Bộ trưởng Bộ Xây dựng nêu giải pháp đưa giá nhà ở xã hội phù hợp thu nhập người dân
Chiều 3/11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Thành viên Chính phủ đầu tiên lên "ghế nóng" là Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.
Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, bắt đầu từ chiều hôm nay đến hết ngày 5/11, Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực phụ trách của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong.
Tiếp tục phương châm từ sớm, từ xa, công tác chuẩn bị cho phiên chất vấn lần này được tổ chức sớm hơn rất nhiều so với những kỳ họp trước đây. Với cách thức tiến hành chất vấn như tại các kỳ họp trước đây, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội các Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời đúng trọng tâm, không né tránh, đưa ra được các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi cho cả trước mắt và lâu dài để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên từng lĩnh vực. Các đại biểu cần đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, tranh luận thẳng thắn, mang tính trách nhiệm cao...
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, ngay từ đầu phiên chất vấn, 72 ĐBQH đã đặt câu hỏi đối với "Tư lệnh" ngành Xây dựng. Vấn đề nhà ở xã hội, phát triển đô thị nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. ĐBQH Nguyễn Thị Lệ (TP Hồ Chí Minh) nêu thực tế các dự án nhà ở xã hội nguồn cung còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu công nhân, viên chức, người lao động, giải pháp là gì?
ĐBQH Trần Văn Lâm cho rằng, phát triển đô thị là nhiệm vụ rất quan trọng nhưng thực trạng cứ mưa là ngập lụt, ngập úng đô thị xảy ra ở khắp nơi như Lào Cai, Đà Lạt, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, hay ở Hà Nội. "Bên cạnh đó, tình trạng kẹt xe, tắc nghẽn giao thông do mật độ xây dựng quá cao, không đảm bảo tỷ lệ hạ tầng giao thông với mật độ dân cư. Với trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, đề nghị Bộ trưởng cho biết chủ trương, giải pháp nào để giải quyết tình trạng trên?".
ĐBQH Tô Văn Tám (Kon Tum) đề cập mục tiêu nhà ở xã hội hướng tới người lao động có thu nhập thấp khó thực hiện khi thực trạng giá nhà ở xã hội đang ở mức rất cao so với thu nhập của người lao động. Một số liệu cho thấy, giá trung bình ở mức trên 15 triệu đồng/m2, có nơi từ 21 đến 25 triệu đồng/m2. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của thực trạng này và có thể đưa giá nhà ở xã hội phù hợp với khả năng của công nhân, người lao động có thu nhập thấp hay không? Nếu được thì giải pháp nào và trong thời gian bao lâu?
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong những năm qua, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân nói chung và nhà ở xã hội nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác này vẫn còn một số tồn tại, khó khăn. Cụ thể là hành lang pháp lý vẫn còn vướng mắc trong việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi tại Luật Nhà ở và các luật khác liên quan. Về tổ chức thực hiện, vẫn còn khó khăn đó là ngân sách Trung ương chưa bố trí được đầy đủ nguồn vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; một số địa phương chưa chú trọng việc này để tập trung nguồn lực đầu tư hoặc phát triển quỹ đất...
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, các bộ ngành cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội để tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi làm tăng nguồn cung nhà ở xã hội, tháo gỡ những nút thắt cho các dự án xây dựng nhà ở đô thị.
Liên quan công tác phát triển đô thị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, thời gian qua tình trạng ngập úng ở các đô thị, nhất là đô thị lớn được các địa phương quan tâm nhưng chưa được giải quyết căn bản. Nguyên nhân là: tác động điều kiện tự nhiên, biến đổi khí hậu; quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh chóng; trong xây dựng lấp hồ ao, kênh rạch, bê tông hoá; công tác quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu; các dự án triển khai theo quy hoạch được phê duyệt còn hạn chế; nguồn lực đầu tư cho hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu...
Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch, hướng dẫn các địa phương điều chỉnh quy hoạch có tính tới việc thoát nước, chống nước biển dân; tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ các công trình thoát nước theo quy hoạch; tăng cường quản lý công tác quy hoạch, cấp phép, thanh tra, kiểm tra để việc thoát nước đạt được yêu cầu đề ra...
Về câu hỏi của ĐBQH Tô Văn Tám, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh mục tiêu phát triển nhà ở xã hội theo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 chưa đạt yêu cầu, giá nhà ở xã hội đang ở mức cao. "Nguyên nhân việc này là do chúng ta chưa đảm bảo nguồn cung; quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế; nguồn vốn chưa được đảm bảo; chính sách ưu đãi, khuyến khích chưa thực sự thu hút; quy trình, thủ tục còn nhiều phức tạp, nguồn cung chưa đủ nên giá tăng cao so với thu nhập của người dân", Bộ trưởng lý giải.
Thời gian tới, cùng với giải quyết đồng bộ công tác hoàn thiện xây dựng pháp luật, Bộ Xây dựng sẽ tăng cường thực hiện Đề án phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội mà Bộ đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt để cố gắng đáp ứng mục tiêu, đảm bảo giá nhà ở xã hội phù hợp hơn với thu nhập của người dân.
Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực xây dựng gồm:
Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn. Việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội.
Quản lý thị trường bất động sản; việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản.
Việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn.
Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong xây dựng, ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản. Việc kiểm soát giá và bảo đảm nguồn nguyên, vật liệu để xây dựng các công trình, dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia.
Ngoài Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.