Chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng nếu giám sát phát hiện dấu hiệu sai phạm

10:10 04/11/2021

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc thực hiện các kiến nghị giám sát nhằm nâng cao năng lực hoạt động giám sát của Quốc hội chứ không chỉ đưa ra ý kiến theo kiểu "ai thực hiện thì thực hiện, không thực hiện thì thôi".

Sáng nay, 4/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) năm 2022.

Đồng chủ trì hội nghị có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Trần Quang Phương; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu phòng Tân Trào, Tòa nhà Quốc hội có đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các ban, bộ, ngành Trung ương. Tại điểm cầu địa phương có đại diện lãnh đạo thường trực tỉnh, thành ủy, UBND, HĐND, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH)...

Huy động tổng lực các cơ quan tham gia giám sát

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, giám sát là một trong những chức năng cơ bản của Quốc hội được quy định trong Hiến pháp và trong chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị.

"Trong phát biểu khi nhậm chức Chủ tịch Quốc hội của tôi trước Quốc hội đã khẳng định, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giám sát là một nội dung trọng tâm của đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong khóa XV này. Chính vì lẽ đó, bắt đầu từ năm 2021, để chuẩn bị cho các chương trình giám sát năm 2022, UBTVQH đã nghiên cứu và lựa chọn các chuyên đề giám sát một cách sát đúng nhất, đáp ứng yêu cầu của chúng ta trong giai đoạn hiện nay", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nét đổi mới của năm nay là, để có thêm thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng các đề cương, chương trình giám sát chi tiết, UBTVQH đã báo cáo trình Quốc hội đồng ý ban hành Nghị quyết phê chuẩn chương trình giám sát. Còn việc thành lập đoàn giám sát cụ thể và xây dựng đề cương, kế hoạch giám sát chi tiết của từng chuyên đề thì giao UBTVQH.

Trong năm 2022, theo Nghị quyết của Quốc hội và UBTVQH, chúng ta tiến hành 4 cuộc giám sát chuyên đề, trong đó có 2 cuộc giám sát tối cao của Quốc hội về "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành" và "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021". Ngoài ra, UBTVQH đã quyết định 2 chuyên đề giám sát thuộc trách nhiệm của mình là "Việc thực hiện  pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021" và "Việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021".

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đồng chí chủ trì hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong thời gian vừa qua, mặc dù bận nhiều công việc khác nhau nhưng UBTVQH đã tập trung công sức, dành nhiều thời gian và nguồn lực cho việc chuẩn bị công tác này; huy động một lực lượng rất lớn không chỉ Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, các vị ĐBQH mà còn huy động sự đóng góp rất cụ thể của các cơ quan chức năng rất sâu sát trong lĩnh vực này. Các kế hoạch, đề cương chi tiết được thảo luật rất kỹ, qua nhiều vòng, nhiều lần.

"UBTVQH đã dành thời gian thích đáng cho việc xem xét, quyết định ban hành các đoàn giám sát cũng như đề cương chi tiết cho các cuộc giám sát. Bản thân khâu tổ chức đã đảm bảo 50% thành công. Đã giám sát là phải có hiệu quả, hiệu lực, công tác giám sát phải làm đến nơi đến chốn, theo tận cùng các vấn đề. Có phương pháp giám sát tổng hợp, giám sát chi tiết rất khoa học, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, phải huy động tổng lực các cơ quan chức năng, các lực lượng tham gia", Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Thất thoát do lãng phí thậm chí còn lớn hơn tham nhũng

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, cần phải theo dõi cả việc thực hiện các kiến nghị giám sát. UBTVQH đề nghị phải xác định được trách nhiệm giải trình của các tổ chức, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan, trách nhiệm của người đứng đầu đối với các vấn đề được giám sát. Có như thế thì sau kết luận giám sát mới hy vọng tạo được những chuyển biến căn bản trong từng lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và cử tri cả nước, đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước ta trong từng giai đoạn.

"Ví dụ, giám sát chuyên đề về giải quyết khiếu nại tố cáo và tiếp công dân, chúng ta có thể kiến nghị kiểm đếm, thống kê các vụ việc nổi cộm cụ thể, yêu cầu các cơ quan liên quan phải có trách nhiệm giải quyết rốt ráo, như trước đây chúng ta đã làm ở khóa XIII", ông dẫn chứng.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Về giám sát công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Chủ tịch Quốc hội đề nghị sau giám sát phải tạo được chuyển biến căn bản về việc này. "Nước ta còn nghèo, nguồn lực, vật lực còn khó khăn nên càng phải tiết kiệm. Mà thất thoát do lãng phí đôi khi chẳng kém gì tham nhũng, thậm chí lớn hơn rất nhiều. Sau cuộc giám sát, chúng ta phải chỉ ra được những nơi làm tốt, những mô hình hay để nhân rộng, biểu dương, khen thưởng kịp thời; đồng thời những chỗ, lĩnh vực yếu kém phải có kiến nghị giải quyết, tạo ra chuyển biến trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, trong phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực", Chủ tịch Quốc hội phân tích. Ông nhấn mạnh, ngay cả những nguồn lực phòng, chống dịch, năm nay UBTVQH yêu cầu Kiểm toán nhà nước phải vào cuộc để làm rõ những vấn đề mà dư luận cả nước quan tâm...

Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, 4 chuyên đề giám sát lần này đều có ý nghĩa, vai trò, vị trí quan trọng, hết sức thời sự. Trong đó, mục đích của việc tổ chức hội nghị này nhằm tạo sự thống nhất và chủ động của các cơ quan trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2022, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội. Làm cơ sở để theo dõi, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện các yêu cầu trong hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH năm 2022. Đồng thời, góp phần tiếp tục đổi mới, tạo dấu ấn, lan tỏa cảm hứng hành động, sáng tạo, chuyên sâu trong hoạt động giám sát; giám sát đúng và trúng, chỉ rõ địa điểm, quy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và kiến nghị, đề xuất sửa đổi chính sách, pháp luật nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật của Nhà nước.

"UBTVQH yêu cầu, nếu trong quá trình giám sát phát hiện dấu hiệu sai phạm đối với tất cả các lĩnh vực thì sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng để nâng cao năng lực hoạt động giám sát của Quốc hội chứ không chỉ đưa ra ý kiến theo kiểu ai thực hiện thì thực hiện, không thực hiện thì thôi. Do đó, phương pháp giám sát phải khoa học, tổ chức giám sát phải chặt chẽ, cán bộ tham gia giám sát phải có bản lĩnh. Cũng sẽ có cách để giám sát lại những người đi giám sát, làm đến nơi đến chốn, vì mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Quỳnh Vinh

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đại diện cử tri, thực hiện những quyền hạn, nhiệm vụ về giám sát, bảo vệ lẽ phải, giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Từ vụ án của ông Lưu Bình Nhưỡng và ông Lê Thanh Vân cho thấy, cần xem xét bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc giám sát ĐBQH tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và góp phần phòng ngừa vi phạm.

Thông tin trên được Tỉnh ủy Lâm Đồng công bố tại hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 15/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII diễn ra ngày 27/12.

Ngày 27/12, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, Trường Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (Saigon Star International School) gồm Trường Mẫu giáo Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn và Trường tiểu học Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chưa được Sở cấp phép hoạt động giáo dục.

UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành liên quan loại bỏ chức năng nhà ở thương mại đối với lô đất 94 Lò Đúc. Ngay trong nửa đầu năm 2025, Hà Nội sẽ hoàn thành công tác đầu tư theo hướng xây dựng không gian hiện đại về thương mại - dịch vụ. 

Ngày 27/12, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh vừa ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Đức Hòa (SN 1989, trú tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) và Võ Thành Đạt (SN 2000, trú tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hai phóng viên đến mỏ cát trên địa bàn xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình và đe dọa sẽ viết bài liên quan đến các sai phạm của mỏ cát này và yêu cầu chủ mỏ cát phải chung chi 50 triệu đồng để bỏ qua.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文