Bốn chính sách mới trong dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi)

07:58 16/01/2023

Trên cơ sở tiếp tục kế thừa các chính sách hiện hành còn hiệu quả, phù hợp với thực tiễn quy định tại Luật Căn cước công dân (CCCD) năm 2014, Bộ Công an đề xuất 4 chính sách trong xây dựng Luật CCCD (sửa đổi) bao gồm: Tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu CCCD vào thẻ CCCD; bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD; bổ sung đối tượng được cấp thẻ CCCD và hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD; tài khoản định danh điện tử.

Xuất trình thẻ CCCD thay thế các giấy tờ khác

Chính sách đầu tiên Bộ Công an đề xuất là quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu CCCD vào thẻ CCCD. Thẻ CCCD có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ CCCD.

Cán bộ Công an làm thủ tục cấp thẻ CCCD gắn chíp và tài khoản định danh điện tử cho công dân.

Theo Bộ Công an, mục tiêu của chính sách là bổ sung quy định về việc tích hợp các thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân (ngoài thông tin về CCCD) vào thẻ CCCD (qua chíp điện tử trên thẻ CCCD và mã QR) để giúp giảm giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính như: Thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, văn bằng, chứng chỉ, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác thuộc lĩnh vực quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sau khi thống nhất với Bộ Công an. Những thông tin được tích hợp vào thẻ CCCD có giá trị sử dụng tương đương với việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin được tích hợp. Việc sử dụng thẻ CCCD gắn chíp đã được tích hợp thêm thông tin khác là một phương thức mới, ngoài phương thức hiện hành là sử dụng các giấy tờ hiện có do cơ quan có thẩm quyền cấp cho công dân nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch khác. Việc tiếp tục cấp hoặc không cấp bản giấy các giấy tờ chứa thông tin đã được tích hợp vào thẻ CCCD do cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định. Trong trường hợp thẻ CCCD được sử dụng thay thế hoàn toàn cho việc sản xuất, cấp các loại giấy tờ khác thì sẽ được điều chỉnh, quy định tại các luật chuyên ngành có liên quan.

Bộ Công an cũng đề xuất chính sách bổ sung thông tin lưu trữ trong CSDLQG về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD. Theo Bộ Công an, hiện nay việc kết nối, chia sẻ thông tin trong CSDLQG về dân cư với các bộ, ngành, địa phương đang được triển khai thực hiện quyết liệt đem lại những kết quả thiết thực. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung là xu thế chung của các nước trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, theo Luật CCCD thì thông tin của công dân trong CSDLQG về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD chỉ bao gồm một số nhóm thông tin. Qua triển khai Đề án 06 cho thấy việc mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào CSDLQG về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD là rất cần thiết; trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ CCCD, tài khoản định danh điện tử, kết nối, chia sẻ, chứng thực dữ liệu công dân, phân tích, thiết lập bản đồ số dân cư. Do vậy, việc giới hạn các thông tin trong CSDLQG về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD theo Luật CCCD sẽ gây khó khăn khi triển khai Đề án, thực hiện chuyển đổi số quốc gia.

Như vậy, cần phải mở rộng, bổ sung nhiều thông tin được lưu trữ trong CSDLQG về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD như: Thông tin về số chứng minh nhân dân, CCCD, ngày cấp, nơi cấp; người giám hộ, người được giám hộ; thông tin về diện chính sách; thông tin về người gốc Việt Nam; thông tin sinh trắc học (mống mắt, ADN, giọng nói); thông tin về người gốc Việt Nam; tài khoản định danh điện tử của công dân Việt Nam (có hoặc không có).

Cấp CCCD cho trẻ em dưới 14 tuổi

Hiện nay, Luật CCCD không quy định về cấp thẻ CCCD cho toàn bộ công dân Việt Nam (loại trừ đối tượng là người dưới 14 tuổi, người không có nơi thường trú…) và cấp số định danh cá nhân, giấy chứng nhận căn cước cho trường hợp người gốc Việt Nam. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng cho công dân Việt Nam liên quan đến cấp, sử dụng thẻ CCCD và giải quyết các vấn đề còn tồn tại liên quan đến yếu tố lịch sử, chiến tranh, cần phải có chính sách, quy định pháp luật để quản lý, giải quyết bất cập trong công tác quản lý dân cư; nhất là quy định về quản lý trường hợp người gốc Việt Nam; bảo đảm cơ chế để họ có thể tham gia vào các giao dịch dân sự, dịch vụ công, nhất là các dịch vụ thiết yếu bảo đảm cuộc sống.

Bộ Công an đề xuất bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ CCCD cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi (hiện nay có khoảng 19 triệu người) và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ CCCD trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. Các trường hợp được điều chỉnh bổ sung gồm: Cấp thẻ CCCD cho công dân là trẻ em dưới 14 tuổi; đối với trẻ em mới sinh việc thực hiện cấp thẻ CCCD được thực hiện đồng thời trong thủ tục liên thông khi đăng ký khai sinh. Người từ đủ 14 tuổi trở lên phải bắt buộc thực hiện thủ tục cấp thẻ CCCD. Đối với người dưới 14 tuổi thực hiện việc cấp thẻ CCCD theo nhu cầu (không bắt buộc). Bổ sung quy định giải quyết vướng mắc trong cấp thẻ CCCD cho người không có nơi thường trú, không đầy đủ một số thông tin cá nhân khác như ngày, tháng sinh, quê quán (theo 3 cấp hành chính), có thông tin kê khai về dân tộc, tôn giáo khác không nằm trong danh mục quy định của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Bổ sung quy định về cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đề xuất chính sách hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD; tài khoản định danh điện tử (căn cước điện tử) và việc sử dụng tài khoản định danh điện tử; cấp, hủy/thu hồi số định danh cá nhân; quy định về việc sử dụng thống nhất thẻ CCCD và việc hạn chế phát sinh thủ tục hành chính có liên quan.

Bộ Công an đã hoàn thành dự thảo Luật CCCD (sửa đổi) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Dự thảo Luật CCCD (sửa đổi) gồm 7 Chương 45 Điều, quy định về CCCD, CSDLQG về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; quản lý, sử dụng thẻ CCCD; tài khoản định danh điện tử; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Dự thảo Luật này quy định đối tượng áp dụng là công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam là người không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Toàn văn dự thảo Luật được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 60 ngày kể từ ngày đăng.

Nguyễn Hương

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文