Chuyển Cơ quan điều tra 7 vụ việc về mua sắm trang thiết bị và vật tư y tế
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa ban hành Thông báo số 154/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT), mua sắm trang thiết bị y tế (TTBYT) và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh.
Theo đó, thanh tra việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; mua sắm TTBYT và vật tư tiêu hao; đấu thầu thuốc chữa bệnh giai đoạn từ 2014-2018 tại Bộ Y tế (thanh tra tại Bộ Y tế và 7 bệnh viện thuộc bộ: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức, K, Nhi Trung ương, Trung ương Huế, Thống Nhất; kiểm tra, xác minh một số gói thầu mua sắm tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh) và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam.
Công tác quản lý TTBYT một số nơi còn nhiều hạn chế
Tại kết luận thanh tra, TTCP đã chỉ rõ việc sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) mua sắm TTBYT và vật tư y tế (VTYT) tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh còn để xảy ra sai phạm, khuyết điểm như quản lý, sử dụng quỹ BHYT vẫn còn nhiều bất cập; vẫn còn hiện tượng đầu tư TTBYT dàn trải, một số ít được đầu tư mua sắm nhưng chưa được sử dụng, khai thác có hiệu quả do công tác xây dựng kế hoạch chưa sát. Công tác quản lý TTBYT một số nơi còn nhiều hạn chế, công tác đấu thầu mua sắm thiếu chặt chẽ, khách quan, còn sai phạm; chưa sử dụng hết hiệu quả công suất thiết bị, lạm dụng kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị.
Căn cứ các vi phạm nghiêm trọng về đấu thầu mua sắm TTBYT và VTYT tiêu hao, thuốc chữa bệnh và một số nguyên nhân khác, TTCP đã có văn bản chuyển Cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý 7 vụ việc gồm: Hồ sơ về gói thầu số 02 và gói thầu số 05 đấu thầu tập trung năm 2017 tại Trung tâm MSTTQG liên quan đến Liên danh Công ty UNI- Văn Lang; Hồ sơ việc thực hiện liên doanh, liên kết, máy đặt tại Bệnh viện Bạch Mai; Thông tin việc mua sắm Robot hỗ trợ phẫu thuật sọ não có sử dụng công nghệ lập kế hoạch và giải pháp PACS tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa- xã hội TP Hà Nội; Thông tin việc mua sắm TTBYT, VTYT tiêu hao tại Bệnh viện Tim Hà Nội đối với 10 gói thầu chỉ định thầu rút gọn năm 2018; mua sắm trực tiếp dụng cụ và VTYT tiêu hao năm 2018; gói thầu “Mua sắm hệ thống máy Cộng hưởng từ bằng nguồn kinh phí quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp năm 2018” và gói thầu số 1 "Mua sắm hệ thống máy chụp cắt lớp vi tính năm 2019”; Thông tin việc thực hiện Gói thầu “Cung cấp và lắp đặt hệ thống xạ trị gia tốc dưới hướng dẫn hình ảnh” thuộc Dự án “Đầu tư TTBYT cho khu khám, chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao của Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh”; Thông tin về việc cấp giấy phép nhập khẩu TTBYT trái quy định, có dấu hiệu lợi ích nhóm ở Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế; Thông tin về việc đấu thầu mua sắm thiết bị đối với gói thầu TB-05/2014 "Cung cấp lắp đặt thiết bị xạ trị 1” và gói thầu TB-06/2014 "Cung cấp và lắp đặt thiết bị xạ trị 2” tại Bệnh viện K.
Có dấu hiệu lợi ích nhóm
Cũng theo kết luận, Bộ Y tế còn buông lỏng công tác quản lý nhà nước về TTBYT và VTYT tiêu hao. Công tác quản lý giá TTBYT và VTYT tiêu hao còn yếu kém, việc thẩm định phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm còn hạn chế, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh…Việc cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị y tế còn sai phạm, có dấu hiệu lợi ích nhóm và dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, vi phạm những việc cán bộ, công chức không được làm quy định tại Luật Phòng chống tham nhũng.
Tại BHXH Việt Nam, TTCP cũng chỉ rõ, trích lập quỹ dự phòng BHYT, chi phí quản lý quỹ BHYT năm 2016, 2017 còn trích thiếu số tiền quỹ dự phòng BHYT hơn 172 tỷ đồng. Tuy nhiên, BHYT Việt Nam đã khắc phục, hoàn trả quỹ dự phòng BHYT vào năm 2020. Gửi tiền tại 5 ngân hàng thương mại không có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Việc giao dự toán chi BHYT cho các cơ sở y tế chậm, giá trị năm sau thấp hơn số tiền thanh toán năm trước. Công tác thanh, quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT còn chậm, không thực hiện đúng quy định. Quỹ BHYT mất cân đối thu chi với tỷ lệ gia tăng, có nguyên nhân nợ đóng BHYT của các đối tượng đóng BHYT theo quy định. BHXH Việt Nam vẫn chưa hoàn thành giải ngân số tiền hơn 518 tỷ đồng các khoản mua sắm TTBYT, phương tiện vận chuyển người bệnh từ nguồn 20% kinh phí kết dư quỹ khám chữa bệnh BHYT năm 2015…
TTCP cho rằng trách nhiệm để xảy ra những sai phạm trong việc TTBYT trên thuộc lãnh đạo Bộ Y tế được giao phụ trách lĩnh vực này thời kỳ 2014-2018, các đơn vị, cá nhân khác của Bộ có liên quan. Trách nhiệm trong việc quản lý sử dụng quỹ BHYT của BHXH Việt Nam thuộc lãnh đạo phụ trách lĩnh vực của cơ quan này cũng trong thời kỳ 2014-2018.
TTCP kiến nghị Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, UBND TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội tổ chức kiểm điểm trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật với các tổ chức, cá nhân có sai phạm được nêu trong kết luận.