Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giải trình về tăng học phí, sách giáo khoa

16:20 01/06/2022

Giáo dục là vấn đề cốt lõi để phát triển đất nước và ổn định an sinh xã hội. Một xã hội sẽ không phát triển nếu như thiếu nhận thức và không có nền giáo dục tốt hay giáo dục mà không có giá trị trung thực, có cải cách mấy cũng bằng thừa.  

Ngày 1/6, tại phiên thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2021; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, một vấn đề nhiều đại biểu quan tâm đó là bất cập về cải cách thay đổi chương trình và các mức học phí của các bậc học.

Tại sao cứ tăng kinh phí, học phí ở các cấp bậc thấp?

Phát biểu về vấn đề này, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn Hải Dương) cho rằng, giáo dục là vấn đề cốt lõi để phát triển đất nước và ổn định an sinh xã hội. Một xã hội sẽ không phát triển nếu như thiếu nhận thức và không có nền giáo dục tốt hay giáo dục mà không có giá trị trung thực, có cải cách mấy cũng bằng thừa.  

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận.

Vấn đề học phí và kinh phí đào tạo trong thời kỳ kinh tế nói chung đang bất ổn, từ nhiều khía cạnh và được rất nhiều bậc phụ huynh hay nhân dân quan tâm. “Tại sao lại cứ tăng kinh phí, học phí đào tạo hay các khoản phí khác tùy từng trường, từng nơi ở các cấp bậc thấp? Hay siết chặt đầu vào ở các cấp bậc mà đầu ra lại buông lỏng? Thiết nghĩ ở các bậc tiểu học, trung học cơ sở hay phổ thông trung học là chúng ta phải có cơ chế, giải pháp hạ học phí ở mức thấp nhất, hỗ trợ tốt nhất cho các em vì đó là trẻ em dưới 18 tuổi. Cần phải có môi trường nhận thức và học tập để phát triển.” – đại biểu nhấn mạnh.

Một vấn đề đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung nói được nhiều người dân quan tâm đó là chúng ta lại thi tuyển khắt khe ở đầu vào nhưng đầu ra lại buông lỏng dẫn đến chất lượng không đảm bảo và không có chọn lọc và sàng lọc.

Chính quyền cấp tỉnh, thành phố quyết định mức đóng học phí phổ thông

Giải trình ý kiến đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, học phí của các cấp học từ phổ thông đến đại học được quy định trong Nghị định 81/CP có hiệu lực từ năm 2021, nhưng chủ yếu áp dụng từ năm học 2022-2023. “Theo quy định của Nghị định thì chính quyền cấp tỉnh, thành phố quyết định mức học phí đối với bậc học phổ thông theo vùng miền, có mức trần, sàn, lộ trình. Trong đó, Nghị định nêu rõ, “Căn cứ tình hình địa phương quyết mức học phí phù hợp”. Trên thực tế, có địa phương miễn học phí như TP Hải Phòng” – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn giải trình ý kiến các đại biểu.

Về học phí của bậc học Đại học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng,  theo Nghị định 81 thì tuỳ theo mức độ tự chủ, nếu trường tự chủ 1 phần hoặc  tự chủ chi thường xuyên thì không được thu học phí quá mức trần theo quy định của Nghị định này.

Đối với các trường đạt chuẩn quốc gia, quốc tế thì được phép thu theo định mức kinh tế, kỹ thuật do nhà trường tính toán, quyết định. “Đây là quyền tự chủ của các trường đại học” – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh; đồng thời cho biết, căn cứ vào tình hình ảnh hưởng dịch bệnh và tình hình kinh tế -  xã hội, Bộ GD & ĐT  đã có nhiều công văn gửi các địa phương ổn định học phí, chia sẻ khó khăn với học sinh, sinh viên; nhắc nhở lưu ý việc thực hiện khoản thu, căn cứ tình hình thực tế và lộ trình tăng phù hợp…

Đề nghị có hỗ trợ giá sách giáo khoa

Về giá sách giáo khoa, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông. Theo đó, đã xã hội hoá công tác biên soạn sách giáo khoa. Các doanh nghiệp phải kê khai giá sách với Bộ Tài chính trước khi xuất bản và phát hành.

“Bộ đã chỉ đạo các nhà xuất bản thực hiện việc in sách đảm bảo sử dụng nhiều lần. Bên cạnh đó, Bộ đã chỉ đạo nhà xuất bản tiết kiệm chi phí để đảm bảo giá sách thấp nhất. Nhà xuất bản giáo dục  cũng đã cung cấp sách dạng PDF miễn phí để học sinh có thể tiếp cận ngay khi sách bắt đầu phát hành” – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết và thông tin, hiện Bộ GD & ĐT đã chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hoá các khâu phát hành, tiết giảm tối đa các khâu trung gian để giảm giá sách. “Về giải pháp căn cơ, quan trọng Bộ đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội bổ sung danh mục sách giáo khoa được Nhà nước định giá và có chính sách trợ giá” – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.

Phương Thuỷ

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文