Cấp thiết đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030

17:56 31/10/2024

Tối 31/10, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã triệu tập Phiên họp toàn thể Ủy ban lần thứ 16 để thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ và thay mặt Chính phủ, Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an báo cáo về Tờ trình của Chính phủ.

Phiên họp do đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cùng các thành viên Ủy ban Xã hội và đại diện lãnh đạo một số ủy ban của Quốc hội, bộ, ngành Trung ương tham dự phiên họp.

Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá: Trong thời gian qua, bên cạnh những kết quả to lớn trong công tác phòng, chống ma túy, hiện tình hình ma túy vẫn còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải có sự quan tâm, đầu tư thích đáng hơn cho công tác này. Hồ sơ về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 đã được cơ quan chủ trì chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có sự góp ý của các cơ quan chức năng của Quốc hội, bộ, ngành, địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận trong 7 nhóm vấn đề có liên quan đến sự cần thiết trong đầu tư, chiến lược, quy hoạch, đảm bảo các mục tiêu khác, cũng như an ninh, quốc phòng, ngân sách…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, thay mặt lãnh đạo Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh ghi nhận và chúc mừng Bộ Công an đã đề xuất một chương trình rất quan trọng, có ý nghĩa xã hội to lớn để đưa ra xem xét tại kỳ họp Quốc hội lần này.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nếu được thông qua thì đây là chương trình quốc gia thứ 5 được triển khai. Qua nghiên cứu tài liệu thấy rằng, hồ sơ, mục tiêu và những vấn đề đặt ra đã được Bộ Công an chuẩn bị kỹ lưỡng công phu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao sự chủ động trong công tác chuẩn bị của Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương có liên quan.

“Chúng ta đã rất thành công trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy. Sự thành công này giúp chúng ta có thêm kinh nghiệm để giúp phòng, chống ma túy hiệu quả hơn không chỉ trong nước mà mở rộng trên phạm vi khu vực và toàn cầu, góp phần đảm bảo tuyệt đối ANTT, phát triển kinh tế - xã hội”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh và khẳng định, mục tiêu, chủ trương đặt ra trong đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 là rất cần thiết.

Bộ trưởng Lương Tam Quang trình bày Tờ trình về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Các nội dung thảo luận cần tập trung vào 3 trụ cột, giảm cung, giảm cầu và giảm thiểu tác hại và bàn mục tiêu, chỉ tiêu, các giải pháp trên từng trụ cột nêu trên. Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ với Bộ Công an, lực lượng Công an đang phải đối mặt rất nhiều hiểm nguy trong lĩnh vực này; đồng thời lưu ý, các thành viên của Ủy ban Xã hội Quốc hội tránh việc đưa ra mục tiêu quá lớn, giải pháp nhiều, song nguồn lực phục vụ cho những mục tiêu, giải pháp này chưa được tương xứng.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Lương Tam Quang đã báo cáo tóm tắt Tờ trình, sự cần thiết xây dựng, quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

Theo đó, Chính phủ đề xuất trên cơ sở 5 vấn đề gồm: Thực tiễn áp lực từ tình hình ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước ngày càng phức tạp, khó lường, làm gia tăng nguy cơ đe dọa đến sức khỏe nhân dân, đến giống nòi, ANTT, an toàn xã hội và sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước; Triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về công tác phòng, chống ma túy, góp phần thực hiện các mục tiêu chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn  mạnh sự cần thiết trong việc triển khai đầu tư phòng, chống ma túy.

Chương trình nhằm tiếp nối, phát huy thành tựu, kết quả đạt được trong công tác phòng, chống ma túy những năm qua và tiếp tục thực hiện các mục tiêu mà Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 chưa hoàn thành; khắc phục những tồn tại, hạn chế và tập trung giải quyết một số vấn đề mang tính cấp bách, trên các lĩnh vực giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của ma túy; triển khai thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và các cam kết quốc tế của Việt Nam về phòng, chống và kiểm soát ma túy.

Mục tiêu tổng quát của chương trình nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy. Tổ chức phòng ngừa, đấu tranh tội phạm về ma tuý từ sớm, từ xa; không để Việt Nam trở thành địa bàn sản xuất, trung chuyển và tiêu thụ ma tuý; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm ma tuý.

Bộ trưởng Lương Tam Quang phát biểu tiếp thu, trân trọng cảm ơn những ý kiến đánh giá, tham luận của các đại biểu tại phiên họp.

Bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện, điều trị nghiện ma túy; hỗ trợ can thiệp y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý cho các đối tượng của chương trình. Từng bước làm giảm bền vững số người nghiện ma tuý, người sử dụng trái phép chất ma tuý; góp phần chăm sóc, bảo vệ tốt hơn quyền con người; xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Chương trình đã đề ra 11 nhóm mục tiêu cụ thể và 20 nhóm chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2030, bảo đảm toàn diện, xuyên suốt trên cả 3 lĩnh vực giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy. Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước từ năm 2025 đến hết năm 2030, trong đó: năm 2025 sẽ tập trung xây dựng cơ chế chính sách, văn bản, tài liệu hướng dẫn, hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý chương trình; từ năm 2026 triển khai đồng bộ, toàn diện các nội dung hoạt động của chương trình.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu, điều hành phần tham luận.

Có 3 nhóm đối tượng thụ hưởng của chương trình gồm: Người nghiện ma túy, người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người tham gia điều trị nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và người vi phạm pháp luật liên quan đến ma tuý thuộc diện được trợ giúp pháp lý, đây là nhóm đối tượng chính được thụ hưởng từ chương trình; các tổ chức, cá nhân có liên quan thuộc các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, cai nghiện ma túy, điều trị nghiện ma túy và tham mưu, quản lý Nhà nước về phòng, chống ma túy.

Đây là những đối tượng được trực tiếp thực hiện Chương trình đồng thời cũng là đối tượng thụ hưởng từ việc đầu tư chương trình và nhóm cộng đồng người dân Việt Nam, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan sẽ được thụ hưởng những kết quả từ các hoạt động của chương trình như tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng ngừa, tránh xa ma túy và cao nhất là sự bình yên từ việc ngăn chặn, giảm thiểu những hệ lụy của ma túy đối với mỗi người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Tổng nguồn vốn đề xuất để thực hiện Chương trình là 22.450,194 tỷ đồng, thực hiện 9 dự án, 6 tiểu dự án do 8 bộ, ngành chủ trì để tập trung đầu tư theo 3 nhóm lĩnh vực: giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại. Bên cạnh đó, chương trình cũng bố trí một dự án đầu tư để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma tuý ở cơ sở, với mục tiêu chủ động làm tốt công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma tuý từ sớm, từ xa, từ địa bàn cơ sở (bao trùm cả 3 lĩnh vực giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại); cùng với đó là một dự án cho nhiệm vụ giám sát, đánh giá chương trình.

Bộ trưởng Lương Tam Quang cũng nêu rõ, chương trình đề ra 6 nhóm giải pháp để tổ chức thực hiện, gồm: Cơ chế, chính sách; tập trung, huy động nguồn lực; tổ chức hiệu quả bộ máy thực hiện chương trình, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền; giải pháp về khoa học, kỹ thuật và công nghệ; tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế và phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương bảo đảm tổ chức thực hiện hiệu quả chương trình.

Các đại biểu tham dự phiên họp thảo luận, cho ý kiến thống nhất về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

Theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, các địa phương triển khai xây dựng chương trình. Tuy chương trình được xây dựng trong thời gian ngắn nhưng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan rất nỗ lực hoàn thiện các nội dung chương trình đảm bảo rất công phu, bài bản, khoa học, đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Phòng, chống ma túy và các quy định pháp luật có liên quan. Trên cơ sở đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét, quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma tuý đến năm 2030 tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XV.

Với kinh nghiệm thực tế triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 cho thấy, cần có thời gian chuẩn bị chu đáo, bài bản về khung pháp lý, cơ chế chỉ đạo, điều phối, vận hành, chuẩn bị các nguồn lực đầu tư, tiêu chí và phương pháp quản lý, giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện. Do vậy, Chính phủ đề xuất thời gian thực hiện chương trình bắt đầu từ năm 2025 đến hết năm 2030.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Sau khi nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan báo cáo một số vấn đề quan tâm đối với đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội và đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về những nội dung của chương trình.

Các đại biểu đồng tình, thống nhất cao với những nội dung của Tờ trình đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 và cần sớm được trình Quốc hội để xem xét, thông qua, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, đảm bảo ANTT, bảo vệ giống nòi...; đồng thời, gợi mở một số nội dung cụ thể có liên quan đến vấn đề tài chính, ngân sách, đầu tư, sử dụng các thiết bị, phương tiện, kỹ thuật...nhằm thực hiện hiệu quả hơn những nội dung trong quá trình thực hiện.

Phát biểu tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Lương Tam Quang trân trọng cảm ơn lãnh đạo Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội, những ý kiến đóng góp, gợi mở của các đại biểu, thành viên Ủy ban Xã hội cũng như các ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đối với những nội dung trong Tờ trình về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.

Bộ trưởng Lương Tam Quang khẳng định, hiện nay, đấu tranh với tội phạm ma túy được Bộ Công an đấu tranh từ nơi xuất phát, phối hợp chặt chẽ với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đánh giá về tác hại, sự nguy hiểm của tội phạm ma túy có tác động đến tình hình ANTT, kinh tế, xã hội, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương có liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu tối đa để hoàn thiện những nội dung đã nêu; đồng thời đề nghị,  các ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành tiếp tục đồng hành, phối hợp để sớm trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Hoàng Phong

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文