Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, coi văn hóa là nguồn lực xây dựng và phát triển Thủ đô
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, trong nhiều năm qua, TP Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, coi văn hóa là động lực, là một trong các nguồn lực phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.
Ngày 21/3, TP Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: “Hội thảo là một trong những bước cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, những tư tưởng chỉ đạo quan trọng của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, đặc biệt là của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc “Văn hóa thực sự là nền tảng, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế và các lĩnh vực trọng yếu khác của đất nước”; tiếp tục triển khai các nội dung được thảo luận tại các Hội thảo khoa học do Trung ương tổ chức về Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa ngày 17/12/2022 tại Bắc Ninh và về 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam ngày 27/2/2023 tại Hà Nội”.
Hội thảo khoa học Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại là diễn đàn để các cơ quan, ban ngành, các chuyên gia, nhà khoa học cùng nhau thảo luận, trao đổi ý kiến đưa ra các luận cứ khoa học, các giải pháp giúp cho TP Hà Nội phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa của Thăng Long - Hà Nội, xây dựng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng sông hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định: "Hội thảo là sự tiếp nối, kế thừa và vận dụng những kết quả của các hội nghị, hội thảo khoa học vào thực tiễn cuộc sống đang diễn ra hết sức sôi động trên địa bàn TP. Đồng thời tiếp tục làm rõ tư tưởng chỉ đạo coi văn hóa là động lực, là nguồn lực xây dựng và phát triển Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
Theo đồng chí Đinh Tiến Dũng, trong nhiều năm qua, TP Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, coi văn hóa là động lực, là một trong các nguồn lực phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Liên tục trong nhiều nhiệm kỳ, Đảng bộ TP đều ban hành chương trình riêng về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội văn minh.
TP đã dành nguồn lực đầu tư ba lĩnh vực: Y tế, giáo dục - đào tạo và văn hóa giai đoạn 2022–2025 và các năm tiếp khoảng 49.200 tỷ đồng. Trong 2 năm 2021-2022, đã hoàn thành tu bổ, tôn tạo 181 di tích, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 114 di tích cấp quốc gia, 63 di tích cấp TP.
Được biết, Hà Nội sẽ dành tới 14.029 tỷ đồng để thực hiện tu bổ, tôn tạo 579 di tích, trong đó ưu tiên cho các di tích đã được xếp hạng đang xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ, cần bảo vệ khẩn cấp, các di tích đã được xếp hạng có giá trị cao, đang xuống cấp các hạng mục gốc, hư hỏng cấu kiện, kiến trúc và di tích cần phát huy điểm đến gắn với việc phát triển du lịch, nhằm phát huy giá trị, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội mong mỏi nhận được sự đồng hành, tham gia đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu bằng luận cứ khoa học, trách nhiệm và tình cảm đối với Thủ đô về vai trò của văn hóa trong xây dựng và phát triển.
“Trong năm 2023, TP triển khai đồng thời 3 nội dung quan trọng: Xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, lập Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ hội đặc biệt quan trọng để nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể, toàn diện, chuẩn bị các luận chứng khoa học và thực tiễn để xây dựng thể chế, chính sách phát triển, định vị các không gian phát triển, chú trọng đến không gian văn hóa, huy động các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội mong sẽ nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, sâu sắc của các cơ quan nghiên cứu, hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, các nhà khoa học, các chuyên gia về văn hóa học, văn hóa Hà Nội ở cả trong và ngoài nước. Qua Hội thảo này, TP sẽ có thêm nhiều sáng kiến tư vấn trong phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa nhằm xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, có thể sánh ngang tầm các thủ đô và TP hàng đầu trong khu vực”.