Bổ sung nhiều quy định về tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân mua bán người
Bộ Công an đang hoàn thiện dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) dự kiến sẽ trình Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) không chỉ bổ sung các quy định nhằm phòng, chống các loại tội phạm về mua bán người, mà còn bổ sung quy định về tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân trong các vụ mua bán người.
So với Luật Phòng, chống mua bán người, Chương IV dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) quy định về tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân đã bổ sung 1 mục, 3 điều và sửa đổi, bổ sung 8 điều.
Cụ thể, 3 điều được bổ sung tại Chương IV, dự thảo Luật là Điều 29 quy định về giải cứu, tiếp nhận, xác minh nạn nhân đang ở nước ngoài; Điều 31 quy định về tiếp nhận, xác minh và trao trả người nước ngoài bị mua bán tại Việt Nam và Điều 34 quy định về đối tượng được bảo vệ. Một mục được bổ sung là mục 2 quy định về căn cứ để xác định nạn nhân.
Chương IV dự thảo Luật cũng đã sửa đổi, bổ sung quy định về tiếp nhận, xác minh người đến trình báo là nạn nhân; tiếp nhận, xác minh nạn nhân được giải cứu; tiếp nhận, xác minh nạn nhân từ nước ngoài trở về; căn cứ để xác định nạn nhân; giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân và thẩm quyền cấp giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân; giải cứu, bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định nạn nhân; biện pháp bảo vệ và thẩm quyền áp dụng; bảo vệ bí mật thông tin về nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.
Điều 32 quy định về căn cứ xác định nạn nhân, đã sửa đổi, bổ sung căn cứ để xác định nạn nhân bảo đảm phù hợp với Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); phù hợp với Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (bổ sung cho Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên hợp quốc), Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em và các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên; bổ sung quy định về các nguồn tài liệu, chứng cứ để xác định nạn nhân và một số căn cứ khác để xác định nạn nhân đã được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 5 Nghị định số 62/2012/NĐ-CP ngày 13/8/2012 của Chính phủ quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ.
Điều 33 sửa đổi, bổ sung quy định về giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân và thẩm quyền cấp giấy tờ, tài liệu xác nhận nạn nhân; Điều 35 sửa đổi, bổ sung quy định về bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân theo hướng dẫn chiếu pháp luật có liên quan (tố tụng hình sự, tố cáo) và quy định về một số biện pháp bảo vệ (bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, người thân thích của họ; các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản theo quy định của pháp luật) đối với nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân không thuộc trường hợp họ là người tố cáo theo pháp luật về tố cáo, người tham gia tố tụng hình sự theo pháp luật về tố tụng hình sự.
Theo Bộ Công an, việc sửa đổi, bổ sung các quy định về tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua; đồng thời, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, thống nhất với quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, tố cáo...