Bộ trưởng hiến kế bảo đảm an ninh lương thực, hạn chế nông sản "rớt giá thê thảm"

15:38 15/08/2023

Bộ trưởng cho rằng, chúng ta cân đối sản lượng lương thực trong nước và đủ cho xuất khẩu, song 80% diện tích lúa ở đồng bằng sông Cửu Long nằm ngoài liên kết nên không kiểm soát được thương lái, các thành phần trung gian. Do đó, phải chuyển từ tư duy mua bán sang tư duy liên kết, hợp tác mới bền vững được.

Chiều 15/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với "Tư lệnh" ngành thứ hai là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan.

Phiên chất vấn có sự tham dự của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương...

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự phiên chất vấn.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) chất vấn giải pháp nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản Việt. ĐBQH Lê Thị Song An (Long An) đề cập thực tế giá lúa gạo tăng cao, vừa tạo lợi thế thị trường, vừa tạo niềm vui cho bà con, tuy nhiên có hiện tượng mua gom lúa gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung cầu cục bộ, đẩy giá mặt hàng này lên cao bất hợp lý và cũng là nỗi lo của người tiêu dùng, công nhân khi giá gạo tăng cao, Bộ trưởng có giải pháp gì để vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, vừa thúc đẩy xuất khẩu gạo?

ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định) lo ngại, thu nhập, đời sống người nông dân bấp bênh, nếu không có chính sách hữu hiệu, nguy cơ người dân bỏ đất, bỏ ruộng sẽ cao, ảnh hưởng trực tiếp đến chủ trương bảo đảm an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân?

ĐBQH Lê Thị Song An đặt câu hỏi chất vấn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 cái "biến" lớn: biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Trong điều kiện thế giới thay đổi hàng ngày, hàng giờ, những xung đột, những chính sách của các nước thay đổi liên tục, tính dự báo khó có thể cầu toàn, mà cần có sự linh hoạt ngắn hạn. Ông mong muốn rằng, kỳ vọng vào việc dự báo cần có giới hạn nhất định, những dự báo tầm dài cần nỗ lực đảm bảo tính chính xác, tuy nhiên, những dự báo ngắn hạn có sự thay đổi liên tục.

Về tình hình xuất khẩu gạo, theo ông, Thủ tướng đã có Công điện chỉ đạo, trong bối cảnh này phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu gạo như là một cam kết có trách nhiệm của chúng ta đối với thế giới về vấn đề an ninh lương thực. Chúng ta phải hết sức bình tĩnh, đồng thời cũng không gây sốc cho thị trường nội địa, hay làm ảnh hưởng tới giá tiêu dùng trong nước.

"Một năm có 365 ngày, bây giờ đồng bằng sông Cửu Long gần như 300 ngày, ngày nào cũng xuống giống, do đặc thù ở đây xuống giống theo con nước, chứ không có mùa vụ cách biệt rõ rệt như miền Bắc. Thành ra, 95 ngày đã có lúa" - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thông tin và cho biết, chúng ta có đặc ân là đã đầu tư hệ thống thuỷ lợi 10-20 năm nay nên tới thời điểm này đã cân đối sản lượng tiêu dùng theo từng mùa vụ, hoàn toàn đủ tiêu dùng trong nước và có 7-8 triệu tấn lúa xuất khẩu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời câu hỏi của đại biểu.

Tất nhiên, một cấu trúc ngành hàng, khi giá lên thì quyết định bởi cung - cầu. Có những tác động ngoài bài toán cung - cầu, đó là cố tình đẩy giá, tồn trữ, đặt cọc, gây ảnh hưởng rất lớn. Do đó, ông mong lúc đang có thời cơ, bà con nông dân cần tôn trọng nhau, chia sẻ với nhau. "20% diện tích lúa ở đồng bằng sông Cửu Long là có liên kết, còn 80% nằm ngoài liên kết, nên không kiểm soát được thương lái, các thành phần trung gian. Chúng ta phải chuyển từ tư duy mua bán sang tư duy liên kết, hợp tác mới bền vững được", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Đề cập tình trạng giá nông sản rớt thê thảm, ảnh hưởng đến đời sống người dân, ĐBQH Nguyễn Thanh Phong (Vĩnh Long) chất vấn Bộ trưởng có giải pháp gì cứu nông sản cho đồng bằng sông Cửu Long? Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, Bộ trưởng không đi giải cứu và cũng không nên dùng từ giải cứu nữa, chúng ta cần tư duy lại, vì "nói hàng giải cứu thì nông sản càng rớt giá thê thảm".

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên chất vấn.

Lấy ví dụ khoai lang Bình Tân, ông khẳng định đang được giá, nhưng do sự chen mua, chen bán giữa các thành phần thương lái, có lúc đẩy giá lên, có lúc bỏ bà con lại. "Chúng ta không cấu trúc lại ngành hàng, không đưa bà con vào một tổ chức nào mà mỗi nhà một thửa ruộng, mỗi hộ một ngành hàng là chúng ta không bao giờ thành công. Chúng ta đừng đánh giá tất cả doanh nghiệp đều ép giá người nông dân. Có những doanh nghiệp chụp hình gửi cho tôi, khoai lang từ Vĩnh Long đưa ra đến cửa khẩu 40% phải bỏ vì không đảm bảo quy cách", ông nêu thực tế.

Về sầu riêng, Bộ trưởng cho rằng, chúng ta phải tập hợp bà con để khuyến nông, thông tin về thị trường, kết nối với doanh nghiệp, vì giá cả sáng khác, chiều khác, bất kỳ hiệu ứng nào cũng làm giá tăng lên, giảm xuống nên cần cân nhắc.

"Ở đây, chúng ta phải có sự vào cuộc của cả hệ thống. Không phải tôi dùng từ hệ thống để né trách nhiệm của Bộ trưởng nhưng thực sự cấu trúc của chúng ta phải cần hệ thống là ở chỗ đó, từ xã đến huyện, từ nông nghiệp tới công thương, hiệp hội ngành hàng... phải gắn chặt với nhau", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tập trung làm rõ các nhóm nội dung:

(1) Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản (thị trường đầu ra bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng...);

(2) Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản.

(3) Việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.

Trách nhiệm trả lời chính: Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Quỳnh Vinh

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文