Chủ tịch nước: Phải thi đua thực tế hơn, chấm dứt hình thức
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị việc khen thưởng phải chặt chẽ, đúng quy trình. Thi đua phải là một cuộc cách mạng, khen thưởng phù hợp, tránh tình trạng chú trọng khen thưởng mà không chú trọng phong trào thi đua.
Ngày 23/10, thảo luận tại tổ về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị việc khen thưởng phải chặt chẽ, đúng quy trình. Thi đua phải là một cuộc cách mạng, khen thưởng phù hợp, tránh tình trạng chú trọng khen thưởng mà không chú trọng phong trào thi đua. Nếu phong trào thi đua được phát động mạnh mẽ theo chuyên đề hàng năm, hàng quý thì nhất định sẽ hiệu quả hơn.
Nên tôn vinh những nhà thiện nguyện
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các đơn vị, ngành chức năng nên có hình thức tôn vinh những cá nhân, tổ chức, các tuyến đầu và tuyến sau trong phòng, chống COVID-19. Ngoài lực lượng các y bác sĩ, Công an, Quân đội, còn rất nhiều cá nhân, tập thể, tổ chức là những tấm gương điển hình rong công tác phòng, chống COVID-19. Họ là những nhà thiện nguyện, có người đóng góp hàng nghìn tỷ nhưng không hề tính toán, không cần nêu tên.
Bao nhiêu tấm gương điển hình bán từng ổ trứng gà, mảnh đất để hỗ trợ. Có người dân xông pha nấu rất nhiều suất cơm mấy năm trời để phục vụ người lao động. Đó là những hình ảnh tuyệt vời, thì nên tôn vinh cá nhân, tập thể đó nhằm thôi thúc dân tộc ta, tạo tính nhân văn, thương yêu, đoàn kết, quyết tâm xây dựng đất nước vượt qua khó khăn...- Chủ tịch nước chia sẻ.
Chủ tịch nước cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế khi chúng ta tập trung nhiều vào khen thưởng mà chưa chú trọng phát động phong trào thi đua một cách mạnh mẽ trong các tầng lớp Nhân dân, việc phát huy chưa sâu rộng.
“Chúng ta cần có hình thức làm cho phù hợp. Sự nghiệp cách mạng là của quần chúng. Cả một thế hệ đoàn kết của dân tộc mà chuyển động thì phong trào quần chúng mới chuyển động. Phải thi đua thực tế hơn, chấm dứt hình thức”- Chủ tịch nước nêu rõ.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, phong trào thi đua khen thưởng cần phải được thấm sâu vào từng cơ quan, đơn vị để tạo thành phong trào trong quần chúng. Cần khắc phục những tồn tại, hạn chế về hình thức chưa đi vào thực chất.
“Có hiện tượng chạy thành tích, dùng hình thức khen thưởng để nâng lương, thăng cấp hàm. Có những ngành tôi ký quá mỏi tay vì khen thưởng nhiều quá”- Chủ tịch nước cho biết.
Bỏ quy định thời gian 5 năm 1 lần xét tặng danh hiệu Anh hùng
Một trong những điểm mới trong dự thảo Luật Thi đua khen thưởng sửa đổi lần này, Bộ Nội vụ đã bổ sung tiêu chuẩn phong tặng và truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân nhân dân”, danh hiệu “Anh hùng Lao động” đối với cá nhân, tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất và bỏ quy định về thời gian 5 năm 1 lần xét tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” và danh hiệu “Anh hùng Lao động”.
Bổ sung quy định Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định thẩm quyền công nhận danh hiệu “Đơn vị tiên tiến”, “Tập thể lao động tiên tiến” ,“Chiến sĩ tiên tiến”, “Lao động tiên tiến” trong QĐND, CAND.
Ngoài ra, Dự thảo cũng bổ sung quy định: “Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét, đề nghị Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương, Huy chương cho đại biểu Quốc hội và các tập thể, cá nhân...;
Bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”, quy định rõ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội được tặng Kỷ niệm chương; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tặng Huy hiệu để phù hợp với thực tiễn và thống nhất hình thức khen thưởng.