“NATO hóa” Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương?
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, do lợi ích chiến lược của Mỹ tăng lên, việc bành trướng sức mạnh của NATO sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương xem ra là điều tất yếu. Bắt đầu từ việc can dự vào lĩnh vực an ninh, NATO trong cuộc cạnh tranh chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không ngừng vươn dài sang các lĩnh vực kinh tế, quân sự, công nghệ...
Sự can dự của NATO vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bắt đầu bằng việc mở rộng sang thiết lập cơ chế liên kết với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Năm 2016, tại Brussels (Bỉ), NATO đã tổ chức đối thoại chính trị với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand nhằm tăng cường kết nối chính trị với 4 nước này. Năm 2021, tổ chức này xây dựng chiến lược phát triển “Chương trình nghị sự NATO 2030” và đề xuất can dự rộng rãi hơn vào các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là chiến lược phát triển “hành động Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Quan hệ giữa NATO với các nước trong khu vực này thường xuyên được nâng cấp.
Tháng 4/2022, Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid lần đầu tiên mời các nhà lãnh đạo của Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand thảo luận về sự thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu và sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Tháng 5/2022, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO đã có cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng 4 nước. Hợp tác “NATO + 4 nước châu Á - Thái Bình Dương” từng bước được mở rộng từ lĩnh vực an ninh phi truyền thống sang lĩnh vực an ninh quân sự truyền thống.
Tháng 1/2023, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc, tuyên bố an ninh của khu vực xuyên Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương liên kết chặt chẽ với nhau.
Mỹ đã thiết lập các cơ chế kết nối đa phương dày đặc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương: Liên minh chia sẻ thông tin tình báo Ngũ nhãn (bao gồm Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand); cơ chế Đối thoại an ninh 4 bên Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Australia (Bộ Tứ) cùng Hiệp ước Đối tác an ninh tăng cường 3 bên Australia - Anh - Mỹ (AUKUS). An ninh luôn là trọng tâm trong các cuộc thảo luận về vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phiên bản năm 2022 của Mỹ coi khu vực này là “vùng chiến sự ưu tiên”. Quân đội Mỹ đã đẩy nhanh thực hiện Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương; ra sức thúc đẩy Quan hệ đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về nhận thức lĩnh vực hàng hải (IPMDA)...
NATO cũng đã gia tăng các cuộc tập trận chung giữa các khu vực và tăng cường các hoạt động phối hợp. Những năm gần đây, NATO tổ chức nhiều cuộc tập trận quy mô lớn: Từ tháng 6 đến 8/2022, tổ chức cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) ở vùng biển ngoài khơi quần đảo Hawaii và Nam California, trong đó Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia đều huy động vũ khí và trang thiết bị hiện đại nhất của mình, tăng cường huấn luyện diễn tập sử dụng trang bị tiên tiến và thực hiện quan niệm tác chiến hiện đại. Ngày 23/6/2023, NATO mời Nhật Bản tham gia cuộc tập trận trên không lớn nhất kể từ khi tổ chức này được thành lập - cuộc tập trận chung Air Defender 2023. Nhìn chung, các cuộc tập trận giữa NATO và các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đều có đặc điểm là quy mô lớn, tần suất gia tăng, lực lượng được đa dạng hóa, phạm vi bao phủ rộng và khả năng răn đe mạnh.
Mỹ nhấn mạnh Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm duy trì trật tự khu vực và các chuẩn mực quốc tế tự do, rộng mở và thịnh vượng, thúc đẩy lợi ích chung rộng lớn của các nước trong khu vực. Để phối hợp với sự thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, NATO thường xuyên tăng cường tiến trình can dự vào các vấn đề khu vực.
Tuy nhiên, chiến lược “NATO hóa” Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Mỹ giữ vai trò chủ đạo không được thúc đẩy một cách thuận lợi. Đã có những tiếng nói nghi ngờ và phản đối trong cộng đồng quốc tế và nội bộ NATO. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế cảnh giác với mối nguy hiểm từ việc hình thành trận tuyến và cuộc Chiến tranh Lạnh mới do Mỹ và các quốc gia phương Tây cổ xúy, cho rằng đối đầu theo phe và đối đầu ý thức hệ trên phạm vi thế giới là việc làm điển hình để khôi phục mô hình Chiến tranh Lạnh. Mỹ và châu Âu nhất trí bảo vệ lợi ích chung của phương Tây, nhưng châu Âu lại không đồng ý về việc Mỹ thúc đẩy chủ nghĩa bá quyền trên toàn thế giới dưới ngọn cờ NATO.
Trong những năm gần đây, các hoạt động quân sự của NATO đã gây ra một số hệ lụy ở châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông và cả châu Âu, làm leo thang căng thẳng trong khu vực và khiến người dân trên khắp thế giới bất bình. Từ năm 2023 đến nay, tại các quốc gia châu Âu như Pháp, Đức, Thụy Điển và Tây Ban Nha, các cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối NATO đã bùng phát. Đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, sự đối đầu theo phe về chính trị và ý thức hệ sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đối với nền tảng lòng tin, mô hình tương tác và sự cân bằng chính sách vốn đã suy yếu trong khu vực này.
Các nước thành viên NATO cũng bất đồng quan điểm về các mối đe dọa. Trong nội bộ NATO, đòi hỏi lợi ích giữa các quốc gia thành viên cũng khác nhau. Các nước Trung và Đông Âu muốn ràng buộc NATO với Nga và chủ trương tăng cường chức năng cốt lõi của Điều 5, Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Các quốc gia Nam Âu lại quan tâm nhiều hơn đến sự hiện diện quân sự của NATO ở khu vực Địa Trung Hải, Bắc Phi và Trung Đông. Các thành viên Bắc Âu lại quan tâm đến việc kiểm soát và quản lý chiến lược ở khu vực Bắc Cực. Năng lực chống rủi ro của một số quốc gia thành viên NATO chưa thực sự tốt và giữa chính họ còn có những tranh chấp lãnh thổ, sắc tộc, tôn giáo, văn hóa... từ đó làm suy yếu sự thống nhất chiến lược của tổ chức này, cản trở định hướng trật tự an ninh mới của NATO.
Một số quốc gia châu Âu còn cho rằng, về mặt địa lý, NATO phải giới hạn nghiêm ngặt trong khu vực Bắc Đại Tây Dương, vì lo ngại việc các nước châu Âu can thiệp vào vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ làm tăng rủi ro an ninh khu vực.