Có tình trạng lợi dụng dân chủ để chống đối, xuyên tạc gây mất ANTT

12:15 23/03/2022

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh khi thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 23/3.

Theo Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày, việc ban hành Luật sẽ kịp thời thể chế hóa chủ trương phát huy rộng rãi dân chủ XHCN với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" được đặc biệt nhấn mạnh trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và tiếp tục cụ thể hóa quyền làm chủ của Nhân dân, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, trên cơ sở đó góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình.

Dự thảo Luật gồm 6 chương, 49 điều, với các điểm mới: Bổ sung nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó bổ sung quy định về ủy quyền thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở và nghĩa vụ kịp thời phản ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...

Tán thành sự cần thiết ban hành Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (UBPL) Hoàng Thanh Tùng cho biết, về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại doanh nghiệp, một số ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ là Luật này chỉ quy định có tính nguyên tắc về việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp nhưng để bảo đảm tương xứng, cân bằng với các loại hình dân chủ ở cơ sở khác, đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật một chương riêng quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp.

Đa số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật nên tập trung quy định việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với doanh nghiệp nhà nước, là nơi trực tiếp quản lý, sử dụng nguồn lực của Nhà nước, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước và kiểm soát tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Ngoài ra, có ý kiến đề nghị không quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp vì cơ chế thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp khác rất nhiều so với dân chủ trong cơ quan nhà nước hay ở xã, phường, thị trấn; các nội dung này đang được quy định tại pháp luật về lao động, trong Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp…

Toàn cảnh phiên họp.

Thảo luận tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị, nên có điều quy định chung cho tất cả các loại hình doanh nghiệp và có quy định sâu hơn với doanh nghiệp nhà nước vì có nhiều nội dung liên quan tổ chức bộ máy, biên chế, ngân sách. Đồng thời, khối doanh nghiệp tư dân, doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài đang chiếm đa số, nếu chỉ quy định ở luật chuyên ngành thì chưa đủ mạnh trong bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. "Xét đến cùng, mục tiêu của vấn đề thực hiện dân chủ ở cơ sở phải được thiết kế theo hướng đảm bảo tương thích đời sống dân sinh, dân trí, dân chủ, dân quyền", bà nêu quan điểm.

Dẫn chứng tình trạng đình công, lãn công, khiếu kiện đông người có nguyên nhân từ việc không công khai thông tin cho người lao động về tăng giờ làm, trả lương, phúc lợi xã hội..., Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cương lưu ý, câu chuyện liên quan đến doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân có sự khác nhau, cần luật hóa một số quy định cụ thể, doanh nghiệp nhà nước cần công khai cái gì, tư nhân thì ra sao. Quan trọng là điều kiện làm việc, quan hệ lao động cần phải được bàn bạc, thỏa thuận thống nhất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá, đây là luật rất khó, cả về nội dung, hình thức, thiết kế, còn có những vấn đề có ý kiến khác nhau nên cần được nghiên cứu kỹ. Ngoài giá trị nhân văn thì đây cũng là vấn đề nhạy cảm, các thế lực thù địch cũng lợi dụng chống phá, do đó cần tiếp cận một cách thấu đáo, khoa học, rõ ràng nhận thức về dân chủ, khái niệm, nội hàm, quan hệ giữa các yếu tố. Bên cạnh đó, phải đánh giá tác động sâu sắc hơn về các chính sách, tình hình mất dân chủ ở cơ sở dẫn đến khiếu nại, tố cáo, dân mất niềm tin; chế tài xử lý tình trạng lợi dụng chức vụ để bưng bít thông tin, tham nhũng, tiêu cực...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận.

"Còn tình trạng dân chủ hình thức, chưa thật lắng nghe ý kiến Nhân dân. Quyền làm chủ của Nhân dân còn bị vi phạm, rồi tham nhũng, quan liêu, sách nhiễu chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Bên cạnh đó còn có tình trạng lợi dụng dân chủ để chống đối, xuyên tạc gây mất ANTT, chia rẽ nội bộ", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu kinh nghiệm thực tế từng công tác trong lĩnh vực thực hiện dân chủ ở cơ sở, đồng thời đề nghị Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra cần đánh giá rõ vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh,  đây là dự án luật quan trọng và khó vì phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan nhiều chủ thể. Do đó cần được nghiên cứu, đầu tư kỹ lưỡng, kể cả ở cơ quan trình và cơ quan thẩm tra để đảm bảo chất lượng trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 tới. Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, đây là dịp thể thể chế hoá chủ trương, quan điểm lớn của Đảng về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân. Phương châm là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng như văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ. Bởi, suy cho cùng, thành quả của sự nghiệp đổi mới mà dân không tham gia thì không thành công, dân không được thụ hưởng thì không có ý nghĩa...

Kết lại nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ về dự án luật; đồng thời đề nghị Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật, trong đó chống trình trạng lạm dụng, lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật...

An Quỳnh

Chiều 30/4, Công an TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc Phòng Cảnh sát hình sự và Công an quận 12 phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai và Công an tỉnh Bình Dương khám phá vụ án cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn quận 12, đồng thời trao khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân tham gia phá vụ án này.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, có một lực lượng luôn “đi trước, về sau” bảo đảm công tác điều trị, phục hồi sức khỏe cho các chiến sĩ. 70 năm qua, ký ức về những ngày tháng gian khổ tham gia điều trị, cứu thương cho bộ đội vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của người y sĩ Nguyễn Văn Minh, năm nay đã bước sang tuổi 97.

Chiều 30/4, tại khu vực trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng), nhất là những nơi công cộng, người dân địa phương và du khách vẫn đổ ra vui chơi, giải trí, các hoạt động diễn ra bình thường.

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn dường như đã hết hy vọng sau nhiều năm kết hôn vẫn không có con, dù đã chạy chữa nhiều nơi. Nhưng cơ duyên và may mắn, kết hợp với sự tiến bộ của y học hỗ trợ sinh sản, họ đã thực hiện được giấc mơ làm cha, làm mẹ.

Với tinh thần chủ động phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, trong hai ngày liên tiếp, tổ tuần tra Công an xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) đã kịp thời phát hiện, kiểm tra và thu giữ hai khẩu súng do hai đối tượng ở tỉnh Bình Định tàng trữ trái phép.

Một khối không khí lạnh cuối mùa tràn về gây mưa rào và giông từ đêm nay (30/4), chấm dứt đợt nắng nóng kéo dài ở miền Bắc bốn ngày nay. Khoảng từ ngày 3-4/5, nắng nóng có khả năng quay trở lại ở Tây Bắc Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文