Chống tham nhũng, tiêu cực không vì chống dịch mà "chùng xuống"

15:43 20/01/2022

Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả rõ rệt, có mặt cao hơn năm trước, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, "không ngừng", "không nghỉ", không vì chống dịch mà "chùng xuống"... 

Sáng 20/1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã họp Phiên thứ 21 dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động năm 2021 và cho ý kiến về Chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp Ban Chỉ đạo, sáng 20/1.

Chiều cùng ngày, đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương và đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã chủ trì họp báo thông báo kết quả Phiên họp thứ 21.

Nhiều chủ trương, giải pháp đột phá mạnh mẽ

Thông báo kết quả Phiên họp thứ 21, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận phiên họp, đã nhấn mạnh: Trong năm 2021, mặc dù trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp; nhiều thành viên Ban Chỉ đạo mới được kiện toàn, bổ sung, nhưng dưới sự chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, sâu sát, với nhiều đổi mới của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo; sự quyết tâm, tích cực, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo; sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng, nên hầu hết các công việc theo chương trình công tác của Ban Chỉ đạo đã được triển khai thực hiện nghiêm túc và hoàn thành theo kế hoạch.

Toàn cảnh phiên họp.

Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo đồng bộ, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; gắn PCTN với phòng, chống tiêu cực, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự. Công tác PCTN, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả rõ rệt, có mặt cao hơn năm trước, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh PCTN, tiêu cực, củng cố thêm niềm tin của Nhân dân, "không ngừng", "không nghỉ", không vì chống dịch mà "chùng xuống, không xử lý".

Nổi bật là, nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và PCTN, tiêu cực được xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện quyết liệt, tạo khí thế mới ngay từ năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Số cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị kỷ luật tăng 15 người

Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được chỉ đạo đồng bộ, hiệu quả; thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo về cơ chế phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án xử lý nghiêm minh nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm, tạo bước đột phá mới trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tăng cường kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đối với 618 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 132 đảng viên so với năm 2020). Nhất là, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xử lý kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao vi phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, trong đó có 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm 2020).

Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi 81.290 tỷ đồng và 811 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 2.286 tập thể và 6.132 cá nhân, nhất là đã hoàn thành thanh tra chuyên đề diện rộng việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư, đấu thầu thuốc chữa bệnh; việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai tại 3 tập đoàn, tổng công ty. Công tác đôn đốc, xử lý sau thanh tra, kiểm toán được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực.

Điểm nổi bật là, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng thực hiện nghiêm cơ chế phát hiện, xử lý sai phạm trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; qua kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đã chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý hơn 330 vụ việc có dấu hiệu tội phạm (tăng hơn 3 lần so với năm 2020).

Cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã kịp thời cung cấp thông tin, chuyển tài liệu sai phạm của nhiều cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, kiểm tra, xử lý theo quy định của Đảng. Việc thực hiện cơ chế này, vừa nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, vừa bảo đảm sự đồng bộ, nghiêm minh, kịp thời giữa kỷ luật của Đảng với xử lý hình sự, xử lý kỷ luật hành chính, đoàn thể đối với cán bộ, đảng viên vi phạm.

Khởi tố, điều tra 390 vụ, 1.011 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ

Công tác điều tra, truy tố, xét xử tiếp tục được đẩy mạnh; xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm với quan điểm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai". Các cơ quan chức năng đã phối hợp chặt chẽ, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xác minh, xử lý các vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng, tiêu cực thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Toàn cảnh họp báo chiều 20/1.

Trong năm 2021, cả nước đã khởi tố, điều tra 390 vụ án/1.011 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ. Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, từ sau Phiên họp thứ 19 đến nay, đã khởi tố 10 vụ án/40 bị can; kết thúc điều tra 15 vụ án/150 bị can; truy tố 16 vụ/164 bị can; xét xử sơ thẩm 21 vụ án/179 bị cáo, xét xử phúc thẩm 13 vụ án/74 bị cáo. Điểm nổi bật là, đã khởi tố mới nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp; tiếp tục mở rộng điều tra, kiên quyết, kiên trì đi sâu làm rõ bản chất tham nhũng, tiêu cực trong nhiều vụ án, khởi tố thêm nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, trong đó 10 trường hợp cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Đã kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm vụ án đưa, nhận hối lộ liên quan đến Phan Văn Anh Vũ; một số vụ án xảy ra trong lĩnh vực y tế, lợi dụng phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để trục lợi; các vụ án xảy ra tại Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, An Giang...

Xét xử kịp thời 10 vụ án trọng điểm

Xét xử kịp thời 10 vụ án trọng điểm theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo, gồm: (1) Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Bộ Công thương và Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) liên quan đến dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP Hồ Chí Minh;

(2) Vụ án "Buôn lậu; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan;

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường phát biểu tại họp báo.

(3) Vụ án "Đưa hối lộ; môi giới hối lộ; nhận hối lộ" liên quan đến Phan Văn Anh Vũ;

(4) Vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Công ty Cổ phần hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí Ethanol Phú Thọ và Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam;

(5) Vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên;

(6) Vụ án "Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội;

(7) Vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi;

(8) Vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, liên quan đến các quân nhân thuộc Bộ Quốc phòng;

(9) Vụ án "Tham ô tài sản; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty Phát triển Gòn (SADECO) và các đơn vị liên quan:

(10) Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Tham ô tài sản; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn.

Thu hồi hơn 31.000 tỷ đồng tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt

Công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án chuyển biến tích cực, các cơ quan chức năng đã thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 15.000 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị lớn. Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ năm 2013 đến nay đã thu hồi được hơn 31.000 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 33,33%); trong đó, năm 2021 đã thu hồi được trên 9.000 tỷ đồng (tăng hơn 7.100 tỷ đồng so với năm 2020). Nhất là, đã thu hồi được số tiền gần 2,7 triệu USD và 127.000 đô la Singapore của Phan Sào Nam ở nước ngoài.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học thông báo kết quả Phiên họp thứ 21.

Công tác phối hợp, chấn chỉnh, xử lý sai phạm, tiêu cực trong các cơ quan có chức năng PCTN, tiêu cực được tăng cường. Các cơ quan chức năng trong Công an, Quân đội đã chủ động phát hiện, xử lý kỷ luật 98 CBCS; Tòa án, Viện Kiểm sát, Thi hành án dân sự, thanh tra, kiểm toán đã xử lý kỷ luật 50 cán bộ, công chức có sai phạm, tiêu cực; Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố, điều tra 26 vụ án/32 bị can về tội tham nhũng, chức vụ, tiêu cực xảy ra trong hoạt động tư pháp.

Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương có nhiều chuyển biến tích cực. Trong năm 2021, tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã khởi tố mới án tham nhũng; trong đó nhiều địa phương đã điều tra, xử lý nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm (như: Đồng Nai, An Giang, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Phú Yên, Hà Nội, Sơn La...).

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN, tiêu cực; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, báo chí và Nhân dân trong công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực.

Quỳnh Vinh

Liên hoan phim (LHP) châu Á Đà Nẵng là cuộc chơi nghề nghiệp thực sự, không có bất kỳ sự nể nang nào trong tuyển chọn và tôn vinh các tác phẩm, nghệ sĩ. Ban giám khảo không thiên vị, rất thẳng thắn, Ban tổ chức cũng phải đợi đến “sát nút” lễ trao giải mới biết được kết quả.

Tại Hội trường Tỉnh ủy Khánh Hòa chiều nay 2/11 đã diễn ra hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về điều động, chỉ định giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhiệm kỳ 2020-2025.

Hiện tượng lừa đảo dưới danh nghĩa bói toán, cúng giải hạn chưa bao giờ bớt “nóng”. Những kẻ lừa đảo tự xưng là “thầy”, là “cô” có khả năng đặc biệt, am hiểu về tâm linh, bói toán và cúng bái, hứa hẹn có thể hóa giải mọi xui rủi và mang lại bình an, tài lộc cho người đến xem.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan. Trong đó, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận cùng bị đề nghị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Làm thế nào để sinh viên ra trường có tính “thực chiến”? Giải pháp nào để gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp? Đào tạo những kiến thức nhà trường có hay những kiến thức, kỹ năng doanh nghiệp cần?... Đó là những vấn đề nóng được đưa ra bàn thảo tại sự kiện.

Thời gian qua, các Ban quản lý dự án (QLDA) đầu tư công trên địa bàn tỉnh Quảng Trị liên tục phát hiện các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khảo sát, tư vấn, thiết kế và xây dựng dân dụng, trong quá trình tham gia đấu thầu dự án đầu tư công trên địa bàn, đã tinh vi thực hiện nhiều hành vi gian lận khác nhau nhằm trúng thầu, nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng.   

Kể từ niên học 2018-2019, ngoài các môn học bắt buộc và các hoạt động tự chọn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, các trường học còn triển khai thêm “nội dung giáo dục của địa phương” chiếm 20% thời lượng giảng dạy. Sau 5 năm, “Tài liệu giáo dục địa phương” được thực hiện ở các tỉnh, thành nhưng kết quả dường như chưa được như mong muốn. Sự lúng túng và sự bất cập ấy có thể hình dung ra sao và cần cải thiện thế nào?

Tuần tra hóa trang kết hợp công khai xuyên đêm, lực lượng CSGT đã kịp thời phát hiện, xử lý gần 40 "quái xế" càn quấy, vi phạm trật tự an toàn giao thông khiến người dân bức xúc.

Ngày 2/11, thông tin từ Đồn biên phòng Cửa khẩu Hoàng Diệu, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước cho biết, đơn vị phối hợp với Công an huyện Bù Đốp và các lực lượng hữu quan bắt quả tang 2 đối tượng vận chuyển trái phép gần 150kg pháo nổ từ biên giới Campuchia về Việt Nam tiêu thụ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文