Cắt giảm nhiều thủ tục hành chính về PCCC, không làm phát sinh biên chế, ngân sách
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận cho biết, hiện công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) đang được bảo đảm thực hiện bằng nguồn ngân sách và các nguồn lực hợp pháp khác. Dự thảo luật cũng có quy định cụ thể về xã hội hóa công tác này nhằm huy động nguồn lực, tài chính từ nhân dân để tổ chức triển khai thi hành luật.
Chiều 19/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật PCCC&CNCH.
Hoàn thiện pháp luật về CNCH với những tai nạn, sự cố hằng ngày là cấp thiết
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Cần Thơ bày tỏ thống nhất cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Quốc phòng và An ninh, thể hiện sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng của Cơ quan soạn thảo và những đánh giá tác động trong xây dựng dự án luật.
Đề cập tình hình cháy, nổ diễn biến hết sức phức tạp thời gian qua, nhiều vụ cháy xảy ra ở các thành phố lớn, khu đô thị tập trung đông dân cư, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng ANTT, đời sống xã hội, đời sống kinh tế... như vụ cháy xảy ra tại ngõ 43 Trung Kính (Trung Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) làm 14 người chết, đại biểu đề nghị phải có các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về PCCC; sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phù hợp thực tiễn.
Theo đại biểu, qua rà soát các luật hiện hành cho thấy, hiện nay mới chỉ có quy định về hoạt động tìm kiếm, CNCH khi xảy ra sự cố, tai nạn do thiên tai, thảm hoạ trên quy mô lớn, diện rộng hoặc trong các lĩnh vực chuyên ngành đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa, hàng không dân dụng, phòng thủ dân sự, môi trường.... Luật Phòng thủ dân sự năm 2023 quy định 3 cấp độ phòng thủ dân sự, trong đó cấp độ phòng thủ thấp nhất là cấp độ 1, được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trọng phạm vi địa bàn cấp huyện, khi diễn biến, mức độ thiệt hại của sự cố, thảm họa vượt quá khả năng, điều kiện ứng phó, khắc phục hậu quả của lực lượng chuyên trách và chính quyền địa phương cấp xã.
Trong khi đó, hoạt động CNCH đối với những tai nạn, sự cố thông thường như: cháy, nổ; đổ nhà; sạt lở đất, đá; người bị mắc kẹt; đuối nước... mà lực lượng PCCC&CNCH hiện nay đang phải áp dụng các biện pháp để CNCH thì chưa được quy định cụ thể trong luật (mới chỉ được quy định trong Nghị định số 83 ngày 18/7/2017 của Chính phủ). "Chính vì vậy, việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về CNCH, đặc biệt là với những tai nạn, sự cố xảy ra hằng ngày, chưa đến mức xem là "thảm họa", thiên tai lớn là yêu cầu cấp thiết" - ĐBQH Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh.
Khuyến khích xã hội hoá, giảm gánh nặng cho ngân sách
Về khả năng bảo đảm của nguồn nhân lực, tài chính để tổ chức triển khai thi hành luật, theo ông, luật hiện hành đang quy định lực lượng PCCC gồm lực lượng dân phòng; lực lượng PCCC cơ sở; lực lượng PCCC chuyên ngành; lực lượng Cảnh sát PCCC. Đây là lực lượng nòng cốt trong hoạt động PCCC. Trong đó, lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở; lực lượng PCCC chuyên ngành là lực lượng thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm. Dự thảo Luật PCCC&CNCH kế thừa quy định của luật hiện hành, do vậy, không làm phát sinh biên chế, tổ chức bộ máy tổ chức.
Về tài chính, hiện nay công tác PCCC&CNCH đang được bảo đảm thực hiện bằng nguồn ngân sách và các nguồn lực hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, dự thảo luật đã có những quy định cụ thể về công tác xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực, tài chính từ nhân dân để tổ chức triển khai thi hành luật. Trường hợp thực hiện quy định về xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC thì người đứng đầu cơ sở có trách nhiệm bảo đảm kinh phí khắc phục. "Vì vậy, với những nguồn lực như đã nêu ở trên, khi luật này có hiệu lực thì biên chế, tổ chức và ngân sách Nhà nước phải chi trả để thi hành sẽ cơ bản được giữ như hiện nay, bảo đảm tính khả thi", đại biểu phân tích.
Đồng quan điểm, ĐBQH Tráng A Tủa (Điện Biên) cho rằng, thêm vào đó, dự thảo luật khuyến khích xã hội hoá nhiều, trong khi luật cũ không thể hiện rõ. Ví dụ, vấn đề tư vấn thiết kế, PCCC; tư vấn thẩm định, giám sát, kiểm định kỹ thuật về PCCC... được xã hội hoá sẽ giúp giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Một ưu điểm khác, theo đại biểu, là dự án luật bãi bỏ rất nhiều thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. "Cụ thể là giảm 29/42 thủ tục, chỉ còn 13 thủ tục hành chính. Thứ hai là không làm tăng biên chế, ngân sách Nhà nước", đại biểu nhấn mạnh. Dự thảo luật cũng quy định rõ hơn vai trò, trách nhiệm trong công tác PCCC của các cơ quan chuyên môn về xây dựng, đầu tư, thiết kế, thi công trong công tác đầu tư xây dựng công trình; tăng cường trách nhiệm tự bảo đảm an toàn PCCC cho chủ đầu tư.
Cũng liên quan vấn đề xã hội hoá, ĐBQH Lê Kim Toàn (Bình Định) cho rằng, lĩnh vực PCCC là trách nhiệm của toàn dân, trong đó lực lượng chuyên trách PCCC là nòng cốt. "Đã là trách nhiệm toàn dân thì công đoạn nào có thể xã hội hoá được nên xã hội hoá. Những khâu then chốt trong công tác PCCC thì lực lượng chuyên trách đảm trách - đây là yêu cầu rất cao. Một mặt đề cao tiêu chuẩn kỹ thuật, tính tuân thủ, nhưng mặt khác phải xã hội hoá, tránh tình trạng đề cao tiêu chuẩn nhưng trở thành "điểm nghẽn" trong quá trình thực hiện", ông góp ý.
Đề nghị có chính sách để lực lượng PCCC tiến thẳng lên hiện đại
ĐBQH Lê Kim Toàn đánh giá, PCCC&CNCH góp phần bảo vệ sự an toàn tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người dân và của tổ chức, doanh nghiệp, liên quan trật tự, an toàn xã hội, và ý thức PCCC là kế thừa từ ông bà ta xa xưa, chứ không phải bây giờ.
"Trong điều kiện hiện đại hiện nay, cháy, nổ phổ biến thì mức độ thiệt hại càng nghiêm trọng hơn. Việc đề cao PCCC hết sức quan trọng, tôi thống nhất cao quan điểm phòng là chính, trong đó đề cao cái phòng. Chứ cháy rồi thì chữa cháy chỉ là hạn chế tác hại. Phải phòng là chính để không xảy ra, hạn chế xảy ra, mà có xảy ra ta cũng có đủ lực lượng, phương tiện để giảm thiểu tác hại" - đại biểu nêu quan điểm. Đồng thời, đề nghị trên cơ sở luật hiện hành, cần tiếp tục rà soát, trước hết ban hành được tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về đảm bảo PCCC, tiếp cận được yêu cầu đảm bao an toàn đối với từng loại hình. Đây cũng là cơ sở để mỗi hộ gia đình, người dân, tổ chức tuân thủ theo.
Bên cạnh đó, theo ông, phải triệt để tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC. Đối với lực lượng PCCC chuyên trách, đại biểu đề nghị có chính sách tiến thẳng lên hiện đại, từ hạ tầng PCCC của các đô thị, cơ sở sản xuất kinh doanh đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; điều kiện phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phải tiến thẳng lên hiện đại. "Có những địa bàn, loại hình chúng ta chữa cháy rất khó khăn, mà với phương tiện như hiện nay xe không vào được, nước không kéo vào tới nơi thì lực lượng PCCC chuyên trách phải có máy bay, có phương tiện hiện đại khắc phục sự cố. Liên quan an toàn, sức khoẻ, tính mạng, tài sản của người dân, tổ chức, doanh nghiệp cần có chính sách đầu tư, tiến thẳng lên hiện đại", ĐBQH tỉnh Bình Định lý giải.
Liên quan điều kiện chuyển tiếp đối với những công trình hiện hữu không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC, đại biểu Lê Kim Toàn đề nghị cần nghiên cứu, có lộ trình, bước đi để thực hiện, không thể để tồn tại mãi. "Lộ trình ngắn hay dài của từng loại hình phải xác định rõ, ví dụ nhà ở riêng lẻ của người dân thì cần tiêu chuẩn gì; kinh doanh nhà ở, công trình tập trung đông người trong hẻm sâu nhỏ, không có điều kiện PCCC&CNCH thì có duy trì không, hay cho chuyển đổi công năng mục đích?", ông lưu ý và đề nghị phải nghiên cứu kỹ, có lộ trình, bước đi phù hợp, hướng tới đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật PCCC. Bởi nếu không, khi xảy ra hậu quả rất nặng nề, đau xót, chúng ta có chia sẻ, khắc phục gì thì hậu quả cũng đã xảy ra rồi...
"Rõ ràng cái này hiện phổ biến, quá nhiều, nếu áp theo tiêu chuẩn kỹ thuật thì không thể giải quyết được. Cho nên phải điều chỉnh trong dự thảo luật quy định tiêu chuẩn khuyến khích áp dụng, nghĩa là tạo cơ sở pháp lý để các bộ, ban, ngành nghiên cứu, điều chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam", ĐBQH Tráng A Tủa bổ sung thêm.
Ở khía cạnh khác, ĐBQH Nguyễn Tiến Nam (Quảng Bình) nhất trí sự cần thiết ban hành luật nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật PCCC và cụ thể hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng về việc tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực PCCC. Đồng thời, luật bổ sung quy định về hoạt động CNCH để phù hợp với các quy định của Hiến pháp về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho lực lượng PCCC trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.
Dẫn số liệu từ Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an trong 5 năm qua giám định 1.009 vụ để xác định nguyên nhân cháy, đại biểu cho biết: số vụ việc năm sau cao hơn năm trước; trong đó, cháy nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh chiếm 49,5%; cháy chung cư chiếm 4,4%; cháy tại các doanh nghiệp chiếm 19,2%; cháy khác như chợ, tàu, xe, rừng... chiếm 26,9%.
Nguyên nhân có nhiều, chủ yếu kể đến: Chập mạch điện, dây dẫn điện trong các thiết bị sử dụng điện; do bất cẩn trong sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, sửa chữa nhà cửa, thiết bị, phương tiện... Từ đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì công tác PCCC&CNCH quan tâm thoả đáng đến công tác tuyên truyền về PCCC; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành về PCCC, ở tất cả các khâu, các lĩnh vực như: quy hoạch, sản xuất, thiết kế, thi công...; công tác quản lý, sử dụng, vận hành...