Báo cáo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo
Sáng 8/5, tại Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Hội đồng nhân dân tỉnh, Công an tỉnh Gia Lai tổ chức báo cáo, xin ý kiến Đoàn ĐBQH tỉnh về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự kiến trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 5. Qua đó cung cấp thông tin, làm rõ các vấn đề cơ bản của các dự án luật, xin ý kiến góp ý rộng rãi của các cơ quan, ban ngành, quần chúng nhân dân để tập hợp, báo cáo Bộ Công an bổ sung, nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật trình Quốc hội.
Dự buổi làm việc có Thiếu tướng, Tiến sỹ Rah Lan Lâm - Giám đốc Công an tỉnh; Đại tá, Tiến sỹ Phạm Hữu Trường; Trung tá, Tiến sỹ Ksor H’Bơ Khắp - Phó Giám đốc Công an tỉnh và lãnh đạo một số phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh. Về phía Đoàn ĐBQH của tỉnh có bà Siu Hương - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Đại tá Đinh Văn Thê - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; bà Rơ Châm H′Phik - Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Chư Păh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thiếu tướng, Tiến sỹ Rah Lan Lâm, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, Bộ Công an được giao chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội khóa XV 5 dự án luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Quá trình xây dựng các dự án luật, Bộ Công an đã căn cứ các cơ sở lý luận, thực tiễn; tuân theo các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Chương trình xây dựng pháp luật của Chính phủ.
Đại biểu được nghe báo cáo, phân tích, nhấn mạnh những nội dung cơ bản, những điểm mới và sự cần thiết ban hành các dự án luật. Nhấn mạnh dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở , Đại tá, Tiến sỹ Phạm Hữu Trường - Phó Giám đốc Công an tỉnh nêu ý kiến: “Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự hiện nay (gồm Bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách, Dân phòng) là lực lượng sâu sát với dân, tham gia tích cực vào công tác phòng, chống tội phạm và các phong trào thi đua ở cơ sở; hỗ trợ, phối hợp với lực lượng Công an chính quy trong tấn công, trấn áp tội phạm. Tuy vậy, chế độ, chính sách đối với các lực lượng còn hạn chế, hoạt động còn mang tính manh mún nên khó ổn định... Do đó, cần thiết phải cụ thể hóa bằng luật để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, tương xứng hơn trong xây dựng, quản lý, sử dụng các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; xác định rõ trách nhiệm và bảo đảm quyền lợi chính đáng của lực lượng này”.
Tại buổi làm việc, các đại biểu Quốc hội tỉnh đã tập trung làm rõ thêm một số cơ sở thực tiễn của 5 dự án luật trên. Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, đại biểu Đinh Văn Thê cho rằng: “Việc điều chỉnh một số nội dung như nâng tuổi nghỉ hưu; quy định về vị trí có cấp bậc hàm cấp tướng… góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về chế độ, chính sách đối với lực lượng Công an nhân dân, tạo điều kiện để cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác và cống hiến. Tuy nhiên, cần phù hợp với hệ thống pháp luật và tương thích với các quy định của lực lượng Quân đội nhân dân, làm sao để bảo đảm cùng xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ngày càng vững mạnh”.
Về dự án Luật căn cước, đại biểu Rơ Châm H′Phik nêu ý kiến: “Hiện nay trên địa bàn tỉnh, mặc dù đã có căn cước công dân gắn chip, Nhân dân khi muốn thực hiện các thủ tục hành chính vẫn phải xin xác nhận cư trú. Dự thảo Luật căn cước cho thấy, Luật căn cước đơn giản hóa thủ tục hành chính và giấy tờ công dân, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự của công dân; khắc phục những hạn chế, bất cập của luật hiện hành. Vì vậy, chúng tôi đồng tình và mong muốn Luật Căn cước sẽ được soạn thảo chặt chẽ, hiệu quả, phù hợp”.
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, bà Siu Hương đánh giá cao các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo và cho rằng, ngành Công an đã bám sát thực tiễn cuộc sống, nỗ lực hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm phục vụ nhân dân, phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Đồng thời, bà Hương cũng đưa ra một số câu hỏi về các dự án luật nhằm làm rõ, tạo sự thống nhất giữa các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan. Theo đó, các cơ quan chức năng và ngành Công an cũng cần phải tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu sâu sắc hơn các nội dung và thấy được sự cần thiết các dự án luật.
Trước các ý kiến đóng góp và một số băn khoăn của một số đại biểu, đại diện các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh đã giải thích, làm rõ thêm những nội dung mới… Đơn cử, đối với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Thượng tá Lương Thị Thu Quỳnh - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: Luật Giao thông đường bộ ban hành từ năm 2008 đến nay có nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tiễn nhất là khi phương tiện ô tô của nước ta ngày càng tăng. Trên địa bàn tỉnh, số lượng phương tiện tăng lên nhanh chóng. Chỉ tính riêng ô tô, cuối năm 2022, số lượng xe ô tô là 60.500 chiếc, hiện tại đã tăng lên hơn 2.000 chiếc (62.649 xe ô tô); trong khi đó cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. Do đó, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là rất cần thiết, trước hết là xây dựng ý thức tự giác bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân khi tham gia giao thông”.
Kết thúc buổi làm việc, thay mặt Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh, Thiếu tướng Rah Lan Lâm trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội. Giám đốc tỉnh cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp của các cấp, các ngành, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và đặc biệt là sự quan tâm của các đồng chí trong Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đồng hành, ủng hộ những dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.