Công bố Nghị quyết của Quốc hội về thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương

21:11 29/12/2024

Tối 29/12, tại quảng trường Ngọ Môn (Đại Nội Huế), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế long trọng tổ chức lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã của TP Huế giai đoạn 2023 – 2025.

Đến tham dự buổi lễ có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương; Thượng tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh, thành phố cùng đông đảo nhân dân địa phương.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao Nghị quyết số 175/2024/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 1314/NQ-UBTVQH15 của UBTVQH cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tại buổi lễ, đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã công bố Nghị quyết số 175/2024/QH15 của Quốc hội về thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương và Nghị quyết số 1314/NQ-UBTVQH15 của UBTVQH về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của TP Huế giai đoạn 2023 – 2025.

Kể từ ngày 1/1/2025, Nghị quyết có hiệu lực thi hành, TP Huế sẽ có 9 ĐVHC cấp huyện, gồm 4 huyện, 3 thị xã và 2 quận; 133 ĐVHC cấp xã, gồm 48 phường, 78 xã và 7 thị trấn.

Các đại biểu tham dự lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi lễ.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu đọc diễn văn tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương với tỷ lệ đại biểu Quốc hội tán thành rất cao. Như vậy, từ ngày 1/1/2025, cùng với TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng và TP Cần Thơ, Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam.

Đây không chỉ là niềm tự hào, ước nguyện từ lâu của các thế hệ lãnh đạo, nhân dân TP Huế mà còn mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng cho một địa phương có bề dày lịch sử, văn hóa, một vùng đất địa linh nhân kiệt.

Đông đảo người dân ở Cố đô Huế và du khách đến tham dự buổi lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương.

Để triển khai hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu cấp ủy, chính quyền TP Huế có kế hoạch cụ thể, rõ ràng, khả thi để giải quyết những khó khăn, thách thức khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

TP Huế cần tập trung ưu tiên cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu; ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế; phát triển du lịch dựa trên nền tảng phát huy giá trị di sản, văn hóa; phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng phát triển đô thị, hạ tầng sản xuất và phát triển kinh tế. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh.

Đặc biệt chú trọng thực hiện các chính sách đổi mới khoa học, công nghệ hướng tới phát triển xanh đáp ứng mục tiêu đề ra tại các chiến lược và chương trình quốc gia về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, sử dụng công nghệ sạch; thường xuyên quan tâm phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bị ảnh hưởng do thiên tai, biến đổi khí hậu.

Chương trình nghệ thuật tại quảng trường Ngọ Môn (Đại Nội Huế).

“Đề nghị Chính phủ, các Bộ, ban, ngành ở Trung ương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho TP Huế trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong việc hoàn thiện thể chế và tổ chức thực thi pháp luật để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong địa phương. Đẩy mạnh hỗ trợ, hợp tác với các tỉnh, thành phố khác, để tạo động lực phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Tôi tin tưởng rằng, Huế sẽ tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá để trở thành một thành phố trực thuộc Trung ương bình yên, đáng sống, một Huế xanh, hiện đại, thông minh, hạnh phúc”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Theo Nghị quyết số 175/2024/QH15 của Quốc hội về việc thành lập TP Huế là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên 4.947,11 km2, quy mô dân số là 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo Nghị quyết số 1314/NQ-UBTVQH15 của UBTVQH, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ sắp xếp các ĐVHC cấp xã thuộc TP Huế (thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế trước đây) để làm cơ sở thành lập các quận thuộc TP Huế.

Đó là thành lập các phường: Long Hồ (trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Hương Thọ và phường Hương Hồ); Thuận An (trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số xã Hải Dương và phường Thuận An); Dương Nỗ (trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số xã Phú Dương, xã Phú Mậu và xã Phú Thanh); Thủy Bằng (trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số người của xã Thủy Bằng); Hương Phong (trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Hương Phong).

Đối với các quận thuộc TP Huế, sẽ thành lập quận Phú Xuân trên cơ sở một phần diện tích tự nhiên và quy mô dân số của TP Huế với 13 phường, gồm: An Hòa, Đông Ba, Gia Hội, Hương An, Hương Long, Hương Sơ, Hương Vinh, Kim Long, Long Hồ, Phú Hậu, Tây Lộc, Thuận Hòa và Thuận Lộc. Thành lập quận Thuận Hóa trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của TP Huế với 19 phường gồm: An Cựu, An Đông, An Tây, Dương Nỗ, Hương Phong, Phú Hội, Phú Nhuận, Phú Thượng, Phường Đúc, Phước Vĩnh, Thuận An, Thủy Bằng, Thủy Biều, Thủy Vân, Thủy Xuân, Trường An, Vĩnh Ninh, Vỹ Dạ và Xuân Phú.

Thành lập thị xã Phong Điền thuộc TP Huế trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Phong Điền. Sau khi thành lập, thị xã Phong Điền có 12 ĐVHC cấp xã, gồm 6 phường Phong An, Phong Hải, Phong Hiền, Phong Hòa, Phong Phú, Phong Thu và 6 xã Phong Bình, Phong Chương, Phong Mỹ, Phong Sơn, Phong Thạnh, Phong Xuân.

Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số huyện Nam Đông vào huyện Phú Lộc. Thành lập thị trấn Lộc Sơn thuộc huyện Phú Lộc trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số xã Lộc Sơn…

Anh Khoa

Sáng 4/1, tại xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, Cục Công tác đảng và công tác chính trị, Ban Thanh niên CAND - Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh, Tỉnh đoàn Đắk Lắk cùng các đơn vị đồng hành đã tổ chức Chương trình “Về với buôn làng”.

Bà Hồ Ngọc Bích T. (ngụ TP Cần Thơ) thừa nhận không có bằng chứng chứng minh mối quan hệ bất chính, do ghen tuông, tức giận, nóng vội nên đưa lên những hình ảnh nhạy cảm và nói khống đã 5 lần bắt gặp chồng và nữ nhân viên ngân hàng có mối quan hệ bất chính để mọi người xung quanh đồng tình, đứng về phía mình.

Gói thầu số 06, “Thi công xây dựng công trình và bảo hiểm công trình thuộc Dự án cầu và đường từ bản Uôn đi bản Páng, xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hoá” có vốn đầu tư khoảng 39 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình tham gia dự thầu, cả 3 công ty đều bị chủ đầu tư phát hiện có gian lận hồ sơ tham gia dự thầu.

Bất luận thời tiết không thuận lợi trong những ngày cuối năm, song để đảm bảo về đích đúng tiến độ, thông xe toàn tuyến qua địa bàn Hà Tĩnh trước ngày 30/4/2025, các nhà thầu thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đã tăng cường “3 ca, 4 kíp”, vượt nắng, thắng mưa để thi công trên công trường đảm bảo hiệu suất cao nhất.

Sáng 4/1, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam Đoàn Mai Khanh (SN 1995, trú xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc) về hành vi giết người (Báo CAND đã đưa tin).

Nhà Trắng tuyên bố sẵn sàng ứng phó với "bất cứ hành động khiêu khích hoặc đe dọa nào từ bên ngoài" nhắm vào Hàn Quốc, đồng thời kì vọng Seoul sẽ sớm tìm được một "con đường ổn định".

Mặc dù đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) do vi phạm pháp luật về đất đai, thế nhưng 8 trong số 12 doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp từng bị “tuýt còi” vẫn chưa khôi phục tình trạng ban đầu của đất, thậm chí có hai trường hợp chưa nộp lại đủ số tiền thu lợi bất hợp pháp hơn 1 tỷ đồng từ hành vi VPHC.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文