Bản hùng ca Toàn quốc kháng chiến: Những nỗ lực ngoại giao ngăn chặn chiến tranh

08:37 11/12/2016

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời trong bối cảnh trật tự thế giới mới đang hình thành sau Đệ nhị thế chiến. Nước Pháp thuộc khối Đồng minh thắng trận song “bóng ma” của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ còn đè nặng lên một bộ phận chính giới Pháp. Vì vậy, họ cương quyết khước từ nền độc lập, quyền bình đẳng và tự do của dân tộc Việt Nam.

Bài 2: Những nỗ lực ngoại giao ngăn chặn chiến tranh

Bên cạnh đó, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, mầm mống của Chiến tranh lạnh và đối đầu Đông – Tây bắt đầu xuất hiện nên nước Việt Nam lúc bấy giờ chưa được bất cứ quốc gia nào công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao… 

*Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một

Vì vậy, công tác ngoại giao được Chính phủ Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng, nhằm giới thiệu đất nước, chính phủ hợp hiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với thế giới. Sâu xa hơn, còn là việc bảo vệ vững chắc nền độc lập và những thành quả của Cách mạng Tháng Tám; đồng thời tránh một cuộc chiến tranh đẫm máu với nước Pháp.

Trong chuyến thăm lịch sử tới nước Pháp, Bác Hồ đã mở cuộc vận động ngoại giao lớn, góp phần nâng cao vị thế của nước Việt Nam mới. Trong ảnh, Bác Hồ với gia đình ông Raymond Aubrac (người đầu tiên bên trái) tại nhà ông Aubrac ở Pháp năm 1946.

Trong bối cảnh đó, Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946 có ý nghĩa đặc biệt: Dù phải chấp nhận cho 1,5 vạn quân Pháp vào Việt Nam giải giáp quân Nhật, nhưng đã triệt thoái được 20 vạn quân Tưởng – một hiểm họa lâu dài đã hằn sâu trong kí ức bao thế hệ người Việt. Đây cũng là hiệp định đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kí kết với một nước khác, là bước tiến vượt bậc của dân tộc Việt Nam từ vị thế thuộc địa đã bình đẳng kí kết một văn bản ngoại giao quan trọng với “Mẫu quốc” Pháp.

Tiếp sau Hiệp định Sơ bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã khẩn trương xúc tiến nhiều hoạt động ngoại giao với phía Pháp, nổi bật là Hội nghị Đà Lạt và Hội nghị Fontainebleau tại Pháp.

Hội nghị Đà Lạt diễn ra từ ngày 19-4 đến 11-5-1946, là một hội nghị nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Fontainebleau diễn ra tại Pháp vào tháng 7 – 1946. 

Tham gia phái đoàn của Việt Nam đều là những nhà văn hóa, trí thức tên tuổi. Trưởng đoàn là ông Nguyễn Tường Tam (Bộ trưởng Ngoại giao trong Chính phủ Liên hiệp kháng chiến Việt Nam, nhà văn có bút hiệu Nhất Linh; sau này rời bỏ Chính phủ đi lưu vong và mất năm 1963 tại Sài Gòn); phó đoàn là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp, giữ vai trò Chủ tịch Quân ủy hội kiêm Trưởng ban Quân sự phái đoàn. Ngoài ra, còn có những trí thức tên tuổi khác như Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Giáo sư, luật sư Nguyễn Mạnh Tường…

Trong hồi ký viết bằng tiếng Pháp, GS.LS Nguyễn Mạnh Tường nhớ lại cuộc gặp với Bác Hồ trước lúc lên đường dự hội nghị (tài liệu do gia đình GS.LS Nguyễn Mạnh Tường lưu trữ): 

“Hồ Chủ tịch nói “Vấn đề hiện nay là cần làm cái khung của hiệp định – Cần xây dựng đề án có lợi cho chúng ta... Tôi tin tưởng và giao trách nhiệm cho ngài làm việc này (lúc đó Cụ gọi tôi bằng ngài)”... Sau đó, Hồ Chủ tịch chỉ định: “Vì ngài là luật sư - Tiến sĩ luật, ngài sẽ có mặt trong Ủy ban Chính trị của phái đoàn Việt Nam; ngài là Tiến sĩ văn và giáo sư về văn chương Pháp, ngài sẽ làm Chủ tịch Ủy ban văn hoá trong phái đoàn”...

Tại Hội nghị Đà Lạt, Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường cùng các thành viên trong phái đoàn như Võ Nguyên Giáp, Hoàng Xuân Hãn, Dương Bạch Mai, Tạ Quang Bửu... đã làm hết sức mình để cuộc hội nghị “găng mà không gãy” như Bác Hồ căn dặn trước lúc đoàn lên đường; song thực dân Pháp quyết tái xâm lược Việt Nam đã khiến hội nghị thất bại. Ngày 11-5-1946, phiên họp cuối cùng đã diễn ra trong bầu không khí cực kì căng thẳng và kết thúc bằng những tuyên bố “lưu danh thiên cổ”. 

Trong hồi kí “Một vài kí vãng về Hội nghị Đà Lạt” của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn xuất bản ở Paris năm 1971, ghi lại: “Luật sư Nguyễn Mạnh Tường có tuyên bố bằng tiếng Pháp, nguyên văn như sau: “Việt Nam là một trong lịch sử và trong mỗi trái tim của chúng tôi. Nam Bộ là thịt của thịt chúng tôi, là máu của máu chúng tôi”.

*Bản tạm ước làm chậm chiến tranh

Sau thất bại của Hội nghị Đà Lạt, Việt Nam và Pháp tiếp tục tổ chức Hội nghị Fontainebleau (gọi theo tên tòa lâu đài nổi tiếng ở ngoại ô Paris, nơi diễn ra hội nghị). 

Trong thời gian diễn ra Hội nghị Fontainebleau, Bác Hồ cũng thực hiện chuyến thăm lịch sử tới nước Pháp nhằm vận động ngoại giao, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của chính giới và dân chúng Pháp, đồng thời hậu thuẫn cho hội nghị. 

Với trí tuệ mẫn tiệp và văn hóa chính trị của một nhà cách mạng quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho chính giới, nhân dân Pháp hiểu rõ khát vọng độc lập và quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hải ngoại Pháp Marius Moutet ký bản tạm ước ngày 14-9-1946.

Hội nghị khai mạc ngày 6-7 và kết thúc vào ngày 10-9-1946. Trong lời khai mạc, Trưởng đoàn Việt Nam Phạm Văn Đồng nêu rõ: 

“Trong lúc dân Việt Nam ra sức chống Nhật thì Chính phủ Vichy lại bán Đông Dương cho kẻ thù. Đến tháng 8 năm ngoái, dân Việt Nam nổi dậy tranh lấy chính quyền, tổ chức nước Cộng hòa Dân chủ. Từ ngày đó, nước Việt Nam là một nước độc lập. Không ngờ quân đội Pháp thình lình đổ bộ gây nên một cuộc chiến tranh... 

Chúng tôi lấy làm đau đớn mà phải nói rằng: người Pháp ở Việt Nam không thi hành đúng theo những điều khoản trong hiệp định (Sơ bộ 6-3-1946 – PV). Họ đã không đình chiến, lại tìm cách lấn thêm, gần đây họ lại chiếm vùng Kontum ở Trung Kỳ. Họ có những hành động táo bạo ở Bắc, như việc chiếm Phủ toàn quyền cũ. 

Nhưng trước hết, chúng tôi hết sức phản đối sự chia rẽ Tổ quốc của chúng tôi, hết sức phản đối việc người Pháp ở Sài Gòn lập ra một nước và một Chính phủ Nam bộ”…

Qua hơn 2 tháng đàm phán giằng co do lập trường của mỗi bên rất khác biệt, hội nghị đổ vỡ như đã xảy ra tại Đà Lạt. Nguyên nhân chủ yếu do sự ngoan cố của nhà cầm quyền Pháp vẫn muốn áp đặt chế độ thuộc địa đã lỗi thời lên Việt Nam, đặc biệt là âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. 

Phía Pháp đã đơn phương tán thành việc thành lập Nam Kỳ quốc, tách rời khu vực này khỏi những phong trào độc lập ở hai miền Bắc và Trung. Thâm độc hơn, Cao ủy Pháp tại Đông Dương D'Argenlieu còn thông qua việc thành lập Xứ Thượng Nam Đông Dương vào cuối tháng 5-1946 nhằm chia cắt Việt Nam thành nhiều mảnh để dễ bề cai trị…

Thời điểm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên phái đoàn Việt Nam đã nhận định khó tránh khỏi một cuộc chiến lâu dài với thực dân Pháp, nhằm giành cho được độc lập và thống nhất đất nước. Trung tuần tháng 9-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký kết bản Tạm ước 14-9 với đại diện Chính phủ Pháp, nhằm kéo dài thời gian hoà bình cho Việt Nam, rồi trở về Tổ quốc.

Trần Duy Hiển

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 23/11, Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án “Điều khiền phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của Nước CHXHCN Việt Nam” của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ chức năng, đại lý hàng hải được chủ tàu ủy quyền, công ty bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm môi trường và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文