Chủ tịch Quốc hội đón và hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Pháp

18:00 08/12/2022

Tại buổi hội đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Thượng viện Pháp sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài từ châu Âu, trong đó có Pháp.

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Pháp Gérard Larcher thăm chính thức Việt Nam ngày 8-9/12/2022.

Sáng 8/12, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì lễ đón Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher và Đoàn đại biểu cấp cao Thượng viện Pháp. Ngay sau lễ đón, hai bên đã tiến hành hội đàm.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Pháp Gérard Larcher chụp ảnh chung. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thay mặt Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nồng nhiệt hoan nghênh ngài Gérard Larcher và các Nghị sỹ Thượng viện Pháp thăm chính thức Việt Nam. Chuyến thăm là sự kiện quan trọng trong quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp và hai nước; có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hai nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973-2023), 10 năm Ngày hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược (2013-2023). 

Đây là dịp để hai bên cùng điểm lại những kết quả đã đạt được trong quan hệ song phương và phương hướng thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp.

Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Quốc hội Việt Nam dành cho đoàn. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên tại châu Á của Chủ tịch Thượng viện Pháp trong nhiệm kỳ thứ hai.

Tại cuộc hội đàm, trong không khí thân tình, cởi mở, hai bên đã trao đổi về việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và chia sẻ kinh nghiệm lập pháp.

Về chính trị, hai bên thống nhất tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Pháp, một nước có vị trí, vai trò quan trọng ở châu Âu và trên thế giới. Việt Nam mong muốn làm sâu sắc thực chất hơn quan hệ Đối tác chiến lược hai nước cả kênh chính đảng, Nghị viện, Chính phủ, giao lưu nhân dân, giao lưu văn hoá.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm với Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Pháp Gérard Larche tại Nhà Quốc hội, sáng 8/12/2022. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher khẳng định Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong chính sách đối ngoại của Pháp. Việt Nam cũng có vị trí, vai trò rất quan trọng trên trường quốc tế nói chung và ở khu vực ASEAN nói riêng. Trong năm 2020, khi Việt Nam giữ chức Chủ tịch ASEAN, Pháp đã trở thành đối tác phát triển của ASEAN.

Hai bên nhất trí cho rằng, quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Thượng viện Pháp được thực hiện trên cơ sở Thỏa thuận hợp tác được ký kết năm 2003 đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Hai bên sẽ tiếp tục trao đổi để cập nhật, sửa đổi thỏa thuận hợp tác phù hợp với tình hình mới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ mong muốn hai bên tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ quan chuyên môn, các nhóm nghị sỹ hữu nghị, nhóm nghị sỹ nữ và nhóm nghị sỹ trẻ. Năm 2023, Việt Nam dự kiến sẽ đăng cai Hội nghị nghị sỹ trẻ toàn cầu. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong cả Thượng viện và Hạ viện Pháp ủng hộ, cử đoàn đại biểu sang Việt Nam tham dự.

Chia sẻ về chương trình xây dựng luật của Quốc hội Việt Nam, đặc biệt là những dự án luật liên quan tới y tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ mong muốn hai bên tăng cường trao đổi kinh nghiệm lập pháp trong lĩnh vực này.

Nhất trí với Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Thượng viện Pháp khẳng định sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm lập pháp với Việt Nam, trong đó có lĩnh vực y tế đang nhận được rất nhiều sự quan tâm tại Thượng viện Pháp, nhất là sau đại dịch COVID-19.

Bên cạnh tăng cường quan hệ hợp tác ở cấp cao, hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa các địa phương hai nước. Chủ tịch Thượng viện Pháp cho biết, Thượng viện Pháp là cơ quan đại diện cho các địa phương của Pháp. Vì vậy, Thượng viện Pháp rất mong các địa phương giữa hai nước tăng cường hợp tác.

Tháng 4/2023, Hà Nội sẽ là nơi tổ chức Hội nghị lần thứ 12 về hợp tác giữa các địa phương của Pháp và Việt Nam. Hiện nay đã có 55 dự án hợp tác giữa hơn 20 địa phương của Pháp và hơn 30 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Chủ tịch Thượng viện Pháp khẳng định sẽ chuyển thông điệp hết sức mạnh mẽ tới các địa phương của Pháp về mong muốn tăng cường hợp tác giữa các địa phương hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội Việt Nam thiết lập cơ chế mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có một Đoàn đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát các hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quốc hội Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và các địa phương của Pháp trên cả phương diện chính quyền cũng như cơ quan đại biểu của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn cơ quan nghị viện hai nước tổ chức hoạt động nhân sự kiện hội nghị hợp tác địa phương giữa Pháp và Việt Nam tại Hà Nội trong năm 2023, với sự tham dự của các nghị sỹ/đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các địa phương.

Hai Chủ tịch cùng khẳng định mong muốn hai nước thúc đẩy hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư. Chủ tịch Thượng viện Pháp nhấn mạnh doanh nghiệp Pháp rất năng động, muốn đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam và Liên minh châu Âu đã có Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA). Nhấn mạnh rằng Pháp là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ EVFTA, Chủ tịch Thượng viện Pháp mong Pháp và Việt Nam tăng cường hợp tác, thúc đẩy áp dụng EVFTA.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Pháp chưa tương xứng với tiềm năng của mối quan hệ giữa hai nước. Hai bên chưa khai thác hiệu quả Hiệp định EVFTA. Hai nước cần thúc đẩy các hoạt động xuất, nhập khẩu song phương, không chỉ ở cấp Trung ương mà cả ở cấp địa phương.

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thượng viện Pháp sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài từ châu Âu, trong đó có Pháp.

Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp xử lý những tồn đọng phát sinh và đẩy nhanh thực hiện các dự án do Pháp tài trợ ở Việt Nam. Với chức năng giám sát, hai cơ quan lập pháp có thể phối hợp tăng cường giám sát các dự án đầu tư công, những dự án Pháp tài trợ cho Việt Nam được thực hiện hiệu quả hơn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Việt Nam muốn cải tạo cầu Long Biên trở thành cầu đi bộ, không gian văn hóa; đề nghị Pháp hợp tác, hỗ trợ khôi phục, chỉnh trang cầu Long Biên. Chia sẻ ông vừa đi thăm cầu Long Biên sáng cùng ngày, Chủ tịch Thượng viện Pháp cho biết ý chí chính trị về việc hai bên hợp tác trùng tu cầu Long Biên đã có từ lâu; hy vọng hai bên sớm triển khai những phần việc cụ thể để tiến hành việc trùng tu.

Tại hội đàm, hai Chủ tịch cùng cho rằng cần tiếp tục tăng cường hợp tác giáo dục, đào tạo; số sinh viên Việt Nam học tập tại Pháp còn thấp. Việc Pháp tăng thêm học bổng cho sinh viên Việt Nam là rất cần thiết, bởi điều đó không chỉ giúp phát triển nguồn nhân lực mà còn là một “sợi dây” văn hóa kết nối hai dân tộc và là nhịp cầu hữu nghị kết nối hai đất nước.

Về hợp tác đa phương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng hai bên đã hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế; mong muốn thời gian tới Thượng viện Pháp và Quốc hội Việt Nam tiếp tục phối hợp nhiều hơn nữa trong các diễn đàn đa phương như IPU, ACEP, Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APPF), đây là một trọng điểm hoạt động của Quốc hội, trong đó có nội dung thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SDGs của Liên hợp quốc, Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU). 

Chủ tịch Thượng viện Pháp nhất trí cao với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đồng thời đề xuất hai bên thiết lập cơ chế trao đổi trước khi cùng tham dự các diễn đàn hợp tác đa phương để nâng cao hiệu quả hợp tác.

Tại hội đàm, hai chủ tịch khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Nhân dịp này, Chủ tịch Thượng viện Gérard Larcher trân trọng mời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Cộng hòa Pháp. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã vui vẻ nhận lời mời.

Theo Vietnamplus

Đại úy Lê Thị Hồng Lụa là cô giáo ở Trường Giáo dưỡng số 2, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an. Ngoài truyền đạt kiến thức văn hóa cho học sinh, Đại úy Lê Thị Hồng Lụa còn uốn nắn, dạy dỗ, giáo dục những học sinh từ lầm lì, khép kín, ngỗ nghịch đi vào nền nếp, kỷ cương, trở thành người lương thiện để khi hết thời hạn, các em về với gia đình, trở thành người có ích cho xã hội. Nhiều năm miệt mài làm người “chở đò”, với biết bao tâm huyết, công sức, những kỷ niệm về sự hướng thiện của các em học sinh ở ngôi trường “đặc biệt” vẫn luôn là động lực để Đại úy Lê Thị Hồng Lụa thêm say mê, yêu quý nghề. 

Trận lũ quét xảy ra hôm 29/10 vừa qua đã để lại những hậu quả nặng nề về người và của, nằm ngoài tiên lượng của giới chức chính trị Tây Ban Nha và nghiêm trọng hơn, nó còn khiến cho giới chức chính trị Tây Ban Nha chỉ trích và đỗ lỗi cho nhau trong cách ứng phó thiên tai.

Phòng, phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cầu Treo BĐBP Hà Tĩnh, Phòng Cảnh sát kinh tế Công An tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Chi cục Hải Quan cửa khẩu quốc tế Cầu Treo bắt giữ 1 đối tượng vận chuyển trái phép 212 kg pháo hoa qua biên giới.

Trưa 16/11, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, vừa phối hợp cùng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) và các đơn vị nghiệp vụ liên quan triệt phá đường dây vận chuyển 58 kg ma túy.

Chủ đề thảo luận của Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 29 (COP29) là vấn đề tiền bạc. Ai sẽ chi trả cho các nước đang phát triển để giải quyết hậu quả của biến đổi khí hậu?

Dù 930 căn hộ đã được bàn giao cho cư dân từ năm 2019, nhưng đến tháng 5/2023 chủ đầu tư chung cư Saigon Gateway ở TP Thủ Đức là Công ty CP BĐS Hiệp Phú Land (HPL) mới có văn bản đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các sở, ngành liên quan cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (sổ hồng) cho cư dân. Tình trạng này khiến người mua nhà phản ứng gay gắt về việc chậm được cấp sổ hồng…

Lễ trao Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" năm 2024 đã diễn ra vào sáng ngày 16/11. Đây là giải thưởng do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực.

Thời gian qua, chính quyền địa phương, các ban ngành, nhất là Công an TP Hồ Chí Minh và các quận, huyện đã vận dụng tối đa nguồn lực, trở thành điểm tựa, hỗ trợ cho những người từng lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, lao động vươn lên trong cuộc sống…

Xung đột Israel-Palestine từ lâu đã trở thành tâm điểm trong quan hệ quốc tế, với giải pháp hai nhà nước được nhiều người coi là chìa khóa để đạt được hòa bình lâu dài. Tuy nhiên, sau nhiều năm chiến tranh và đau thương, phần lớn người Palestine đã mất niềm tin vào giải pháp này, cho rằng đó là một giấc mơ không thể thành hiện thực.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文