Tranh cãi Ba Lan - Ukraine làm xói mòn niềm tin của phương Tây

10:31 26/09/2023

Cuộc tranh cãi giữa Ukraine và nước láng giềng Ba Lan xung quanh vấn đề xuất, nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine sang các nước châu Âu đang khiến quan hệ hai nước ngày càng xấu hơn, rạn nứt ngày càng sâu khiến nguy cơ “vỡ trận” hậu thuẫn Ukraine chống Nga ngày càng lớn, đặc biệt là trong bối cảnh sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine của Tổng thống Volodymyr Zelensky đang “yếu dần”.

Mâu thuẫn gay gắt với Ba Lan

Theo truyền thông phương Tây, toàn Liên minh châu Âu (EU) đang dậy sóng vì cuộc tranh cãi gay gắt giữa Ukraine và Ba Lan do mâu thuẫn không thể giải quyết trong vấn đề xuất, nhập khẩu ngũ cốc. Cuộc tranh cãi đã bùng nổ mạnh mẽ theo chiều hướng nguy hiểm vào hôm 20/9 khi Ba Lan thông báo sẽ ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine trong bối cảnh tranh chấp ngày càng gia tăng giữa hai nước về lệnh cấm tạm thời việc nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết trên mạng xã hội: “Chúng tôi không còn chuyển vũ khí cho Ukraine nữa vì chúng tôi hiện đang phải trang bị vũ khí cho Ba Lan”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78.

Ba Lan từ lâu đã là một trong những nước ủng hộ trung thành nhất của Ukraine kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, cùng với nhiều quốc gia thuộc khối Đông Âu cũ lo ngại mình có thể là đối tượng tiếp theo nếu chiến dịch quân sự của Nga thành công. Vì vậy, việc Ba Lan tuyên bố ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine có thể được xem là một “cú sốc” làm lay động một số thủ đô ở châu Âu, kể cả NATO.

Động thái ngừng cung cấp vũ khí là bước leo thang mới nhất trong loạt xung đột giữa hai bên xung quanh vấn đề ngũ cốc Ukraine. Lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine ban đầu được một số quốc gia thuộc EU áp dụng vào đầu năm 2023 nhằm bảo vệ sinh kế của nông dân địa phương lo lắng về việc bị mất sinh kế do giá ngũ cốc Ukraine thấp. Trung tuần tháng 9, EU đã công bố kế hoạch đình chỉ lệnh cấm. Nhưng, 3 quốc gia gồm Ba Lan, Hungary và Slovakia cho biết họ có ý định giữ nguyên các hạn chế nhập khẩu ngũ cốc Ukraine.

Giới quan sát cho rằng, trong vấn đề ngũ cốc, Ba Lan đang buộc phải tự bảo vệ mình trước những nguy cơ trong kinh tế nông nghiệp đến từ làn sóng ngũ cốc giá rẻ nhập khẩu từ Ukraine. Nông dân Ba Lan sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất dần sinh kế nếu chính phủ của họ dỡ bỏ lệnh cấm và cho phép ngũ cốc Ukraine tràn ngập trong nước. Giới chính trị Ba Lan lại đang chuẩn bị bước vào cuộc tổng tuyển cử đầy căng thẳng. Vì thế, cho dù có ủng hộ Ukraine thế nào thì giới chính khách Ba Lan cũng phải tự bảo vệ mình trước.

Việc Ba Lan “tự bảo vệ mình” bằng việc duy trì lệnh cấm ngũ cốc khiến Ukraine kịch liệt phản đối, đồng thời nộp đơn kiện 3 nước Ba Lan, Hungary và Slovakia. Tổng thống Zelensky đã công khai chỉ trích việc Warsaw tiếp tục cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine là ví dụ mới nhất về sự “đối đầu” của Chính phủ Ba Lan đối với Kiev. Chưa hết, ông Zelenskiy còn tận dụng mọi cơ hội, mọi diễn đàn để chỉ trích Ba Lan. Trong phát biểu thảo luận chung tại diễn đàn Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 hôm 19/9, nhà lãnh đạo Ukraine đưa ra lời chỉ trích ngầm đối với Ba Lan, nói rằng tranh chấp là “vở kịch chính trị” và rằng “một số người bạn của chúng tôi ở châu Âu” đã “làm nên một bộ phim kinh dị” từ vấn đề ngũ cốc”.

Thủ tướng Mateusz Morawiecki phát biểu tại Swidnik, Ba Lan.

Ukraine dường như đã có động thái xoa dịu rạn nứt vào hôm 21/9. Bộ trưởng Chính sách nông nghiệp của Kyiv cho biết ông đã nói chuyện với người đồng cấp Ba Lan và đưa ra tuyên bố cho biết hai bên “đã thảo luận về tình hình và đề xuất của Ukraine để giải quyết vấn đề này, đồng thời đồng ý tìm một giải pháp có tính đến lợi ích của cả hai nước”. Bộ Nông nghiệp Slovakia cho biết họ cũng đồng ý thiết lập một hệ thống thương mại ngũ cốc để cho phép dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine.

Tuy nhiên, những bình luận của ông Zelensky đã vấp phải sự lên án ngay lập tức từ Ba Lan, với việc Bộ Ngoại giao triệu tập Đại sứ Ukraine tại Warsaw để truyền đạt “sự phản đối mạnh mẽ” của Ba Lan. Ngoại trưởng Ba Lan Pawel Jablonski nói với Đại sứ Ukraine rằng tuyên bố của ông Zelensky là “không đúng sự thật”, đặc biệt vì Ba Lan đã “ủng hộ Ukraine kể từ những ngày đầu của cuộc chiến”. Ông nói thêm rằng “gây áp lực lên Ba Lan tại các diễn đàn đa phương hoặc gửi khiếu nại lên các tòa án quốc tế không phải là phương pháp thích hợp để giải quyết tranh chấp”.

Tại một cuộc biểu tình ở Swidnik, Ba Lan, Thủ tướng Morawiecki đã đáp trả ông Zelenskiy bằng lời tuyên bố “Tôi muốn nói với Tổng thống Zelensky rằng đừng bao giờ xúc phạm người Ba Lan nữa, như ông ấy đã làm gần đây trong bài phát biểu tại Liên hợp quốc”. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Thủ tướng Morawiecki cho biết ông sẽ không mạo hiểm gây bất ổn thị trường Ba Lan bằng cách chấp nhận nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine nhưng sẽ không ngăn cản việc để cho ngũ cốc Ukraine đi ngang qua Ba Lan.

Niềm tin xói mòn?

Giới quan sát chính trị đã đặt ra một số câu hỏi quan trọng, trong đó quan trọng nhất là câu hỏi “liệu đây có phải là thời điểm mà quyết tâm kiên định của châu Âu chống lại cuộc chiến của Nga cuối cùng cũng rạn nứt?”. Vậy làm thế nào mà tranh chấp về nhập khẩu ngũ cốc lại leo thang thành khủng hoảng ngoại giao? Có thể thấy rằng nông nghiệp đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chính trị ở châu Âu. Và, việc để cho người nông dân đối mặt với nguy cơ bị chiếm mất sinh kế là điều không thể chấp nhận được đối với giới chính trị châu Âu. Diễn biến câu chuyện mâu thuẫn gay gắt giữa Ukraine và Ba Lan dường như đang cho thấy Ukraine đang “ra lệnh” cho nhiều nước châu Âu phải đáp ứng cho mình đủ thứ. Và, một khi các yêu cầu “cấp bách” đó không được thỏa mãn, lập tức Tổng thống Zelenskiy lên tiếng chỉ trích gay gắt.

Xe vận chuyển ngũ cốc Ukraine xuất sang các nước EU.

Người ta nói rằng, ông Zelenskiy đang sử dụng phép “cương - nhu” trong ngoại giao để duy trì và lôi kéo sự ủng hộ của cộng đồng thế giới trong cuộc chiến chống lại nước Nga. Tuy nhiên, nếu ai đó nhìn vào những thời điểm và tình huống “cương - nhu” của ông Zelenskiy thì sẽ dễ nhận ra cách ông ta “cương” và “nhu” ra sao. Ngay sau khi ông Zelenskiy phản đối gay gắt và chỉ trích Ba Lan về vấn đề ngũ cốc thì Chính phủ Ukraine chìa ra ngay động thái “mềm dẻo” xoa dịu, đồng thời đưa ra giải pháp để ngũ cốc Ukraine được phép “đi qua” Ba Lan. Nhưng, có người cho rằng ông Zelensky đã “cương” không đúng nơi, đúng lúc khi nhắm sự chỉ trích vào Ba Lan bất chấp tất cả những gì Warsaw đã làm cho Kiev suốt từ đầu cuộc chiến cho đến nay. Và, cuộc tranh cãi “ngũ cốc” hiện nay không phải là lần đầu ông Zelensky chỉ trích các đồng minh ủng hộ mình trong cuộc chiến, mà ông cũng đã từng vài lần lớn tiếng với các quốc gia cung cấp vũ khí cho mình như Pháp, Đức,... vì chậm cung cấp vũ khí.

Cuộc tranh chấp còn đặt ra những câu hỏi quan trọng về sự thống nhất của châu Âu. Tuy nhiên, điều đầu tiên và quan trọng nhất là không có quan chức châu Âu nào thực sự tin rằng sắp có sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách khi hỗ trợ Ukraine - đặc biệt là từ Ba Lan. Một nguồn tin quốc phòng cấp cao của châu Âu cho biết: “Tất cả chỉ là vì cuộc bầu cử và nông dân là lực lượng cử tri quan trọng của đảng cầm quyền PiS. Ba Lan sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine”. Một quan chức EU cho biết: “Người Ba Lan có lợi ích sống còn trong việc Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến với Nga nhưng giờ đây họ phải tạm thời dừng quan tâm vì cuộc bầu cử”.

Thật khó hình dung mức độ tức giận của Ukraine đối với Ba Lan. Một nhà ngoại giao cấp cao của EU nói với kênh truyền hình CNN: “Ukraine đã đề nghị với Ba Lan một giải pháp về ngũ cốc. Đó là lý do tại sao họ rất tức giận với Ba Lan. Cũng như 24 quốc gia thành viên EU khác từng bị Ba Lan bắt nạt trong 18 tháng qua vì không làm đủ để hỗ trợ Ukraine”.

Bài học nghiêm trọng nhất từ tất cả những điều này là ý nghĩa của nó đối với Ukraine về lâu dài. Phương Tây hiện đang nỗ lực rất nhiều để đưa Ukraine vào các thể chế của mình. Nước này hiện đang cố gắng gia nhập cả EU và NATO. Tuy nhiên, sự hỗ trợ đó đã đi kèm với những điều kiện và những lời cảnh báo. Hầu hết các quốc gia thành viên EU đều chấp nhận rằng, để dung nạp được Ukraine thì cần phải có những thay đổi đáng kể về cách thức hoạt động của EU. Nếu Ukraine tham gia trong tình trạng ổn định, phần lớn nguồn tài trợ hiện đang được chuyển đến các quốc gia thành viên dưới hình thức trợ cấp - bao gồm cả trợ cấp cho nông nghiệp - sẽ được chuyển đến Ukraine. Liệu những người nông dân Ba Lan (hoặc nhiều nước khác trong khu vực) có chấp nhận như thế không? Các cơ cấu hiện tại của EU cũng sẽ mang lại cho thành viên mới nhất của mình ảnh hưởng lớn trong các thể chế, cụ thể là nghị viện và hội đồng các quốc gia thành viên.

Đối với NATO, có những thành viên trong liên minh không thích ý tưởng một quốc gia đang có chiến tranh theo đúng nghĩa đen được tiếp cận cơ chế Điều 5 của Hiến chương - đó là cơ chế “tất cả vì một và một vì tất cả”, nó sẽ thúc đẩy các đồng minh ủng hộ một quốc gia khi có biến cố; cụ thể ở đây là khi một quốc gia thành viên bị một nước khác tấn công thì các thành viên còn lại phải tham chiến để bảo vệ. Đối với một liên minh quân sự, nhiều quốc gia NATO đặc biệt không thích chi tiền cho quốc phòng của mình chứ đừng nói đến cho nhau.

Lời tuyên bố “ngừng cung cấp vũ khí” của Ba Lan đang làm cho các quốc gia thành viên còn lại của NATO “thức tỉnh” để quay sang chống lại “sự khôn ngoan” của việc hỗ trợ quá nhiều cho một quốc gia thậm chí không nằm trong liên minh chỉ vì để “chống Nga”. Đó là lúc nhiều nước sẽ đánh giá lại giá trị, thành quả của việc ném tiền ủng hộ mạnh mẽ cho Ukraine mang lại cho họ là gì.

Điều này có thể nhìn thấy rõ nhất qua chuyến thăm Mỹ và Canada từ ngày 21 đến 23/9 vừa qua của ông Zelensky nhân dự Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 78. Tuy được Tổng thống Mỹ Biden tiếp đón “nồng hậu” tại Nhà Trắng, nhưng khi ông Zelensky đến phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ, thái độ đón tiếp của các nghị sĩ, đặc biệt là đảng Cộng hòa, khác hẳn, tạm gọi là “ngó lơ”, không quan tâm lắm. Giới bình luận cho rằng thái độ chào đón không còn mặn mà của giới chính trị Mỹ lần này khác hẳn lần trước ông Zelensky đến Washington cách đây 9 tháng là bởi vì người Mỹ giờ đây nhìn nhận một thực tế rằng con đường dẫn đến chiến thắng cuối cùng trong cuộc chiến chống lại Nga dường như ngày càng xa vời. Ông Zelensky đang phải đối mặt với các câu hỏi ở Washington về dòng tiền của Mỹ trong 19 tháng qua đã giúp duy trì quân đội của ông trong cuộc chiến chống lại lực lượng Nga.

Rốt cuộc, ông Zelenskiy cũng thu hoạch được một số kết quả từ chuyến công du Bắc Mỹ. Theo quan chức Mỹ, Tổng thống Biden đã tiết lộ một gói viện trợ khác cho Ukraine trị giá 325 triệu USD, dự kiến sẽ bao gồm thêm bom chùm và thiết bị phòng không, đánh dấu lần thứ hai Mỹ cung cấp loại vũ khí gây tranh cãi này cho Kiev.

Tuy nhiên, việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine để giúp Kiev duy trì khả năng chiến đấu với Nga đang hứa hẹn sẽ mang lại cho Tổng thống Mỹ Biden “cơn bão” chính trị mới trong nước. Phe cánh hữu cứng rắn của đảng Cộng hòa ngày càng phản đối việc chi thêm tiền viện trợ nước ngoài, đặc biệt là viện trợ Ukraine. Khi cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội năm 2024 đang đến, đó sẽ là vấn đề lớn.

An Châu (Tổng hợp)

Thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước, chiều 3/1, đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã trao Huân chương Chiến công hạng Ba tặng Phòng An ninh điều tra (ANĐT) Công an Đà Nẵng về thành tích triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ tiền giả quy mô lớn.

Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc ngày 3/1 thông báo gia hạn thêm một tuần đối với việc kiểm tra tất cả 101 máy bay Boeing 737-800 do các hãng hàng không nước này khai thác, trong bối cảnh cơ quan chức năng bắt đầu trục vớt xác máy bay của Jeju Air sau thảm họa hàng không xảy ra cuối tháng 12. 

Ngày 2/1, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Kạn phối hợp với với Công an huyện Mèo Vạc, Đồn Biên phòng Xín Cái, tỉnh Hà Giang; Công an huyện Quảng Nam và huyện Phú Ninh, châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tiến hành giải cứu thành công một người phụ nữ ở huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn sau 6 năm bị lừa bán.

Ngày 3/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, sau thời gian điều tra, củng cố chứng cứ, đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Giáp Thị Sông Hương (51 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, chủ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng tại quận 12) và quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Trang Mỹ Nhanh (72 tuổi, ngụ quận 12; bảo mẫu tại Mái ấm Hoa Hồng) về tội "Hành hạ người khác".

Ngày 3/1/2025, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Nam Định đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra Lệnh tạm giam đối với 5 đối tượng về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và đang tiếp tục điều tra, củng cố hồ sơ, thu thập tài liệu chứng cứ, làm rõ vai trò, hành vi phạm tội của các đối tượng khác trong đường dây để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文