Công bố Quyết định về chức năng, tổ chức Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương

20:50 15/01/2025

Theo quyết định của Bộ Chính trị, tổ chức bộ máy của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 12 đơn vị, trong đó có 9 vụ địa bàn, giảm được 2 vụ và 7 đầu mối cấp phòng.

Công bố Quyết định về chức năng, tổ chức Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương -0
Đồng chí Hoàng Trọng Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đọc Quyết định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ; tổ chức, bộ máy của các vụ, đơn vị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiều 15/1, tại Hà Nội, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổ chức hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các vụ, đơn vị.

Chủ trì hội nghị, đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh, theo quyết định của Bộ Chính trị, tổ chức bộ máy của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm 12 đơn vị, trong đó có 9 vụ địa bàn, giảm được 2 vụ và 7 đầu mối cấp phòng.

Để đảm bảo hoạt động của Ủy ban, của Cơ quan “không bị gián đoạn, phải liên tục, là một dòng chảy”, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú đề nghị các thành viên phụ trách, các vụ, đơn vị tập trung thực hiện ngay công việc của mình. Trong đó, rà soát lại ngay những việc đang làm để tiếp tục thực hiện kịp thời hoặc những việc phải bàn giao thì bàn giao ngay. Không để công việc bị gián đoạn, bỏ sót, bị chững lại.

“Trong quá trình thực hiện có thể có những vấn đề phát sinh, đề nghị các đồng chí, các vụ, các đơn vị báo cáo với lãnh đạo Ủy ban để xem xét, có định hướng kịp thời”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.

Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Theo quyết định của Bộ Chính trị, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng theo quy định của Điều lệ Đảng và thực các nhiệm vụ do Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao; đồng thời là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng của Trung ương.

Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương có nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện các nhiệm vụ: Chuẩn bị các chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát, các báo cáo, đề án, các vụ việc kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng để Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, quyết định theo thẩm quyền; kiểm tra, giám sát, kiểm soát tài sản, thu nhập đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương được quy định trong Điều lệ Đảng, Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII và nhiệm vụ do Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao; tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác hằng năm do Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định.

Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, các ban đảng ở Trung ương tham mưu, xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận, quyết định của Đảng (theo quy định tại Điều 30 Điều lệ Đảng).

Tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát cấp uỷ, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra cấp dưới về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng; kiểm lại kết luận, thông báo, quyết định của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra cấp dưới về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; tham gia tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Kiểm tra Đảng.

Đề xuất ý kiến đóng góp vào sự lãnh đạo, chỉ đạo chung của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; tham gia ý kiến thẩm định các trường hợp do cơ quan chức năng đề nghị khen thưởng.

Thẩm định các đề án của các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội về những nội dung liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng (là cơ quan chủ trì), Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan giúp Ban Chấp hành Trung ương Đảng theo dõi, giám sát việc thực hiện Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư.Thực hiện hợp tác quốc tế theo quy định của Trung ương.

Phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương trong việc thực hiện công tác cán bộ theo phân cấp quản lý; hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của cơ quan ủy ban kiểm tra tỉnh uỷ, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương.

Tuyên truyền, phổ biến, nghiên cứu, sơ kết, tổng kết về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng...

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương có quyền: Đề nghị Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị trong việc thành lập mới, giải thể, sáp nhập các vụ, đơn vị thuộc Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương; quyết định thành lập các phòng trực thuộc đơn vị của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương; quyết định về công tác cán bộ của Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương theo phân cấp quản lý; kiểm tra, giám sát hoạt động của cán bộ Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương khi cần thiết...

Theo quyết định của Bộ Chính trị, tổ chức bộ máy của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm: Thủ trưởng và các Phó Thủ trưởng Cơ quan. Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương là Thủ trưởng Cơ quan; các phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương là phó thủ trưởng Cơ quan.

Cơ cấu tổ chức của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương gồm Văn phòng và 11 vụ, trong đó có 9 vụ địa bàn.

Theo TTXVN

10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa – đó là những mốc thời gian mà nhiều phạm nhân đang đón Tết ở Trại giam. Dù đón xuân trong hoàn cảnh rất đặc biệt nhưng ai cũng mong có một năm mới vui vẻ hơn, hạnh phúc hơn. Đối với các phạm nhân thì mỗi năm qua đi, họ lại gần hơn một bước để về với gia đình, với cộng đồng.

Một đường dây tội phạm lừa đảo hoạt động dưới vỏ bọc Công ty DH889, có trụ sở tại khu Kim Sa 2 (Campuchia) do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu, nhiều người Việt Nam làm nhân viên. Chỉ trong khoảng thời gian 5 tháng, đường dây này đã lừa đảo của 800 nạn nhân với tổng số tiền khoảng 1.800 tỷ đồng…

Trong những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhiều gia đình tại Hà Nội vẫn giữ truyền thống gói và luộc bánh chưng. Khung cảnh nhiều gia đình túc trực bên cạnh chờ bánh chín được bắt gặp tại nhiều ngõ nhỏ của Thủ đô.

Từ 14h30 chiều 26/1 (tức 27 Tháng Chạp), ở độ cao từ 3.000m trở lên tại đỉnh Fansipan (Lào Cai) đã xuất hiện tuyết rơi với cường độ mạnh. Đây là đợt tuyết đầu tiên xuất hiện tại đây trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đêm giao thừa Tết Ất Tỵ năm nay, lần đầu tiên ngành Đường sắt tổ chức hai đoàn tàu mang tên "Chuyến tàu Xuân" có hành trình từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh và ngược lại. Đoàn tàu khởi chạy vào đêm giao thừa được thiết kế riêng, độc đáo với ngoại thất là những tác phẩm hội họa văn hóa dân gian ngày Tết như chợ hoa, viết thư pháp,  biểu tượng hoa mai và hoa đào tượng trưng cho Tết của hai miền Nam - Bắc...

Tết Nguyên đán đã cận kề, sức mua tăng và thị trường thực phẩm phục vụ Tết vẫn còn dồi dào,  phong phú. Trong đợt cao điểm Tết, Hà Nội đã kiểm tra an toàn thực phẩm tại 6.829 cơ sở, phát hiện 1.001 cơ sở vi phạm, xử phạt 954 cơ sở, với tổng số tiền phạt là hơn 4,8 tỷ đồng.

Tết Nguyên đán, nhất là thời điểm giao thừa, ai cũng muốn được sum họp nhưng với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát hình sự (CSHS) thì khi có án, họ lập tức tạm gác lại niềm vui riêng để lên đường làm nhiệm vụ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.