Bế mạc Diễn đàn báo chí toàn quốc năm 2024 với 10 vấn đề trọng yếu
Chiều 16/3, Diễn đàn báo chí toàn quốc năm 2024 trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc năm 2024 đã tổ chức phiên bế mạc.
Đến dự phiên bế mạc Diễn đàn báo chí toàn quốc năm 2024 có các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng nhiều đại biểu, lãnh đạo các cơ quan báo chí…
Phát biểu bế mạc, đồng chí Lê Quốc Minh cho biết: Diễn đàn báo chí toàn quốc năm 2024 vừa tổ chức thành công 1 phiên khai mạc và 10 phiên thảo luận về 10 vấn đề trọng yếu của báo chí Việt Nam, với sự tham gia của 60 diễn giả, khách mời trong nước và quốc tế, thu hút hàng ngàn tham dự viên. Rất nhiều tham luận, ý kiến đánh giá, thảo luận tâm huyết từ các nhà báo, quản lý, nghiên cứu dành cho Diễn đàn báo chí toàn quốc 2024.
Diễn đàn đã tập trung cao độ vào các vấn đề quan trọng như: nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí; xây dựng môi trường văn hóa báo chí; báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội; năng lực cạnh tranh của truyền hình trong thời đại AI; phát thanh năng động trong môi trường số; nâng cao chất lượng phóng sự, phóng sự điều tra; đầu tư, ứng dụng công nghệ tại các tòa soạn...
Các tham luận, ý kiến của các diễn giả, khách mời và sự tương tác tại các phiên thảo luận đã góp phần làm sáng tỏ hơn từng chủ đề của diễn đàn; gợi mở cho các nhà báo, quản lý báo chí hướng ứng dụng và giải pháp đổi mới sáng tạo, nâng tầm chiến lược và tính thực tế cho các cơ quan báo chí để chúng ta tận dụng cơ hội, vượt qua khó khăn, thách thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các cơ quan báo chí trong kỷ nguyên số...
Với chủ đề: Mô hình hợp tác hiệu quả giữa báo chí, doanh nghiệp và đại lý quảng cáo, ở phiên thứ 9, cũng cho thấy hiện nay nhiều doanh nghiệp đã cắt giảm ngân sách quảng cáo trên báo chí và truyền hình; ngân sách hợp tác truyền thông cũng thu hẹp lại. Nhiều hoạt động mang tính truyền thông xã hội, kinh tế, văn hóa của báo chí khó tìm được các giải pháp xã hội hóa từ phía doanh nghiệp.
Do đó, thực tế đòi hỏi cần có những mô hình hợp tác mới giữa báo chí, doanh nghiệp, và các đại lý quảng cáo, lợi ích của các bên phải gắn liền với lợi ích xã hội. Sự tồn tại và phát triển mạnh mẽ của các cơ quan báo chí mang ý nghĩa rất quan trọng đối với xã hội trong việc định hướng thông tin, hướng đến những giá trị tích cực và bền vững.
Doanh nghiệp cũng cần báo chí để xây dựng và bảo vệ uy tín, giá trị hình ảnh thương hiệu của mình, cho nên doanh nghiệp và các đại lý quảng cáo cũng cần thấy rõ nhiệm vụ ủng hộ và hỗ trợ báo chí, bằng các giải pháp và mô hình hợp tác hiện đại, phù hợp xu thế công nghệ mới…