Cần chế tài đủ mạnh bảo vệ người dân mua bán bất động sản, tham gia bảo hiểm
Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị Đảng, Nhà nước tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, có chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của người dân khi tham gia ký kết các hợp đồng mua bán bất động sản, hợp đồng bảo hiểm...
Sáng 22/5, trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và nhân dân bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối vào vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; vui mừng phấn khởi với kết quả quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhất là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, "nói đi đôi với làm", thật sự không có ngoại lệ, không có "vùng cấm", trở thành xu thế không thể đảo ngược; đã làm rõ nhiều vụ việc lớn, phức tạp, kịp thời xử lý đồng bộ vừa bảo đảm tính nghiêm minh, vừa có tính nhân văn sâu sắc.
Cử tri và nhân dân hoan nghênh Quốc hội đã kịp thời tổ chức các kỳ họp bất thường để xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước về chính sách phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, về xây dựng pháp luật, về công tác nhân sự... Cử tri và nhân dân ghi nhận sự cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác điều hành: quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả; thành lập nhiều tổ công tác để tháo gỡ khó khăn trong phục hồi phát triển kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát... Cử tri và nhân dân vui mừng, tự hào về kết quả hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nhất là chuyến thăm và làm việc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng cử tri và nhân dân...
Tuy nhiên, bên cạnh đó, theo Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, do những bất ổn của tình hình thế giới tác động vào nước ta, các đơn hàng bị cắt giảm, lao động, việc làm, thu nhập của một bộ phận lao động rất khó khăn. Sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp không hiệu quả, thua lỗ, thu nhập của người lao động ở nhiều ngành, nghề giảm sút khá nghiêm trọng, đời sống của một bộ phận người dân chưa được ổn định sau đại dịch COVID - 19. Cử tri và nhân dân lo lắng nếu kéo dài tình trạng này thì một số doanh nghiệp sẽ tiếp tục rời khỏi thị trường, đời sống của người lao động sẽ khó khăn hơn.
"Một bộ phận người dân còn băn khoăn, lo lắng, có nơi bức xúc vì đã chi tiền mua nhà ở, đất ở của các dự án nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay chưa nhận được nhà ở, đất ở mà chưa lấy lại được tiền đã đầu tư. Nhiều người đầu tư vào trái phiếu, bảo hiểm... nay có thể gặp rủi ro, tuy đã được các cơ quan chức năng chỉ đạo, yêu cầu bảo đảm quyền lợi của người đầu tư nhưng cử tri và nhân dân vẫn còn lo lắng chưa thực sự yên tâm", ông nói.
Cùng với đó, kết quả triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia tuy đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn, tỷ lệ giải ngân vốn còn thấp; một số văn bản hướng dẫn của chủ chương trình và một số bộ, ngành ban hành chậm, vẫn còn một số nội dung hướng dẫn chưa rõ ràng, chưa thống nhất, khó thực hiện nhất là lồng ghép các nguồn vốn đầu tư.
Cử tri và nhân dân băn khoăn, lo lắng về các vụ lừa đảo có tổ chức, xuyên quốc gia, một số vụ việc có yếu tố nước ngoài, thông qua gọi điện, nhắn tin ở nhiều lĩnh vực khác nhau cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen, giả danh cơ quan chức năng hoạt động trên không gian mạng một cách tinh vi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân..., gây ra nhiều hậu quả xấu. Cử tri và nhân dân băn khoăn, lo lắng về tác động xấu của biến đối khí hậu, diễn biến bất thường của thời tiết. Nhất là nước biển dâng, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên...
Từ thực trạng nêu trên, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị với Đảng, Nhà nước chỉ đạo nghiên cứu, có các chính sách, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và sớm phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định việc làm và thu nhập của nhân dân, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, người lao động mất việc, giãn việc ở các khu công nghiệp; có các giải pháp phù hợp, khả thi, vừa bảo đảm được sự ổn định để phát triển đất nước, vừa bảo đảm quyền lợi của người dân đã đầu tư vào bất động sản, trái phiếu, bảo hiểm.
"Tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, có chế tài đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của người dân khi tham gia ký kết các hợp đồng mua bán bất động sản, hợp đồng bảo hiểm... Những hợp đồng này được in sẵn, đã được cơ quan có trách nhiệm thẩm định, vì tin tưởng nên người dân không đọc kỹ hoặc đọc cũng không hiểu rõ, nên điều khoản bất lợi thường thuộc về bên mua, gây thiệt hại cả về vật chất và tinh thần cho người dân", Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến lý giải.
Ông cũng kiến nghị với Đảng và Nhà nước chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu kỹ ý kiến góp ý của cử tri và nhân dân, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để phòng chống, khắc phục tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, trì trệ, giải quyết công việc không hiệu quả, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của nhân dân. Vì biểu hiện đó là tiêu cực.
Đồng thời, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vì phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ làm cho xã hội tốt đẹp thêm, mọi thứ tốt lên, chứ không thể đổ lỗi vì sợ, không dám làm. Kiến nghị Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội; tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh COVID -19 và các bệnh dịch khác để bảo vệ sức khỏe của người dân, an toàn để phục hồi phát triển kinh tế, xã hội.