Bỏ giấy chuyển tuyến với bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, nhiều quyền lợi của người bệnh được đảm bảo

08:47 03/12/2024

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) vừa được Quốc hội thông qua có 8 điểm mới, trong đó quy định mức BHYT khi thực hiện thông cấp khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo hướng không phân biệt địa giới hành chính, giữ ổn định tỷ lệ mức hưởng BHYT theo quy định của Luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp. Theo đó, từ 1/1/2025, một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo… được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu, đây là tin vui được người bệnh rất mong chờ, bởi sẽ làm giảm thời gian đi lại, giảm gánh nặng cho người bệnh.

Bệnh hiểm nghèo nào được lên thẳng tuyến trên?

Mắc bệnh về máu nặng, mỗi lần đến Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (Hà Nội), bà Phạm Thị Dương (60 tuổi, Bắc Kạn) đều phải xin giấy chuyển tuyến từ bệnh viện huyện, lên tuyến tỉnh, rồi lên tuyến trung ương khá vất vả. Theo bà Dương, giấy chuyển tuyến có thời hạn 1 năm, nhưng sức khoẻ của bà khá yếu, mỗi lần xin giấy người nhà đều phải hỗ trợ.

Một số bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm được lên thẳng tuyến trên từ 1/1/2025.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Huyền (45 tuổi, Quảng Ninh) bị ung thư máu, mỗi lần lên tuyến trên chị phải làm thủ tục xin chuyển tuyến. Khi biết từ năm 2025, một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo được lên thẳng tuyến trên, không phải xin giấy chuyển tuyến, chị Huyền mừng lắm. “Không biết bệnh của tôi có nằm trong danh sách những bệnh được lên thẳng tuyến trên không. Nếu có thì tôi đi thẳng lên tuyến trên có cần phải chuẩn bị những giấy tờ gì để được chấp nhận?”, chị Huyền băn khoăn.

Bên cạnh tin vui thì nhiều người bệnh cũng băn khoăn như chị Huyền khi hiện chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể. Theo quy định hiện tại, khi người bệnh cần khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến trên thì phải xin giấy chuyển tuyến. Việc thực hiện chuyển tuyến thường chỉ được thực hiện khi bệnh lý vượt quá khả năng điều trị của cơ sở y tế tuyến dưới. Thời gian vừa qua, nhiều bệnh nhân mắc bệnh về máu ở tuyến tỉnh do thiếu thuốc, chế phẩm máu, đã chuyển bệnh nhân lên Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương điều trị khiến bệnh viện luôn quá tải.

Đối với các bệnh hiếm, bệnh khó mà bệnh viện tuyến dưới không thể điều trị, bệnh nhân vẫn phải chuyển tuyến theo một quy trình tuần tự. Điều này không chỉ mất thời gian đi lại mà còn gây khó khăn cho việc điều trị. Để giảm bớt phiền hà cho bệnh nhân, Bộ Y tế đã quyết định ban hành danh mục 62 bệnh và nhóm bệnh, trong đó bệnh nhân chỉ cần xin giấy chuyển viện một lần trong năm. Các bệnh này bao gồm: Bệnh lao (các loại), bệnh phong, đa hồng cầu, một số loại ung thư điều trị dài ngày, rối loạn đông máu, xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, suy tim, hen phế quản…

Theo bà Vũ Nữ Anh, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), dự thảo sử đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT vừa được thông qua quy định trong một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo… bệnh nhân được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu mà không cần xin giấy chuyển viện và vẫn được hưởng 100% mức hưởng BHYT.

Trong đó, danh mục bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo của Bộ Y tế bao gồm 42 bệnh, nhóm bệnh. Người bệnh đã được chẩn đoán xác định mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao nằm trong danh mục của Bộ Y tế ban hành có thể đến thẳng trực tiếp cấp chuyên sâu, không cần xin giấy chuyển viện như hiện nay. Tuy nhiên, hiện nay danh mục cụ thể các bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo không cần giấy chuyển viện Bộ Y tế đang xây dựng.

Để Luật BHYT sửa đổi đi vào cuộc sống, Bộ Y tế sẽ xây dựng và ban hành thông tư hướng dẫn. Việc xây dựng danh mục bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo cần được tính toán phù hợp, tránh đổ dồn lên tuyến trên gây quá tải. Việc xây dựng thông tư được triển khai nhanh chóng để kịp thời khi Luật BHYT sửa đổi có hiệu lực. Dự kiến, thông tư được ban hành vào 1/1/2025.

Nhiều quyền lợi hơn cho người bệnh

Theo bà Vũ Nữ Anh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT vừa được Quốc hội thông qua có 8 điểm mới, có nhiều điểm đem lại quyền lợi cho người tham gia BHYT. Trong đó, quy định mức hưởng BHYT khi thực hiện thông cấp khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo hướng không phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh, giữ ổn định tỷ lệ mức hưởng BHYT theo quy định của Luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp.

Theo đó, người tham gia BHYT được hưởng 100% mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cấp ban đầu trong toàn quốc; 100% mức hưởng khi đi khám bệnh, chữa bệnh nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT cấp cơ bản trong toàn quốc; 100% mức hưởng khi khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ấp cơ bản, cấp chuyên sâu mà trước ngày 1/1/2025 đã được cơ quan có thẩm quyền xác định là tuyến huyện.

Đồng thời, Luật đã mở rộng một số phạm vi quyền lợi cho người có thẻ BHYT, trong đó có điều trị lác, tật khúc xạ của mắt cho người dưới 18 tuổi. Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung cơ chế thanh toán thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí dịch vụ cận lâm sàng được chuyển đến cơ sở khác trong trường hợp thiếu thuốc, thiết bị y tế và quy định cơ chế để quỹ BHYT thanh toán cho các trường hợp này. Người bệnh chi tiền túi mua thuốc được thanh toán nhưng không phải tự đi thanh toán bà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện việc này.

Trần Hằng

Bộ Công an khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc ủng hộ vai trò trung tâm của Liên hợp quốc (LHQ) trong hệ thống quản trị toàn cầu, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, xây dựng trật tự thế giới dựa trên pháp luật quốc tế và Hiến chương LHQ; đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề toàn cầu, góp phần duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới.

Ngày 5/1, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan ANĐT Công an TP Hà Nội vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vũ Thị Thảo (SN 1996, trú tại Lào Cai) và Lin Kai Yuan (SN 1985, quốc tịch Trung Quốc, trú tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc) về tội “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”; khởi tố bị can đối với Dương Thị Như Hồng (SN 2000, trú tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) về tội “Sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”.

Theo Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, kết quả xét nghiệm nước tiểu của nữ bệnh nhân 67 tuổi ở Thanh Hoá vào nhập viện trong tình trạng hôn mê phát hiện chất độc strychnin. Chất độc này cũng được tìm thấy trong gói bột thuốc người bệnh sử dụng.

Tôi về quê vào những ngày cuối năm, trên chuyến xe chật ních những người, lòng dâng lên một cảm xúc xốn xang, bồi hồi khó tả. Bao nhiêu năm trôi qua với niềm nhớ thương da diết, Tết quê nhà trong tim tôi vẫn luôn dung dị, bình yên với khói chiều cuối năm bảng lảng, ngày cuối Chạp bóng nắng hắt lên lũy tre làng xanh biêng biếc, bầy chèo bẻo đậu trên nhánh cây bạch đàn tao tác gọi bạn.

Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa công bố kết quả kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách năm 2023; chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2023; chuyên đề công tác quản lý và sử dụng nguồn kinh phí hoạt động giai đoạn 2021-2023 của các cơ sở y tế công lập tỉnh Khánh Hòa.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文