Bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, hạn chế tình trạng "lương chưa tăng, giá đã tăng"

14:33 29/05/2024

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện hiệu quả, kịp thời các giải pháp quản lý thị trường vàng, cũng như đảm bảo bình ổn giá những mặt hàng thiết yếu, nhằm hạn chế tình trạng "lương chưa tăng, giá đã tăng".

Tình trạng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm chậm được khắc phục

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) ngày 29/5, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) nhất trí với những đánh giá về những kết quả đạt được của nước ta trong thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và những nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành; nhân dân và cử tri nhận thấy rất rõ hoạt động tích cực, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ cả về đối nội và đối ngoại.

Bên cạnh đó, ông chỉ ra những tồn tại, hạn chế chưa có giải pháp quyết liệt. Đó là tình trạng ngần ngại ra các quyết định theo thẩm quyền, tình trạng đùn đẩy, trì hoãn phê duyệt các dự án, các loại giấy phép; tình trạng chậm trả lời các câu hỏi, chậm ban hành các hướng dẫn, chậm giải quyết những khiếu nại, ách tắc của người dân và doanh nghiệp. "Tình trạng này làm ảnh hưởng đến đầu tư công và đầu tư xã hội, đình đốn trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển KTXH", đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa.

Hoan nghênh Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73 ngày 29/9/2023 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; tuy nhiên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng, quy định này là chưa đủ. Cần có những hướng dẫn cụ thể hơn, rõ ràng hơn thì cán bộ, công chức các cấp, các ngành mới yên tâm thực thi công vụ.

"Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ban hành Thông tư liên bộ: Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp để hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị định 73 về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Thông tư này cần hướng dẫn cụ thể, đồng thời cần sâu sát với tâm tư, những bức xúc của cán bộ, có như vậy cán bộ, công chức mới an tâm ban hành các quyết định hành chính" - ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đề xuất.

ĐBQH Trịnh Minh Bình (Vĩnh Long) cũng đề cập tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng chậm được khắc phục.

Đại biểu Quốc hội Trịnh Minh Bình.

Cùng với đó là nhiều hạn chế trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần được nhìn nhận thấu đáo, đề ra giải pháp để khắc phục như: Tình trạng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ tại một số địa phương để lãng phí; cơ chế, chính sách, pháp luật để xử lý, sắp xếp, sử dụng tài sản công ở các đơn vị hành chính sau sáp nhập còn chậm. Việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chưa sát nhu cầu thực tế. Tình trạng lãng phí, vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất còn diễn ra. Một số doanh nghiệp, dự án có vốn đầu tư lớn của Nhà nước thua lỗ, hoạt động không hiệu quả, chậm xử lý, khắc phục; tình trạng gian lận, trốn thuế còn lớn...

Giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 có nhiều bộ, ngành Trung ương tỷ lệ dưới 10% kế hoạch vốn. Còn tình trạng phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công chưa bảo đảm Luật Đầu tư công. "Vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm tại một số cơ quan, đơn vị dẫn đến dự án không thể triển khai theo đúng kế hoạch đề ra", ông đề cập. Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn, cụ thể hơn trách nhiệm đối với từng bộ, ngành, từng nhiệm vụ cụ thể để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả và các hạn chế nêu trên sẽ không là lực cản cho sự phát triển KTXH trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Đề nghị giảm giá vé máy bay, có giải pháp dài hạn ổn định thị trường vàng

ĐBQH Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) kiến nghị Chính phủ cân nhắc, có giải pháp giảm giá vé máy bay nội địa, góp phần giảm chi phí đi lại cho người dân; đồng thời thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, nhằm kích cầu các hoạt động du lịch, dịch vụ nội địa, tăng tính cạnh tranh so với các tour du lịch nước ngoài.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bá Mạc.

"Có chính sách hỗ trợ các hãng hàng không trong nước thông qua việc miễn, giảm thuế, phí có liên quan, giảm giá trong dịch vụ hàng không; tăng số lượng máy bay, mở thêm các đường bay cũng như tăng năng lực điều hành, vận hành khai thác tại các cảng hàng không", đại biểu nêu giải pháp.

Liên quan vấn đề này, ĐBQH Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) mong muốn nhận được câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về tình hình thời gian gần đây vé máy bay tăng cao, ảnh hưởng đi lại của người dân. "Các hãng bay bị lỗ nhiều năm liền nhưng Cục Hàng không làm dịch vụ thì tăng thu hằng năm. Các hãng cho rằng, lỗ có nhiều nguyên nhân, trong đó, có việc bị thu nhiều loại phí tại sân bay của Cục Hàng không", ông nói.

Về việc quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập như báo cáo thẩm tra, vàng biến động mạnh, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệnh lớn, dẫn đến buôn lậu vàng diễn biến phức tạp, làm "chảy máu" ngoại tệ, có khả năng tác động tiêu cực đến việc ổn định kinh tế vĩ mô, đại biểu đề nghị phải có giải pháp dài hạn để quản lý ổn định thị trường vàng.

Quang cảnh hội trường.

"Đấu giá vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ giải pháp tạm thời, giá vàng vẫn không giảm mà có xu hướng tăng. Nên chăng, đã đến lúc bỏ độc quyền vàng miếng và nhập khẩu vàng của NHNN; sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 của Chính phủ, cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu và in vàng miếng dưới sự quản lý chặt chẽ của NHNN? Có như thế, tôi tin tưởng thị trường vàng sẽ ổn định, chứ không phải lên - xuống hằng ngày như hiện nay", ông phân tích và cho rằng, sở dĩ vàng giá tăng cao do nguồn cầu quá lớn, người dân rút tiền gửi ngân hàng để mua vàng...

Cũng đề cập tình trạng quản lý thị trường vàng nhiều bất cập, buôn lậu vàng diễn biến phức tạp, khó lường, ĐBQH Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chuyên môn khẩn trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các giải pháp quản lý thị trường vàng trong nước, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, qua đó đảm bảo cung - cầu thị trường cân đối, cân bằng, ổn định. Đặc biệt là đảm bảo bình ổn giá những mặt hàng thiết yếu nhằm hạn chế tình trạng "lương chưa tăng, giá đã tăng".

Quỳnh Vinh

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án “Cưỡng đoạt tài sản”, xảy ra tại Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, theo quy định tại khoản 3 Điều 170 Bộ luật Hình sự. Đồng thời, bắt giữ thêm 1 Phó Tổng biên tập và 2 phóng viên của tạp chí này.

Ít ai ngờ, nữ cán bộ Công an với dáng người có phần mảnh khảnh ấy lại trực tiếp tham gia đấu tranh trên trăm vụ án kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, trong đó có nhiều vụ án tham nhũng lớn. Nữ cán bộ ấy chính là Thiếu tá Trần Tú Huy, Phó Đội trưởng Đội phòng ngừa, điều tra án kinh tế, tham nhũng, môi trường trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại và các lĩnh vực khác – Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi.

Câu chuyện về cuộc chia ly giữa huấn luyện viên Park Chung-gun và đội tuyển bắn súng Việt Nam đã tạo hiệu ứng dư luận không đáng có. Đây là lúc có hai việc cần làm rõ: Vì sao đôi bên không gia hạn hợp đồng, và đâu là nguyên nhân khiến câu chuyện bị đẩy ra xa?

Chiều 26/9, tại Hà Nội, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì cuộc họp Ban Chủ nhiệm Đề tài cấp quốc gia “Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng CAND, nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân thời kỳ đổi mới”.

Dưới cái nắng oi bức cuối mùa hạ, 3 người cựu chiến binh Sư đoàn 308 vẫn miệt mài đi từng hàng mộ chí tít tắp ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 (NTLS Đường 9) để tìm kiếm thông tin về liệt sĩ. Thỉnh thoảng họ dừng lại ở một phần mộ nào đó và trò chuyện với nhau rất lâu.

Chiều 26/9 tại Hà Nội, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã tiếp Trưởng Đại diện Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương Masood Karimipour. Cùng dự có bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách Văn phòng UNODC Việt Nam.

Ít ngày nữa thôi, hơn 40 phạm nhân của Trại giam Thanh Lâm sẽ được trở về bên gia đình, người thân. Lớp học tái hoà nhập cộng đồng cho các phạm nhân được đề nghị đặc xá đang học những ngày cuối cùng với các kỹ năng cần thiết để các phạm nhân đủ hành trang trở lại cộng đồng.

Chuyển đổi xanh đang trở thành “một cuộc đua” ở cấp độ toàn cầu. Những doanh nghiệp (DN) không thể thích ứng sẽ dần bị loại bỏ khỏi thị trường xuất khẩu (XK). Do vậy, Việt Nam cần thúc đẩy nhanh chóng các chương trình nâng cao năng lực cùng các chính sách để hỗ trợ DN thích nghi với cuộc chơi mới.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文