Áp lực từ việc tăng giá đất lên các dự án có vốn đầu tư công

16:10 04/11/2024

Báo cáo với Tổ công tác số 3 của Chính phủ về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công vào tháng 10 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết: Việc thay đổi quy định của Luật Đất đai về chính sách bồi thường trong điều kiện số vốn bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) của TP Hồ Chí Minh rất lớn, tính chất của công tác bồi thường, GPMB phức tạp đã tác động trực tiếp tới tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công…

Trong năm 2024, tổng số vốn sử dụng cho công tác bồi thường, GPMB của thành phố khoảng 33.000 tỷ đồng, chiếm đến 38% tổng vốn đầu tư công phải giải ngân. Ngay từ đầu năm, thành phố dự kiến hoàn tất thủ tục và giải ngân kế hoạch vốn trong quý 3. Khi Luật Đất đai 2024 chuyển thời điểm có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 thành ngày 1/8/2024, phần lớn số vốn bố trí năm nay đã không thể giải ngân theo tiến độ và các dự án phải điều chỉnh lại đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng để đảm bảo tránh khiếu kiện, khiếu nại và tuân thủ theo quy định của Luật Đất đai mới.

Tới nay, TP Hồ Chí Minh giải ngân được số vốn 3.000 tỷ đồng trên tổng số 33.000 tỷ đồng phải giải ngân cho công tác GPMB. Bên cạnh đó có một số dự án khi tính toán lại chi phí bồi thường, GPMB theo quy định mới đã làm tăng tổng mức đầu tư, phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và phải chờ thực hiện điều chỉnh dự án xong mới đủ điều kiện giải ngân chi phí bồi thường, GPMB.

Đường Vành đai 3 phải thi công sát nhà dân.

Tại thành phố có 2 dự án bị ảnh hưởng rất lớn từ việc tăng tổng mức đầu tư do chi phí bồi thường, GPMB tăng khi phải xây dựng phương án bồi thường, GPMB theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 là Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm trên địa bàn quận Bình Thạnh và Gò Vấp; Dự án bờ Bắc kênh đôi ở quận 8. Để giải quyết vấn đề này, UBND thành phố đã đề xuất HĐND thành phố tổ chức kỳ họp chuyên đề nhằm xem xét, điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư cho 2 dự án trên vào ngày 27/9 vừa qua. Hiện UBND thành phố đang nỗ lực thúc đẩy các thủ tục để có thể giải ngân cho 2 dự án này vào cuối năm với số vốn là hơn 18.000 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ 23% tổng số vốn phải giải ngân cho công tác bồi thường, GPMB trong năm nay. 

Không chỉ riêng TP Hồ Chí Minh, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Trần Quốc Phương, vướng mắc trong công tác GPMB, tái định cư (TĐC) còn xảy ra tại 5 tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ. Tại tỉnh Bình Phước, Bộ KHĐT ghi nhận một số dự án còn vướng mắc trong công tác GPMB như Dự án xây dựng đường giao thông phía Tây quốc lộ 13 kết nối Chơn Thành - Hoa Lư; Dự án xây dựng đường Trường Chinh, đoạn qua khu đô thị Cát Tường; Dự án xây dựng đường Trần Hưng Đạo…  

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, công tác bồi thường, GPMB còn rất phức tạp do các quy định về lĩnh vực đất đai còn một số tồn tại, hạn chế như xác định phân loại đất, nguyên tắc sử dụng đất giữa các luật không thống nhất. Ngoài ra công tác xác định giá đất, thời gian thông báo thu hồi và một số quy định về đất đai chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn dẫn đến việc GPMB gặp nhiều khó khăn. 

Tại tỉnh Đồng Nai, Bộ KHĐT ghi nhận còn một số dự án gặp vướng mắc trong GPMB, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và TĐC như Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và TĐC phục vụ xây dựng sân bay Long Thành được giao vốn 2.510 tỷ đồng nhưng giải ngân chậm, phải điều chỉnh thời gian giải ngân đến cuối năm nay. Một số dự án chưa giải ngân được do công tác đo vẽ, kiểm đếm, xác định nguồn gốc đất mất nhiều thời gian hoặc do người dân chưa đồng thuận với giá bồi thường. Trong khi đó, việc lựa chọn đơn vị thẩm định giá đất gập nhiều khó khăn, các chủ đầu tư còn lúng túng trong việc thực hiện các gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật. Các khu TĐC triển khai chậm, một số dự án chậm bồi thường, GPMB do việc phối hợp giữa chủ đầu tư với địa phương chưa chặt chẽ. Điển hình trong số này là Dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, TĐC phục vụ xây dựng đường Vành đai 3, đoạn qua tỉnh Đồng Nai. 

Tại Bình Dương, Bộ KHĐT cũng ghi nhận công tác giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án có vốn đầu tư công. Thủ tục thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ TĐC các dự án kéo dài, phức tạp trong khi chính sách bồi thường bỗ trợ chưa phù hợp với thực tế…   

  

Bảo Sơn

Quân chủng Phòng không - Không quân đã chủ trì phối hợp với các lực lượng của Quân khu 5 và các địa phương khẩn trương tổ chức lực lượng, phương tiện tìm kiếm cấp cứu mặt đất và trên không.

Cơn bão số 3 (Yagi) đầu tháng 9 vừa qua đã gây hậu quả nặng nề tại các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là khu vực miền núi. Ngay khi bão lũ chưa tan hết, thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư Tô Lâm và chỉ đạo của Bộ trưởng Lương Tam Quang, Báo CAND đã phát động, kêu gọi bạn đọc, các nhà hảo tâm chung tay ủng hộ đồng bào, nhằm sớm ổn định đời sống và sản xuất của người dân.

Khi người dân Mỹ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống quan trọng năm 2024 giữa cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris, các công nghệ tiên tiến đang thay đổi cách thức bỏ phiếu, kiểm phiếu và đảm bảo an ninh, an toàn bầu cử. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文