10 nhóm vấn đề được rà soát, chỉnh lý của dự thảo Luật Căn cước

15:43 21/11/2023

Tại phiên họp ngày 15/11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Căn cước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến thống nhất cao với toàn bộ dự thảo Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện và kết luận dự thảo Luật Căn cước đủ điều kiện trình Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 27/11 tới đây.

Dự thảo Luật Căn cước đã được Bộ Công an rà soát, chỉnh lý kỹ lưỡng cả về nội dung và kỹ thuật soạn thảo văn bản; trong đó, tập trung vào 10 nhóm vấn đề.

Về giải thích từ ngữ

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số từ ngữ để giải thích các khái niệm cho phù hợp với nội dung, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và tạo thuận lợi cho việc áp dụng Luật. Cụ thể:

 Sinh trắc học là những thuộc tính vật lý, đặc điểm sinh học cá biệt và ổn định của một người để nhận diện, phân biệt người này với người khác.

Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam là người đang sinh sống ở Việt Nam, không có giấy tờ, tài liệu chứng minh có quốc tịch Việt Nam và nước khác nhưng có cùng dòng máu về trực hệ với người đã từng có quốc tịch Việt Nam được xác định theo nguyên tắc huyết thống.

Ứng dụng định danh quốc gia là ứng dụng trên thiết bị số để phục vụ hoạt động định danh điện tử và xác thực điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công và các giao dịch khác trên môi trường điện tử, phát triển các tiện ích để phục vụ cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Trung tâm dữ liệu quốc gia là nơi tập hợp, lưu trữ, xử lý, điều phối thông tin, dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin để cung cấp các ứng dụng liên quan đến dữ liệu và hạ tầng thông tin theo quy định của Chính phủ.

Dự thảo Luật không quy định thu thập và quản lý toàn bộ thông tin mà chỉ quy định những thông tin cơ bản, thể hiện rõ nhất, cụ thể nhất về nhân thân, lai lịch, nhân dạng và sinh trắc học của một người để thu thập, quản lý, tạo nên căn cước nhằm nhận diện, phân biệt người này với người khác.

Dự thảo Luật cũng giải thích, quy định khái quát về việc xác định người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam và việc cấp giấy chứng nhận căn cước cho đối tượng này khi họ có đủ các điều kiện theo quy định để tạo thuận lợi cho họ trong giao dịch dân sự, ổn định cuộc sống và thuận lợi trong công tác quản lý của cơ quan chức năng.

Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định rõ về ứng dụng định danh quốc gia (VNeID) và quy định về trung tâm dữ liệu quốc gia với ý nghĩa là một hệ thống kỹ thuật được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia để chia sẻ, khai thác, xử lý thông tin để phù hợp với chủ trương của Đảng và Đề án 175 của Chính phủ về xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia; không quy định về tổ chức bộ máy.

Lực lượng Công an nỗ lực thực hiện cấp thẻ căn cước gắn chíp cho người dân. 

Quyền và nghĩa vụ của công dân và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý, bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước cho đầy đủ, chặt chẽ. Cụ thể, bổ sung quy định về quyền được cập nhật, khai thác thông tin trong thẻ căn cước của công dân Việt Nam;  nghĩa vụ của người dân về việc cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu của mình đã thay đổi so với thông tin trong thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước khi thực hiện giao dịch có liên quan và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu để bảo đảm sự chính xác, đồng bộ thông tin trong thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng chỉnh lý, quy định về việc người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người dưới 14 tuổi được thực hiện quyền và nghĩa vụ thông qua người đại diện hợp pháp của mình hoặc tự mình thực hiện khi được người đại diện hợp pháp đồng ý theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Về tổng thể, các quyền và nghĩa vụ của công dân, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch là các quyền dân sự của họ. Các quy định này cũng thống nhất, phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự; bảo đảm cho người dân được hưởng các quyền, lợi ích chính đáng trong việc khai thác, sử dụng tính năng, tiện ích của giấy tờ về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước. 

Các hành vi bị nghiêm cấm

Các quy định về các hành vi bị nghiêm cấm cơ bản được giữ nguyên như quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014. Trong đó có chỉnh lý, bổ sung nội dung nghiêm cấm mua, bán, trao đổi, chia sẻ, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước cho phù hợp với định hướng quản lý căn cước tại dự thảo Luật.

Đồng thời, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật cũng đã chỉnh lý, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm như không thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước theo quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật này; sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi khác gây cản trở, rối loạn hoạt động của cơ sở hạ tầng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử; khai thác, chia sẻ, mua, bán, trao đổi, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử… cho chặt chẽ, nhằm bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Dự thảo Luật đã bổ sung quy định theo hướng mở rộng, tích hợp nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và đem lại nhiều tiện ích, lợi ích cho người dân trong việc khai thác, sử dụng để phục vụ việc thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại và các hoạt động khác theo nhu cầu của mình. Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung 2 nhóm thông tin được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm tên gọi khác và nơi sinh cho đầy đủ, bảo đảm lợi ích của người dân.

Thu thập, cập nhật, quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý quy định rõ theo hướng các thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thu thập, cập nhật chủ yếu từ tàng thư do lực lượng CAND quản lý và Cơ sở dữ liệu căn cước, Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, cơ sở dữ liệu khác theo quy định của pháp luật. Chỉ đối với trường hợp một số thông tin cơ bản như họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, nơi đăng ký khai sinh... dùng để tạo lập số định danh cá nhân mà chưa có hoặc chưa đầy đủ thì cơ quan quản lý căn cước mới yêu cầu người dân cung cấp. Quy định này nhằm hạn chế tối đa việc tác động đến người dân.

Một số thông tin trên thẻ căn cước sẽ thay đổi tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước.

Thu thập, cập nhật, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý, bổ sung quy định nguyên tắc việc thu thập thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thực hiện trên cơ sở được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc lưu trữ thông tin có sẵn trong quá trình giải quyết vụ việc hình sự, hành chính có trưng cầu giám định thông tin của đối tượng phục vụ cho công tác phòng, chống tội phạm và quy định rõ về việc chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước cho chặt chẽ, đầy đủ hơn.

Thực tiễn khoa học hiện nay đã chứng minh, cùng với vân tay, mống mắt của một người có cấu trúc đường vân phức tạp và duy nhất đối với mỗi người, không thay đổi nhiều theo thời gian. Công nghệ nhận diện mống mắt (hay còn gọi là công nghệ cảm biến mống mắt) là phương pháp sử dụng thuật toán, hình ảnh để nhận dạng một người dựa vào cấu trúc các đường vân phức tạp và duy nhất của mống mắt (nơi xác định màu mắt của con người), hiện đã được ứng dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực. Hiện nay, nhiều quốc gia đã áp dụng công nghệ này để phục vụ nhận diện công dân, xác thực hộ chiếu... Đồng thời, công nghệ này có độ chính xác cao, đơn giản, dễ sử dụng, không cần thao tác phức tạp. Vì vậy, bên cạnh việc thu thập vân tay, dự thảo Luật đã bổ sung quy định thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người (với các trường hợp khuyết tật hoặc vân tay bị biến dạng do các nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan…).

Các quy định liên quan đến thẻ căn cước

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú... Việc thay đổi, cải tiến như trên để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân. Các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước. Đối với những thẻ căn cước công dân đã cấp thì vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này.

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật cũng đã bổ sung, quy định rõ về loại thông tin được mã hoá, lưu trữ trong bộ phận lưu trữ trên thẻ căn cước, việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước; khai thác thông tin tích hợp được mã hoá trong thẻ căn cước và trường hợp cấp đổi thẻ căn cước do thay đổi nhân dạng, bổ sung thông tin ảnh khuôn mặt, vân tay hoặc khi người được cấp thẻ yêu cầu để điều chỉnh cho phù hợp với sự thay đổi địa giới đơn vị hành chính, tên đơn vị hành chính… cho đầy đủ, chặt chẽ.

Trong quá trình xây dựng Luật, có ý kiến đề nghị bổ sung thông tin được in trên thẻ gồm thông tin về dân tộc. Tuy nhiên, Bộ Công an thấy rằng, thực tế thông tin “dân tộc” trong một số trường hợp sẽ có tính nhạy cảm, tuy tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện các quyền và lợi ích liên quan có ưu tiên đối với đồng bào dân tộc; nhưng trong một số trường hợp có thể dẫn đến sự phân biệt đối xử.

Các thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước sẽ được lưu trữ, khai thác thông qua mã QR code và chíp trên thẻ căn cước để bảo đảm bảo mật thông tin của công dân.Để bảo đảm tính bảo mật của thông tin, thẻ căn cước được chế tạo bằng công nghệ cao đã được mã hóa, bảo đảm chống lại việc làm giả hoặc tiếp cận, khai thác thông tin trái phép nên bảo đảm an toàn việc bảo mật khai thác thông tin trong chip điện tử. Để đáp ứng các tiêu chuẩn ICAO 9303 quốc tế về việc xác thực dữ liệu lưu trữ trong chip điện tử, bảo đảm thống nhất giữa các quốc gia, các cơ quan đơn vị cấp các loại giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế (hộ chiếu, thẻ căn cước...), Bộ Công an đã phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, lựa chọn để quy định các thông tin in trên mặt thẻ và thông tin được tích hợp để bảo đảm thống nhất và tuân thủ đúng các điều kiện, tiêu chuẩn của ICAO.

Giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý, bổ sung quy định rõ về nội dung quản lý người gốc Việt Nam, thông tin được in trên giấy chứng nhận căn cước, nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước, giá trị sử dụng của giấy chứng nhận căn cước…

Thực tế cho thấy, người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam gồm rất nhiều thành phần khác nhau, trong đó có cả những người có quốc tịch nước ngoài nhưng cố tình giấu hoặc vứt bỏ các giấy tờ chứng minh quốc tịch của mình nhằm mục đích ở lại Việt Nam bất hợp pháp. Nếu mở rộng đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước bao gồm cả người không quốc tịch không phải gốc Việt Nam thì có thể sẽ có nhiều đối tượng là người không quốc tịch trên thế giới di cư đến Việt Nam để sinh sống, tác động phức tạp đến tình hình an ninh, trật tự ở nước ta. Hiện nay, việc quản lý những người không quốc tịch theo quy định của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đang được thực hiện rất chặt chẽ, không vướng mắc. Nếu đủ điều kiện theo quy định của Luật, họ có thể được đăng ký tạm trú, thường trú và tham gia các giao dịch dân sự, các dịch vụ công, các dịch vụ thiết yếu bảo đảm cho cuộc sống. Do vậy, dự thảo Luật Căn cước chỉ quy định điều chỉnh và cấp giấy chứng nhận căn cước đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam là phù hợp.

Căn cước điện tử

Căn cước điện tử là nội dung được bổ sung so với quy định của Luật Căn cước công dân năm 2014. Dự thảo Luật đã quy định nhiều nội dung về căn cước điện tử như: Căn cước điện tử; danh tính điện tử của công dân Việt Nam; kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử; sử dụng căn cước điện tử; khóa, mở khóa căn cước điện tử. Đồng thời, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật cũng đã chỉnh lý, bổ sung quy định rõ về thông tin trong căn cước điện tử, thẩm quyền cấp căn cước điện tử, giá trị sử dụng của căn cước điện tử… cho rõ ràng, đầy đủ.

Trung tâm dữ liệu quốc gia

Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về “trung tâm dữ liệu quốc gia” tại các điều 3, 8, 10, 11, 12 dự thảo Luật Căn cước cho đầy đủ, tạo thuận lợi cho việc triển khai kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Trung tâm dữ liệu quốc gia ngay sau khi dự án Luật Căn cước được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành; kịp thời thể chế, quy phạm hóa ý kiến kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 của Chính phủ về xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia.

Nguyễn Hương

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

Kinh tế toàn cầu trong năm 2024 đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước một loạt thách thức lớn. Từ những căng thẳng địa chính trị kéo dài ở Ukraine và Trung Đông, cho đến những vấn đề nội tại như lạm phát và bất ổn thị trường lao động, bức tranh kinh tế thế giới mang đến cả những tín hiệu tích cực lẫn bài học quý giá. Các nền kinh tế lớn và mới nổi đều tìm cách vượt qua nghịch cảnh, tạo động lực để tiếp tục tiến lên trong bối cảnh biến động không ngừng.

Từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép các trường phổ thông được xây cao không quá 5 tầng, thay vì 3-4 tầng như hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, sự điều chỉnh này là hướng mở phù hợp, cần thiết nhằm góp phần giải quyết bài toán quá tải trường lớp ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nơi quỹ đất để xây trường trong nội thành ngày càng eo hẹp.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Mê Linh, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ tai nạn giao thông xảy ra khoảng 5h10' ngày 27/11/2024 tại đường Mê Linh theo hướng từ đường Võ Văn Kiệt đi tỉnh Vĩnh Phúc thuộc xóm Soi, thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, TP Hà Nội giữa xe ôtô BKS 29C - 733.12 với người đi bộ.

Sau hơn 6 giờ nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng cùng người dân đã phát hiện, vớt thành công thi thể của 2 mẹ con nhảy cầu tự tử vào trưa cùng ngày.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文