Cần "van" giám sát để giải ngân hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia

10:18 13/10/2023

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, bên cạnh đẩy nhanh tốc độ giải ngân, cần có "van", có "khoá", tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo hiệu quả đầu tư, phân bổ đúng mục đích, tránh thất thoát, tiêu cực, lãng phí.

Sáng 13/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trong giai đoạn 2021-2023 và đề xuất giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình trong thời gian tới.

Mới đạt 47,81%, Chính phủ đề xuất kéo dài thời gian giải ngân đến cuối năm 2024

Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng trình bày cho biết, về kết quả giải ngân vốn ngân sách nhà nước (NSNN) của các chương trình mục tiêu quốc gia, năm 2021 đã giải ngân 1.078 tỷ đồng, đạt 88,95% kế hoạch.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình.

Năm 2022 giải ngân hơn 14.468 tỷ đồng, đạt 42,49% kế hoạch. Căn cứ Nghị quyết số 69 của Quốc hội và Chỉ thị số 08 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã tiến hành các thủ tục kéo dài thời gian thực hiện. Đến 31/8/2023, kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển kéo dài đạt khoảng 58,47% (Tổng vốn đã giải ngân trong năm 2022 và 8 tháng năm 2023 hơn 19.158 tỷ đồng, đạt 79,82% kế hoạch năm 2022).

Đối với kế hoạch năm 2023, kết quả giải ngân kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương đến tháng 6 hơn 1.131 tỷ đồng, đạt 5,33% kế hoạch. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công của năm 2023 đến 31/8/2023 hơn 10.139 tỷ đồng, đạt 41,9% kế hoạch. Như vậy, nếu tính tổng vốn đầu tư công giải ngân trong năm 2023 (bao gồm cả vốn đầu tư của năm 2022 kéo dài sang năm 2023) đã được hơn 16.365 tỷ đồng, đạt 47,81% kế hoạch.

Từ đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép kéo dài thời hạn thực hiện, giải ngân đến hết 31/12/2024 đối với vốn NSNN của các chương trình MTQG chưa giải ngân hết trong năm 2023 để đảm bảo đủ nguồn lực cho các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung, hoạt động của các chương trình. Đồng thời đề xuất thêm các cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khác.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày báo cáo.

Qua giám sát, Đoàn Giám sát thống nhất cao về sự cần thiết đối với việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành một số giải pháp, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình MTQG vì mục tiêu đặt lợi ích của nhân dân lên cao nhất trong bối cảnh tỷ lệ giải ngân vốn NSNN của các Chương trình này còn tương đối thấp và thời gian thực hiện còn lại không nhiều, trong khi đời sống người dân là đối tượng thụ hưởng còn nhiều khó khăn.

"Đoàn giám sát cho rằng, việc chậm triển khai các chương trình MTQG có nguyên nhân từ việc chậm phân bổ vốn (đến tháng 5/2022) và chậm ban hành văn bản hướng dẫn, do đó, đề nghị UBTVQH cho ý kiến về việc báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện vốn NSNN chưa giải ngân hết đến năm 2023 (bao gồm cả ngân sách năm 2022, 2023) sang đến tháng 10/2024", Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát nêu.

Thay đổi cách quản lý, phân cấp cho địa phương

Góp ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh khẳng định, việc kéo dài thời gian thực hiện giải ngân vốn đầu tư và sự nghiệp của 3 chương trình MTQG từ năm 2022 sang năm 2024 là không phù hợp với quy định của Luật NSNN. Tuy nhiên, qua báo cáo và các ý kiến, xem xét tình hình thực tiễn, ông bày tỏ thống nhất với đề xuất của Đoàn giám sát để phát huy những tích cực của 3 chương trình MTQG đối với sự nghiệp giảm nghèo, hỗ trợ đời sống của những đồng bào còn khó khăn...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải thảo luận tại phiên họp.

Nhất trí với những đề xuất mà Đoàn giám sát đã đưa ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, cần phải thay đổi cách quản lý các Chương trình này, nên đi theo hướng địa phương chịu trách nhiệm chứ cách hiện nay rất chậm trễ.

"Chú ý cân bằng vốn sự nghiệp và vốn đầu tư. Vốn sự nghiệp chặt chẽ về chi tiêu nên giải pháp là phải đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm cấp uỷ, chính quyền địa phương. Trên này chúng ta quản mục tiêu, quản hướng dẫn chứ không nên quản lý chi tiết", Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích và cho biết ủng hộ việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện 3 chương trình để thủ tục ngắn gọn hơn, giải ngân nhanh hơn.

Cũng ủng hộ những kiến nghị, đề xuất của Chính phủ và chia sẻ cùng những khó khăn của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện các chương trình MTQG, song Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý, đây là những biện pháp ngắn hạn để xử lý tính huống trước mắt. Thực tiễn giám sát, việc thực hiện các chương trình MTQG, việc tổ chức, triển khai, chỉ đạo, thực hiện các quy định, nghị định, thông tư, hướng dẫn không chỉ vướng ở một khâu này. Do đó, Chính phủ cần có chỉ đạo quyết liệt để những công việc thuộc thẩm quyền của các cơ quan có thể tổ chức thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thảo luận tại phiên họp.

Cùng với việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân, cần nâng cao chất lượng của các công việc, tránh trường hợp giải ngân ồ ạt không đạt được hiệu quả, chất lượng như mục tiêu đã đề ra. "Nếu giải ngân không có "van", có "khóa", không có kiểm tra, giám sát thì không đảm bảo phân bổ đúng mục đích, dễ dẫn đến thất thoát, tiêu cực, lãng phí, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo hiệu quả đầu tư" - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh.

Kết lại nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, về cơ bản UBTVQH đồng tình với 6 chính sách có tính đặc thù mà Chính phủ trình để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của 3 chương trình MTQG. Đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn chỉnh tờ trình, lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành, báo cáo đánh giá tác động, nêu một số nguyên tắc, tiêu chí cụ thể để thực hiện các cơ chế này, sớm gửi các cơ quan của Quốc hội để Hội đồng Dân tộc thẩm tra chính thức trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Quỳnh Vinh

Hôm nay, các tỉnh thành tại miền Bắc nền nhiệt ban ngày được dự báo ở ngưỡng 29 - 32 độ C, trời nắng hanh khô tuy nhiên đêm và sáng sớm nhiệt độ giảm. Trên biển Đông, bão số 8 được dự báo sẽ suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Từng là những người mang trên mình án tích nên sau khi hoàn thành chấp hành án, trở lại địa phương, những người này rất cần sự động viên, hỗ trợ để vượt qua mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc này không hề dễ dàng, không ít đối tượng vẫn “ngựa quen đường cũ”.

Chiếc xe BMW X3 đời 2016 được đưa ra đấu giá cách đây hơn 3 năm với giá bèo nhưng chỉ có 2 hồ sơ tham gia. Người trúng đấu giá là một người thân quen của ông chủ công ty được lựa chọn đấu giá. Đến nay, chủ sở hữu chính thức của chiếc xe sang này không ai khác chính là chủ nhân của công ty đã tổ chức đấu giá.

Chiều 13/11, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với Huỳnh Nhật Phương (SN 1982, ngụ quận Bình Thạnh) về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Các quyết định và lệnh trên đã được Viện KSND thành phố phê chuẩn.

Mỹ sẽ chính thức mở một căn cứ phòng không mới ở miền Bắc Ba Lan, khi Warsaw muốn trấn an người dân rằng NATO đảm bảo an ninh cho họ trong bối cảnh lo lắng sau chiến thắng bầu cử Tổng thống của ông Donald Trump.

Giá vàng thế giới tiếp tục giảm đã kéo giá vàng trong nước giảm sâu, vàng nhẫn chính thức rơi xuống dưới 80 triệu đồng/lượng.

Trong vài năm gần đây, Việt Nam xuất hiện một trào lưu đặc biệt: mua bán và sưu tầm thiên thạch. Nhiều người cho rằng loại đá này mang lại may mắn, phong thủy tốt và thậm chí là sức khỏe. Tuy nhiên, thực hư về giá trị của những mẩu đá này lại là một vấn đề phức tạp, đặt ra nhiều dấu hỏi về tính xác thực và cả những vụ lừa đảo lên đến hàng trăm tỷ đồng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文