Đảng Cải cách Anh: Chiến thắng chấn động và làn sóng dân túy

09:50 07/05/2025

Ngày 2/5/2025, kết quả bầu cử địa phương tại Anh gây chấn động khi một đảng non trẻ mới thành lập giành thắng lợi vang dội, vượt mặt cả đảng Bảo thủ và làm lung lay vị thế của Công đảng cầm quyền. Chiến thắng này không chỉ đánh dấu sự trỗi dậy của một thế lực chính trị mới mà còn hé lộ những mâu thuẫn sâu sắc trong lòng cử tri Anh, đặt ra câu hỏi về tương lai của nền chính trị tại quốc gia này.  

Từ Brexit đến khát vọng cải cách

Đảng Cải cách Vương quốc Anh (Reform UK) ra đời năm 2021, dưới sự dẫn dắt của Nigel Farage, ông là một nhân vật chính trị kỳ cựu từng dẫn dắt phong trào Brexit và thành lập đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP). Ông Farage, với phong cách diễn thuyết thẳng thắn và tư tưởng dân túy, đã biến đảng Cải cách thành "tiếng nói của những người bị lãng quên", nơi những cử tri bất mãn với chính sách nhập cư, toàn cầu hóa, sự thiếu quyết đoán của các đảng truyền thống từ Bảo thủ đến Công đảng trong việc giải quyết các vấn đề cuộc sống hằng ngày của người dân tập hợp lại dưới ngọn cờ mới.

Đảng Cải cách Anh: Chiến thắng chấn động và làn sóng dân túy -0
Thủ lĩnh Farage của đảng Cải cách ăn mừng chiến thắng sau bầu cử hôm 2/5.

Về mặt chính sách, đường lối của đảng Cải cách tập trung vào 4 mục tiêu chính. Đầu tiên là chống nạn nhập cư bất hợp pháp, đặc biệt qua eo biển Manche. Theo những lãnh đạo của đảng thì việc kiểm soát kém dòng người nhập cư của chính phủ đã làm tăng gánh nặng an sinh của đất nước cũng như ảnh hưởng tới cơ hội việc làm của người dân Anh. Thứ hai là họ phản đối các chính sách thuế hiện nay. Theo lãnh đạo đảng thì việc đánh thuế cao là bất công cho người lao động nên chính phủ cần giảm thuế cho người dân và tăng thuế đối với các tập đoàn đa quốc gia thu lợi tại Anh. Đồng thời, ông Farage luôn cho rằng chính phủ đang hoạt động thiếu hiệu quả với một bộ máy cồng kềnh nên cần tinh giản để cắt giảm chi tiêu. 

Ông Farage cũng muốn thúc đẩy Anh tách khỏi ảnh hưởng của Liên minh châu Âu (EU) dù Anh đã rời khối này vì cho rằng Anh đang bị ảnh hưởng bó buộc bởi những chính sách của khối. Ông Farage cũng đề xuất cải cách thể chế để tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính phủ. Những luận điểm này của ông Farage rất gần gũi với đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump. Vì vậy, ông Farage được coi là Donald Trump của nước Anh, một người đang dẫn đầu cuộc cải cách cho nền chính trị Anh vốn nổi tiếng bảo thủ.

Về chiến lược tranh cử, tận dụng sự bất mãn xã hội tại Anh hiện nay, đảng Cải cách hoạt động mạnh ở các vùng nông thôn và công nghiệp cũ, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề từ suy thoái kinh tế và làn sóng di cư. Đảng này khéo léo sử dụng mạng xã hội và các buổi mít-tinh trực tiếp để kết nối với cử tri, hứa hẹn "thay đổi triệt để" hệ thống chính trị "đã lỗi thời". Thị trưởng mới đắc cử ở Lincolnshire, bà Andrea Jenkyns, cựu bộ trưởng đảng Bảo thủ đã chuyển sang đảng Cải cách, nhân vật đứng thứ hai của đảng phát biểu trong lễ nhậm chức của mình mới đây khẳng định sẽ chấm dứt “nước Anh mềm mỏng” và “công cuộc tái thiết bắt đầu từ đây... chúng ta sẽ có một nước Anh mà người dân Anh được đặt lên hàng đầu”.

Nếu đảng Cải cách giành thêm nhiều ghế sẽ dẫn đến Quốc hội Anh bị phân mảnh.

Chiến thắng của khát vọng thay đổi 

Trong cuộc bầu cử địa phương ngày 1/5 vừa qua, đảng Cải cách đã giành quyền kiểm soát 8 hội đồng từ tay đảng Bảo thủ, trong đó có các thành trì như Kent và Staffordshire, đồng thời giành được các khu vực Doncaster và Durham từ tay Công đảng. Đáng chú ý, đảng này còn thắng ghế nghị sĩ Quốc hội khu vực Runcorn và Helsby, nơi Công đảng từng thống trị trong nhiều năm.

Hiện, đảng Cải cách đang nắm giữ 5 ghế nghị sĩ trong Hạ viện Anh với tổng số 4 triệu phiếu bầu, chiếm 14,3% số phiếu toàn quốc và là đảng lớn thứ ba tại Quốc hội. Một thành tích rất đáng nể với một đảng có tuổi đời chỉ 4 năm so với những đảng đã tồn tại hàng trăm năm của Anh. Tiến sĩ John Curtice, chuyên gia nghiên cứu chính trị đến từ Đại học Strathclyde nhận định: ”Đảng Cải cách đang tái định hình chính trường Anh. Chiến thắng địa phương cho thấy họ không chỉ là hiện tượng nhất thời".

Thắng lợi của đảng Cải cách được giải thích bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Đầu tiên là sự suy yếu của đảng Bảo thủ. Sau 14 năm cầm quyền (2010-2024), đảng này để lại di sản là khủng hoảng kinh tế, bê bối tham nhũng và chia rẽ nội bộ. Việc thay 3 thủ tướng trong 5 năm cuối cầm quyền cho thấy đảng không còn giữ được sự đoàn kết và không có lãnh đạo đủ uy tín. Những bê bối cá nhân của các lãnh đạo đảng, điển hình như vụ Partygate của cựu Thủ tướng Boris Johnson khiến người dân Anh mất niềm tin vào giới lãnh đạo đảng. Trong cuộc bầu cử vừa qua, họ mất tới 676 ghế, chỉ còn 115 ghế tại các hội đồng địa phương. 

Khẩu hiệu “Nước Anh cần Cải cách”.

Trong khi đó, Công đảng dù mới lên nắm quyền từ tháng 7/2024 đã gây nhiều nỗi thất vọng. Đảng đã thất hứa về cải cách y tế (NHS) và kiểm soát lạm phát, khiến họ mất 186 ghế trong cuộc bầu cử địa phương vừa qua. Với sự thất vọng lớn về hai đảng cầm quyền liên tiếp, cử tri công nhân và tầng lớp lao động đã chuyển hướng ủng hộ đảng Cải cách vì tuyên bố chống nhập cư và bảo vệ việc làm địa phương của họ.

Sự thất bại của hai đảng lớn truyền thống đã thay nhau cầm quyền ở Anh trong hơn 100 năm qua hay chiến thắng của một “tân đảng” Cải cách đã đánh dấu hiện tượng “phân mảnh quyền lực”. Lần đầu tiên trong lịch sử, tổng phiếu bầu của hai đảng lớn (Bảo thủ và Công đảng) giảm xuống 50%, cho thấy xu hướng đa cực rõ ràng trong nền chính trị Anh quốc. Điều này sẽ đặt dấu chấm hết cho giai đoạn đối đầu giữa hai chính đảng, mở ra thời kỳ chính trị thỏa hiệp rộng rãi, các đảng nhỏ có cơ hội để can thiệp sâu hơn vào chính trường. 

Liệu có một cuộc lật đổ?  

Theo khảo sát của Financial Times và YouGov thực hiện vào đầu tháng 2/2025, sự ủng hộ dành cho Reform UK hiện dẫn đầu với 26% người được hỏi, vượt cả Công đảng (24%) và Bảo thủ (21%). Nếu xu hướng này tiếp diễn, đảng Cải cách của ông Farage có thể giành 40-50 ghế trong tổng tuyển cử tiếp theo, đủ để trở thành lực lượng lớn tại Quốc hội. Điều đó chắc chắn sẽ dẫn đến những thay đổi trên chính trường Anh, đặc biệt là ở mặt chính sách.ề nhập cư, đảng Cải cách được cho là sẽ mạnh tay ngăn chặn hoàn toàn di cư trái phép qua thuyền, thậm chí có thể rút nước Anh khỏi Công ước Nhân quyền châu Âu để tăng các hoạt động ngăn chặn.

Với chủ trương cắt giảm thuế và chi tiêu công, một bộ máy như Bộ Hiệu quả chính phủ tại Mỹ có thể được dựng lên và cải cách dịch vụ công theo hướng tư nhân hóa. Với chính sách cứng rắn, phản đối thỏa thuận thương mại với EU, mối quan hệ hai bờ eo biển Manche sẽ căng thẳng hơn, ảnh hưởng đến toàn châu Âu.

Nhưng, với giới quan sát, điều đáng lo nhất là đảng Cải cách đại diện cho chủ nghĩa dân túy sẽ thách thức thể chế hiện hành, làm suy yếu các chuẩn mực dân chủ như những gì đang xảy ra ở Mỹ dưới thời ông Trump. Giáo sư Tony Travers đến từ Trường Kinh tế London cho rằng: "Nếu đảng Cải cách tiếp tục thắng lớn, Anh có thể chứng kiến sự hình thành liên minh cánh hữu, tương tự xu hướng ở Pháp và Ý". Điều này sẽ dẫn đến những thay đổi căn bản trong chính sách cũng như đời sống chính trị đất nước. 

Phong trào chống người nhập cư lan rộng tại Anh giúp cho đảng Cải cách giành được nhiều sự ủng hộ.

Dẫu vậy, những mối lo này có thể đang bị phóng đại bởi hệ thống chính trị Anh về cơ bản là bảo thủ và nhiều rào cản với những đảng nhỏ như Cải cách. Thể thức bầu cử được gọi là "Chiến thắng duy nhất” (hiểu đơn giản là chỉ cần dành đa số ghế là có chiến thắng tuyệt đối chung cuộc) khiến các đảng nhỏ khó giành nhiều ghế dù có tỷ lệ ủng hộ cao. Đội ngũ lãnh đạo của đảng Cải cách cũng chưa từng nắm quyền, nên bị nghi ngờ về năng lực điều hành mức cao nhất. Thêm vào đó, cuộc tổng tuyển cử tiếp theo ở Anh theo quy định sẽ diễn ra vào năm 2029, còn rất nhiều thời gian cho các đảng lớn sửa chữa sai lầm từ thất bại vừa qua.

Dẫu vậy, sự vươn lên của đảng Cải cách cũng là tín hiệu đáng chú ý. Mới chỉ là những thắng lợi nhỏ, nhưng như ông Farage khẳng định trong lễ ăn mừng cùng những người ủng hộ: “Đây là một đêm trọng đại đối với nước Anh”. Đó là khi các đảng dân túy có thể định hình lại chính sách đối nội và đối ngoại, mở một kỷ nguyên chính trị khó lường hơn.

Tiểu Phong

Xác thực truy xuất nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế số. Các chuyên gia tin tưởng, bằng việc kết hợp công nghệ và các giải pháp đồng bộ, Việt Nam có thể tận dụng tối đa tiềm năng của truy xuất nguồn gốc để xây dựng một nền kinh tế số minh bạch, hiệu quả, và cạnh tranh.

Sau vụ cháy khiến 8 người chết, 3 người bị thương xảy ra tại cư xá Độc Lập (hẻm 80, đường Đô Đốc Long, phường Phú Thọ Hòa, TP Hồ Chí Minh), chính quyền địa phương đã yêu cầu các hộ dân chiếm dụng hành lang cư xá, lắp đặt các “lồng sắt” ở các cửa sổ phải tháo dỡ, đề phòng cháy nổ…

Ngày 8/7, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã kết luận điều tra (lần 3, sau nhiều lần điều tra bổ sung) vụ án xảy ra tại chung cư Miếu Nổi phường Gia Định (phường 3, quận Bình Thạnh cũ). Trong kết luận lần này, số tiền cựu Trưởng ban quản trị chung cư Miếu Nổi và đồng phạm tham ô tài sản được xác định là 1,2 tỷ đồng (trước đó là 2,5 tỷ đồng).

Sáng 8/7, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Vũ Văn Vương (SN 1973, trú tại thôn Kim Long Trung, xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên (cũ), Hà Nội) và tuyên phạt bị cáo tử hình về tội “Giết người”. Vương là đối tượng đã ra tay thảm sát cả gia đình mình  đầu năm 2025 gây rúng động dư luận.

TP Huế có 1.132 căn nhà ở của các dự án (DA) bất động sản thuộc diện tồn kho. Thị trường bất động sản ở địa phương vẫn ảm đạm khi lượng giao dịch đất nền, nhà ở không tăng. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn rất cao.

Từ mẫu ADN của các thân nhân, bước đầu cơ quan chức năng đã xác định được danh tính 16 liệt sĩ chưa biết tên, trong đó có 2 liệt sĩ quê ở xã Nga An và xã Đông Thành, tỉnh Thanh Hoá. Đây là kết quả bước đầu, minh chứng hiệu quả  của Đề án thu nhận mẫu ADN các thân nhân liệt sĩ chưa tìm được hài cốt do Bộ Công an triển khai thực hiện trên toàn quốc.

Cùng với ông Nguyễn Quốc Thận, Trưởng phòng Kinh tế xã Thượng Đức, TP Đà Nẵng đi thực tế tại bờ sông Côn đoạn qua thôn Tân An, xã Thượng Đức, TP Đà Nẵng, PV Báo CAND ghi nhận tình trạng sạt lở bờ sông nơi đây diễn ra rất nghiêm trọng.

Chiều 7/7, dưới sự chủ trì của Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Công an, Bộ Công an đã tổ chức họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác Công an 6 tháng đầu năm 2025. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các cục nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an một số địa phương.

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian cho biết ông tin rằng bất đồng giữa Iran và Mỹ có thể được giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán, song nhấn mạnh lòng tin giữa hai bên hiện đang bị xói mòn nghiêm trọng sau các cuộc tấn công quân sự từ phía Mỹ và Israel.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.