AIPA ghi nhận sáng kiến hợp tác an ninh mạng của Việt Nam

19:15 25/08/2021

"Liên quan vấn đề an ninh phi truyền thống hiện nay, các đối tượng có thể lợi dụng đại dịch, lợi dụng những vấn đề biến đổi khí hậu... để tấn công, xâm nhập vào sự vững chắc an ninh của các quốc gia trong cộng đồng. Thông qua hợp tác quốc tế về an ninh mạng, chúng ta duy trì sự chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau và đồng thời hỗ trợ những vấn đề này. Đây là hai đề xuất rất quan trọng", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.

Đại hội đồng AIPA-42 đã bế mạc sau 3 ngày làm việc trách nhiệm, hiệu quả, trong đó thông qua một Nghị quyết rất quan trọng về "Tăng cường an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu, hướng tới một không gian mạng tự cường trong ASEAN". Bên lề Đại hội đồng AIPA, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN), thành viên Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Phiên họp Ủy ban Chính trị.

PV: Xin ông cho biết, việc Đại hội đồng AIPA thông qua Nghị quyết nêu trên có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4?

Phó Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Minh Đức: Việc ban hành Nghị quyết với sự nhất trí của Cộng đồng Liên minh Nghị viện các nước trong khối ASEAN sẽ góp phần to lớn trong việc thống nhất về mặt nhận thức giữa các thành viên về vấn đề an ninh mạng, cũng như chuyển đổi số, để tất cả các quốc gia phải nỗ lực, cố gắng hoàn thiện hành lang pháp lý của chính mình đối với vấn đề an ninh mạng. Trên cơ sở sự thống nhất, tương thích giữa luật pháp quốc gia, cộng đồng với luật pháp chung của AIPA về vấn đề an ninh mạng và chuyển đổi số sẽ giúp cho việc kết nối nhanh, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong vấn đề phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh quốc gia của mỗi quốc gia, cũng như bảo vệ an ninh của cả khu vực.

Phó Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Minh Đức chia sẻ với phóng viên Báo CAND bên lề Đại hội đồng AIPA-42. 

Tiếp đó, cũng sẽ giúp bảo vệ được các quyền của con người trên không gian mạng, chia sẻ để tương tác và hướng dẫn, giúp đỡ công dân các nước thành viên AIPA nhận thức được và sử dụng đúng pháp luật của quốc gia mình, cũng như pháp luật của cộng đồng AIPA đối với vấn đề công nghệ số, an ninh mạng. Đặc biệt là những người dùng mạng xã hội và đối với giới trẻ, để họ không vô tình rơi vào những cái bẫy vi phạm những quy định, những điều cấm trong sử dụng mạng xã hội và an ninh mạng. Đồng thời, họ sẽ có ý thức bảo vệ thông tin đối với chính quốc gia mình, đối với thông tin cá nhân và cộng đồng; không trở thành nạn nhân của chính những đối tượng xâm hại trên không gian mạng.

Thêm nữa, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang hoành hành đối với các quốc gia nói riêng và cả khu vực nói chung thì việc chuyển đổi số và kết nối thông tin thông qua nền tảng an ninh mạng sẽ giúp tất cả các quốc gia chia sẻ rất nhanh chóng những kinh nghiệm trong vấn đề phòng, chống đại dịch, cập nhật các thông tin mới nhất về các biến chủng mới, gửi những thông tin phát sinh trong vấn đề phòng, chống dịch. Vừa chia sẻ kinh nghiệm, vừa hợp tác trong vấn đề ngoại giao vaccine để giúp các nước có thể hỗ trợ nhau nhiều hơn nữa. Đối với những quốc gia dịch bệnh COVID-19 diễn biến nghiêm trọng thì thông qua an ninh mạng và những nền tảng kỹ thuật số có thể giúp họ phòng, chống, dập dịch nhanh nhất.

PV: Vậy, tham gia vào Nghị quyết này, Đoàn Việt Nam đã có những đề xuất gì được Đại hội đồng AIPA tiếp thu, thưa ông?

Phó Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Minh Đức: Trong Nghị quyết, Đoàn Việt Nam đã đề xuất nhiều nội dung, trong đó có hai sáng kiến sau đó bổ sung là thành lập cơ chế hợp tác khu vực qua kênh nghị viện, chia sẻ kinh nghiệm trong hoàn thiện chính sách, giám sát triển khai an toàn an ninh mạng và các biện pháp kỹ thuật hỗ trợ chống lại đại dịch. Chúng ta biết rằng, trong số các nước Đông Nam Á thì Việt Nam đứng thứ tư về các trụ cột kỹ thuật an ninh mạng. Chính vì thế cho nên, với việc đề xuất như vậy và lý giải hợp lý thì chúng ta đã được tất cả các nước trong AIPA đồng ý ngay.

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Phiên họp Ủy ban Chính trị tại AIPA-42. 

Về đề xuất thứ hai là tiếp tục duy trì hợp tác quốc tế, với tinh thần thống nhất nhận thức chung vì hành động của Cộng đồng ASEAN đối với an ninh mạng, hướng tới một khuôn khổ hợp tác khu vực để tạo thuận lợi cho phối hợp đảm bảo an ninh mạng. Khi chúng ta phân tích các đề xuất này thì các quốc gia thành viên hiểu và đồng thuận với đề xuất mà không có ý kiến gì khác. Bởi vì các kỹ sư công nghệ thông tin của chúng ta sẽ sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ trong Liên minh nghị viện.

Đồng thời liên quan vấn đề an ninh phi truyền thống hiện nay, các đối tượng có thể lợi dụng đại dịch, lợi dụng những vấn đề biến đổi khí hậu... để tấn công, xâm nhập vào sự vững chắc an ninh của các quốc gia trong cộng đồng. Thông qua hợp tác quốc tế về an ninh mạng, chúng ta duy trì sự chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau và đồng thời hỗ trợ những vấn đề này. Đây là hai đề xuất rất quan trọng!

PV: Theo ông, đâu là cơ sở để AIPA quyết định ban hành Nghị quyết này?

Phó Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Minh Đức: Cơ sở thứ nhất là hầu hết các nước AIPA đều đã ban hành các văn bản về vấn đề an ninh mạng đối với mỗi quốc gia, trên cơ sở các quy định của pháp luật quốc tế và vấn đề tôn trọng quyền con người, cũng như quyền riêng tư của mỗi quốc gia.

Cơ sở thứ hai là do nhu cầu. Không gian mạng hiện nay trở thành một trong những vấn đề vô cùng quan trọng đối với an ninh toàn cầu, cũng như an ninh của mỗi quốc gia. Chính vì thế, nếu như không có sự hợp tác trong chính Liên minh nghị viện AIPA này thì sẽ bị tụt hậu, thậm chí sẽ tạo thành những "lỗ hổng" để các thế lực thù địch, các đối tượng khác có thể tấn công vào các quốc gia cả về chính trị, kinh tế và dân sự, các quan hệ dân sự trong cộng đồng AIPA.

Cơ sở thứ ba là Việt Nam đã ban hành Luật An ninh mạng năm 2018 với các quy định quan trọng, tạo ra một hành lang pháp lý để mọi công dân khi sử dụng các nền tảng kỹ thuật số cũng như không gian mạng ở Việt Nam đều phải tuân thủ luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế. Kết hợp với cơ sở từ Luật An toàn thông tin mạng ban hành năm 2015.

Toàn cảnh Phiên họp Ủy ban Chính trị tại điểm cầu Việt Nam. 

Đồng thời, chúng ta đã ban hành một Chiến lược về an ninh mạng, quy định tổng thể những vấn đề mang tính phục vụ cho sự bảo vệ an ninh quốc gia cũng như là phát triển kinh tế. Đặc biệt, chúng ta đã có chương trình chuyển đổi số với tầm nhìn chiến lược 2025 - 2030 và xa hơn nữa, và hiện chúng ta đang cố gắng hoàn thiện Chính phủ điện tử. Khi có Chính phủ điện tử thì sẽ có Nghị viện điện tử, Quốc hội điện tử và tất cả các cơ quan đang đồng bộ thực hiện. Các quốc gia ASEAN cũng như AIPA cũng đang thực hiện như vậy thì rõ ràng chúng ta phải đặt ra vấn đề phải kết nối với tất cả các nước trong cộng đồng. Chính vì vậy, tất cả các nước AIPA đã nhất trí và đồng thuận với nhau về vấn đề kết nối toàn cầu đối với kỹ thuật số bao trùm cộng đồng ASEAN đến năm 2025.

PV: Để việc thực thi Nghị quyết này đạt hiệu quả như mong muốn thì Nghị viện các nước cần phải có những bước thực hiện như thế nào, và riêng Việt Nam phải làm gì, thưa ông?

Phó Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Minh Đức: Theo quan điểm của tôi, nghị quyết là một hành lang pháp lý rất quan trọng để nghị viện các nước thực thi mục tiêu này. Việc làm đầu tiên là các nước cần tự soi chiếu toàn bộ hệ thống pháp luật của mình xem có những điểm gì tương thích giữa các luật, các quy định về vấn đề kỹ thuật số và an ninh mạng. Trên cơ sở các quy định chung của Hiến pháp và các điều ước quốc tế đa phương và song phương mà Việt Nam đã ký kết với các nước thành viên AIPA, phải bao trùm mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, về quan hệ dân sự. Và trong đó có vấn đề bảo đảm các quyền riêng tư về sự tự do và quyền tự do con người. Cần rà soát kỹ, sau đó ban hành từng điều ước một theo các điều khoản của luật để có những hành lang pháp lý quan trọng nhất, thực thi pháp luật một cách thống nhất cho các nước mà vẫn tôn trọng độc lập, tôn trọng pháp luật của nhau; không can thiệp công việc nội bộ của nhau.

Đối với Việt Nam, chúng ta cũng căn cứ vào thực lực về toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật số cũng như con người để đào tạo, đào tạo lại, đầu tư và đầu tư tiếp theo, qua đó đáp ứng năng lực khi bắt tay vào thực hiện Nghị quyết này, cùng với cộng đồng AIPA và ASEAN thực hiện được ngay. Và chúng ta đẩy mạnh đầu tư thực hiện chuyển đổi số theo tinh thần Chính phủ đang đặt ra, đồng thời thực hiện Chính phủ điện tử, Quốc hội điện tử, đồng bộ hóa tất cả các nền tảng kỹ thuật.

Đối với các nước cũng cần xem xét, những nước nền tảng công nghệ thấp hơn chúng ta phải được đầu tư. Đồng thời cần thiết có sự hỗ trợ của chính các nước nền tảng công nghệ tốt hơn cho các nước khác, để làm sao hoàn thiện toàn bộ hệ thống cơ sở kỹ thuật về mặt hạ tầng và thống nhất về mặt luật pháp thì sẽ thực thi được mục tiêu của Nghị quyết này.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Quỳnh Vinh (thực hiện)

Ngày 27/11, trao đổi với PV Báo CAND, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, qua công tác tuần tra kiểm soát từ ngày 1/11 đến hết ngày 24/11, lực lượng CSGT toàn thành phố đã xử lý 2.291 trường hợp vi phạm giao thông liên quan đến học sinh. Trong số này có 517 trường hợp lái xe khi không đủ điều kiện, xử phạt 275 trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện.

Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự đang được dư luận và các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ rất cao. Dư luận xã hội và ĐBQH đánh giá, việc ban hành nghị quyết của Quốc hội là rất cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra hiện nay, tránh để tồn tại thực trạng tài sản “đóng băng”, không lưu thông, hay nằm “phơi sương, phơi nắng” trong khi đất nước đang rất cần nguồn lực để phát triển.

Khi đến thôn Phú Tuyên, xã Bình Tiến thì các đối tượng phát hiện cháu Đinh Hồng Tài (SN 2008) chở theo Lê Nhật Huy (SN 2007) bằng xe đạp. Lúc này, các đối tượng điều khiển xe mô tô ép sát đạp, dùng hung khí dí vào cổ cháu Huy để cướp tài sản…

Sáng 27/11, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận một trường hợp tử vong do bệnh dại...

Thời gian qua, một số cơ sơ chuyên mua bán hải sản trên các tuyến đường thuộc phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ đã tổ chức hoạt động kinh doanh tràn lan, bất chấp quy định pháp luật về sử dụng vỉa hè, lòng, lề đường, gây mất an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị.

Một thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt hơn một năm giao tranh xuyên biên giới giữa Israel và nhóm chiến binh Hezbollah đã giành được sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo Israel, làm dấy lên cả hy vọng lẫn những câu hỏi tại một khu vực đang bị chiến tranh tàn phá.

Mang cái tên đặc biệt, Võ Thị Nở (SN 1979, không nơi cư trú nhất định) từng có 5 tiền án về tội “Trộm cắp tài sản”, nhưng ngựa quen đường cũ, Nở vẫn tiếp tục thực hiện nhiều vụ móc túi, lấy trộm ĐTDĐ đắt tiền tại khu vực rạp chiếu phim và bệnh viện xung quanh khu vực quận 1, quận 3, TP Hồ Chí Minh…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文