TP Hồ Chí Minh: Nhiều bệnh viện "nhập nhèm" các gói thầu chống dịch
Cùng với kết luận về việc tại TP Hồ Chí Minh, nhiều đơn vị lợi dụng dịch bệnh COVID-19 “thổi” giá ngất ngưởng nhiều gói thầu, Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra những vi phạm trong việc lựa chọn nhà thầu, xác định giá gói thầu, sử dụng nguồn vốn phục vụ phòng chống dịch tại TP Hồ Chí Minh.
Xây dựng giá thuốc vượt giá trúng thầu cao nhất
Theo kết luận thanh tra, trong tình hình dịch bệnh, Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn ngân sách để mua sắm vật tư y tế trong công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, một số bệnh viện đã tổ chức thực hiện các gói thầu mua sắm sử dụng cả nguồn vốn ngân sách phục vụ phòng chống dịch COVID-19 và nguồn vốn từ nguồn thu hợp pháp khác của Bệnh viện (nguồn viện phí) để mua sắm vật tư y tế nhưng không phân định rõ từng nguồn vốn theo quy định trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Điều này dễ dẫn đến sự không minh bạch, rõ ràng khi quyết toán nguồn vốn ngân sách nhà nước trong công tác mua sắm để phục vụ phòng, chống dịch. Điển hình là tại Bệnh viện Nhi Đồng thành phố, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện An Bình, Bệnh viện TP Thủ Đức, Bệnh viện Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Từ Dũ.
Một số chủ đầu tư xác định số lượng mua sắm chưa sát với tình hình dịch bệnh, vượt nhu cầu thực tế sử dụng, dẫn đến số lượng mua sắm thực tế rất nhỏ so với số lượng được dự trù. Có một số loại thuốc được mua sắm nhưng chưa sử dụng.
Việc xác định giá gói thầu của một số chủ đầu tư chưa đúng quy định. Khi xây dựng giá gói thầu “Mua que tỵ hầu cung ứng phòng, chống dịch COVID-19”, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh chỉ căn cứ vào báo giá 2 nhà cung cấp là chưa thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ. Ngoài ra, có một số chủ đầu tư khi xây dựng giá gói thầu mặc dù đã căn cứ vào báo giá của 3 nhà cung cấp hàng hóa nhưng đơn giá hàng hóa cao hơn đơn giá do Bộ Y tế công bố cùng thời điểm, hoặc giá trúng thầu của các gói thầu trước đó của các đơn vị khác đã công bố công khai, chưa đảm bảo sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước như tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện An Bình, Bệnh viện Từ Dũ. Cá biệt Bệnh viện TP Thủ Đức, khi xây dựng giá gói thầu của một số gói thầu không thông báo để các bên cung cấp gửi báo giá mà chỉ căn cứ bảng chào giá của 1 nhà cung cấp.
Việc xác định giá các gói thầu mua sắm thuốc chữa bệnh, các chủ đầu tư và đơn vị thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm thuốc (Sở Y tế) không ưu tiên chọn loại thuốc (hoạt chất) có trong danh mục thuốc sản xuất trong nước mà chọn các mặt hàng thuốc nhập khẩu là không phù hợp. Khi xác định giá gói thầu, đa số các chủ đầu tư tham khảo giá thuốc trúng thầu trong vòng 12 tháng của các cơ sở y tế do Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế công bố trên trang thông tin điện tử và báo giá của các nhà thầu để làm cơ sở xây dựng đơn giá từng loại thuốc, xây dựng giá kế hoạch một số loại thuốc vượt giá trúng thầu cao nhất được công bố trên trang thông tin điện tử của Cục quản lý Dược.
Lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực
Thanh tra Chính phủ cũng kết luận, qua kiểm tra các gói thầu cho thấy, một số nhà thầu chưa đáp ứng được điều kiện theo quy định. Cụ thể, Công ty TNHH Đông Nam Dược Nhị Thiên Đường là nhà thầu trúng thầu 2 gói thầu cung cấp sản phẩm test nhanh do Bệnh viện Phục hồi chức năng- Điều trị bệnh nghề nghiệp làm chủ đầu tư không đủ điều kiện mua bán trang thiết bị y tế theo quy định, chưa đăng ký trên mạng hệ thống đấu giá quốc gia theo quy định. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhà thầu này không đủ khả năng cung cấp hàng hóa theo hợp đồng đã ký kết. Công ty TNHH Thiết bị y tế Hoàng Ngân là nhà thầu trúng gói thầu mua sắm vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm y tế, phục vụ điều trị người bệnh tại bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1 do Trung tâm Y tế TP Thủ Đức làm chủ đầu tư, không được Công ty TNHH Dịch vụ Tổng hợp MEDAZ Việt Nam (là đơn vị được chủ sở hữu sản phẩm ủy quyền phân phối sản phẩm ở Việt Nam) ủy quyền phân phối sản phẩm theo quy định.
Đối với các gói thầu áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ, nhà thầu Công ty TNHH TM Lê Bảo trúng thầu sản phẩm do Bệnh viện Trưng Vương làm chủ đầu tư nhưng không đáp ứng được yêu cầu của hồ sơ yêu cầu về tư cách hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm nhưng Bệnh viện vẫn lựa chọn là đơn vị trúng thầu. Một số gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi hoặc mua sắm trực tiếp, hồ sơ dự thầu/hồ sơ đề xuất chưa thỏa mãn theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu hoặc không làm rõ hồ sơ dự thầu/hồ sơ đề xuất nhưng chủ đầu tư vẫn lựa chọn trúng thầu…
Một số chủ đầu tư mua sắm thuốc chữa bệnh lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực dẫn đến sau khi được lựa chọn trúng thầu, nhà thầu không có hàng hóa để cung cấp hoặc cung cấp không kịp thời theo hợp đồng đã ký kết như gói thầu Mua sắm thuốc bổ sung năm 20220-2021 (lần 4) do Bệnh viện TP Thủ Đức làm chủ đầu tư có 3 nhà thầu không có đủ hàng cung cấp hàng hóa đối với 4 mặt hàng; Gói thầu Generic bổ sung năm 2020-2021(lần 7) phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 do Bệnh viện Nhi Đồng TP làm chủ đầu tư có 7 mặt hàng đã ký hợp đồng nhưng nhà thầu không có hàng cung cấp…