Bộ Ngoại giao cập nhật về việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em
Bộ Ngoại giao vẫn đang tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong việc trao đổi với các tổ chức quốc tế và các đối tác để đảm bảo số lượng vaccine cho trẻ em, góp phần hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho trẻ em trong quý 2/2022 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Chiều 21/4, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, về việc triển khai chủ trương tổ chức tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11 tuổi nhằm hướng tới việc bao phủ vaccine COVID-19 cho toàn dân theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Y tế tích cực vận động với các đối tác, tổ chức quốc tế như COVAX và các tập đoàn sản xuất vaccie để thúc đẩy nhanh việc cung cấp, hỗ trợ vaccine cho trẻ em.
Đến nay, Chính phủ Australia cam kết hỗ trợ Việt Nam 12,8 triệu liều vaccine và hiện Việt Nam đã nhận được 4,6 triệu liều vaccine của hãng Moderna. Cũng với đó, Hà Lan cũng cam kết hỗ trợ 2 triệu liều vaccine của Moderna, Pháp hỗ trợ 2 triệu liều vaccine của Pfizer. Dự kiến số lượng vaccine này sẽ cập bến Việt Nam trong tháng 4.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao vẫn đang tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong việc trao đổi với các tổ chức quốc tế và các đối tác để đảm bảo số lượng vaccine cho trẻ em, góp phần hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho trẻ em trong quý 2/2022 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
“Chúng tôi cũng chia sẻ với các phụ huynh về việc con em mình phải được đến trường một cách an toàn”, Người Phát ngôn bày tỏ.
Cũng tại buổi họp báo, bà Lê Thị Thu Hằng đã thông tin về việc chính thức vận hành một số tuyến đường sắt liên vận giữa Việt Nam và Trung Quốc.
“Trong hai ngày 15/4 và 16/4, một số tuyến đường sắt liên vận, vận tải hàng hoá nhập khẩu giữa một số địa phương của Trung Quốc như Tứ Xuyên và An Huy kết nối với Việt Nam đã đi vào vận hành, khai thác”, bà Hằng nêu rõ.
Theo Người Phát ngôn, đường sắt liên vận quốc tế là phương thức vận tải an toàn, hiệu quả với nhiều ưu điểm về thời gian và giá thành vận chuyển, góp phần thúc đẩy giao thương giữa hai nước cũng như giúp kết nối với các thị trường khác. Đồng thời, kết nối vận tải đường sắt cũng phù hợp với hợp tác giữa hai bên trong việc thúc đẩy kết nối thuộc khuôn khổ hai hành lang “Một vành đai” và sáng kiến “Vành đai, con đường”.
Việt Nam và Trung Quốc là hai đối tác thương mại quan trọng của nhau. Trong năm 2021, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Trung Quốc đạt 165,9 tỷ USD, tăng 24,6 % so với năm 2020. Vào quý I/2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 40,8 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ.
Bà Hằng tái khẳng định rằng Việt Nam sẵn sàng cùng Trung Quốc thúc đẩy thương mại song phương, phát triển ổn định, cân bằng, bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.