Các dự án xử lý rác thải, thoát nước, công viên ở Hà Nội đều chậm tiến độ
Sáng 5/7, Kỳ họp thứ 12 HĐND TP Hà Nội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Các đại biểu HĐND TP Hà Nội đặc biệt quan tâm đến công tác xử lý rác thải, thoát nước và tiến độ thực hiện các dự án công viên cây xanh, công cộng trên địa bàn TP. Đây cũng là nội dung được cử tri Thủ đô quan tâm vì hầu hết các dự án thuộc 3 lĩnh vực trên đều chậm tiến độ.
Rác thải ùn ứ, không để chậm tiến độ dự án các nhà máy xử lý rác
Trả lời chất vấn về quy hoạch dự án liên quan đến xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP và hoạt động của dự án Nhà máy xử lý rác thải Châu Can, Nhà máy xử lý rác thải Núi Thoong của đại biểu Nguyễn Minh Đức (Tổ đại biểu quận Hoàng Mai), Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cùng Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch đang lập điều chỉnh vì quy hoạch ngành sẽ phải tích hợp vào Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô tới năm 2030, tầm nhìn năm 2050, dự kiến sẽ trình phê duyệt cuối 2023. Từ đó, các địa điểm quy hoạch cụ thể, công suất của các khu xử lý rác tiếp theo ở khu vực phía Tây và phía Nam của TP được thực hiện.
“Tổng phát sinh rác hằng ngày của TP khoảng 7.000 tấn, trong đó nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý đã hoàn thành cơ bản và tiếp nhận xử lý khoảng 3.000 tấn/ngày, còn lại được chôn lấp hợp vệ sinh tại Khu xử lý rác thải Nam Sơn; nhà máy điện rác Seraphin đi vào hoạt động vào đầu năm 2024 với công suất khoảng 2.000 tấn/ngày sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu xử lý rác trên địa bàn TP”, ông Đông thông tin.
Riêng Nhà máy xử lý rác thải Châu Can, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, UBND TP đã có quyết định dừng hoạt động vào tháng 1/2023. UBND TP đã giao Sở Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất dự án, hình thức đầu tư, vốn, giải pháp công nghệ và địa điểm cho nhà máy điện rác, bảo đảm công suất lớn ít nhất ở mức 1.000 tấn/ngày để đáp ứng nhu cầu xử lý rác của TP, tránh tình trạng chôn lấp ở các khu vực lân cận. UBND TP kì vọng đề xuất dự án sẽ được trình cuối năm nay để sớm được triển khai.
Đối với dự án Nhà máy xử lý rác thải Núi Thoong, đơn vị sẽ xây dựng nhà máy trên diện tích 10ha với công suất 450 tấn/ngày. Công ty Môi trường Xuân Mai - chủ đầu tư dự án, đã đề xuất triển khai giai đoạn 1 với 4 mô đun, công suất 450 tấn/ngày vào quý III-2023. Công ty cũng đề nghị nâng công suất lên 2.000 tấn/ngày vào các giai đoạn tiếp theo. Ông Đông cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu các sở, ngành xem xét đề xuất của đơn vị để sớm triển khai dự án.
"Đây là nội dung quan trọng, được cử tri và nhân dân quan tâm; Bí thư Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy cũng rất quan tâm đến nội dung này. Đề nghị UBND TP và các sở, ngành liên quan tập trung giải quyết theo mốc thời gian, bảo đảm không để chậm tiến độ", Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Dân mong chờ, công viên vẫn trên giấy
Đại biểu Hoàng Thị Tú Anh, Tổ đại biểu huyện Phúc Thọ tái chất vấn Sở Xây dựng liên quan đến các dự án công viên, vườn hoa cây xanh được người dân mong đợi, cử tri kiến nghị rất nhiều nhưng chưa có chuyển biến. Đặc biệt là dự án Công viên thể thao, cây xanh Hà Đông, công viên Thủ Lệ, công viên Thống Nhất.
Về câu hỏi này, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà cho biết, về dự án công viên văn hóa, vui chơi giải trí Hà Đông, UBND TP đã giao UBND quận Hà Đông lập chủ trương đầu tư giai đoạn 1 và đã giải phóng mặt bằng 52,8ha.
Đối với phần diện tích này, quận đã giao Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Đông quản lý để chống tái lấn chiếm. Quận cũng đã báo cáo UBND TP và Sở Kế hoạch và Đầu tư cho phép chuẩn bị đầu tư giai đoạn 1 dự án, gồm hai phân khu là Khu công viên văn hóa, cây xanh diện tích là 13,53ha, Khu công viên vui chơi giải trí diện tích 23,16ha và diện tích mặt nước là 16,18ha. Quận đang nghiên cứu xem xét, phê duyệt về quy hoạch 1/500 và trên cơ sở các quy định pháp luật, UBND quận Hà Đông sẽ triển khai các bước đầu tư theo quy định.
Trả lời chất vấn về dự án Công viên Đống Đa, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, UBND TP đã cam kết là trong tháng 7/2022 sẽ phê duyệt điều chỉnh lại chi tiết đối với dự án này. Sở Quy hoạch - Kiến trúc nhận trách nhiệm cơ quan tham mưu TP đối với công tác quy hoạch tại đây. Cũng theo ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh, có nguyên nhân khách quan trong việc chậm triển khai các công viên trên địa bàn TP, do có vướng mắc chung là đất dân cư và nhà ở hiện nay trong khu vực công viên.
Riêng với quận Đống Đa, từ năm 2001 đã có quyết định khoanh vùng đất ở đây với diện tích hơn 6ha; đến năm 2005, lại có quyết định xác định ranh giới hơn 7ha. Sau quá trình quận rà soát cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề xuất xem xét khoanh vùng trong đó có 2ha bổ sung. Phạm vi ranh giới này có khác so với quy hoạch chi tiết trước đây được duyệt. Về mặt nguyên tắc, Sở đồng thuận với quận Đống Đa về đề xuất phạm vi ranh giới.
Đến nay, UBND TP có chỉ đạo Sở hướng dẫn và phối hợp quận Đống Đa khoanh vùng, rà soát lại vấn đề pháp lý sử dụng đất đối với tất cả khu đất xung quanh. Theo quận Đống Đa, trong tháng 7/2023 gửi Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định, báo cáo UBND TP có định hướng.
Với 3 công viên Thống Nhất, Bách Thảo, Thủ Lệ, Giám đốc Sở Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, Sở Xây dựng được giao lập chủ trương đầu tư. Công viên Thống Nhất được đầu tư từ năm 1960, công viên gắn với phong trào lao động của công nhân viên chức Thủ đô khi đó. Đến nay, công viên đã được mở rào, kết hợp với không gian đi bộ Trần Nhân Tông và không gian xung quanh hồ Thiền Quang. Hiện xây dựng chủ trương đầu tư, đồng thời lập quy hoạch chi tiết 1/500 cho công viên Thống Nhất.
Đối với Công viên Bách Thảo gắn với khu chính trị Ba Đình, Công viên Thủ lệ là công viên chuyên đề, nên có những đặc thù riêng, tháng 2/2023 Sở Xây dựng đã trình UBND TPvề việc giao nhiệm vụ lập chủ trương đề xuất 3 công viên. Dự kiến trình HĐND TP vào kỳ họp chuyên đề tháng 9 tới đây.
Trình các dự án thoát nước vào cuối năm 2023
Liên quan câu hỏi tái chất vấn về 8 dự án thoát nước, thu gom xử lý nước thải chưa được phê duyệt của đại biểu Vũ Ngọc Anh (Tổ đại biểu quận Bắc Từ Liêm), Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân thông tin, trong quá trình rà soát đầu tư công, Sở đã làm việc với Sở Xây dựng và Sở Xây dựng cam kết sẽ trình vào kỳ họp tháng 9 HĐND TP. Nguyên nhân do tính chất dự án và kế hoạch thoát nước có nhiều thay đổi nên ảnh hưởng đến quá trình trình chủ trương đầu tư.
Trả lời rõ thêm, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, hiện tại, Hà Nội có 8 dự án thoát nước, xử lý nước thải, trong đó có 5 dự án nhóm B và 3 dự án nhóm A. 4 trong số 5 dự án nhóm B đã được trình thẩm định, còn lại dự án Trạm bơm Gia Thượng cần chờ quận Long Biên điều chỉnh vị trí trạm bơm, sau đó sẽ trình ngay đề xuất chủ trương. Đối với 3 dự án nhóm A, bao gồm Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, Nhà máy xử lý nước thải Tây sông Nhuệ, và dự án thoát nước và cải thiện môi trương Long Biên - Gia Lâm là 3 dự án lớn, cần rà soát kỹ khi lập đề xuất chủ trương để bảo đảm báo cáo tiền khả thi và báo cáo khả thi đồng bộ, tránh tình trạng điều chỉnh nhiều lần.
“Các dự án lần lượt có vốn đầu tư là 2.600 tỷ đồng, 2.900 tỷ đồng và khoảng 4.700 tỷ đồng, các dự án đòi hỏi nghiên cứu chủ trương với lưu vực lớn nên cần rà soát kỹ để khi lập đề xuất chủ trương đầu tư, lập báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi đảm bảo đồng bộ hiệu quả, tránh điều chỉnh đi điều chỉnh lại.
“Sở Xây dựng phấn đấu hoàn thành để tháng 8 trình Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình HĐND TP vào cuối năm nay”, ông Phong nói.
Trả lời về tiến độ dự án Trạm bơm Liên Mạc và Trạm bơm Yên Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, cụm Trạm bơm Liên Mạc, TP rất quan tâm để phát triển sản xuất cho người dân khi theo kế hoạch TP sẽ triển khai trong năm 2024. Trước khi chuẩn bị nội dung trình HĐND, UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành chuẩn bị xong hồ sơ chuẩn bị đầu tư nhưng tiến độ thời gian không kịp báo cáo qua HĐND. Do vậy, UBND TP thống nhất giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị liên quan rà soát lại hồ sơ để trình HĐND TP tại kỳ họp gần nhất.
Đối với Trạm bơm Yên Nghĩa, Thường trực Thành ủy đã xuống tận nơi kiểm tra và chỉ đạo sát sao; đồng thời có rất nhiều chỉ đạo tháo gỡ xong hết khó khăn. Đến nay, quận Hà Đông và Sở Xây dựng tập trung đẩy nhanh vấn đề tái định cư. Nếu trường hợp các hộ dân tái định cư không chấp nhận cơ chế của TP, Nhà nước thì sẽ xử lý theo quy trình cưỡng chế. Đối với các công trình ngầm - nổi, phấn đấu đến tháng 9/2023 hoàn thiện. Về tiến độ, sau khi thực hiện xong giải phóng mặt bằng thì các đơn vị thi công có mặt bằng đến đâu triển khai thi công đến đó và phấn đấu hoàn thành sớm nhất trong năm 2023.