp dụng quy chuẩn tốc độ không giới hạn cho lái xe với một số điều kiện nhất định. Nhưng Deutsche Bahn lại là một câu chuyện khác. Đây không chỉ là rắc rối đơn thuần về mặt giao thông, mà còn được xem như vấn nạn tầm cỡ quốc gia.

Chuyện đùa và nghiêm túc

Những người Việt sống tại Đức cũng không lạ gì với những chuyến "tàu điện cao tốc cao su" này. Anh Lê Mạnh, một người Việt đã ở Đức trên dưới 20 năm, nói điều này đã không thay đổi từ ngày anh đặt chân đến châu Âu. Tàu điện là phương tiện giao thông công cộng tương đối rẻ, nhưng với những chuyến đi dài, họ phải chấp nhận cảnh trễ giờ so với dự kiến.

"Cách tốt nhất để khiến một người Đức trễ giờ đi làm hoặc đi học, đó là sử dụng tàu điện để di chuyển", Thanh Hà, một sinh viên đang học tập tại Đức ví von. Cô có không ít kỷ niệm kém vui với hạ tầng giao thông đường sắt tại quốc gia châu Âu này. Nhà ga thiếu vệ sinh, luôn bốc mùi khó chịu, và tàu thường xuyên về bến trễ khiến lịch trình dở dang.

Để minh chứng cho câu chuyện mình nói là đúng, Thanh Hà mời người đồng hành lên một chuyến tàu đến Veltins Arena. Đó cũng là ngày đội tuyển Anh mở đầu hành trình EURO. Không ít người hâm mộ Anh tỏ vẻ mệt mỏi trong lúc chờ bắt tàu. Họ cảm thấy thời gian chờ đợi dường như kéo dài vô hạn, dưới cái nắng gắt của mùa hè châu Âu vốn càng nóng hơn vì biến đổi khí hậu.

Ronald Moore, một cổ động viên của Tam Sư, nói anh và các bạn mình sử dụng tàu điện vì đây là phương tiện được ban tổ chức khuyến khích sử dụng. Còn gì tuyệt vời hơn sử dụng tàu điện trong một kỳ EURO thân thiện với môi trường, lại còn có giá phải chăng? Nhưng trước cả khi bước lên tàu, Moore đã sớm vỡ mộng vì lo mình có thể vào sân muộn hơn giờ thi đấu.

Tàu điện ngầm và chuyện “ngược đời” ở Đức -0
Hạ tầng đường sắt Đức gặp nhiều khó khăn khi nâng cấp.

"Tại Anh, chúng tôi không lạ gì với cảnh hệ thống đường sắt ngưng trệ, đặc biệt trong những ngày công nhân viên ngành này tổ chức đình công. Nhưng tại Đức, ngay cả khi mọi người làm việc bình thường, tình trạng trễ giờ vẫn diễn ra. Tôi không hiểu vì sao điều này lại xảy đến", Moore thất vọng. Bên cạnh anh là hàng chục khán giả khác phải xếp hàng chờ đợi.

Deutsche Bahn từng được xem là một trong những nhân tố làm nên thành công của World Cup 2006 tại Đức. Hệ thống đường sắt cao tốc khi ấy vận hành trơn tru nhờ lượng du khách quốc tế ở mức vừa phải, đặc biệt từ khu vực ngoài châu Âu. Nhưng EURO 2024 lại là một câu chuyện khác, vì Deutsche Bahn lúc này phải chuyên chở người của 23 quốc gia châu Âu khác đổ về Đức.

Thảm họa mang tên Deutsche Bahn bắt đầu vào ngày 14/6, cũng là ngày khai mạc EURO 2024. Lượng hành khách gia tăng đột biến trên mọi chuyến đi khiến toàn bộ hệ thống đường sắt Đức ách tắc. Chính quyền các địa phương đã thông báo cho các nhà ga về viễn cảnh này, nhưng họ vẫn không thể làm dịu đi tình hình.

Về phần Moore, anh nói mình phải đi tàu điện vì không còn lựa chọn nào khác. Nơi anh ở nằm khá xa sân vận động. Một số người quen của Moore đã chấp nhận đi bộ 5-7 km từ nơi lưu trú đến sân bóng. Họ sẵn sàng cuốc bộ hơn 1 giờ đồng hồ, thay vì ngồi chờ với thời gian tương tự ở nhà ga và không biết khi nào chuyến tàu mình cần sẽ đến nơi.

Phát triển và trì trệ

Đức là một trong những quốc gia có mạng lưới đường sắt phát triển bậc nhất thế giới. Theo thống kê từ Bộ Giao thông Đức, hệ thống đường sắt của quốc gia này có tổng chiều dài vào khoảng 32.000 km, tương đương 4/5 chu vi Trái Đất. Nhưng khoảng một nửa trong số đó là những tuyến đường ray có tuổi đời hơn 70 năm, chưa thể mở rộng và nâng cấp trong tương lai gần.

Những tuyến đường ray cũ chằng chịt tại Đức đồng nghĩa với một sự thật: Tàu điện cao tốc buộc phải giảm tốc độ mỗi khi chạy trên hệ thống này. Bên cạnh nhu cầu ngày một tăng cao của việc vận tải hành khách và hàng hóa trên đường sắt, Deutsche Bahn dần lâm vào tình trạng trì trệ. Những chuyến đi bị trễ đến hàng giờ đồng hồ xuất hiện ngày một nhiều hơn.

Thống kê chính thức từ Bộ Giao thông Đức cho thấy, chỉ có chưa đến 2/3 số chuyến tàu điện tại Đức đến đúng giờ trong tháng 6/2024. Tỷ lệ này tại Áo và Pháp lần lượt là 94% và 87%. Với mật độ người nhập cư ngày càng lớn tại Đức, đặc biệt là ở Berlin, Thanh Hà châm chọc nói ban quản lý nhà ga hẳn phải chuẩn bị phát loa thông báo bằng 6 thứ tiếng.

Xét về nguyên nhân sâu xa, lý do chính khiến Đức không thể nâng cấp hệ thống đường sắt cũ đến từ việc thiếu vốn đầu tư. Chính phủ Đức đã tiến hành cổ phần hóa công ty đường sắt quốc gia từ 3 thập niên trước, nhưng không thể thu hút tư nhân rót vốn vào. Chính phủ cũng chỉ có thể xắn tay vào giải quyết ở một mức độ nhất định, giữa hàng loạt vấn đề cấp bách hơn.

Theo ước tính của chính phủ Đức, họ cần khoảng 40 tỷ euro nhằm nâng cấp toàn bộ hệ thống đường sắt cũ. Số tiền này được lấy từ ngân sách liên bang, kết hợp với nguồn tiền của mỗi bang chi ra. Có khoảng 40 khu vực "cao điểm" được lựa chọn để nâng cấp đầu tiên, bao gồm sửa chữa hạ tầng cũ, cũng như xây dựng hệ thống đường ray mới nằm song song.

Trong khoảng thời gian nhiều nhà ga và đường ray của Deutsche Bahn được nâng cấp, Chính phủ Đức khuyến cáo tình trạng tắc nghẽn có thể diễn ra nghiêm trọng hơn. Lý do bởi một số khu nhà ga, đường ray không thể sử dụng trong thời gian nâng cấp. Điều đó khiến lưu lượng người di chuyển qua những hạ tầng cũ tiếp tục tăng lên, khiến tần suất chậm chuyến cũng tăng.

EURO 2024 cũng khiến quá trình nâng cấp hạ tầng đường sắt của Deutsche Bahn chững lại. Họ xác nhận việc sửa chữa, xây dựng phải tạm hoãn toàn bộ trong thời gian diễn ra EURO. Điều này được yêu cầu nhằm đảm bảo an toàn cho công tác thi công. Mọi thứ chỉ bắt đầu trở lại vào ngày 15/7, đúng một ngày sau khi trận chung kết EURO giữa Anh và Tây Ban Nha khép lại.

Trong bối cảnh nước Anh đã rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Đức phải đóng vai trò "anh cả". Một trong số đó là việc dùng ngân sách để thực hiện nghĩa vụ hỗ trợ EU, bao gồm cả giúp đỡ các nước thành viên. Bài toán đối ngoại đó đã khiến Đức rơi vào tình cảnh rắc rối với chuyện đối nội. Deutsche Bahn là một trong số đó, và vấn đề càng nghiêm trọng hơn tại EURO này.

Ronald Moore cuối cùng đã đến sân muộn hơn giờ dự kiến. Anh không thể có mặt cùng các cổ động viên Anh hát quốc ca trên khán đài. Người đàn ông này nói anh đã nghe thấy phía nhà ga phát đi loa thông báo xin lỗi cổ động viên. Moore chép miệng đáp lại, thời gian không thể mua bằng tiền hay lời xin lỗi.

Trần Thành (từ CHLB Đức)

.