Bộ Công thương lên tiếng về việc đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường

20:33 02/08/2024

Ngày 2/8, Bộ Công Thương cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận về việc Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ công nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường.

Theo đó, mặc dù có ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực về nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua nhưng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.

Điều này có nghĩa rằng, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ sẽ còn tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Hoa Kỳ, chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục không được công nhận mà phải sử dụng “giá trị thay thế” của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá.

Nền kinh tế Việt Nam đã trải qua những thay đổi và phát triển vượt bậc.

Nếu Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét hồ sơ và thực tiễn tại Việt Nam một cách khách quan, công bằng thì đã có thể thừa nhận thực tế rằng, Việt Nam đã là một nền kinh tế thị trường như 72 nền kinh tế khác đã công nhận, trong đó có các nền kinh tế lớn như Anh, Canada, Mexico, Úc, Nhật Bản, Ấn độ, Hàn Quốc, New Zealand…

Hơn 20 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua những thay đổi và phát triển vượt bậc. Việt Nam đã ký kết và đưa vào thực thi thành công 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao với Liên minh châu Âu, các nước CPTPP, Liên Hiệp Vương quốc Anh với nhiều cam kết sâu rộng, toàn diện từ cắt giảm thuế tới nâng cao tiêu chuẩn lao động, bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, mua sắm chính phủ, minh bạch hoá… Những thay đổi này đã được  làm rõ trong hơn 20.000 trang thông tin, tài liệu mà Bộ Công Thương Việt Nam gửi tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ, chứng minh sự tiến bộ mạnh mẽ của Việt Nam trên tất cả sáu tiêu chí mà Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra khi xem xét công nhận một quốc gia có nền kinh tế thị trường[1].

Các bản lập luận mà Bộ Công Thương cung cấp cho Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng chứng minh  một cách đầy đủ, nhất quán về mức độ thực hiện sáu tiêu chí này của Việt Nam ít nhất là ngang bằng và thường tốt hơn so với mức độ thực hiện của các quốc gia khác đã được công nhận nền kinh tế thị trường; và thực tế tương đương hoặc tốt hơn các quốc gia đã luôn được coi là nền kinh tế thị trường. Chính vì vậy, căn cứ theo các tiêu chí cụ thể của luật pháp Hoa Kỳ, việc công nhận nền kinh tế thị trường đối với Việt Nam là thực tế khách quan và công bằng.

Bộ Công Thương cảm ơn 41 tổ chức, cá nhân, hiệp hội doanh nghiệp, thương mại Hoa Kỳ đã bày tỏ ý kiến ủng hộ mạnh mẽ việc công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, trong đó có những tổ chức, cá nhân đại diện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ như Hiệp hội Nông nghiệp quốc gia Hoa Kỳ (NASDA), Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham), Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), Hiệp hội các nhà bán lẻ Hoa Kỳ và mong sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành của các tổ chức, cá nhân nói trên.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, phân tích các lập luận trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, để bổ sung, hoàn thiện lập luận để gửi hồ sơ yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam nhằm cụ thể hóa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, qua đó thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư song phương, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và nhân dân hai nước.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp để đảm bảo lợi ích cao nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

* [1] Theo Khoản 771(18) của Đạo luật Thuế quan Hoa Kỳ 1930, 06 tiêu chí khi xem xét một quốc gia KTTT bao gồm: (i) Mức độ chuyển đổi của đồng tiền; (ii) Vấn đề đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; (iii) Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; (iv) Vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; (v) Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả và (vi) Các yếu tố khác.

PV

Mỗi quốc gia đều có những chế tài xử phạt khác nhau đối với người vi phạm giao thông, đặc biệt là đối với hành vi không tuân thủ tín hiệu đèn chỉ dẫn. Tại Đông Nam Á, nhằm nâng cao tính răn đe, các mức phạt với hành vi vi phạm lặp lại có thể được tính lũy tiến hoặc thậm chí ngồi tù.

Chiều  2/1, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội cùng đại diện chỉ huy một số phòng chức năng Công an TP đã đến Bệnh viện E thăm hỏi, động viên Thiếu tá Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ Tổ công tác Y19B-141H, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội bị thương trong khi làm nhiệm vụ.

Ngày 2/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Lê Sỹ Mạnh để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi gây rối trật tự công cộng.

Lực lượng Cảnh sát quản lý trại giam đã thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với phạm nhân, trại viên, học sinh, nhất là đã triển khai phương án kịp thời, đảm bảo an toàn cho các phạm nhân trong cơn bão số 3, trong đó có 1 cán bộ hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ nhằm bảo vệ tính mạng cho phạm nhân.

Quảng cáo sản phẩm bảo hiểm nhân thọ không theo quy định pháp luật bị phạt từ 80-100 triệu đồng; cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm bị phạt tối đa 100.000.000 đồng, đối với tổ chức tối đa là 200.000.000 đồng…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文