Bộ Tài chính nói gì về vụ ngân hàng "cấu" Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để “cấn nợ” doanh nghiệp

16:37 05/10/2023

Tại buổi họp báo thường kỳ Quý III/2023 diễn ra chiều 5/10, Bộ Tài chính khẳng định sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan đến sửa đổi giải pháp, cách thức vận hành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất.

Trong những vấn đề nóng được báo chí đặt câu hỏi đối với lãnh đạo Bộ Tài chính, câu chuyện về quan điểm bỏ hay giữ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu lại được đặt ra. Cùng với đó, những chuyện “lùm xùm” quanh một số sự việc có liên quan tới Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được dư luận đặc biệt quan tâm.

Bộ Tài chính nói gì về vụ ngân hàng
Quỹ bình ổn giá xăng dầu được trích để vụ mục tiêu bình ổn giá

Theo đó, thời gian gần đây, truyền thông và báo chí có nhiều phản ánh về những bất cập trong điều hành và quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Vấn đề này càng “nóng” hơn sau vụ việc 2 lãnh đạo Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil bị bắt do vi phạm về sử dụng và không nộp hàng trăm tỷ động vào Quỹ Bình ổn giá. Cùng với đó là việc Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà đã bị Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Long Biên, trích thu nợ tự động của công ty gần 270 tỷ đồng từ tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được lập tại chi nhánh này.

Theo quy định, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là loại quỹ được Luật Giá cho phép thành lập trên cơ sở trích từ giá mua xăng dầu của tổ chức, cá nhân sử dụng xăng dầu phục vụ cho mục tiêu bình ổn giá.

Quỹ Bình ổn giá không nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước nhưng nó là một loại quỹ tài chính quốc gia do Nhà nước quản lý, điều hành đặt tại doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giao cho doanh nghiệp mở tài khoản tại ngân hàng thương mại. Việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá chỉ thực hiện chỉ khi có "hiệu lệnh" của Bộ Công thương, Bộ Tài chính.

Trả lời báo chí liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, theo các quy định tại Nghị định số 95/2021/NQ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Thông tư số 103/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, thì thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải có nghĩa vụ trích lập Quỹ Bình ổn giá, đồng thời hạch toán và theo dõi riêng Quỹ tại ngân hàng.

Ông Phạm Văn Bình nêu rõ, theo các quy định đã ban hành thì thương nhân đầu mối phải có trách nhiệm trước pháp luật về lựa chọn ngân hàng quản lý và bảo toàn số dư Quỹ theo đúng quy định. Hơn nữa, các doanh nghiệp đầu mối cũng phải thực hiện quy định về báo cáo số tài khoản về Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, đồng thời hàng tháng có báo cáo về kết chuyển số dư Quỹ.

Thông tin thêm về vụ việc Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà bị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Long Biên tự động trích thu gần 270 tỷ đồng mà báo chí đã phản ánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá cho hay, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước, Cục Quản lý giá cũng đã có văn bản gửi BIDV để đề cập và phối hợp xử lý vấn đề này này. Đồng thời, các đơn vị trong Bộ Tài chính cũng kết hợp với cơ quan liên quan để làm rõ trách nhiệm cụ thể.

Liên quan tới việc hình thành Quỹ Bình ổn xăng dầu, theo ông Phạm Văn Bình, đây là Quỹ đặc thù và trong giai đoạn vừa qua đã thực hiện các hoạt động cụ thể liên quan. Bộ Tài chính đã thường xuyên thực hiện hoạt động kiểm tra giám sát việc trích chi, cũng như có báo cáo tổng hợp, nắm bắt thông tin công khai về Quỹ.

“Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương ban hành nhiều văn bản nhắc nhở, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm liên quan đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan để có giải pháp, cách thức vận hành Quỹ phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá nêu rõ.

Cũng tại họp báo, trả lời thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, việc trích lập, hình thành và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã triển khai một cách đầy đủ, từ khung khổ pháp lý đến công tác quản lý, giám sát…

“Tình hình quản lý và sử dụng Quỹ của các doanh nghiệp trong thời gian gần đây đặt ra cho các cq quản lý vấn đề là làm sao để làm tốt hơn, quản lý chặt chẽ hơn và minh bạch hơn”, Thứ trưởng cho biết.

Vì thế, theo Thứ trưởng, lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo Cục Quản lý giá chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để có rà soát, xem xét các quy định hiện hành, các diễn biến trên thực tế để đề xuất với các cấp có thẩm quyền hoặc giải quyết trong thẩm quyền những vấn đề còn tồn tại. Đồng thời, Chính phủ cũng đã giao Bộ Công Thương trong việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến xăng dầu, trong đó có nội dung về quản lý quỹ. Bộ Tài chính cũng tham gia vào quá trình sửa đổi pháp luật trên.

Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi kỳ vọng qua đánh giá thực tế sẽ xem xét vấn đề nào còn bất cập thì sẽ là bài học kinh nghiệm để sửa đổi trong các quyết định sắp tới, để việc điều hành giá, Quỹ bình ổn giá được chặt chẽ hơn, hiệu quả, minh bạch hơn.

Liên quan đến câu chuyện "giữ hay bỏ" Quỹ Bình ổn giá, theo Thứ trưởng, trong Luật Giá (sửa đổi) đã được thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2024 thì vẫn có quy định về Quỹ Bình ổn giá. Trước khi thông qua thì Bộ Tài chính đã tổng hợp nhiều ý kiến và có báo cáo đầy đủ, khách quan đối với việc duy trì Quỹ hay không?

Thứ trưởng nhấn mạnh, Quỹ Bình ổn giá là một biện pháp bình ổn giá, nên việc sử dụng Quỹ như thế nào là một quá trình triển khai trên thực tế theo từng giai đoạn, từng mặt hàng. Đây cũng là khung pháp lý mà Quốc hội đã thông qua và thấy rằng là cần thiết về bình ổn giá.

Hà An

Ngọn lửa kèm khói đen tỏa ra mạnh từ tầng 3, block MP3, chung cư Mizuki Park, đường Nguyễn Văn Linh, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh khiến hàng trăm cư dân đang sống ở đây tìm cách di chuyển xuống đất. Ít nhất 1 nạn nhân bị ngạt khói được đưa vào bệnh viện cấp cứu…

Chiều 15/1, tại Hà Nội, Đoàn khảo sát của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương (CATW) do Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy CATW, Thứ trưởng Bộ Công an đã làm việc tại Đảng bộ Học viện An ninh nhân dân (ANND) nhằm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ CATW lần thứ VII và công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp trong CAND nhiệm kỳ 2025-2030.

"Thông qua đối thoại và củng cố quan hệ, chúng ta đã xây dựng lòng tin và sự tôn trọng lẫn nhau bằng cách cùng xử lý các vấn đề còn tồn lại sau chiến tranh, thực hiện những bước tiến mạnh mẽ thông qua việc thúc đẩy thương mại và đầu tư, tăng cường hợp tác y tế và mở rộng các chương trình trao đổi giáo dục để đưa người dân hai nước gần nhau hơn", Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper khẳng định.

Sự tham gia của Việt Nam vào hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ không chỉ giúp Việt Nam có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, mà còn tạo nền tảng vững chắc để thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ xa bằng những biện pháp hòa bình.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 17/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tại cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp về tình hình sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và phát triển DN giai đoạn 2021-2024; các nhiệm vụ, giải pháp năm 2025.

Sáng 15/1, tại Hà Nội, Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Thường vụ Quân uỷ Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an đã đồng chủ trì Hội nghị giao ban giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an thực hiện Nghị định số 03, ngày 5/9/2019 của Chính phủ năm 2024.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.