Bảo đảm "ích nước, lợi nhà", công khai, minh bạch trong đấu giá biển số xe ô tô
Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Giải quyết những vướng mắc về mặt pháp lý
Tại tổ TP Hà Nội, đề cập sự cần thiết của việc ban hành nghị quyết, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng, việc này nhiều nước trên thế giới như Anh, Úc… đã triển khai cách đây khá lâu. "Việc đấu giá biển số xe đảm bảo ích nước, lợi nhà, công khai, minh bạch nên cần được thực hiện sớm trên phạm vi toàn quốc", đại biểu nói.
Về giá khởi điểm, theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung là rất quan trọng, mà nếu không đưa vào nghị quyết thì không thể thực hiện được. Trong đó, mức 40 triệu là ngang bằng với lệ phí trước bạ xe ô tô ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, 20 triệu là phí áp dụng ở các địa phương khác. Trường hợp chỉ quy định một mức giá chung thì nên để 40 triệu đồng là hợp lý.
Cũng theo Giám đốc Công an TP Hà Nội, biển số xe sau khi trúng đấu giá là tài sản của dân nhưng cần làm rõ Nhà nước sẽ quản lý ra sao, chống đầu cơ như thế nào. Hiện có ý kiến cho rằng, phải có xe mới đăng ký tham gia đấu giá biển số và có quyền sử dụng suốt đời biển số đó...
Qua nghiên cứu, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Giang Trần Văn Tuấn thấy rằng, việc Quốc hội ban hành nghị quyết này là hết sức cần thiết, một mặt đáp ứng yêu cầu của tổ chức cá nhân, huy động thêm nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN), tạo sự công bằng hơn trong quản lý, tránh tiêu cực...
Về thực tiễn, theo đại biểu, đây không phải vấn đề mới, năm 1993, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an TP Hải Phòng nghiên cứu và tổ chức đăng ký, cấp biển số, thu lệ phí biển số tự chọn. Năm 2008, một số tỉnh như Bình Dương, Nghệ An, Khánh Hòa... cũng đã đề xuất vấn đề này, tuy nhiên trong thực hiện có những vướng mắc, trong đó vướng mắc lớn nhất là về pháp lý và chúng ta phải dừng lại.
"Để khắc phục vấn đề này, Quốc hội cần ban hành một nghị quyết để giải quyết những vấn đề vướng mắc về mặt pháp lý, nhất là quyền và nghĩa vụ của người tham gia đấu giá", đại biểu khẳng định. Cơ bản nhất trí với dự thảo nghị quyết, tuy nhiên, ĐBQH tỉnh Bắc Giang góp ý thêm vào Điều 3 về Quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá.
"Hai điểm này có sự trùng lặp nhất định, diễn đạt chưa rõ ràng, tôi đề nghị gộp hai điểm c, d lại làm một và diễn đạt lại: Khi chuyển nhượng, cho, tặng, để lại thừa kế xe đã gắn với biển số trúng đấu giá, người trúng đấu giá được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu của mình, hoặc được chuyển nhượng, cho, tặng, để lại thừa kế biển số theo xe", đại biểu lý giải.
Có quyền chuyển nhượng, cho, tặng nhưng biển số phải đi theo xe
Đại tá Vũ Huy Khánh, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN), Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề cập đến quy định về quyền và nghĩa vụ của người tham gia đấu giá. Có quan điểm cho rằng, đã được quyền đấu giá thì có đầy đủ quyền về tài sản theo Luật Dân sự. Tuy nhiên, theo đại biểu, xuất phát từ mục tiêu quản lý nhà nước, tránh trường hợp đầu cơ, thương mại hoá làm méo mó, không lành mạnh hoạt động đấu giá biển số xe ô tô, dự thảo cũng giới hạn nhất định quyền của người trúng đấu giá.
Không nhất thiết phải có xe mới được đi đấu giá, song người trúng đấu giá có nghĩa vụ phải đăng ký xe trong thời hạn 12 tháng, nếu không biển số sẽ bị thu hồi. Dự thảo luật có quy định về quyền chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế đầy đủ, nhưng biển số phải đi theo xe. Người nhận cũng có đầy đủ quyền nhưng không được giữ lại biển số đó đăng ký cho xe khác.
Bên cạnh đó, một số ĐBQH cũng đặt câu hỏi, góp ý thêm vào các vấn đề mà dự thảo nghị quyết nêu. Đồng chí Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho rằng, biển số trúng đấu giá được xác định là tài sản cố định, được phép giao dịch dưới hình thức chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế, kèm theo xe ô tô đang đăng ký biển số đó nhưng dự thảo nghị quyết còn thiếu các quy định liên quan.
"Trong trường hợp chuyển nhượng xe ô tô kèm theo biển số trúng đấu giá, giá trị biển số có thể lên tới 500 triệu đồng, nhưng giá trị xe ô tô chỉ 200 – 300 triệu đồng. Chúng tôi đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về việc định giá, xác định mức thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ khi có chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá kèm theo ô tô đăng ký biển số đó", đại biểu lấy ví dụ.
ĐBQH Nguyễn Phương Thuỷ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, ĐBQH Đoàn TP Hà Nội bày tỏ băn khoăn khi hiện tại chúng ta đang thực hiện cấp đăng ký và biển số xe theo địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và quản lý phương tiện theo địa bàn các tỉnh. Tuy nhiên nghị quyết lại cho phép được đấu giá trên phạm vi toàn quốc. "Chúng tôi chưa thấy có lý giải cụ thể về cách thức mà Bộ Công an sẽ tiến hành quản lý các phương tiện giao thông, cụ thể là ô tô, sẽ phải thay đổi thế nào để phù hợp với quy định đấu giá trên địa bàn cả nước như thế này", đại biểu đề cập.
Thoả mãn nhu cầu người dân, tăng thu ngân sách
Tại buổi thảo luận tổ, dưới góc độ Cơ quan thẩm tra dự thảo nghị quyết, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm UBQPAN, Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh trân trọng đề nghị các ĐBQH dành thời gian đọc kỹ Tờ trình của Bộ Công an và tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan khi góp ý vào dự thảo, đặc biệt là báo cáo thẩm tra chi tiết của UBQPAN đã tổng hợp đầy đủ các ý kiến, tổ chức toạ đàm, Hội nghị ĐBQH chuyên trách, mời các đơn vị, cơ quan có liên quan tham gia...
Lý giải vì sao biển số xe được coi là tài sản công đặc biệt, Trung tướng Nguyễn Minh Đức cho rằng, đây cũng là vấn đề trăn trở để sắp tới đây xin ý kiến ĐBQH. Biển số là phụ, xe ô tô là chính, mà cái phụ phải đi liền với cái chính. Cái biển này sẽ là vô nghĩa nếu ô tô đó không được đăng ký, lưu thông trên đường. "Chính vì vậy, mục đích ban hành nghị quyết này là để thoả mãn nhu cầu của người dân do có nhiều người quan niệm biển số đem lại may mắn, hoặc họ yêu thích biển số đó. Mục đích thứ hai là thu NSNN", đại biểu giải thích và cho biết, từ năm 2019 đến nay, số ô tô đăng ký trên cả nước là trên 5 triệu, đây là một trong những nguồn thu rất lớn cho ngân sách.
Về vấn đề thừa kế, cho, tặng, Ban soạn thảo và Cơ quan thẩm tra đã tính toán, những người trúng đấu giá ban đầu sau này có quyền thừa kế, cho, tặng con cái, vợ chồng. Nhưng người tiếp theo thì không cho phép chuyển nhượng nữa vì tuổi xe ô tô là hữu hạn chỉ khoảng 49 năm. Về hình thức đăng ký đấu giá trực tuyến, Phó Chủ nhiệm UBQPAN cho biết, việc đưa lên trên mạng toàn bộ kho số giúp người dân ngồi ở Việt Nam hoặc nước ngoài đều có thể đăng ký được, đảm bảo thuận lợi nhất.