Bộ Tư pháp giải đáp nhiều vấn đề “nóng” về đấu giá biển số và kê biên tài sản
Chiều 27/4, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo thường kỳ quý I năm 2022. Tại cuộc họp, nhiều thắc mắc liên quan đến vấn đề đấu giá biển số xe ôtô, kê biên phong tỏa tài sản đối với lãnh đạo các tập đoàn lớn vừa bị bắt giữ đã được giải đáp.
Việc đấu giá biển số xe đẹp không có vướng mắc gì
Tại cuộc họp báo quý, bà Nguyễn Thị Mai - Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp đã giải đáp các thắc mắc của báo chí liên quan đến đề xuất đấu giá biển số xe đẹp vừa được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.
Bà Mai khẳng định: "Việc đấu giá biển số xe đẹp không có vướng mắc gì cả. Khoản 1 Điều 4 Luật Đấu giá tài sản đã quy định về các loại tài sản được đưa ra đấu giá. Nếu coi biển số xe là một loại tài sản thì pháp luật chuyên ngành phải quy định về bán đấu giá; thay cho việc bốc ngẫu nhiên như hiện nay thì sẽ đấu giá theo trình tự thủ tục của Luật Đấu giá tài sản".
Trước câu hỏi, người trúng đấu giá biển số xe đẹp có được phép mua bán, chuyển nhượng hay không? Lãnh đạo Cục Bổ trợ tư pháp cho biết: "Việc này đang được Bộ Công an lấy ý kiến của các bộ, ban, ngành. Dưới góc độ pháp luật, việc chuyển nhượng biển số xe đang có vướng quy định tại Điều 8 Luật Giao thông đường bộ, trong đó cấm việc mua bán chuyển nhượng biển số xe. Vì thế, Bộ Công an phải xây dựng nghị quyết của Quốc hội, việc giải quyết như thế nào sẽ nằm trong nghị quyết, khi đó mới giải quyết được quyền của người trúng đấu giá biển số xe" - bà Mai lý giải. Ngoài ra, bà cũng cho biết, hiện nay Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng, sửa đổi hai luật, trong đó có Luật Giao thông đường bộ. Vì thế có thể sẽ sửa các quyền liên quan đến định đoạt biển số xe được quy định trong Luật Giao thông đường bộ.
Kê biên tài sản của lãnh đạo FLC, Tân Hoàng Minh thế nào?
Cũng trong chiều 27/4, liên quan tới việc phong tỏa tài sản đối với ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cũng như các lãnh đạo của hai tập đoàn này, ông Nguyễn Thắng Lợi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho hay, thực tế thi hành án dân sự vừa qua đã cho thấy nhiều vụ việc bản án tuyên phải thu hồi giá trị tài sản rất lớn nhưng khi tổ chức thi hành án thì xác minh tài sản của các đương sự chỉ có giá trị thi hành rất nhỏ. Điều đó dẫn tới tỷ lệ thi hành, thu hồi được rất ít. Việc cần thiết phải có biện pháp ngăn chặn chuyển dịch tài sản ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử rất cần thiết và đã được quy định cụ thể tại Điều 126 Bộ luật Tố tụng hình sự. Chỉ thị 04/CT-TW của Ban Bí thư nhấn mạnh, cơ quan có thẩm quyền phải kịp thời áp dụng các biện pháp để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản; xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc truy nguyên, truy tìm, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.
"Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp rất quan tâm tới hai vụ việc mà báo chí vừa nêu. Qua báo chí chúng ta cũng biết cơ quan tố tụng đã áp dụng biện pháp tạm giữ, phong tỏa tài sản của những chủ thể liên quan ở các địa phương. Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án sẽ tiếp tục theo dõi để kịp thời phối hợp với cơ quan chức năng để đảm bảo việc thi hành án về sau này" - ông Lợi thông tin.
Ngoài vụ việc trên, cũng trong buổi họp báo, bà Bùi Thu Thuỷ - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp - cho biết cơ quan này đã nắm được các thông tin liên quan đến lùm xùm xảy ra tại Trường Đại học Luật Hà Nội thời gian qua. Trên cơ sở nghiên cứu vụ việc, Bộ Tư pháp đã yêu cầu Trường Đại học Luật Hà Nội xem xét theo đúng thẩm quyền. Trường Đại học Luật Hà Nội đã có báo cáo Bộ Tư pháp. Bộ cũng đã có chỉ đạo nhà trường tiếp tục tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng; công tác quản lý giảng viên, viên chức, sinh viên của trường; khẩn trương giải quyết các vụ việc phát sinh vừa rồi theo đúng quy định.
Đặc biệt, theo bà Thủy, Bộ Tư pháp yêu cầu Trường Đại học Luật Hà Nội phải xử lý nghiêm sai phạm, không bao che dung túng trong những vụ việc mà báo chí đã phản ánh thời gian qua. "Sau khi nhà trường có kết quả giải quyết thì Bộ Tư pháp sẽ thông tin chính thức với báo chí" - lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ nói rõ.
Thông tin thêm tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Quốc Hoàn, Chánh văn phòng Bộ Tư Pháp cho biết về kết quả công tác thi hành án dân sự trong 6 tháng qua. Theo đó, tính từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 31/3/2022, Bộ Tư pháp đã thi hành xong hơn 200.000 việc, đạt tỉ lên hơn 49%, với hơn 35.000 tỷ đồng. Về thi hành án tín dụng ngân hàng, đã thi hành xong gần 2.500 việc với hơn 11.000 tỷ đồng.
Về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, các đơn vị trực thuộc cũng đã thi hành xong 715 việc tương ứng hơn 9.000 tỷ đồng. Liên quan đến công tác theo dõi thi hành án hành chính, các cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện thủ tục theo dõi đối với 262/262 bản án đã có quyết định buộc thi hành án của toà án. Các cơ quan hành chính đã thi hành xong 94 việc.