Công tác nhân sự tại 2 kỳ họp bất thường đạt sự thống nhất cao
Tại hai kỳ họp bất thường, Quốc hội đã xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với 2 đại biểu Quốc hội, phê chuẩn việc miễn nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ và phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ đối với đồng chí Trần Hồng Hà và đồng chí Trần Lưu Quang; xem xét, quyết định việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với đồng chí Nguyễn Xuân Phúc.
Sáng 14/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổng kết kỳ họp bất thường lần thứ 2 và thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, ý kiến của cử tri, nhân dân cả nước và từ tình hình thực tế, UBTVQH đã thảo luận và thống nhất, Kỳ họp bất thường lần thứ 2 mặc dù diễn ra trong 4 ngày vào thời điểm ngay sau Tết Dương lịch và Kỳ họp bất thường lần thứ 3 diễn ra trong 0,5 ngày sát Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 nhưng với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với những kết quả đạt được rất quan trọng.
Quốc hội đã xem xét, thông qua 1 luật, 3 nghị quyết và xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền. "Các nội dung được Quốc hội xem xét, quyết định góp phần tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo", Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu.
Tại kỳ họp bất thường, Quốc hội đã thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Đây là nội dung rất quan trọng và Luật được thông qua sẽ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho người dân.
Với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đây là nội dung lớn, mới, khó, phức tạp, chưa có tiền lệ và được xây dựng lần đầu theo quy định của Luật Quy hoạch, nên đã được Quốc hội dành thời gian thỏa đáng để thảo luận. Sau khi xem xét, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng với đó, Quốc hội đã xem xét, thảo luận kỹ lưỡng và thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 đến ngày 31/12/2024, nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý tiếp tục tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch.
Về một số vấn đề về tài chính, ngân sách, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan…
Về công tác nhân sự, theo Tổng Thư ký Quốc hội, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội đã xem xét, quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu đối với 2 đại biểu Quốc hội, phê chuẩn việc miễn nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ và phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ đối với đồng chí Trần Hồng Hà và đồng chí Trần Lưu Quang. Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội đã xem xét, quyết định việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với đồng chí Nguyễn Xuân Phúc.
"Công tác nhân sự tại 2 kỳ họp được tiến hành thận trọng, chặt chẽ, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, bảo đảm quy trình, thủ tục chặt chẽ theo quy định, đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được sự thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội", Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, việc gửi tài liệu đến đại biểu vẫn còn chậm, gây khó khăn cho đại biểu trong việc nghiên cứu, góp ý; việc bố trí thời gian thảo luận nội dung về quy hoạch còn ít, nhiều đại biểu đăng ký nhưng chưa được phát biểu…
Qua thảo luận, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đồng tình với báo cáo, đánh giá công tác chuẩn bị các kỳ họp rất tốt nên kết quả tốt, hoàn thành mọi nội dung đề ra. Về công tác nhân sự đã bám sát các quy định của Đảng, của luật. "Kỳ họp bất thường lần 2 thời gian ngắn nhưng thông qua các dự án luật, thể hiện sự cố gắng của các cơ quan, nhất là cơ quan thẩm tra, anh em làm việc cả thứ 7, chủ nhật, cả đêm", Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp chia sẻ, song vấn đề cần rút kinh nghiệm vẫn là khâu gửi tài liệu.
Là một trong các Uỷ ban tham gia rất nhiều nội dung trong các kỳ họp bất thường của Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, thời gian để bố trí cho kỳ họp rất ngắn, trong khi khối lượng hồ sơ nhiều, gây áp lực cho các cơ quan thẩm tra, nhiều nội dung phức tạp, khó. Tuy nhiên, Uỷ ban đã khắc phục khó khăn, phát huy trách nhiệm để hoàn thành công việc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, các kỳ họp bất thường vừa qua đã thể hiện tính linh hoạt, bám sát thực tiễn cuộc sống, đặt lợi ích của người dân lên trên hết, trước hết. Qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc không chỉ trong năm 2023 mà cho những năm tiếp theo. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc chuẩn bị "từ sớm, từ xa" phải bắt đầu từ Chính phủ, các cơ quan trình đến các cơ quan của Quốc hội; đồng thời đến từ công tác phối hợp giữa các cơ quan ngay từ đầu thì mới làm tốt được.