Cần thiết phải sửa đổi Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT) (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục hành chính và khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành, áp dụng pháp luật...; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý Nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về VK, VLN, CCHT.
Chiều 19/3, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) tổ chức phiên họp mở rộng, thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT (sửa đổi).
Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBQPAN chủ trì phiên họp.
Về phía Ban soạn thảo dự án luật có Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an.
Dự phiên họp có Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cùng đại diện các bộ, ngành có liên quan.
Đấu tranh quyết liệt, hiệu quả đối với tội phạm, vi phạm pháp luật về VK, VLN, CCHT
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới cho biết, dự án Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (5/2024).
Theo Tờ trình số 82 ngày 5/3/2024 về chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh năm 2024, Chính phủ đề nghị dự án Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT (sửa đổi) nếu được chuẩn bị tốt, thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua theo quy trình 1 kỳ họp.
Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới cũng cho biết, ngày 8/3/2024, Chính phủ đã có Tờ trình số 83/TTr-CP cùng hồ sơ dự án Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT (sửa đổi) gửi Quốc hội.
Trình bày báo cáo tóm tắt tờ trình tại phiên họp, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, thực hiện Nghị quyết số 41/2023/UBTVQH15 ngày 18/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan hữu quan xây dựng Dự án Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT (sửa đổi) theo đúng trình tự, thủ tục Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; ngày 8/3/2024, Chính phủ có Tờ trình số 83/TTr-CP trình Quốc hội Dự án luật.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, qua 5 năm tổ chức triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN và CCHT năm 2017, các bộ, ngành, UBND và Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo TTATXH, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong đó, công tác quản lý, sử dụng VK, VLN và CCHT bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được tiến hành thường xuyên, rộng khắp, hiệu quả nên đã nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ, trong 5 năm qua, toàn quốc đã vận động nhân dân giao nộp 99.689 khẩu súng các loại và nhiều bom, mìn, lựu đạn, thuốc nổ, VK, CCHT khác. Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương đấu tranh quyết liệt, hiệu quả đối với tội phạm, vi phạm pháp luật về VK, VLN, CCHT. Trong 5 năm, toàn quốc đã phát hiện 34.109 vụ, bắt giữ 56.027 đối tượng, thu 4.975 khẩu súng các loại.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai, thực hiện Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2017 đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, vướng mắc. Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, thực tế hiện nay tội phạm sử dụng các loại dao để gây án chiếm tỷ lệ rất cao, nhiều vụ đối tượng sử dụng dao sắc, nhọn có tính sát thương cao, gây án với tính chất rất manh động, gây bức xúc dư luận xã hội. Tuy nhiên, lại không xử lý được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép VK vì trong luật hiện hành không quy định dao là VK. Bên cạnh đó, tình trạng đối tượng sử dụng trái phép súng tự chế, VK thô sơ diễn biến rất phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm như VK quân dụng nhưng theo quy định của luật hiện hành thì súng tự chế, VK thô sơ không thuộc danh mục VK quân dụng.
“Vì vậy, cần thiết phải bổ sung quy định súng tự chế vào nhóm VK quân dụng; dao có tính sát thương cao là VK thô sơ; khi đối tượng sử dụng VK thô sơ với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khoẻ con người trái pháp luật thì được xác định là VK quân dụng nhằm mục đích điều chỉnh nhận thức, hành vi của đối tượng, giảm nguồn tội phạm”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho hay.
Để thực hiện cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính thì cần thiết phải rà soát thủ tục cấp các loại giấy phép, giấy xác nhận về VK, VLN, tiền chất thuốc nổ, CCHT để cắt giảm các loại giấy tờ không cần thiết và thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công; sửa đổi, bổ sung quy định về cấp giấy phép sử dụng VK, CCHT theo hướng không quy định thời hạn và chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng.
Hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài có nhu cầu cho, tặng, viện trợ VK, CCHT cho cơ quan trong nước. Tuy nhiên, luật hiện hành quy định nghiêm cấm cho, tặng, viện trợ VK, CCHT. Vì vậy, để tận dụng nguồn lực từ nước ngoài thì cần thiết phải bổ sung quy định cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước được tiếp nhận VK, CCHT do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ.
Ngoài ra, quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển và sử dụng VLN công nghiệp còn chưa phù hợp với thực tiễn nên quá trình triển khai thực hiện đã gặp khó khăn, vướng mắc, do đó, cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc khẳng định, dự án luật được xây dựng đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự án luật đã được đăng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Công an để xin ý kiến các cơ quan, tổ chức, nhân dân và được Bộ Tư pháp thẩm định, Thường trực Chính phủ, các thành viên Chính phủ cho ý kiến; Bộ Công an đã có báo cáo tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của Thường trực Chính phủ, các thành viên Chính phủ và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.
Tạo hành lang pháp lý vững chắc trong công tác quản lý Nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm
Trình bày dự thảo báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT (sửa đổi), Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Ủy viên Thường trực UBQPAN nhấn mạnh, Thường trực UBQPAN cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT (sửa đổi) với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn như trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường công tác quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT. Cùng đó, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các giấy tờ không cần thiết nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân; tạo hành lang pháp lý vững chắc trong công tác quản lý Nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về lĩnh vực này. Đồng thời, khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thi hành, áp dụng luật thời gian qua.
Thảo luận tại phiên họp, Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển, thành viên UBQPAN bày tỏ nhất trí cao với nội dung Tờ trình dự án Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT (sửa đổi). Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật đã chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, công phu, tuân thủ đúng trình tự theo quy định và đã tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh biên giới…
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Minh Đức đề nghị, Ban soạn thảo tiếp thu, ghi chép đầy đủ các nội dung, ý kiến của các đại biểu tại phiên họp. Trong đó, khẩn trương mời các chuyên gia, nhà khoa học của các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo lên kế hoạch chỉnh sửa để giải trình thấu đáo, chặt chẽ, có đầy đủ cơ sở lý luận thực tiễn, hoàn thiện hồ sơ dự án luật báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội…
Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT (sửa đổi) gồm 8 chương, 74 điều với nội dung cơ bản sau:
(1) Chương I gồm 17 điều (từ Điều 1 đến Điều 17), quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc quản lý, sử dụng; các hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm của người đứng đầu; điều kiện, trách nhiệm của người sử dụng; điều kiện, trách nhiệm của người quản lý; quản lý, bảo quản; thu hồi VK, VLN, CCHT; mang VK, CCHT ra, vào khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà XHCN Việt Nam; quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT để triển lãm, trưng bày, chào hàng, giới thiệu sản phẩm hoặc làm đạo cụ trong hoạt động văn hoá, nghệ thuật; cho, tặng, viện trợ và giám định VK, CCHT.
(2) Chương II gồm 15 điều (từ Điều 18 đến Điều 32) quy định về nghiên tạo, sản xuất, sửa chữa, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu VK; đối tượng, thủ tục cấp giấy phép, loại VK trang bị; nguyên tắc và các trường hợp nổ súng quân dụng; thủ tục khai báo VK thô sơ.
(3) Chương III, IV gồm 17 điều (từ Điều 33 đến Điều 49) quy định về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, sử dụng VLN quân dụng, VLN công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; dịch vụ nổ mìn và trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
(4) Chương V gồm 11 điều (từ Điều 50 đến Điều 60) quy định về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa CCHT; đối tượng trang bị, vận chuyển, sử dụng và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
(5) Chương VI gồm 9 điều (từ Điều 61 đến Điều 69) quy định về tiếp nhận, gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu huỷ.
(6) Chương VII, VIII gồm 5 điều (từ Điều 70 đến Điều 74) quy định quản lý Nhà nước về VK.VLN, CCHT và điều khoản thi hành.