Các tỉnh Tây Nguyên cân đối gần 2.000 tỷ đồng để làm cao tốc
Ngày 25/5, thông tin từ HĐND tỉnh Đắk Lắk cho biết, vừa thống nhất bố trí vốn ngân sách tỉnh khoảng 916,5 tỷ đồng để chi bồi thường giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
HĐND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ hai nhằm xem xét thông qua một số nội dung quan trọng, trong đó nhất trí thông qua nghị quyết cân đối bố trí vốn ngân sách tỉnh để chi trả giải phóng mặt bằng dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1).
Cụ thể, bố trí 916,5 tỷ đồng từ nguồn kinh phí dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025; đảm bảo bố trí vốn giải phóng mặt bằng từ nguồn đối ứng ngân sách tỉnh theo tiến độ triển khai.
Theo HĐND tỉnh Đắk Lắk, việc thông qua nghị quyết trên nhằm đảm bảo tiến độ dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột theo Kết luận của Ban Cán sự Đảng Chính phủ và ý kiến của Bộ GTVT.
Các địa phương phải cam kết cân đối bố trí 50 % chi phí giải phóng mặt bằng dự án đi qua địa phương (tại Đắk Lắk tương ứng với số vốn là 916,5 tỷ đồng); đảm bảo bố trí vốn giải phóng mặt bằng từ nguồn đối ứng ngân sách tỉnh theo tiến độ triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Trong trường hợp nếu có tăng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án thành phần trên địa bàn tỉnh thì đảm bảo bố trí thêm ngân sách tỉnh theo tỷ lệ đối ứng 50%.
Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng mức đầu tư dự kiến 21.935 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng tái định cư là 2.300 tỷ đồng. Dự án gồm 3 dự án thành phần, trong đó có 2 dự án thành phần thuộc địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tổng chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư hai dự án thành phần này khoảng 1.833 tỷ đồng.
Tỉnh Đắk Nông cũng vừa tổ chức hội nghị bất thường lấy ý kiến đề xuất chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), qua đó thống nhất sẽ trích 1.000 tỷ đồng làm kinh phí đối ứng giải phóng mặt bằng, lấy từ 3 nguồn: nguồn dự phòng kế hoạch trung hạn ngân sách địa phương; nguồn tăng thu ngân sách và nguồn bán đấu giá quyền sử dụng đất.
Ông Lưu Văn Trung, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện đã có hai nhà đầu tư là Tập đoàn Vingroup và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đề xuất thực hiện dự án đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) theo hình thức PPP. Hai đơn vị này sẽ bỏ chi phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi.
Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành được đưa vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án có chiều dài khoảng 140km, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Nông khoảng 37,7km; quy mô 6 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030. Tổng kinh phí cho dự án này vào khoảng 26.000 tỷ đồng.