Cần khắc phục tồn tại, hạn chế trong thực hiện Quy hoạch sử dụng đất quốc gia

17:35 10/10/2024

Chính phủ sẽ trình Quốc hội điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia với các nội dung chủ yếu: điều chỉnh 6 chỉ tiêu sử dụng đất gồm: đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất quốc phòng, đất an ninh. Điều chỉnh loại bỏ kế hoạch sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

Chiều 10/10, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 38, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Điều chỉnh 6 chỉ tiêu sử dụng đất

Tờ trình về việc trình Quốc hội quyết định chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân trình bày cho biết, Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia tại Kỳ họp thứ 8 tới đây để bảo đảm cơ sở pháp lý, công cụ quản lý, giải phóng nguồn lực đất đai, góp phần thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của đất nước. Theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, Chính phủ sẽ trình Quốc hội điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia với các nội dung chủ yếu là điều chỉnh 6 chỉ tiêu sử dụng đất gồm: đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất quốc phòng, đất an ninh; điều chỉnh loại bỏ kế hoạch sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia (thuộc thẩm quyền của Chính phủ).

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân trình bày Tờ trình về việc trình Quốc hội quyết định chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành sự cần thiết điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia; cho rằng, việc đề xuất điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia là phù hợp với yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 103/2023/QH15 ngày 9/11/2023 của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra.

“Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, theo quy định của Luật Quy hoạch, việc điều chỉnh quy hoạch được thực hiện khi có một trong 7 căn cứ quy định tại Điều 53 của Luật Quy hoạch. Trong khi đó, Tờ trình và Báo cáo rà soát Quy hoạch sử dụng đất quốc gia chưa phân tích, làm rõ việc đề xuất điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia dựa vào căn cứ nào? Do đó, đề nghị cần bổ sung nội dung đánh giá về tính cấp thiết cần điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, bảo đảm đáp ứng căn cứ điều chỉnh quy hoạch quy định tại Điều 53 của Luật Quy hoạch” – Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho biết. Đồng thời, đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá một cách toàn diện, làm rõ hơn nữa nguyên nhân, đề xuất giải pháp để cải thiện hiệu quả việc thực hiện quy hoạch này; đánh giá tác động của chính sách, pháp luật đến việc thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất…

Phân bổ đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; cho rằng, khi trình nội dung này ra Quốc hội phải thể hiện rõ về mặt chủ trương, bảo đảm phù hợp với 7 căn cứ nêu tại Điều 53, Luật Quy hoạch. Đồng thời, làm rõ hơn các căn cứ về sự cần thiết điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. 

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nguyên tắc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải tuân thủ theo quy định pháp luật về việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch. “Đây là một nguyên tắc cơ bản nhất” - Chủ tịch Quốc hội cho biết. Ông đề nghị, cần bảo đảm nhu cầu sử dụng đất để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất cho các ngành, lĩnh vực ở địa phương. Tuân thủ yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, an ninh lương thực, nguồn nước, tỷ lệ che phủ rừng, các hệ sinh thái, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, trong đó nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Về nội dung chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần làm rõ các nội dung thể hiện chủ trương điều chỉnh quy hoạch, bởi hiện theo báo cáo chỉ có chủ trương về sự cần thiết.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Trên cơ sở kết quả rà soát quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Chủ tịch Quốc hội lưu ý: Phải chỉ ra được những chỉ tiêu sử dụng đất nào đang thực hiện kém hiệu quả; những chỉ tiêu nào cần được điều chỉnh tăng, giảm, và thuyết minh rõ để Quốc hội xem xét. Ngoài ra, cần có định hướng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế trong thực hiện Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời gian vừa qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới nêu ý kiến, tại Long An, Cần Thơ, tỷ lệ đất trồng lúa rất lớn, tuy nhiên việc sử dụng chưa đạt hiệu quả cao. Một số địa phương được phân bổ tỷ lệ đất trồng lúa lớn nên không thể phát triển công nghiệp, gây khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đề nghị Chính phủ nghiên cứu phân bổ đất trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và cân đối với Bắc Bộ, Trung Bộ và quy mô cả nước. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long, việc quy hoạch đất trồng lúa phải kết hợp phát triển hợp lý về công nghiệp và các ngành khác.

Giải trình ý kiến các đại biểu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, sau khi có kết luận của Bộ Chính trị về đường sắt tốc độ cao, nhu cầu đất giao thông quốc gia sẽ tăng lên. "Không thể lấy từ đâu khác ngoài 3,5 triệu ha đất nông nghiệp và 15,6 triệu ha đất lâm nghiệp. Đã đến lúc chúng ta điều chỉnh chỉ tiêu và sử dụng đất hiệu quả" – Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chia sẻ và cho biết Chính phủ sẽ làm rõ quan điểm phân bổ đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ông nhấn mạnh, Chính phủ chịu trách nhiệm về số liệu, tình hình thực hiện Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 và số liệu nhu cầu sử dụng đất. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ, tăng tính thuyết phục khi trình Quốc hội.

Phương Thuỷ

Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các tòa nhà dân cư tại thành phố Kazan của Nga, cách tiền tuyến hơn 1.000 km, đồng nghĩa với việc Kiev đưa cuộc chiến vào sâu trong lãnh thổ của Nga.

Sáng 21/12, nhận được thông tin bệnh nhân Đào Thị S (SN 1991, trú xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bị băng huyết sau sinh tại Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng cần gấp lượng lớn máu để phục vụ cấp cứu, Ban Chấp hành Chi đoàn Công an huyện Duy Xuyên đã thông báo huy động đoàn viên trong "Ngân hàng máu sống", sau đó Đại úy Trần Duy cùng 2 đoàn viên khác xung phong lên đường ra Đà Nẵng để hiến máu cứu người.

14 trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau bữa tiệc tại quận Long Biên (Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, có 5 bệnh nhân có biểu hiện sốc nhiễm trùng nhiễm độc phải hồi sức tích cực, lọc máu, thậm chí đặt ống nội khí quản, thở máy. 

Ngày 21/12, Công an tỉnh Thanh Hoá thông tin, Phòng Cảnh sát hình sự vừa triệt xoá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tham gia đầu tư sàn giao dịch chứng khoán. Đây là đường dây do các đối tượng người nước ngoài, câu kết với các đối tượng người Việt Nam thực hiện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, TP ven biển từ Phú Yên đến Cà Mau theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.

Đã gần 10 ngày trôi qua nhưng đến nay, người dân thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) chưa hết bàng hoàng trước cái chết của bà Sử Thu Nga (SN 1954), mà hung thủ là hai thiếu niên 13 tuổi ngụ cùng địa phương với nạn nhân.

Thời điểm kiểm tra, cơ quan Công an bắt quả tang Đặng Thị Ngọc Hiền (SN 1983) có hành vi mua bán số đề cùng với 8 người khác đang đánh bài ăn thua bằng tiền tại nhà lồng chợ ở xã Hòa Bình (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文